Giao dịch chứng khoán chiều 23/12: Kịch tính cuối phiên

Giao dịch chứng khoán chiều 23/12: Kịch tính cuối phiên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên khớp lệnh ATC đã dập tắt tia hy vọng về cú lội ngược dòng của thị trường. Chỉ số VN-Index kết phiên cuối tuần giảm nhẹ với thanh khoản rơi xuống mức thấp nhất trong 1 tháng qua.

Thị trường nhanh chóng đổi sắc và diễn biến có phần tiêu cực hơn trong nửa cuối phiên sáng do áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip và lan rộng hơn trên thị trường. Chỉ số VN-Index tạm dừng phiên sáng quanh vùng giá thấp nhất của phiên dù ngưỡng 1.010 điểm vẫn chưa bị “đe dọa”.

Bước sang phiên giao dịch chiều, chỉ số VN-Index vẫn biến động quanh vùng giá 1.015 điểm trong hơn 40 phút mở cửa và dần xuất hiện tín hiệu tích cực khi lực cầu gia tăng.

Thị trường dần le lói sắc xanh sau hơn 1 giờ mở cửa khiến nhà đầu tư kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp đà đi lên, tuy nhiên thực tế đã không như mong đợi. Chỉ số VN-Index nhanh chóng “quay xe” trong đợt khớp lệnh ATC và đóng cửa trong trạng thái điều chỉnh nhẹ.

Điểm đáng chú ý là thanh khoản thị trường tiếp tục giảm mạnh với tổng giá trị trên sàn HOSE chỉ hơn 9.000 tỷ đồng, thấp nhất trong khoảng 1 tháng qua, cho thấy tâm lý thận trọng và rủi ro điều chỉnh là vẫn còn.

Đóng cửa, sàn HOSE có 174 mã tăng và 231 mã giảm, VN-Index giảm 2,27 điểm (-0,22%) xuống 1.020,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 544,11 triệu đơn vị, giá trị 9.098,4 tỷ đồng, giảm 23,82% về khối lượng và 29,46% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 120,29 triệu đơn vị, giá trị 2.295,99 tỷ đồng.

Nhóm VN30 khá phân hóa với việc ghi nhận 12 mã tăng và 16 mã giảm, là động lực chính giúp VN-Index cân bằng hơn so với phiên sáng. Trong đó, nhiều mã lớn như VHM, FPT, PLX, MSN, GAS, VIC, VJC đã đảo chiều hồi phục sắc xanh nhưng với mức tăng còn hạn chế chỉ trên dưới 1%.

Cặp đôi POW và PDR dù hạ nhiệt nhưng vẫn dẫn đầu xu hướng tăng trong rổ VN30, với mức tăng tương ứng 2,3% và 2%.

Ngược lại, cổ phiếu chứng khoán SSI lùi sâu hơn trong phiên chiều khi đóng cửa giảm 4,2% xuống vùng giá thấp nhất ngày 18.300 đồng/CP. Tiếp theo đó, HPG giảm 2,9%, NVL giảm 2,6%, KDH giảm 2,2%, còn lại chỉ giảm trên dưới 1%.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn giảm điểm mạnh nhất. Ngoài SSI, nhiều mã khác cũng giảm sâu như VND giảm 3,8%, VIX và HCM cùng giảm 3,6%, FTS giảm 4,9%, VCI giảm 4,3%...; chỉ có AGR và APG ngược dòng thành công.

Ở nhóm cổ phiếu thép, trong khi HPG thu hẹp đà giảm chút ít so với thời điểm chốt phiên sáng với mức giảm 2,9%, thì cặp NKG và HSG tiêu cực hơn. Cụ thể, NKG đóng cửa giảm sàn, còn HSG giảm 6% xuống mức giá thấp nhất ngày và cũng là vùng giá sát sàn 11.800 đồng/CP.

Mặc dù không tạo thành lực đỡ giúp thị trường khởi sắc nhưng nhiều cổ phiếu ngân hàng đã đảo chiều thành công. Cụ thể, CTG, STB, HDB, MSN, SSB tăng trên dưới 0,5%, OCB tăng mạnh nhất ngành với mức tăng 1,89%; trong khi VCB, VPB, TCB, MBB, TPB, EIB, SHB, VIB đóng cửa giảm trên dưới 1%.

Nhóm điện vẫn tích cực với GEG bảo toàn sắc tím, THI đảo chiều tăng sát trần +6,7%, PC1 và PGV cùng tăng 3,8%, NT2 tăng 3,4%, KHP tăng 2,8%, VSH tăng 2,4%, POW tăng 2,3%, GEX tăng 2,2%... Trong đó, GEX giao dịch sôi động nhất ngành khi thuộc top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt xấp xỉ 16,7 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên sàn HNX, thị trường đã bật hồi về cuối phiên nhưng HNX-Index chưa đủ sức để có được sắc xanh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 75 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index giảm 0,49 điểm (-0,24%) xuống 205,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 46,25 triệu đơn vị, giá trị 553,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,52 triệu đơn vị, giá trị 45,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu CEO tiếp tục giật lùi khi đóng cửa giảm 4,6% xuống mức thấp nhất ngày 18.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 4,44 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX cũng diễn biến thiếu tích cực với MBS giảm 3% xuống 12.800 đồng/CP, SHS giảm 1,1% xuống 8.800 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất với 11,69 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trái lại, nhóm cổ phiếu than đồng loạt đảo chiều hồi phục. Bên cạnh NBC tăng tốt nhất trong rổ HNX30 với biên độ tăng 3,8%, các mã khác trong ngành chủ yếu tăng hơn 1%, cùng HLC tăng 3,8%, TCS tăng 3,95%, TC6 tăng 2,17%.

Cổ phiếu đáng chú ý là NAG có phiên tăng vọt cả về giá và thanh khoản. Đóng cửa, NAG đứng ở mức giá trần 16.100 đồng/CP với thanh khoản đạt 0,93 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường đã đảo chiều thành công.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,25%), lên 71,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 32,22 triệu đơn vị, giá trị 299,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,37 triệu đơn vị, giá trị 193,18 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR cùng xu hướng chung thị trường khi đảo chiều tăng 2,2% lên mức 13.800 đồng/CP với thanh khoản vượt trội đạt 10,3 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu dầu khí khác là OIL cũng hồi phục thành công và đóng cửa tăng 1,3% lên mức 7.800 đồng/CP, khớp lệnh gần 0,3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu nhỏ PVX đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản với 2,83 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 14,8% xuống mức giá sàn 2.300 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, có 1 hợp đồng giảm và 3 hợp đồng tăng nhẹ. Trong đó, hợp đồng đáo hạn gần nhất là VN30F2301 giảm 2,9 điểm, tương đương -0,3% xuống 1.034,8 điểm và cũng là mã có thanh khoản cao nhất với khối lượng khớp lệnh hơn 362.650 đơn vị, khối lượng mở 52.670 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó CHPG2221 dẫn đầu thanh khoản với hơn 4,6 triệu đơn vị khớp lệnh đóng cửa giảm 6,7% xuống 140 đồng/CQ; tiếp theo là CHPG2220 khớp 4,35 triệu đơn vị và đóng cửa tại mốc tham chiếu 20 đồng/CQ.

Tin bài liên quan