Cổ phiếu của ngành xây dựng có phải lúc nào cũng màu hồng? Ảnh: TP

Cổ phiếu của ngành xây dựng có phải lúc nào cũng màu hồng? Ảnh: TP

Đầu tư cổ phiếu xây dựng: Nên nắm kẻ có tóc!

Gần đây, một số cổ phiếu của các công ty xây dựng chỉ vừa ló mặt lên sàn đã trở thành cổ phiếu blue chip. Các nhà đầu tư đã bỏ một lượng vốn không nhỏ vào đây, tuy nhiên, cổ phiếu của ngành xây dựng liệu có phải lúc nào cũng màu hồng?

Vì sao "hút" hàng?

 

Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu của công ty CP Xây dựng số 5 (SC 5). Ngay khi mới niêm yết trên sàn TP.HCM hồi đầu tháng 10/2007, cổ phiếu của SC5 đã tăng từ 160.000 đồng/CP lên đến gần 200.000 đồng/CP.

 

Việc cổ phiếu SC5 tăng kịch trần như vậy, theo phân tích của các chuyên gia trong ngành, là do công ty hiện đang trúng thầu nhiều công trình xây dựng trong các khu công nghiệp, chế xuất, thủy điện và đặc biệt là sở hữu nhiều dự án  địa ốc đắc địa trong TP.

 

Còn theo lãnh đạo công ty SC 5, chỉ trong 6 tháng đầu năm  2007, SC 5 đã đạt lợi nhuận trên 31 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE) đạt 29,8%, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 9.992 đồng/CP. Dự báo, công ty này có thể đạt lợi nhuận trên 65 tỷ đồng với tỷ lệ chia cổ tức 30% trong năm 2007.

 

Một cổ phiếu khác cũng đang “hút” nhà đầu tư là cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hoà Bình. Có một thời gian cổ phiếu Hoà Bình được cho là có tính thanh khoản không cao do số lượng cổ phiếu phát hành ra công chúng còn hạn chế và công ty chỉ đơn thuần là công ty xây dựng.

 

Tuy nhiên, kể  từ khi công ty công bố dự án cao ốc Hoà Bình Tower (quận 7), khu resort Lăng Cô (Huế) cùng một loạt dự án liên doanh khác, giá cổ  phiếu của Hoà Bình đã gia tăng mạnh trên thị trường. Trong tháng 9 vừa qua, khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu HBC luôn đạt ở mức hơn 26 tỷ đồng.

 

Còn nhớ, cách đây vài tháng, khi cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng Cotec (Cotec.con) được đem ra bán đấu giá đúng vào thời điểm thị trường chứng khoán đang xuống, nhiều cổ phiếu blue chip rớt giá thê thảm (đến 30%), lúc đó ai cũng rằng cho cổ phiếu của Cotec.con sẽ cùng chung số phận.

 

Thế nhưng, bất ngờ đã xảy ra, cổ phiếu của Cotec.con có giá đấu thành công bình quân đạt gấp 22 lần mệnh giá (giá đấu cao nhất là 2,3 triệu đồng/CP và thấp nhất là 1,4 triệu đồng/CP), trong đó, quỹ đầu tư Dragon Capital đã đặt mua 5.4196 CP với giá bỏ thầu 2,2 triệu đồng/CP, trở thành một cổ đông lớn của công ty.

 

Theo nhận định của ông Trần Vũ Anh, Trưởng phòng đầu tư địa ốc của tập đoàn VinaCapital, hầu hết các nhà đầu tư đều nhìn thấy ở các công ty xây dựng này nhiều lợi thế trong việc hợp tác và kinh doanh. Đa số các công ty xây dựng đều có những dự án địa ốc cho riêng mình, đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút vốn đầu tư.

 

Ngoài ra, khi đầu tư  vào các công ty này, nhà đầu tư sẽ được hưởng một quy trình trọn gói từ  khâu tư  vấn , thiết kế, thẩm định đến quản lý vận hành dự án. Đó là chưa kể, các công ty xây dựng luôn có đầy đủ công ty con hỗ trợ (sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, kinh doanh BĐS...), nên  chi phí  bỏ ra sẽ giảm đi rất nhiều thay vì nhà đầu tư phải thuê mướn nhiều công ty khác nhau.

 

Và những cảnh giác

 

Theo phân tích của ông Dominic Sriven, Giám đốc quỹ đầu tư Dragon Capital: “Đầu tư vào các công ty xây dựng hiện nay là một xu hướng mới của các nhà đầu tư  trong và ngoài nước. Có nhiều lý do giải thích cho xu hướng này, như thị trường bất động sản Việt Nam đã ấm lại, nhu cầu nhà ở của người dân, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng trong nước đang gia tăng mạnh...”

 

Tuy vậy, ông D.Sriven cũng cho rằng, cổ phiếu xây dựng không đơn thuần chỉ toàn màu hồng mà cũng ngầm chứa nhiều rủi ro như cổ phiếu của bất động sản. Đa số các công ty xây dựng đều có những dự án địa ốc riêng cho mình, do đó, việc giá đất lên xuống thất thường sẽ tác động trực tiếp  đến  cổ phiếu của công ty. Vấn đề chính yếu là nhà đầu tư cần sáng suốt để nhận biết được đâu là cơn sốt ảo, sốt thật để bỏ tiền đầu tư đúng chỗ, không nên theo tâm lý đầu tư kiểu bầy đàn.

 

Còn theo ông Huy Nam, chuyên viên đầu tư tài chính và chứng khoán, thì rủi ro của cổ phiếu xây dựng luôn gắn liền với vấn đề giải toả đền bù, quy hoạch... Chỉ cần một dự án địa ốc bị vướng thủ tục giải toả, hay quy hoạch thì đồng vốn của công ty xây dựng sẽ bị chôn ngay. Mà việc chôn vốn lâu trong ngành xây dựng, địa ốc luôn tác động xấu đến cổ phiếu của công ty.

 

Ngoài ra, tình trạng xây dựng cẩu thả, rút ruột các công trình  gần đây cho thấy đây là ngành có tính minh bạch không cao.

 

Cuối cùng, một rủi ro khác mà các  nhà đầu tư cần lưu ý là năng lực và tiềm năng tài chính thực sự của các công ty xây dựng. Một công ty xây dựng có rất nhiều dự  án địa ốc nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các dự án đó đều khả thi. Hơn nữa, cũng không có gì đảm bảo sau khi thực hiện xong các dự án địa ốc đó, công ty sẽ còn hàng để bán tiếp.

 

Thành ra, theo ông Huy Nam, các nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào cổ phiếu xây dựng nên “lướt sóng” một cách cẩn trọng, cách tốt nhất là đầu tư vào những công ty xây dựng mà mình thực sự am hiểu và có khả năng “nắm” được tóc!