Hội ngộ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư

(ĐTCK-online) Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và nhằm tạo cơ hội giao lưu trực tiếp giữa đại diện các cơ quan quản lý thị trường với nhà đầu tư, Báo Đầu tư chứng khoán hân hạnh tổ chức cuộc Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Hội ngộ cơ quan quản lý và nhà đầu tư” vào chiều ngày 26/11/2007.

Thị trường chứng khoán đã chính thức đi vào đời sống kinh tế nước nhà và đang ngày càng phát huy vai trò của một kênh dẫn vốn linh hoạt, đóng góp ngày một lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Dù đã có những lúc thăng trầm, nhưng con đường mà thị trường chứng khoán của chúng ta đã, đang và sẽ đi là luôn hướng về phía trước. Tuy thời gian chưa nhiều, nhưng TTCK Việt Nam đã bước đầu đặt được nền móng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán chính thức, hiện đã có 225 mã chứng khoán được niêm yết với tổng mức vốn hóa đã đạt đến 40% GDP.

Các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý kinh tế và chứng khoán đã và đang không ngừng hoàn thiện và phát triển môi trường kinh doanh, hành lang pháp lý, quy chế giao dịch… để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đối với một thị trường còn non trẻ, đó chính là những bước khởi đầu để chuẩn bị cho sự lớn mạnh không ngừng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lại không xa.


Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và nhằm tạo cơ hội giao lưu trực tiếp giữa đại diện các cơ quan quản lý thị trường với nhà đầu tư, Báo Đầu tư chứng khoán hân hạnh tổ chức cuộc Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Hội ngộ cơ quan quản lý và nhà đầu tư” vào chiều ngày 26/11/2007.

Chúng tôi hy vọng đây sẽ là một dịp tốt để cơ quan quản lý và nhà đầu tư có thể bày tỏ, chia sẻ quan điểm trên tinh thần cũng hướng tới một thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lâu dài và bền vững. Xin chân thành gửi lời cảm ơn đến các khách mời, cảm ơn độc giả của Đầu tư Chứng khoán đã dành thời gian quan tâm. Dưới đây là toàn bộ nội dung của cuộc giao lưu trực tuyến.

 

 

HỘI NGỘ CƠ QUAN QUẢN LÝ VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Hội ngộ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư  ảnh 2


Anh Thư - Cầu Giấy, Hà Nội - (Email: anhthu@yahoo.com): Chào ông Vũ Bằng, Trước hết, xin gửi tới ông lời chào và lời chúc sức khỏe. Xin ông có một vài đánh giá về những thành tựu của UBCKNN trong 10 năm xây dựng và vận hành TTCK VN, đồng thời, xin ông cho biết, những định hướng chính trong việc phát triển TTCK VN năm 2008 và những năm tiếp theo? Xin cảm ơn!

Hội ngộ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư  ảnh 3

Ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCK Nhà nước

Ông Vũ Bằng: Thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề án xây dựng và phát triển TTCK ở Việt Nam. Trên cơ sở đề án của các Bộ, ngành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 1996 về việc thành lập UBCKNN. Trải qua 10 năm xây dựng và hoạt động, về cơ bản, UBCKNN đã làm tốt vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, được thể hiện trên các mặt sau:
Một là, đã tích cực chủ động xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách cho hoạt động của thị trường. Trong thời gian đầu, khung pháp lý cao nhất của thị trường chỉ ở mức Nghị định; tuy nhiên mới qua 7 năm hoạt động, chúng ta đã ra được Luật Chứng khoán, việc ra đời Luật Chứng khoán đã được công chúng đầu tư trong nước và ngoài nước đánh giá rất cao, tạo dựng nền tảng pháp lý hết sức quan trọng trong hoạt động của thị trường, đồng thời các văn bản, chính sách ngày càng được hoàn thiện.

Hai là, đã thực hiện tốt sự chỉ đạo của Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Tài chính, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong công tác tạo hàng hoá cho thị trường. Khi mới ra thị trường vào năm 2000, mới chỉ có 2 cổ phiếu niêm yết, đến nay đã có trên 220 cổ phiếu được niêm yết, với mức vốn hoá thị trường đạt trên 40% GDP, cho thấy tiềm năng phát triển hết sức lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sắp tới đây chúng ta sẽ cho lên niêm yết những doanh nghiệp lớn như các ngân hàng thương mại quốc doanh sau cổ phần hoá, các tổng công ty lớn, mức vốn hoá thị trường sẽ còn tăng nữa, và thị trường chứng khoán sẽ ngày càng khẳng định là kênh dẫn vốn dài hạn cho đầu tư và phát triển.

Ba là, đã phát triển mạnh các tổ chức trung gian trên thị trường với 65 công ty chứng khoán được cấp phép hoạt động, 24 công ty quản lý quỹ, hơn 40 tổ chức lưu ký chứng khoán, một ngân hàng chỉ định thanh toán. Số lượng tài khoản cũng tăng một cách mạnh mẽ với trên 300.000 tài khoản cá nhân và tổ chức cho thấy, sự quan tâm đông đảo của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường còn non trẻ của chúng ta.

Bốn là, đã xây dựng, tổ chức bộ máy, nghiệp vụ và cơ sở vật chất cho Sở GDCK, TTGDCK, Trung tâm lưu ký chứng khoán và điều hành hoạt động của các Trung tâm này có hiệu quả.

Năm là, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra luôn được UBCKNN coi trọng, thông qua đó đã phát hiện các vi phạm, uốn nắn kịp thời và có biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm.

Sáu là, luôn tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ của UBCKNN để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Đã đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cho hàng nghìn nhân viên nghiệp vụ của các công ty chứng khoán và tổ chức phổ cập kiến thức về chứng khoán và TTCK cho hàng chục nghìn lượt người.

Bẩy là, về quan hệ đối ngoại, UBCKNN đã trở thành thành viên của tổ chức quốc tế UBCK các nước (IOSCO) từ năm 2001, đã đặt quan hệ hợp tác song phương với nhiều nước, trong đó đã ký Biên bản hợp tác trao đổi thông tin cũng như quản lý TTCK.

Bước sang năm 2008, và giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở chiến lược phát triển TTCK đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tài chính, UBCK xây dựng mục tiêu như sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chính sách phát triển thị trường, tạo ra một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, chặt chẽ về TTCK.
Thứ hai, thực hiện xây dựng thị trường trái phiếu chuyên biệt; tiếp tục đẩy mạnh hàng hoá niêm yết trên thị trường đưa quy mô thị trường chiếm khoảng 50-60% GDP vào năm 2008; mở rộng thị trường giao dịch chính thức, thu hẹp dần thị trường không chính thức. Nâng cao năng lực hoạt động của các định chế tài chính trung gian.
Thứ ba, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, theo đó là áp dụng chế độ công khai hoá thông tin và thực hiện nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất.
Thứ tư, hoàn thiện thể chế quản lý, vận hành TTCK. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước bằng việc đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, tái cơ cấu thị trường, nâng cao tính độc lập của Sở GDCK, Trung tâm GDCK, Trung tâm lưu ký chứng khoán.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác đào tạo phổ cập kiến thức cho công chúng dưới các hình thức khác nhau, làm cho công chúng đầu tư, các doanh nghiệp hiểu được về TTCK và các nghiệp vụ liên quan; các kiến thức về đầu tư, về rủi ro và biện pháp phòng ngừa cũng như khả năng phân tích dự báo tình hình biến động của TTCK.

