Học cách minh bạch thông tin của người Pháp

(ĐTCK-online) Theo bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thì phát triển TTCK minh bạch, hiệu quả và bền vững là mục tiêu và mong muốn lớn nhất của cơ quan quản lý.

Để giúp cơ quan quản lý TTCK và các DN Việt Nam cải thiện tốt hơn chất lượng thông tin công bố trên thị trường, chúng ta cùng tham khảo kinh nghiệm minh bạch hoá thông tin tại TTCK Pháp, dựa trên những giải pháp chung là hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường công tác giám sát và tăng cường ý thức công bố thông tin của DN.

Cách xử lý xung đột giữa CTCK và nhà đầu tư

Về xử lý xung đột quyền lợi giữa công ty chứng khoán có hoạt động tự doanh với các khách hàng là nhà đầu tư, ông Bruno cho biết, tại Pháp, hiện áp dụng 3 nguyên tắc cơ bản. Một là, ưu tiên lợi ích của khách hàng trước lợi ích của công ty chứng khoán. Hai là, nguyên tắc “vạn lý trường thành”, tức là phải có sự tách biệt rõ ràng về quy trình và phân công nhiệm vụ giữa những người hoạt động trong công ty chứng khoán. Ba là, trong công ty chứng khoán phải có người chuyên xử lý xung đột giữa công ty với khách hàng và trong trường hợp không xử lý được thì công ty chứng khoán phải ưu tiên quyền lợi cho khách hàng.

Tại Pháp, trách nhiệm kiểm soát thông tin đặc biệt được coi trọng trong trường hợp DN phát hành chứng khoán huy động vốn từ công chúng. Trừ một số trường hợp đặc biệt (như chào bán chứng khoán có tổng giá trị nhỏ hơn 100.000 Euro hoặc chào bán chứng khoán có giá trị từ 50.000 Euro cho mỗi nhà đầu tư…), còn lại DN buộc phải  lập bản cáo bạch. Trong đó, điểm khác biệt cơ bản so với DN Việt Nam là kiểm toán viên phải xác nhận cả những dự báo về lợi nhuận trong… tương lai của DN (tại Việt Nam , chỉ kiểm toán những dữ liệu quá khứ). Ông Bruno Gizard, Phó tổng thư ký Cơ quan Quản lý các thị trường tài chính Pháp (AMF) cho biết, để có thể xác nhận được dự báo lợi nhuận, kiểm toán viên phải tiếp cận và đối thoại nghiêm túc với lãnh đạo DN. Mặc dù không ai có thể khẳng định chắc chắn khoản lợi nhuận tương lai của DN, nhưng yêu cầu này đòi hỏi  kiểm toán viên và lãnh đạo DN phải trung thực, thẳng thắn trong cách đánh giá về tương lai của DN. Xác nhận của kiểm toán viên về mức độ tin cậy trong dự báo lợi nhuận DN sẽ được chuyển đến cơ quan giám sát TTCK và nhà đầu tư. Đây là một chỉ báo quan trọng cho nhà đầu tư tại Pháp, bởi thực tế nhà đầu tư mua cổ phiếu là mua tương lai DN.

Điểm khác biệt đáng chú ý thứ hai tại Pháp liên quan đến việc cho phép DN huy động vốn từ công chúng là AMF sẽ giám sát tất cả thông tin quảng cáo của DN liên quan đến hoạt động chào bán trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày công bố bản cáo bạch. Các thông tin quảng cáo này đều phải nói rõ rằng, hồ sơ cáo bạch của DN đã hoặc sẽ được công bố trong thời gian tới và chỉ rõ nơi nhà đầu tư có thể đến lấy cáo bạch. Theo ông Bruno, tại Pháp cũng có nhiều trường hợp DN sử dụng phương tiện thông tin đại chúng chỉ để truyền tải những thông tin tốt cho mình (tương tự như tại Việt Nam hiện nay), vì thế AMF có trách nhiệm phải giám sát thông tin của DN, để đảm bảo nhà đầu tư được nhận thông tin đầy đủ và cân bằng trước khi DN được phép phát hành chứng khoán huy động vốn.

Điểm khác biệt thứ ba trong hồ sơ huy động vốn của DN Pháp là DN phải lập bản cáo bạch tóm tắt dưới 2.500 chữ để giúp những người ít thời gian vẫn có thể tiếp cận thông tin chính yếu về DN. Tại Pháp, nhiều DN có cáo bạch dài tới 500 trang, nên việc yêu cầu phải có 1 bản cáo bạch tóm tắt là thủ tục bắt buộc và người thực hiện bản tóm tắt này phải chịu trách nhiệm dân sự nếu tóm tắt có nội dung lừa dối, không chính xác hoặc mâu thuẫn với các phần khác của cáo bạch.

Để đảm bảo tính chuẩn mực của cáo bạch, AMF quy định bản cáo bạch của DN phải có 3 đối tượng cùng liên đới chịu trách nhiệm, gồm người công bố thông tin (thông thường là lãnh đạo DN); kiểm toán viên độc lập và tổ chức cung cấp dịch vụ đầu tư. Ngoài ra, AMF cũng phải chịu trách nhiệm nếu không phát hiện ra những sai sót cơ bản trong bản cáo bạch của DN mà đáng ra phải phát hiện được. Trong trường hợp này, thẩm phán sẽ có một quy định riêng để xử lý trách nhiệm của người thuộc AMF. Sau sự kiểm duyệt chặt chẽ trên, nếu một DN được thông qua cáo bạch tại Pháp hay một nước khác thuộc Liên minh châu Âu (EU), DN có quyền huy động vốn tại bất kỳ thị trường nào thuộc EU. Đây là một lợi thế rất lớn cho DN thuộc EU.

Sau khi phát hành chứng khoán ra công chúng, DN Pháp cũng phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ hàng quý, 6 tháng và 1 năm. Những báo cáo này phải được gửi đồng thời đến cơ quan quản lý và nhà đầu tư thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Theo ông Bruno, với nhà đầu tư thì sẽ là tốt nhất nếu DN thực hiện công bố thông tin hàng ngày. Tuy nhiên, với DN, việc yêu cầu thông tin với họ quá liên tục hoặc chi tiết là rất nguy hiểm, bởi khi đó người lãnh đạo sẽ chỉ chú ý đến kết quả trước mắt mà không tập trung lo cho tương lai dài hạn của DN.