Cơ sở hạ tầng chứng khoán: Chưa đáp ứng được những đợt IPO lớn

Áp lực từ đợt IPO lớn như Bảo Việt đã cho thấy những hạn chế về cơ sở hạ tầng trong quy trình đấu giá hai cấp hiện tại. Sáng 31.5, các hòm phiếu đấu giá Bảo Việt được mở tại TTGDCK Hà Nội. Với 20.368 phiếu đăng ký, có thể sẽ mất tới 4 ngày để hoàn thành việc nhập lệnh.

Theo ông Trần Văn Dũng -  GĐ TTGDCK Hà Nội, đây là phiên đấu giá kỷ lục về số lượng NĐT tham dự cũng như thời gian cần thiết để hoàn thành phiên đấu giá.

Xếp hàng chờ... phiếu

Sức hút của cổ phần Bảo Việt thể hiện rõ nhất qua số lượng đăng ký tham gia kỷ lục. Theo thông tin từ TTGDCK Hà Nội, tổng khối lượng đặt mua đạt 389 triệu cổ phần, gấp 6,5 lần lượng chào bán.

Theo quy trình đấu giá hai cấp, nhằm giảm tải cho TTGDCK Hà Nội, NĐT sẽ không nhận và nộp phiếu đấu trực tiếp tại Trung tâm mà thông qua các đại lý đấu giá (các CTCK).

Thực tế những cuộc đấu giá kỷ lục về sức cầu như Bảo hiểm Dầu khí (PVI) vừa qua cho thấy TTGDCK Hà Nội không được thiết kế để đón một số lượng khổng lồ NĐT lên đến hàng ngàn người.

Cảnh chen chúc không thể tưởng tượng nổi nếu trên 20.000 NĐT cá nhân tham gia đăng ký Bảo Việt được tái diễn theo cách đấu giá cũ. Tuy nhiên, giảm tải tại Trung tâm Hà Nội lại gây tắc nghẽn tại các CTCK.

Mặc dù có tới 13 đại lý đấu giá tham gia đợt IPO Bảo Việt nhưng với số lượng NĐT quá đông, cảnh xếp hàng rồng rắn lại xảy ra tại các điểm đăng ký.

Tại CTCK Habubank, đã có trường hợp xảy ra to tiếng giữa NĐT với nhân viên Cty vì chậm nhận được phiếu đấu trong khi hạn nộp đã gần kề.

Một CTCK khác trong TPHCM, NĐT chỉ có thể đến đăng ký nộp tiền và nhận giấy hẹn và... ra về. Có nhiều NĐT đến tận sát hạn nộp mới nhận được "phiếu xanh".

Nghẽn mạch

Với số lượng NĐT cá nhân đăng ký lớn, một tình huống khá bất ngờ đã xảy ra là đường truyền kết nối thông tin giữa TTGDCK Hà Nội và các đại lý bị quá tải. Mặc dù với quy trình đấu giá hai cấp, NĐT nhận phiếu đấu tại CTCK nhưng để in được phiếu này, CTCK phải nhập được lệnh vào hệ thống của trung tâm.

Theo ông Trần Văn Dũng, GĐ TTGDCK Hà Nội, hiện việc kết nối này vẫn được thực hiện qua đường điện thoại (dial up) nên tốc độ và năng lực đáp ứng bị hạn chế dẫn đến việc CTCK không thể nhập được lệnh vào hoặc nhập được nhưng rất chậm.

"Cuộc đấu giá này là sự thử thách phương thức đấu giá hai cấp. Về nguyên tắc đấu giá hai cấp có nhiều ưu điểm nhưng với phiên đấu giá lớn như Bảo Việt cũng cho thấy cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được.

Cụ thể là xảy ra hiện tượng quá tải đường truyền, gây nghẽn khi các đại lý đăng nhập vào hệ thống của trung tâm do hệ thống vẫn sử dụng đường truyền băng thông nhỏ. Khi NĐT dồn dập đến các đại lý thì lệnh vào không kịp và tắc nghẽn cục bộ dù chúng tôi đã huy động toàn bộ 23 đường line hiện có" - ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, trung tâm đã xử lý tình huống bằng cách cho CTCK cử đại diện vào để nhập lệnh trực tiếp. Do vậy đã có tình trạng CTCK phải "nợ phiếu" của NĐT vì phải nhập tại trung tâm trước sau đó mới in phiếu và trả cho NĐT. Đã có nhân viên đại lý phải làm việc từ 4h sáng và kết thúc lúc 11h đêm để kịp trả phiếu cho NĐT trước thời hạn đấu giá.

"Ngay sau cuộc đấu giá Bảo Việt, để chuẩn bị cho các đợt IPO lớn sắp tới, chúng tôi sẽ nâng cấp đường truyền. Đây cũng là một bước kết hợp trong việc triển khai hệ thống giao dịch từ xa tại TTHN trong đầu quý III tới" - ông Dũng khẳng định.

Theo Lao Động

Các tin liên quan:

>>Bất ngờ giá đấu Bảo Việt