Trước triển vọng phát triển của nền kinh tế đất nước, TTCK Việt Nam có những cơ hội phát triển tốt, ngày càng thu hút đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Về phía UBCKNN, chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực hết sức mình trong công tác quản lý, điều hành hoạt động thị trường, nhằm làm cho TTCK thực sự trở thành một kênh huy động vốn đầu tư có hiệu quả cho nền kinh tế, góp phần vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.


 

Hà Phương - 519 Kim Mã - 0902034368 (Email: natasa8783@gmail.com): 1. Công ty có vốn điều lệ 8 tỷ nhưng lại chào bán chứng khoán ra công chúng (trên mạng Internet) thì có chịu sự điều chỉnh của luật chứng khoán phải ko ạ? 2. Công ty cổ phần phải phát hành cổ phần phổ thông, nhưng công ty cổ phần có bắt buộc phải phát hành cổ phiếu phổ thông không?

 Ông Lê Nhị Năng : Tất cả các trường hợp phát hành CK ra công chúng là phát cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và số lượng nhà đầu tư không xác định. Vì vậy, trường hợp này là chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán.

Công ty đã là công ty cổ phần thì phải phát hành cổ phiếu phổ thông.

 

Hữu Huy - Tp. HCM - (Email: huyhuung@yahoo.com): Tại sao các công ty CK không có kế hoạch thường xuyên mua lại những cổ phiếu lẻ không đủ lô giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ (ở sàn HN = 100 và sàn Tp. HCM = 10) vì nhà đầu tư nhỏ nhiều lúc rất cần bán những cổ phiếu lẻ này? Theo tôi công ty CK phải có kế hoạch mua lại cổ phiếu lẻ trong một năm ít nhất là từ 4 đến 5 lần để nhà đầu tư nhỏ dễ bán cổ phiếu lẻ này

 Ông Trần Văn Dũng: Trước đây, theo Thông tư 58/2004/TT-BTC ngày 17/6/2004 của BTC hướng dẫn về Thành viên và giao dịch chứng khoán, khi có yêu cầu của khách hàng, CTCK được phép thực hiện mua lại cổ phiếu lô lẻ của NĐT theo nguyên tắc thỏa thuận về giá.
Hiện nay Thông tư trên đã hết hiệu lực, việc giao dịch lô lẻ sẽ được quy định chặt chẽ trong các văn bản khác. Cụ thể, đối với TTGDCK HN, UBCKNN đã cho phép đưa vào Quy chế giao dịch chứng khoán tại TTGDCKHN đang trình UBCKNN có quy định: các CTCK thành viên có nghĩa vụ mua lại cổ phiếu lẻ theo yêu cầu của NĐT theo giá thoả thuận, không vượt quá biên độ dao động giá của TTGDCKHN.

 

BÙI QUỐC HIỆU - P510b - A2 - Thành Công - Ba Đình - HN - (Email: Quochieu_vtv@yahoo.com): Xin chào ông Vũ Bằng. Tôi rất vui khi được tham gia giao lưu trực tuyến với Ông và đại diện trung tâm và sở giao dịch ck. Sau đây tôi xin hỏi các ông một số câu hỏi, hy vọng các ông tra lời thỏa đáng. 1, Tôi thường được nghe các nhà kinh tế học nói, thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin, nhưng qua quan sát thị trường cho thấy, các công ty niêm yết chưa tôn trọng việc xây dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư (điều đó rất nguy hại cho thị trường). Cụ thể, như báo cáo tài chính không chính xác, các kế hoạch hoạt động đã được Đại hội cổ Đông thông qua liên tục bị thay đổi, các thành viên ban quản trị liên tục vi phạm quy chế giao dịch và có rất nhiều các biểu hiện vụ lợi khác...Vậy Ủy ban chứng khoán có kế hoạch gì để giúp các công ty cổ phần nâng cao uy tín chính mình và đặc biệt có chế tài nào đủ mạnh để chấm dứt các vi phạm nghiêm trọng không? 2, Qua theo dõi bảng dao dịch điện tử của TTGDCK Hà Nội tôi thấy có ngày thì thấy Giá chứng khoán thay đổi(+/-)so với giá tham chiếu, có ngày lại thấy giá thay đổi so với lệnh liền kề trước đó. Xin đại diện TTGDCKHN cho biết, vì sao lại có hiện tượng thay đổi này. 3, Các chứng khoán giao dịch ngày đầu tiên có làm thay đổi chỉ số VN-index hay HaSTC-Index không. Nếu được tính thì giá tham chiếu của cp là giá nào.

Hội ngộ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư  ảnh 4

Ông Trần Văn Dũng -  Giám đốc TTGDCK Hà Nội

Ông Trần Văn Dũng:  Hiện nay, TTGDCKHN đang công bố ra thị trường bảng giá trực tuyến và bảng tổng hợp giao dịch. Trong bảng giá trực tuyến, TTGDCK Hà Nội cho hiển thị 3 mức giá đặt mua/đặt bán tốt nhất, mức giá và khối lượng thực hiện và mức độ thay đổi giá cung cấp được tính so với giá thực hiện gần nhất (trước đó).
Bảng giá trực tuyến này nhằm giúp nhà đầu tư nắm bắt những thông tin mới nhất về giá và xu hướng giá để có quyết định đầu tư ngay. Các bảng tổng hợp kết quả giao dịch, TTGDCKHN cung cấp các thông tin về giá cao nhất/thấp nhất thực hiện trong ngày, khối lượng thực hiện và khi kết thúc phiên giao dịch, chúng tôi công bố giá giao dịch bình quân gia quyền và mức độ biến động giá so với giá tham chiếu (giá giao dịch bình quân của phiên trước đó).

Bảng kết quả giao dịch tổng hợp này giúp nhà đầu tư có thông tin tổng hợp hơn về mức độ dao động giá chứng khoán trong ngày so với ngày liền trước để phân tích đánh giá nhằm đưa ra quyết định đầu tư cho ngày hôm sau. Hai bảng điện tử này từ trước đến nay vẫn như vậy, không có gì thay đổi.

Ngày đầu tiên của một loại chứng khoán còn được hiểu là ngày nhập gốc để tính chỉ số và vì chưa có sự biến động về giá nên không làm thay đổi tới chỉ số HASTC – INDEX.
Cách tính chỉ số HASTC-INDEX và các trường hợp điều chỉnh chỉ số được công bố trên trang web của TTGDCKHN. Mời các bạn tìm hiểu thêm.

Hội ngộ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư  ảnh 5

Ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCK nhà nước

Ông Vũ Bằng: Tôi rất đồng ý với bạn về việc TTCK là thị trường của niềm tin, chính vì vậy, thông qua việc ban hành Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn, chúng tôi đang từng bước nâng cao tính minh bạch, công khai trên thị trường. Thứ hai, chúng tôi đã triển khai việc áp dụng quy tắc quản trị công ty trong các DN niêm yết để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ. UBCK thông qua việc cấp phép và quản lý công ty đại chúng cũng nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động của DN, nhằm bảo vệ nhà đầu tư. Đánh giá chung từ ngày TTCK thành lập đến nay, ý thức tuân thủ CBTT của các công ty niêm yết đã được nâng cao và tốt hơn nhiều so với khối DN nằm ngoài TTCK. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại hiện tượng một số DN không tuân thủ luật pháp, đặc biệt là việc không công bố thông tin giao dịch của thành viên HĐQT. Trong thời gian qua, UBCK đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử phạt vi phạm trên thị trường, tuy nhiên, chế tài xử phạt còn hạn chế do mức xử phạt thấp. Ngoài ra, hệ thống công bố thông tin của UBCK, Sở và TTGD cũng còn có những điểm hạn chế cần tiếp tục cải tiến và tăng cường. UBCK đang chỉ đạo các đơn vị thành viên và cả UBCK nâng cao hệ thống CNTT để làm tốt hơn công tác thông tin thị trường.

