CPC: Viên kẹo cứng khó nuốt của VCG

CPC: Viên kẹo cứng khó nuốt của VCG

(ĐTCK-online) Tính đến cuối tháng 11, Nhà máy Xi măng Cẩm Phả, dự án ngốn nhiều vốn đầu tư nhất của Tổng CTCP Vinaconex (VCG) đã lỗ 1.200 tỷ đồng, nếu tính cả chênh lệch tỷ giá, số lỗ lên tới 1.600 tỷ đồng.

Không đủ kinh nghiệm và thực lực để vận hành hiệu quả dự án, song việc thoái vốn của Vinaconex tại Xi măng Cẩm Phả (CPC) đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không thu xếp ổn thỏa thương vụ này, năm 2012, dù các hoạt động khác có mang lại cả nghìn tỷ đồng lợi nhuận, báo cáo tài chính của VCG cũng sẽ mang dấu âm.

 CPC: Viên kẹo cứng khó nuốt của VCG ảnh 1

Việc thoái vốn của Vinaconex tại Xi măng Cẩm Phả đang gặp rất nhiều khó khăn

Mỗi năm ngốn 500 tỷ đồng lãi vay

Theo tính toán sơ bộ, riêng tiền lãi vay, hiện mỗi năm, CPC phải trả 500 tỷ đồng. Trong khi đó, khả năng làm ra lợi nhuận rất khó khăn do tính cạnh tranh cao trên thị trường xi măng. Những khó khăn này chủ đầu tư không lường được khi lập dự án đầu tư vào năm 2005.

Theo dự án này, dự kiến lãi vay chỉ 12%/năm, trong khi hiện lãi suất vay vốn dài hạn của dự án là 18%/năm, vay vốn lưu động 21%/năm. Trong khi cung vượt cầu, CPC mới hoạt động phải cạnh tranh quyết liệt với Vicem, Nghi Sơn, Chinfon nên chi phí bán hàng rất cao mới trụ được.

Không có kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực xi măng, công suất nhà máy lại rất lớn tới 2,3 triệu tấn/năm, công nghệ hiện đại  nên VCG không đủ năng lực quản lý điều hành. HĐQT và Ban điều hành VCG đã họp rất nhiều lần để tìm một sự thay đổi.

Cuối năm 2010, Vinaconex đã thay toàn bộ lãnh đạo cấp cao của CPC bao gồm Tổng giám đốc, Giám đốc kinh doanh, Giám đốc tài chính, kết quả phần nào được cải thiện nhưng áp lực lãi vay cao đã khiến CPC gục ngã.

Theo dự án đầu tư được phê duyệt, lỗ kế hoạch trong 3 năm tính đến hết 2011 là 500 tỷ đồng, song thực tế hiện con số này lên tới 1.600 tỷ đồng.

Việc phải gánh nghĩa vụ trả nợ thay cho CPC là một trong những nguyên nhân chính gây mất cân đối tài chính và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh riêng và hợp nhất của VCG.

Trường hợp không hoàn thành tái cấu trúc CPC xong trong năm 2011, kết quả lợi nhuận của VCG trong năm 2012 sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, do phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính đối với phần vốn đã đầu tư vào CPC.

 

Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông

Năm 2008, VCG đã chọn Credit Suisse làm đơn vị tư vấn tái cấu trúc vốn của Vinaconex tại CPC, Công ty Luật YKVN, Công ty Kiểm toán KPMG và Công ty Chứng khoán Kim Long cũng được chọn để hỗ trợ Vinaconex trong việc đẩy mạnh tái cấu trúc tại CPC.

Tháng 2/2009, Credit Suisse chính thức giới thiệu thông tin về dự án Xi măng Cẩm Phả đến 112 nhà đầu tư tiềm năng (bao gồm 46 nhà sản xuất xi măng và 56 nhà đầu tư tài chính) và gửi Bản thông tin sơ bộ của CPC đến 49 nhà đầu tư quan tâm (bao gồm 29 nhà sản xuất xi măng và 20 nhà đầu tư tài chính). Tuy nhiên, do khủng hoảng tài chính thế giới, các nhà đầu tư không tiếp tục tham gia các giai đoạn tiếp theo. Việc tái cấu trúc phần vốn của Vinaconex tại CPC tạm dừng từ tháng 6/2009.

Tháng 4/2010, Vinaconex khởi động lại hoạt động tái cấu trúc phần vốn tại CPC. Do tình hình kinh tế xã hội có nhiều thay đổi theo hướng kém thuận lợi hơn trước, đặc biệt nền kinh tế đang chịu tác động nặng nề của bất ổn vĩ mô, nên những giá trị tư vấn trước đây của Credit Suise về CPC không còn phù hợp. 

Từ tháng 6/2010 có một số đối tác tham gia tìm hiểu dự án, trong đó có 2 đối tác thực sự quan tâm và tham gia sâu vào quá trình soát xét chi tiết đối với dự án (Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam - Vicem và Tập đoàn Xi măng lớn nhất Đức HeidelbergCement - PV).

Việc đàm phán vẫn đang diễn ra. Phía nước ngoài cũng rất quan tâm và có những cuộc thương thảo chi tiết, gần đây nhất hai bên làm việc tới 9h tối để đàm phán điều kiện chuyển nhượng. Tuy nhiên, khó khăn trong thương vụ này đang là vấn đề cần suy ngẫm với các dự án lớn của Việt Nam.

Ngoài lý do khách quan của kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam khiến các nhà đầu tư khó khăn trong việc huy động vốn cho việc đầu tư mua cổ phần của CPC, còn nhiều lý do xuất phát từ chính những quy định ngặt nghèo liên quan đến dự án, đến thủ tục pháp lý khi VCG thực hiện thoái vốn.

Thứ nhất, cả nhà đầu tư trong và ngoài nước đều yêu cầu được tham gia mua cổ phần 51%, đối với đối tác trong nước thì yêu cầu này không phạm luật, song Vicem lại đang khó khăn về tài chính, mà cụ thể đang lỗ hơn 200 tỷ đồng 9 tháng đầu năm nay; với phía nước ngoài thì luật pháp Việt Nam chỉ cho sở hữu tối đa đến 49%, muốn vượt lại phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Khó khăn hơn cả là dự án CPC sử dụng vốn vay nước ngoài do Bộ Tài chính bảo lãnh và vốn vay trong nước. Theo hợp đồng vay vốn CPC ký với các ngân hàng, khi VCG thoái vốn phải có ý kiến của các ngân hàng nước ngoài (nếu bán cho nước ngoài).

Trên thực tế, khi làm thủ tục chuyển đổi CPC từ 100% vốn của VCG sang CTCP, trong suốt 2 năm qua, VCG mới lấy được ý kiến của 2 ngân hàng nước ngoài đồng ý, đến giờ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cũng chưa có ý kiến.

Theo một nguồn tin, hiện các đối tác trả dưới mệnh giá 10.000 đồng cho mỗi cổ phần CPC, điều này đồng nghĩa VCG phải chịu một khoản lỗ lớn khi thoái vốn.

Đại diện vốn nhà nước tại VCG là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đã chấp nhận: lỗ cũng phải thoái, nếu không, năm 2012, toàn hệ thống VCG làm không đủ trả nợ cho CPC.