“Fan cuồng”…

“Fan cuồng”…

(ĐTCK-online) Nhấm nháp vị đắng thất bại có lẽ không phải là một trải nghiệm tao nhã. Hãy nhìn cái cách nhiều “fan cuồng” mổ xẻ… thầy trò ông Calisto sau tiếng còi kết thúc trận chung kết bóng đá vừa rồi thì biết… Thiếu lửa, thiếu tự tin, thiếu sáng tạo… vân vân và vân vân… Nhưng còn một cái… “chưa đủ” nữa mà nhiều người đã nói. Đó là văn hóa chấp nhận thất bại của không ít người đi… mổ xẻ!

Thầy trò ông Calisto hôm trước được tung hô bao nhiêu thì hôm sau bị dập vùi bấy nhiêu. Mà buồn nhất là cái cảnh cả Sân vận động quốc gia Lào mới đó vài phút còn tràn ngập một màu đỏ, đến khi cầu thủ lên bục nhận huy chương thì vắng tanh như sáng mùng một Tết đi qua “phố chó” Nhật Tân. Cái cảm giác phù thịnh chứ không phù suy quả là bẽ bàng cho người trong cuộc.

Trên sàn chứng khoán cũng thế. Sau cái đận thăng hoa mấy tháng trước, thị trường đợt vừa rồi sầm sập đi xuống. Các cung bậc cảm xúc trên sàn cũng muôn hình muôn vẻ. Có những người công bố chấp nhận “bỏ cuộc chơi” nghỉ Tết sớm. Có người âm thầm cắt lỗ lặng lẽ nhấm nháp nỗi buồn thua trận. Lại có vị đem gánh nặng của sự thua lỗ đổ lên đầu cơ quan quản lý, lên các chuyên gia, đổ tội cho các bản nhận định thị trường...

Vậy nên, cái gọi là những cảm xúc hỉ nộ ái ố trên sàn chứng khoán cũng đâu khác bao nhiêu so với cảm xúc trên cầu trường. Hẳn là người thua thì thường ít dám nói mạnh. Kẻ thắng bao giờ cũng có nhiều cái để bàn trước thiên hạ. Hôm trước, bên lề cuộc giao lưu với nhà đầu tư, một lãnh đạo cơ quan quản lý ngành chứng khoán phân ưu rằng, VN-Index mà đang là 700 - 800 điểm thì nói cái gì cũng dễ. Chứ bây giờ, trong khung cảnh thị trường xuống dốc thê thảm thì nói cái gì cũng thấy gờn gợn… Đồ rằng, cái gờn gợn này là cảm giác quen thuộc của người trong cuộc trước sự trách móc của các “fan chứng khoán”, mỗi khi “con gà” cổ phiếu không đẻ ra trứng vàng!?

Có người còn bảo rằng, đội tuyển bóng đá của chúng ta bước vào trận mà chân như đeo chì có một phần lỗi không nhỏ của giới truyền thông. Chưa bước vào trận, đã tung hô cầu thủ lên đến tận mây xanh. Sức nặng của những kỳ vọng là không thể đo đếm. Mà chúng ta quên mất rằng, họ mới chỉ là những chàng trai trên dưới 20 tuổi đầu.

Thị trường xứ ta so với Dow Jones, Nasdaq… cũng chỉ như cậu bé lên mười – cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Việc thiếu phần này phần kia của người trưởng thành cũng là dễ hiểu, nhưng hình như nhiều người không hiểu. Chẳng ít nhà đầu tư bước chân vào chứng trường đã tính sẵn cho mình những khoản lờ lãi cả trăm phần trăm. Có anh bạn môi giới nói đùa rằng, nhiều người đi đầu tư mà cứ lúc nào cũng mang tư tưởng “dỡ nhà người khác về xây nhà mình”, nên khi lên sàn chân cũng nặng gánh kỳ vọng như người ta đã kịp gắn cho các chàng trai U23 mỗi người một chiếc cúp vô địch khi trận đấu chưa diễn ra.

Cũng trong cuộc giao lưu vừa rồi, ông chủ tịch một DN sau khi nhận được quá nhiều lời “trách cứ” của nhà đầu tư, rằng tại sao cổ phiếu ấy cứ xuống dốc không phanh, khiến tài khoản họ hao đi hơn nửa, liền quay ra than vãn, kỳ vọng giá nào (hay đẩy lên mức giá nào) là quyền của nhà đầu tư. Tôi là lãnh đạo DN, chỉ biết cố hết sức mình đưa DN đi lên (và thực ra nó đi lên thật). Còn giá rổ thế nào là do thị trường quyết định chứ… Cũng chính vì coi chứng khoán là con gà đẻ trứng vàng nên cái tư tưởng giàu nhanh nó khiến người ta mờ mắt chạy theo tin đồn, mê mải chạy theo làm giá để rồi mua như chưa bao giờ được mua và cuối cùng cắt lỗ như chưa bao giờ… chán thị trường như thế.

Thế nên, trong hơn 730.000 tài khoản nhà đầu tư đang giao dịch, dẫu mất lòng cũng xin nói thẳng rằng, số “fan cuồng” không phải là ít. À, nhân nói về số lượng nhà đầu tư, lại xin lan man mấy dòng. Con số trên là do cơ quan quản lý công bố ngày 30/11 vừa qua. Thật ấn tượng, khi năm nay chứng khoán suy vi là thế mà vẫn có tới 180.000 fan tiếp tục đổ tiền đổ của vào thị trường. Quá đáng mừng rồi còn gì. Chỉ có một thắc mắc nhỏ. Không biết cơ quan quản lý đã nhìn sang ngành bưu điện chưa. Mới ngày nào các bác bên ấy còn hồ hởi thông báo về thành tích phát triển thuê bao. Nay thì đang kêu trời, vắt chân lên cổ lo ngăn chặn sim rác vì sắp hết tài nguyên kho số… Cái việc tài khoản ảo của các nhà đầu tư thì đến nay chưa có con số nào thống kê và cũng chẳng lo hết nguồn “nhà đầu tư tiềm năng trong vài chục triệu người Việt trưởng thành. Nhưng chẳng hiểu vì sao con số này vẫn khiến nhiều người đắn đo. Bởi người viết đã được mục sở thị một nhà đầu tư thuộc hàng U20 mà trong tay sở hữu đến 12 tài khoản ở các CTCK khác nhau (tất nhiên là đứng tên khác nhau) và tự rút ngắn thời gian giao dịch thành T+0 cho mình… Nói như vậy để thấy rằng, để thực sự trưởng thành, thị trường và cả mỗi nhà đầu tư chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, trong đó có bài học đón nhận thất bại…

Trong thần thoại Hy Lạp, Midas là một vị vua có thể biến tất cả những thứ ông chạm vào trở thành vàng. Nhưng truyền thuyết này đã và sẽ không bao giờ xuất hiện trên sân bóng hay sàn chứng khoán. Để trở thành người chiến thắng, trước hết hãy đủ bản lĩnh để đứng lên từ thất bại cái đã.

Vĩ thanh: Nói rằng “thất bại là mẹ của thành công”, hẳn có người cắc cớ hỏi rằng, thất bại là mẹ còn ai là cha? Cứ theo lẽ ấy mà suy thì cha của thành công… là chồng của thất bại. Và chắc hẳn, đó chính là “bản lĩnh đứng lên từ thất bại” rồi!