Ông Lê Nhị Năng:  Các chứng khoán giao dịch trong ngày đầu tiên chưa tác động ngay đến chỉ số VN-Index, đến ngày giao dịch hôm sau dữ liệu của CP mới niêm yết mới được cập nhật vào hệ thống để tính chỉ số.

 

Le Ha Khanh Linh - Quận 7, Tp. HCM - (Email: binhlekl@yahoo.com) : Trướ chết tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Báo Đầu tư chứng khoán đã tổ chức buối giao lưu này. Tôi xin có một câu hỏi và rất mong được phúc đáp từ quý vị. Hiện tại, tôi đang làm việc cho một công ty cổ phần được chuyển đổi sang từ công ty TNHH vào tháng 5/2006. Vốn điều lệ của công ty chúng tôi hiện tại là 25 tỷ đồng và kết quả kinh doanh năm 2006 và 10 tháng đầu năm 2007 là lãi (ghi chú: kết quả kinh doanh giai đoạn từ tháng 5/2006 đến tháng 12/2006 là lãi) và số cổ đông hiện hữu là 125 cổ đông. Công ty chúng tôi hiện đang muốn có kế họach niêm yết tại TTGDCK Hà Nội. Vậy xin hỏi: 1. Công ty chúng tôi có đủ điều kiện để niêm yết? 2. Nếu chưa, thì xin cho biết lý do và điều kiện mà công ty chúng tôi cần phải đáp ứng để được cấp phép niêm yết tại TTGDCK Hà Nội. Xin trân trọng cảm ơn!

 Ông Trần Văn Dũng: Điều kiện niêm yết trên TTGDCKHN là một hệ thống các điều kiện được quy định cụ thể tại Điều 9 Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 của Chính phủ.
Đối với trường hợp cụ thể như bạn nêu, TTGDCKHN sẽ xem xét cụ thể một số vấn đề như thủ tục chuyển đổi từ CT TNHH sang CTCP phải hợp pháp, có Nghị quyết ĐHCĐ thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên TTGDCKHN. BCTC năm 2006 phải phản ánh đủ hoạt động của doanh nghiệp từ 1/1/2006 đến 31/12/2006 và được 1 đơn vị kiểm toán được chấp thuận kiểm toán và ý kiến kiểm toán là chấp nhận không có ngoại trừ.
Nếu DN thực sự muốn niêm yết thì nên gọi điện hoặ trực tiếp liên hệ với Phòng Quản lý niêm yết của TTGDCKHN, số điện thọai 9347401 để được giải đáp chi tiết hơn.

 

Trần Tiến Dũng - Cầu Giấy, Hà Nội - (Email: trantiendung_03@yahoo.com): Là một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán việt nam, tôi nhận thấy nỗ lực lớn của sở giao dịch chứng khoán Hồ chí Minh và Trung tâm giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong việc xây dựng một thị trường ngày một minh bạch. Song có một vấn đề chưa bao giờ tôi có thể hài lòng được đấy chính là độ tin cậy của bản tin thị trường chứng khoán. Đối với Hostc thì liên tục cập nhật sai số liệu về EPS, P/E, số cp lưư hành hiện tại gây bức xúc lớn trên các diễn đàn chứng khoán online. Đến khi sửa lại thì nhà đầu tư mới đã tiền mật bực mang(cá nhân tôi đã từng gặp các mã TTP, SMC, SSI ...). Còn với sần Hastc lại quá chậm cập nhật thông tin, hầu như lấy dữ liệu từ 2006. Vậy đại diện của hai sàn chứng khoán có suy nghĩ gì về điều này không

 Ông Trần Văn Dũng: Hiện nay, Bản tin chứng khoán của TTGDCK Hà Nội công bố các thông tin cơ bản về DN niêm yết theo số liệu 2006, vì các lý do:
- Số liệu 2006 mà chúng tôi sử dụng để tính các chỉ số tài chính của công ty niêm yết là số liệu đã được kiểm toán; đảm bảo tính chính xác của số liệu;

Hội ngộ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư  ảnh 6

- Hầu hết các DN niêm yết trên TTGDCKHN (2/3 tổng số công ty niêm yết từ Quý 4/2006, do đó chưa có đủ cơ sở để tính một số chỉ tiêu như EPS điều chỉnh, ROA, ROE,
Chúng tôi thực sự hy vọng trong tương lai gần sẽ có các tổ chức tư vấn tài chính chuyên nghiệp tính toán và cung cấp ra thị trường các sản phẩm tính toán công phu và cập nhật hơn để hỗ trợ thêm cho Bản tin của cả 2 sàn.

 
Ông Lê Nhị Năng : Liên quan đến vấn đề công bố chỉ số EPS và P/E hàng ngày trên Bản tin Thị trường chứng khoán của HOSE: kể từ tháng 6/2006, nhằm đưa thông tin mới nhất đến nhà đầu tư, SGDCk TP.HCM đã thực hiện tính toán số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân và chỉ tiêu EPS cho 4 quý gần nhất (thay vì năm gần nhất theo báo cáo kiểm toán) theo hướng dẫn của Chuẩn mực ké toán Việt Nam có tham khảo thêm Chuẩn mực kế oán quốc tế. Tuy nhiên, đối với 1 số công ty mới niêm yết, do không có đủ số liệu 4 quý gần nhất, SGD phải công bố dựa trên báo cáo kiểm toán gần nhất. Khi nhận được đủ s liệu, SGD sẽ thực hiện cập nhật lại số liệu gần nhất. Tất cả mọi thay đổi đều được SGD ghi chú rõ để nhà đầu tư chú ý. Trong thời gian tới, SGDCK sẽ vẫn tiếp tục duy trì việc công bố các chỉ số này trên Bản tin TTCK ra hàng này và rất mong nhận được ý kiến góp ý của quý vị độc giả.

 

MINH - A47 CC 300 BCD, TPHCM - (Email: hoaminh2000@hcm.fpt.vn): Thưa anh Dũng - GD HASTC Anh vui lòng cho biết chi tiết hơn về hình thức giao dịch OTC của sàn HASTC Xin cám ơn!

 Ông Trần Văn Dũng: Sắp tới, TTGDCKHN sẽ tổ chức thêm thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (Cũng có thể hiểu đây là thị trường giao dịch OTC có tổ chức), theo phương án đã được BTC phê duyệt tại QĐ 3567/QĐ-BTC ngày 8/11/2007.
Theo phương án này, các NĐT có thể giao dịch mua, bán trực tiếp với CTCK vào bất kỳ thời điểm nào nhưng phải theo nguyên tắc: muốn giao dịch và được thanh toán vào ngày T+3 thì phải báo cáo giao dịch đó vào ngày T+0 qua hệ thống của TTGDCKHN và trong phạm vi biên độ +/-20% của giá tham chiếu ngày T+0. Thời gian dành cho các CTCK thực hiện báo cáo hàng ngày từ 10h-11h30 và từ 13h30 đến 15h00. Ngoài ra, trong khoảng thời gian này các CTCK có nghĩa vụ báo cáo toàn bộ dư mua/dư bán của người đầu tư để chúng tôi tập hợp thành một bảng thông tin tổng hợp cung cấp cho công chúng biết giá mua/giá bán tốt nhất hiện có trên thị trường. Đây là thông tin quan trọng để NĐT tiếp tục yêu cầu các CTCK thực hiện lệnh mua bán cho mình theo giá tốt nhất có thể. Hệ thống của TTGDCKHN đồng thời cũng là phương tiện để các CTCK thực hiện giao dịch cho mình và cho khách hàng qua phương thức thỏa thuận điện từ hay còn gọi là phương thức chào mua/chào bán chắc chắn.

