Khối lượng giao dịch chứng khoán khớp lệnh đã giảm dần theo đà rơi của Vn-Index.

Khối lượng giao dịch chứng khoán khớp lệnh đã giảm dần theo đà rơi của Vn-Index.

Đáy của VN-Index là một câu đố

Sau khi thủng mốc 500 điểm phiên giao dịch hôm qua, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, VN-Index thời gian tới sẽ còn giảm nhưng khó mà xác định đáy trong tình hình hiện nay.

  Khá dè dặt, lãnh đạo một công ty chứng khoán TP. HCM nhận định chiều 12/5, việc đưa ra điểm rơi thấp nhất của Vn-Index sắp tới 300 hay 400 điểm là một kiểu phá thị trường, vì như thế nhà đầu tư rất bi quan. Hơn nữa chứng khoán Việt Nam là thị trường tâm lý, mà đã là tâm lý thì khó đoán. Do vậy, không thể đơn thuần dùng các thông số kỹ thuật để đưa ra dự báo chỉ số VN-Index.

 

Theo ông, để vực dậy thị trường, Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực hơn và nhà đầu tư cảm thấy tin tưởng vào các quyết sách đó nhằm tránh tình trạng buông xuôi, bán tháo như hiện nay. Những giải pháp cần làm ngay có thể gồm: hoãn quy định nộp thuế thu nhập, chỉ khi thị trường ổn định và số người tham gia chứng khoán chiếm 10-20% dân số mới tiến hành nộp thuế; đẩy mạnh chống tham nhũng, xem lại chất lượng cán bộ cao cấp, ai điều hành kém phải loại khỏi bộ máy...

 

Chuyên viên phân tích một công ty chứng khoán trên đường Nguyễn Công Trứ thì bày tỏ, không thể đo lường VN-Index sẽ còn rơi bao lâu và bao nhiêu điểm nữa. Vì bài toán lạm phát khi chưa giải quyết được thì đừng nói chuyện hồi phục thị trường chứng khoán.

 

Chịu tác động của chính sách tiền tệ, những khiếm khuyết của nền kinh tế, "sức khỏe" của thị trường chứng khoán đang ngày một yếu đi. Dù thời gian qua đã dùng nhiều "liều thuốc", việc chữa trị không thể có kết quả nhanh chóng ngày một, ngày hai được.

 

Đa số nhà đầu tư dự đoán giá chứng khoán còn xuống nữa nên lượng mua vào đã giảm hẳn trong nhiều phiên qua, càng đẩy áp lực bán lên cao.

 

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho biết, hiện tình trạng bi quan của nhà đầu tư quá nặng nề vì cùng lúc, thị trường chứng khoán chịu sự tác động mạnh của chính sách vĩ mô, những biến động kinh tế thế giới. Do vậy, tình hình thị trường hiện tại rất đáng lo.

 

Ông Huy Nam kiến nghị, thời điểm này rất cần sự quan tâm từ tất cả các bên tham gia thị trường nói chung và những định chế Nhà nước nói riêng.

 

Không đưa ra lời khuyên nhà đầu tư nên mua vào hay bán ra lúc này như thời điểm cuối năm ngoái VN-Index gần chạm mốc 500 điểm, vị chuyên gia kêu gọi các nhà đầu tư hãy cân nhắc, bình tĩnh trước những quyết định kinh doanh, để tránh gây thiệt hại cho bản thân và ảnh hưởng đến bối cảnh chung của thị trường.

 

Ông Nam cho rằng, trong thị trường thiếu thanh khoản như hiện nay, giao dịch nghiêng về bán ra nhiều hơn đã ít nhiều tác động đến quyết định mua vào của khối ngoại. Trên bàn tiệc, chủ thì biếng ăn, khách dù hăm hở mấy cũng phải buông chén ở thời điểm nào đó, đã dẫn đến lượng mua vào của khối ngoại giảm hẳn trong nhiều ngày qua.

 

Nhiều chuyên gia khác khuyến cáo, thời điểm này nên chuyển sang đầu tư dài hạn, Tuy nhiên tiền đầu tư chứng khoán có từ các nguồn vay khác nhau. Nói như chị Nguyễn Thị Hà tại sàn SSI: "Khi đến hạn thanh toán, hoặc nhận thấy khả năng gỡ lại không còn thì làm sao nhà đầu tư ngồi yên mà đầu tư lâu dài được".