 

NGUYEN QUAN NGOC - BA TRIEU,HA DONG,HA TAY ,VN. - 034820087 (Email: NQN1963VN@YAHOO.COM.VN): Trong tương lai, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể có các công cụ phái sinh (Hợp đồng tương lai, option...)hay không? Nếu có thì vào thời gian nào?

 Ông Vũ Bằng: Vấn đề bạn hỏi Luật Chứng khoán đã có đề cập đến và hiện nay tại UBCK, chúng tôi đang giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu. Tuy nhiên, khả năng áp dụng trong thực tế có lẽ phải trong một vài năm tới khi các điều kiện thị trường như quy mô, hệ thống giao dịch, hệ thống tài chính-ngân hàng, sự hiểu biết của công chúng đầu tư và khả năng giám sát thị trường của cơ quan quản lý được tăng cường. Trong năm tới, chúng tôi sẽ xem xét các điều kiện thị trường để cho phép áp dụng tài khoản ký quỹ (margin account).

 Ông Trần Văn Dũng: Giao dịch công cụ phái sinh là một nhu cầu tất yếu của mọi thị trường chứng khoán khi đã phát triển đến một trình độ nhất định. Trên thực tế, những hình thức sơ khai của các hợp đồng quyền chọn đã hình thành một cách tự phát. UBCK Nhà nước cũng đã có hướng chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu để có thể áp dụng trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, đây là một đề án lớn cần có một khoảng thời gian nhất định để nghiên cứu, định hình và đưa thị trường vào hoạt động.

 Ông Lê Nhị Năng : Hiện nay HOSE đang lập một ban để nghiên cứu tại các nước kinh nghiệm áp dụng các sản phẩm phái sinh. Thời gian áp dụng phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường và trình độ kinh nghiệm của NĐT.

 

lequyminh - 350nguyen trai q 5 - 089237650 (Email: lequyminh350@yahoo.com.vn): Tại sao biên độ % của sàn Hà Nội tăng giảm là 10%, trong khi ở sàn TP. HCM chỉ có 5%. Xin cho biết lý do?

 Ông Trần Văn Dũng: Biên độ dao động giá của TTGDCK HN do UBCKNN quy định. Trước đây khi quy định cho TTGDCKHN có biên độ 10%, UBCKNN đều cân nhắc đến những yếu tố như hình thức khớp lệnh liên tục, đặc điểm của cổ phiếu trên thị trường và khả năng thích ứng của công chúng đầu tư. TTGDCKHN ra đời 5 năm sau so với SGDCK TpHCM.

 Ông Lê Nhị Năng : Quy định về thực hiện biên độ dao động giá là nhằm bảo vệ NĐT trong giai đoạn đầu. Khi thị trường phát triển, trình độ NĐT nâng lên, HOSE có thể nghĩ tới việc thay đổi biên độ dao động giá.

 

Nguyễn Mạnh Hưng - Thái Hà, Hà nội - (Email: nmhung1975@yahoo.com): Câu hỏi của tôi có liên quan đến vấn đề Công bố thông tin của các CTCP đang niêm yết: 1. Các bản báo cáo tài chính được công bố vào thời điểm nào và phải tuân thủ theo quy định nào? 2. Nếu 1 công ty không kịp thông báo theo quy định thì bị xử lý như thế nào?

Hội ngộ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư  ảnh 7

Ông Lê Nhị Năng - P. Tổng Giám đốc sở GDCK Tp.HCM

Ông Lê Nhị Năng: Báo cáo tài chính có hai loại. Báo cáo tài chính quý thì phải công bố chậm nhất sau 25 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Báo cáo tài chính năm công bố sau 100 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. (Theo quy định tại Thông tư 38 của Bộ Tài chính)

Nếu công ty không kịp báo cáo, nếu vì lý do khách quan họ có thể xin chậm nộp và làm công văn gửi HOSE, trường hợp công ty chậm nộp mà không báo cáo sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Thông tư 38.

 

trịnh xuân hải - 2b_vĩnh tuy_ hbt_hn - 0982060712 (Email: xuanhai2501@yahoo.com): Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước của đa số CTCP trên 2 sàn là 51% đã làm giảm hiệu quả của cái gọi là TTCK VN. Liệu Nhà nước có thể tiến tới mở room cho nhà đầu tư nước ngoài và giảm tỷ lệ sở hữu của mình để tạo nên sự gọi là CTCP đúng nghĩa như nước ngoài, dẫu sao thì TTCK cũng được 7 tuổi rồi. Những công ty làm ăn không tốt trên sàn, những công ty có cp thanh khoản không tốt như YSC, HSC ... ở sàn HN. Làm thế nào để cải thiện cho cp của những công ty này. Nếu không cải thiện đươc thì có nghĩ đến việc cho họ hủy giao dich tại sàn này không, có vậy mới làm cho TTCK VN phát triển hơn.

 Ông Trần Văn Dũng: Câu hỏi này đáng để cho các doanh nghiệp niêm yết suy nghĩ nhiều hơn. Trên sàn giao dịch, tính thanh khoản của các cổ phiếu không đồng đều cũng là điều hết sức bình thường, phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành, mức độ quan tâm của công chúng đầu tư. Đối với cổ phiếu có tính thanh khoản kém sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và phần nào ảnh hưởng đến thị trường. Do vậy, dự thảo Quy chế niêm yết tại TTGDCK Hà Nội đang trình UBCKNN thông qua để ban hành, quy định các chứng khoán không có giao dịch trong vòng 60 ngày sẽ bị đưa vào diện bị kiểm soát, không có giao dịch 120 ngày có thể bị tạm ngừng giao dịch; và Nghị định 14/2007/NĐ-CP cũng quy định xem xét hủy niêm yết đối với các chứng khoán các cổ phiếu không có giao dịch trong vòng 1 năm.

 

Quoc Dung - TP.HCM - (Email: dqdung28@yahoo.com.vn): Xin vui lòng trả lời câu hỏi ngắn sau : Thời điểm bây giờ có thể coi chỉ số VN index và HASTC index là "hàn thử biểu" của nền kinh tế Việt Nam được chưa? Theo tôi được biết thì ở các nước phát triển ví dụ Mỹ , Nhật Bản, E.U... thì chì số chứng khóan phản ánh khá chính xác thực trạng nền kinh tế của quốc gia đó, ví dụ chỉ số CK tăng liên tục và ổn định chúng tỏ nền kinh tế nước đó đang phát triển tốt và ngược lại. Xin cảm ơn!

 Ông Lê Nhị Năng Hiện nay TTCK mới ra đời, quy mô còn nhỏ (vốn hóa thị trường chiếm khoảng 30% GDP) và các doanh nghiệp niêm yết chưa đại diện cho nền kinh tế, do đó các chỉ số của thị trường chưa được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế VN. Tuy nhiên, hiện kinh tế VN đang tăng trưởng với tốc độ cao,TTCK sẽ phát triển với quy mô và tốc độ nhanh, theo lộ trình phát triển TTCK của Chính phủ đến 2010 vốn hóa thị trường sẽ chiếm 50% GDP, các DN lớn sẽ tham gia niêm yết, khi đó chỉ số thị trường sẽ phản ánh chính xác hơn sức khỏe của nền kinh tế.

 

nguyễn đức long - 05 lý thường kiệt - tân bình - (Email: hanoiemvatoi2010@yahoo.com): Thưa anh Vũ Bằng, với cương vị là một người quản lý, anh có thể nói gì với các nhà đầu tư khi thị trường chúng ta quá quan tâm và kỳ vọng vào đợt IPO của VCB? Thị trường cuối năm sẽ ra sao khi chỉ thị 03 đã "chốt chặn" và hiệu ứng rút vốn của một số quỹ đầu tư nước ngoài trong tháng qua?

 Ông Vũ Bằng:  Việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của VCB sẽ cung ứng ra thị trường một lượng hàng hoá lớn, có chất lượng. Về dài hạn, sau cổ phần hoá, VCB có điều kiện hoạt động tốt hơn, nên chất lượng hàng hoá trên TTCK cũng có điều kiện được cải thiện. Hiện nay, thông tin về IPO VCB không khỏi tác động tới tâm lý thị trường, đặc biệt về thông tin về giá, nhưng đây chỉ là tác động tâm lý, nên nếu có ảnh hưởng thì ảnh hưởng chỉ có tính chất thời điểm.
Nhận định về xu hướng thị trường, theo tôi, nên để dành cho các chuyên gia phân tích bình luận. Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, cho đến thời điểm hiện nay, dòng vốn này chảy vào TTCK vẫn tăng lên. Qua thống kê trên TTCK chính thức, dòng vốn ĐTNN tăng gần 3 lần so với cuối 2006; gần gấp 2 lần so với thời điểm tháng 8/2007 (4,7 tỷ USD so với 7,9 tỷ USD).
Về ảnh hưởng của Chỉ thị 03, theo tôi, cần có những thống kê mới có thể xem xét chính xác vấn đề này. Hiện nay, một số NHQD vẫn còn room cho vay đầu tư chứng khoán, nhưng một số NHCP đã có tỷ lệ vay cao, nên rất cần có một thống kê đầy đủ xem ảnh hưởng của dòng vốn này đến TTCK ra sao, mới đánh giá được tác động của quyết định này đến thị trường.

 

Bui Tuan Anh - Trung Kính, Hà Nội - (Email: tuananh235_88@yahoo.com): Xin hỏi các chuyên gia một câu. Tại sao biên độ giao động giá của sàn Hà Nội là 10%, nhưng có phiên giao dịch HaSTC-index đóng cửa lại tăng 10,07% (ngày 14/11). Trong khi cả sàn vẫn có 1 mã giảm và một mã không giao dịch!? (HSC không giao dịch và VTS giảm 4.700 đồng/CP). Xin các ông lý giải kỹ hơn về trường hợp này cũng như cách tính giá tham chiếu và HaSTC-index? Xin cảm ơn

 

Hội ngộ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư  ảnh 9

Ông Trần Văn Dũng: HASTC - INDEX là chỉ số được tính toán liên tục trong khi biên độ giá giao dịch tại TTGDCK HN được quy định là +/-10% trên giá tham chiếu. Về mặt lý thuyết, giá của một loại chứng khoán trong một phiên giao dịch có thể biến động từ mức -10% đến mức +10% so với giá tham chiếu có nghĩa là khoảng dao động giá của một loại chứng khoán trên thực tế có thể lên tới trên 20%. Vì vậy, việc chỉ số HASTC - INDEX trong một phiên giao dịch có thể tăng trên 10% hoặc giảm dưới 10% cũng là bình thường.
Chi tiết về công thức tính chỉ số chúng tôi đã công bố trên website của Trung tâm ngay từ những ngày đầu. Nếu các bạn cần thêm thông tin chi tiết có thể liên hệ với phòng giám sát giao dịch của Trung tâm.

 

Nguyễn hữu Tuấn - Kim Liên Đống Đa HN - 0913004320 (Email: inhoankiem@vietel.com.vn): 1. Tại sao các nhân viên nhập lệnh của công ty chứng khoán cũng được mua bán chứng khoán? Như thế có bình đẳng không? 2. Có nên cấm nhân viên nhập lệnh không được dùng điện thoại di động trong giờ giao dịch không?

 Ông Lê Nhị Năng : Việc cấm nhân viên nhập lệnh dùng điện thoại di động trong giờ giao dịch là cần thiết để bảo đảm tính công bằng cho tất cả các nhà đầu tư tham gia thị trường. Hiện nay HOSE đã áp dụng quy định này.

 

Trần Trung Thành - 18 Phan Huy Chú Hà Nội - 9332828 - 710 (Email: tttacb@gmail.com): Chào anh Bằng và các anh, Tôi có 2 câu hỏi, xin các anh trả lời: 1, Hiện tượng sàn giao dịch ít hàng hay dồn dập nhiều hàng đều ảnh hwởng không tốt tới cung - cầu của thị trường. Là các nhà quản lý thị trường, các anh có biện pháp và chính sách gì để đưa thêm hàng lên sàn mà không gây ra các cơn sốc với thị trường ? 2, Các chế tài xử phạt hành chính tỏ ra chưa hiệu quả để ngăn chặn các vi phạm (cố ý), các anh có những thay đổi gì về vấn đề này trong thời gian tới và có sự phân biệt vi phạm của tổ chức và vi phạm của cá nhân không? Xin cảm ơn!

  

Hội ngộ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư  ảnh 10

Ông Lê Nhị Năng : Hiện nay tại HOSE có 125 công ty niêm yết, điều này cho thấy lượng hàng còn quá ít so với các nước trong khu vực, chẳng hạn Thái Lan 521 công ty, Singapore 722 và Hàn Quốc là 1.700 công ty. Việc gia tăng lượng hàng hóa niêm yết do đó rất cần thiết. Tuy nhiên đối với các DNNN cổ phần hóa thì Chính phủ đã có lộ trình chào bán cổ phần của các DN lớn ra công chúng để đảm bảo các đợt chào bán thành công và tránh ảnh hưởng tới thị trường.

 

lethihaiyen - caugiay - (Email: yenthanhha12@yahoo.com.vn): Xin hỏi các cơ quan quản lý đều nói tránh can thiệp thô bạo vào thi trường chứng khoán nhưng có thể hiểu thế nào về chỉ thị 03 của NHNN? Một quyết định đưa ra làm ảnh hưởng cực kỳ lớn về mặt tâm lý đối với thị trường CKVN còn non trẻ và dễ đổ vỡ. Các nhà quản lý nghĩ sau khi dự thảo mức thuế CK đến 25%?Tại sao không nuôi dưỡng nguồn thu mà đã muốn tận thu khi thị trường phát triển chưa đủ mạnh?

 Ông Vũ Bằng:  Việc kiểm soát luồng vốn của ngân hàng chảy sang TTCK là cần thiết, vì ngay cả một số nước có TTCK phát triển như Mỹ hay Nhật Bản cũng thực hiện việc này. Hơn nữa, không chỉ cần kiểm soát dòng vốn tín dụng chảy sang chứng khoán, mà còn cần kiểm soát cả kênh cho vay bất động sản. Tất nhiên, mức độ kiểm soát và phương thức triển khai như thế nào cho phù hợp còn tùy thuộc vào diễn biến cụ thể của thị trường và cần có thời gian để thẩm định.

Việc thu thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán về lâu dài là một chủ trương đúng của Nhà nước. Vấn đề quan trọng là nếu TTCK phát triển, quy định về thuế sẽ không có tác động lớn đến thu nhập ròng của nhà đầu tư. Vào thời điểm hiện nay, Quốc hội mới thông qua chủ trương thu thuế thu nhập cá nhân, nên đúng là có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, nhưng theo cá nhân tôi, mức thu 0,1% trên giá trị giao dịch là có thể chấp nhận được. Về phía UBCK, chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để có kiến nghị giải pháp phù hợp khi triển khai quy định này.

 

Nguyễn Mạnh Tuấn - 301N11b Khu tái Định cư Dịch Vọng - (Email: manhtuan91085@yahoo.com): Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam dưới 800 USD/người/năm, thuộc nhóm những nước đang phát triển có thu nhập thấp. Trong khi đó, riêng thu nhập của người nông dân chỉ có 300.000 đồng/1người/1 tháng, mà dân số việt nam trên 70% là nông dân. Thực tế số người dân tham gia thị trường chứng khoán chưa được 0,25%. Tính thanh khoản của thị trường chứng khoán còn rất thấp. Vậy các nhà quản lý có nâng lô giao dịch từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu ở sàn HOSE hay không? Nếu nâng thì vào thời điểm nào? Có giảm lô giao dịch trên HASTC từ 100 cổ phiếu xuống 10 cổ phiểu không? Có giảm thì bao giờ giảm? Có giao dịch cả ngày không? Nếu có thì bao giờ thực hiện?

 Ông Lê Nhị Năng Theo kế hoạch thì HOSE sẽ thực hiện nâng lô giao dịch CP từ 10 lên 100 CP để gia tăng hiệu quả của hoạt động giao dịch và dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2008.

 Ông Trần Văn Dũng: Theo quy định hiện nay, lô giao dịch tại TTGDCK HN là 100 cổ phiếu. Chúng tôi cho rằng, quy định lô giao dịch như vậy là phù hợp, và chúng tôi cũng chưa có ý định xin ý kiến UBCK Nhà nước thay đổi vấn đề này.
Theo tôi, việc giao dịch cả ngày là mục tiêu hướng tới của cả TTGDCK HN và Sở GDCK Tp.HCM, tuy nhiên, việc thực hiện còn phụ thuộc vào khả năng đồng bộ hệ thống của TTLK và các ngân hàng thương mại để đảm bảo khả năng thanh toán.

 

Trần anh hùng - tt x81 tôn đức thắng hà nội - (Email: trananhhung_87@yahoo.com): Xin được hỏi ông Vũ Bằng, TTCK VN đang trong giai đoạn điều chỉnh, có rất nhiều thông tin bất lợi cho các nhà đầu tư, vậy Nhà nước đã có những động thái gì để trấn an tâm lý nhà đầu tư, và trong tương lai, sở giao dịch chứng khoán liệu có đủ khả năng thành lập 1 tổ chức chuyên gia định hướng đầu tư cho nhà đầu tư một cách chuyên nghiệp giống như trang investors.com - Một trang chuyên đưa ra những định hướng kịp thời không? Nhà đầu tư rất cần những thông tin, những định hướng rõ ràng như vậy để quản lý rủi ro trong công việc đầu tư của mình. Chúng tôi, những nhà đầu tư sẵn sàng đóng góp những khoản tiền để có được những thông tin chính xác cũng như những định hướng cần thiết để có thể tự bảo vệ mình trước những thông tin trái chiều trên thị trường. Xin chân thành cảm ơn ông!

 Ông Vũ Bằng: UBCK hết sức tránh những can thiệp hành chính trái quy luật thị trường và để thị trường tự điều chỉnh theo quan hệ cung cầu. UBCK, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để gián tiếp tác động đến quan hệ cung cầu nhằm đảm bảo cho TTCK phát triển ổn định. Năm 2005, khi thị trường sụt giảm mạnh, chúng tôi đã tổ chức các cuộc làm việc với các quỹ đầu tư, CTCK bàn giải pháp tháo gỡ; đồng thời kêu gọi các tổ chức phát hành lớn giãn tiếp độ IPO và mua vào CP ngân quỹ.
Để đối phó với những diễn biến khó lường của TTCK, UBCK đã trình Bộ Tài chính đề án xử lý và ngăn ngừa khủng hoảng, trong đó có đề xuất các giải pháp xử lý theo từng cấp độ khác nhau, nhằm ổn định thị trường. Do đó, nếu thị trường diễn biến theo chiều hướng bất lợi, chúng tôi sẽ có những biện pháp cần thiết.

Chúng tôi cũng hoan nghênh ý tưởng hình thành tổ chức phân tích, đánh giá thị trường chuyên nghiệp, khách quan và tôi nghĩ trong thời gian tới, TTCK Việt Nam sẽ hình thành tổ chức như vậy thông qua chất lượng phân tích, đánh giá thị trường của các tổ chức độc lập. Nhưng dù vậy, nhà đầu tư vẫn phải bình tĩnh và thận trọng với các quyết định của mình, tránh đầu tư theo các tin đồn không chính thức. Thông thường, việc phân tích thị trường sẽ do 1 cơ quan độc lập với cơ quan quản lý lập nên, như tờ Financial Times (Mỹ) có 1 viện tài chính riêng vừa đào tạo, vừa phân tích tài chính chuyên nghiệp.

 

Lê Anh - TP.HCM - (Email: leanhle@yahoo.com.vn): Trong cơ chế thị trường, các công ty chứng khoán muốn thu hút khách hàng, họ tăng cường phục vụ và giảm phí giao dịch là điều tất nhiên. Tại sao UBCK lại qui định mức phí sàn với giải thích là để bảo đảm dịch vụ? Có phải chăng đây là sự ngụy biện cho thế độc quyền của UBCK nhằm thu được nhiều tiền của nhà đầu tư, vì nhà đầu tư không thể không giao dịch?

 Ông Vũ BằngXu hướng của các TTCK quốc tế là thường quy định phí sàn để tránh sự cạnh tranh không cần thiết giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ mà quên đi chất lượng phục vụ khách hàng. Tại các nước có TTCK phát triển, nguồn thu phí môi giới chiếm 1/2 đến 2/3 doanh thu phí của công ty và vì vậy, họ mới có điều kiện tái đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tại TTCK Việt Nam , chúng tôi dự kiến sắp tới, bên cạnh mức phí trần, UBCK sẽ ban hành thêm quy định về phí sàn để khắc phục những tồn tại hiện nay trong hê thống phí và buộc các CTCK phải cạnh tranh nhau bằng chất lượng dịch vụ, chứ không phải phí.
Các mức phí sàn hiện nay chỉ áp dụng cho công ty chứng khoán và công ty chứng khoán là người thu các khoản phí này còn cơ quan quản lý không có liên quan gì đến loại phí này.

 

Phạm Thị Thuỷ - 24 Cù Chính Lan- HB- HP - (Email: thuypt@yahoo.com): 1/ Liên quan đến TTGDCK HÀ Nội,xin ông cho biết lộ trình thực hiện Giao dịch từ xa và đưa giao dịch OTC vào giao dịch chính thức. Trong 2 vấn đề này vấn đề nào được ưu tiên triển khai trước? và lộ trình thực hiện ra sao? 2/ Theot inh thần của Thông tư số 18/2007/TT-BTC trong đó có nội dung phát hành cổ phiếu cho người lao động. Giá bán sẽ không được thấp hơn 60% giá thị trường trong 5 phiên gần nhất trước khi chào bán. Dự thảo của thông tư bao giờ có hiệu lực ?

 Ông Trần Văn Dũng: 1. Về giao dịch từ xa: Chúng tôi hy vọng có thể bắt đầu thực hiện vào quý I/2008. Trong giai đoạn đầu, chúng tôi sẽ thực hiện song song vừa giao dịch từ xa, vừa giao dịch có sàn. Sau một thời gian, nếu hệ thống đảm bảo thực sự an toàn chúng tôi sẽ thực hiện bỏ sàn hoàn toàn, dự kiến vào khoảng đầu quý III/2008.
Hiện nay chúng tôi đang test giải pháp phần mềm. Về mạng, chúng tôi đã thực hiện kết nối được với hơn 40 CTCK, trong đó đã test giải pháp với 21 công ty với kết quả rất khả quan.
2. Về giao dịch OTC: Chúng tôi cũng dự kiến bắt đầu triển khai trong quý I/2008. Hiện nay, hệ thống mạng đang được triển khai đồng bộ cùng với giao dịch từ xa, hệ thống phần cứng đã được nhập, hệ thống phần mềm cũng đang được triển khai theo dự kiến. Về thời điểm cụ thể, chúng tôi đang cùng với TTLK chứng khoán phối hợp bàn bạc vì việc triển khai thị trường OTC còn phụ thuộc vào việc triển khai hệ thống lưu ký và thanh toán bù trừ của Trung tâm lưu ký.
Cả hai dự án trên đều nằm trong danh mục ưu tiên của TTGDCK HN.

 

Nguyễn Đức Mạnh - Sơn Trà, Đà Nẵng - (Email: manhnd@yahoo.com.vn): Chào các vị! Xin cho tôi được hỏi, nghĩa vụ công bố thông tin của ngay chính Ủy ban và Sở/Trung tâm giao dịch là như thế nào? Tại sao các Sở / Trung tâm giao dịch thu phí giao dịch mà vẫn bán bản tin hàng ngày cho nhà đầu tư. Tôi thiết nghĩ, việc công bố thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của các CTNY là việc các Sở / Trung tâm giao dịch phải làm, mà phải làm miễn phí, vì các ông đã thu phí dịch vụ rồi.

 Ông Lê Nhị Năng :  Hiện nay HOSE thực hiện việc cung cấp thông tin miễn phí thông qua trang web của sở và chuyển thông tin cho các CTCK để cung cấp cho NĐT. Bên cạnh đó, Sở thực hiện việc xuất bản bản tin hàng ngày để cung cấp cho NĐT, NĐT phải mua bản tin nhưng chúng tôi chỉ thu số tiền này ở mức thấp nhất đủ bù đắp chi phí in ấn. Vào 2008, chúng tôi sẽ tăng trang bản tin từ 16 trang lên 20 trang để cung cấp cho thị trường với giá bán không đổi.

 Ông Vũ Bằng: Trong thời kỳ đầu phát triển thị trường, Nhà nước chủ trương không thu phí cao và thu đủ các loại phí đối với thị trường. Trên thực tế, các sở và Trung tâm hiện nay chưa thu hết các loại phí như tại các nước phát triển. Đối với các nước phát triển, bên cạnh việc thu phí giao dịch, phí thành viên, phí niêm yết, các khoản thu từ bán các ấn phẩm CBTT là nguồn thu chủ yếu của Sở GDCK. Vì dụ, Sở GDCK Malaysia có nguồn thu từ bán các ấn phẩm thông tin và các nguồn thông tin khác chiếm đến 50% nguồn thu của SỞ GDCK. Trong xu thế hội nhập, Sở GDCK và Trung tâm GDCK sẽ phải dần dần theo các thông lệ quốc tế.

 

Nguyễn Phương Thảo - Hải phòng - (Email: miuyeuarsenal@yahoo.com): Tôi muốn hỏi, Luật CK đã cho phép thực hiện bán khống nhưng trên thực tế lại chưa cho phép thực hiện hoạt động này. Nguyên nhân từ đâu? và đến bao giờ hđộng này được thực hiện? Hiện các CTCK đang tự mình thực hiện cho vay ứng trước tiền bán CK và về phía các cơ quan quản lý chưa có câu trả lời rõ ràng là có được phép hay không? Và liệu CTCK có được thực hiện cho vay ứng trước CK ngày T hay ko? Tôi nghĩ đây là những vđề đang tồn tại trên thực tế và rất cần câu trả lời từ phía cơ quan quản lý.

 Ông Vũ Bằng: Hoạt động bán khống có tác động tăng tính thanh khoản cho thị trường, tuy nhiên, trong điều kiện TTCK chưa phát triển, kiến thức nhà đầu tư chưa thật tốt, hệ thống công bố thông tin chưa hoàn chỉnh..., nếu cho phép áp dụng bán khống sẽ rất rủi ro. Trung Quốc phát triển TTCK đã 20 năm, nhưng nay mới đang nghiên cứu để triển khai nghiệp vụ bán khống. Luật Chứng khoán Trung Quốc năm 91-92 quy định cấm bán khống và gần đây mới sửa điều khoản này để mở đường cho vịêc triển khai khi đủ điều kiện. Tại Việt Nam , như đã nói trên, dự kiến chúng tôi sẽ cho phép áp dụng tài khoản ký quỹ trước, sau đó mới tính đến triển khai việc bán khống.
Về việc ứng trước tiền bán chứng khoán, hiện nay, quy định pháp lý chưa đề cập đến và phía UBCK đang giao đơn vị chức năng nghiên cứu để quản lý theo hướng các CTCK phải có báo cáo công khai, minh bạch và có giải pháp kiểm soát rủi ro phát sinh.

 

Trần Quốc Thông - 312 Nguyễn Thượng Hiền, P5, Q Phú Nhuận, Tp.HCM - (Email: tranthongo4@yahoo.com): 1.Quy định đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch về thời hạn nộp các báo cáo tài chính hàng tháng, quý, năm,...cho sở GDCK và công bố các thông tin ra công chúng ở bằng cách nào? 2.Nếu doanh nghiệp nào vi phạm quy định trên thì xử lý ra sao? 3.Hiện nay tỉ lệ thực hiện đúng quy định trên là bao nhiêu?

 Ông Lê Nhị Năng : 1.Hiện nay việc công bố thông tin các báo cáo tài chính quý, năm của các tổ chức niêm yết được thực hiện theo Thông tư 38/2007/TT-BTC ngày 18/04/2007, theo đó khi công bố thông tin ra phương tiện thông tin đại chúng thì các tổ chức niêm yết phải đồng thời báo cáo với UBCKNN và SGDCK, việc công bố những thông tin này ra bên ngoài của SGDCK được thực hiện theo Quy trình công bố thông tin của SGDCK. Các phương tiện công bố thông tin hiện nay của SGDCK TP.HCM gồm đường truyền riêng đến các công ty chứng khoán, website của SGDCK và bản tin thị trường chứng khoán.

2.Nễu Công ty niêm yết vi phạm quy định về công bố thông tin thì sẽ được xử lý theo Nghị định 36/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/03/2007.

3. Hiện nay việc thực hiện công bố thông tin về báo cáo tài chính của các tổ chức niêm yết đều khá tốt, khi không công bố thông tin đúng hạn thì các công ty này đều có công văn xin gia hạn công bố thông tin.

 

tuan huu - q.binh thanh - 0933239208 (Email: tuanhuu108@yahoo.com): đa số các cp của các công ty niêm yết trước khi thông tin chia tách và chia thưởng cổ tức được công bố chính thức từ cơ quan có thẩm quyền đều tăng giá liên tục vài ba phiên và số lượng bán ra rất ít so với số lượng mua vào trước khi có thông tin chính thức từ co quan có thẩm quyền. Nhưng từ trước tới nay chưa có một vụ việc nào phát hiện là giao dịch nội gián. Theo các ông có phải chăng là thị trường ck Việt Nam không kiểm soát dược các thông tin nội gián, và các ông có hướng giải quyết vấn đề này như thế nào trong thời gian tới để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư.

 Ông Lê Nhị Năng : Đối với vấn đề giao dịch nội gián, Luật chứng khoán cũng đã đưa ra định nghĩa thế nào là thông tin nội bộ và qui định những người biết thông tin nội bộ là ai. Theo đó, tất cả các hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua bán, trên cơ sở thông tin nội bộ là hành vi bị cấp, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 36/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/03/2007. Trên thực tế tại SGDCK TP-HCM có bộ phận Giám sát giao dịch chuyên theo dõi, phát hiện các giao dịch bất thường để tiến hành điều tra thêm và xử lý nếu chứng minh được là có vi phạm. Các vi phạm thường gặp hiện nay là thành viên HĐQT, BGĐ, BKS, kế toán và người có liên quan của những người là thực hiện giao dịch nhưng không công bố thông tin. Trong thời gian tới, để đảm bảo giám sát hoạt động giao dịch trên thị trường, SGDCK đang ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống giám sát song song với việc nâng cấp hệ thống giao dịch.

 

Mai Mai - Ha Noi - (Email: maihoangfr@yahoo.com): Tôi có sở hữu cổ phiếu của một công ty niêm yết trên sàn Hà nội, nhưng khi công ty Đại hội cổ đông, tôi không được gửi thư mời và tài liệu tham dự Đại hội cổ đông?. Tôi không biết trách nhiệm này thuộc về ai?, Công ty niêm yết đó, Trung tâm GDCK Hà Nội hay Trung tâm lưu ký, hay công ty chứng khoán. Kính đề nghị các ông cho tôi biết, trách nhiệm này thuộc về ai?. Và tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?. Trân trọng cảm ơn

Hội ngộ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư  ảnh 13

Ông Trần Văn Dũng

Ông Trần Văn Dũng:  Điều kiện, thủ tục tổ chức ĐHĐCĐ được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp 2005 và trong Điều lệ của mỗi doanh nghiệp. Theo Luật định, doanh nghiệp cổ phần có trách nhiệm mời tất cả các cổ đông đến dự ĐHĐ hoặc hướng dẫn thủ tục tham gia ĐHĐ theo cơ chế ủy quyền. Trong trường hợp cụ thể của bạn, tôi nghĩ có thể thư mời dự ĐHĐCĐ đã không đến được do bị thất lạc qua đường bưu điện hoặc do địa chỉ của bạn không rõ ràng. Bạn nên phản ánh vấn đề này với doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi của mình, đồng thời để biết thêm thông tin cụ thể.

 

Nguyễn Phương Linh - 120 Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, HN - (Email: nguyenplhn@yahoo.com): Gần đây, các công ty chứng khoán (tư vấn) và các cty mới niêm yết đưa ra mức giá chào sàn dựa vào phương pháp triết khấu dòng cổ tức. Cụ thể DPM đưa ra mức chào sàn theo phương pháp này tới 101, triết khấu trong 30năm??? Tuy nhiên, trong cáo bạch chỉ đơn giản 1 câu thế thôi không nói các yếu tố khác như: lãi suất triết khấu? Cơ sở để có dòng cổ tức không đổi (cao như năm 2007) trong suốt 30 năm? Điều này chắc chắn là không thể và vô lý. Khi phê duyệt niêm yết, lãnh đạo HoSE có biết điều này không? Tại sao là 30 năm trong khi PE của thị trường chỉ vào khoảng 23? Lãnh đạo HoSE và UBCK có biết tình trạng định giá thiếu cơ sở này không? Giải pháp cho các công ty chào sàn tới?

 Ông Lê Nhị Năng : Việc đưa ra mức giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên là do Công ty niêm yết phối hợp với Tổ chức tư vấn tính toán dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh hiện tại và các kế hoạch kinh doanh trong tương lai của công ty và mỗi công ty đều có cách định giá khác nhau. Khi xét duyệt hồ sơ niêm yết, Hose luôn quan tâm xem xét đến các mức giá này.
Đối với trường hợp DPM như bạn nói, tôi không biết bạn có những thông tin này từ đâu, theo thông tin trong BCB đã được Hose chấp thuận thì tại trang 63 của BCB này đã ghi cụ thể về việc tính giá tham chiếu của DPM, bạn có thể truy cấp www.vse.org.vn để có được BCB này. Cảm ơn bạn.

 

Nguyễn Hòang Việt - Nguyễn Thiện thuật, P.3, Q.3 Tp.HCM - (Email: nguyennhoangviet19782000@yahoo.com): Xin hỏi, Sở GDCK TP. HCM có giảm thời gian phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, thưởng của các công ty niêm yết không? hoặc là xem xét lại khoảng cách thời gian mà các doanh nghiệp xin niêm yết hay không? Nếu không, thì tôi nghĩ thị trường sẽ bất ổn. Bởi vì, giả sử trong cùng tháng 11, trong tổng số 127 công ty niêm yết nếu có 30 công ty thực hiện tăng vốn, thưởng, phát hành..v..v.. cộng với hàng loạt công ty xin niêm yết mới, thì thử hỏi thị trường sẽ về đâu và đâu là điểm hội tụ thị trường? Rồi đến tháng 12, tháng 01/2008.... nếu cứ như vậy thì 127 cty niêm yết tăng vốn đủ hết. Thông thường, hàng năm đến đầu qúy 1 mới có thông tin phát hành tăng vốn, thưởng, còn bây giờ thì ngày nào cũng có ít nhầt 10 thông tin cty xin tăng vốn, phát hành ồ ạt.... Vai trò điều tiêt của UBCK, sở GDCK HCM nằm ở đâu?? 30 cty xin phát hành, tăng vốn... thì cơ quan quản lý hãy tính toán lại khoảng thời gian cho từng cty, nếu anh không tính được thì khả năng điều tiết của anh điều tiết được cái gì trong thời gian này??? Theo tôi điều này là nguyên nhân chính làm vỡ đi thế đi lên của thị trường trong thời gian qua và sắp tới.

  

Hội ngộ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư  ảnh 14

Ông Lê Nhị Năng : Việc quyết định phát hành thêm hoặc đưa cổ phiếu lên niêm yết hoàn toàn do doanh nghiệp chủ động thực hiện dựa trên các yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, tình hình thị trường cũng như là cân nhắc về hình thức thực hiện. UBCKNN và SGDCK chỉ là cơ quan thẩm định hồ sơ do doanh nghiệp gửi đến để đảm bảo việc phát hành và niêm yết của doanh nghiệp là hợp lệ, đáp ứng được yêu cầu của luật định.

 

 

Hà Huy Cương - Tp.HCM - (Email: hhcuongptit@yahoo.com): Tôi muốn hỏi về qui định đăng ký bán chứng khoán của các cổ đông nằm trong ban lãnh đạo của các công ty. Thời gian qua tôi thấy một số cổ đông chủ chốt của một số công ty đăng ký bán chứng khoán với thời gian thực hiện giao dịch rất dài, có khi lên đến vài tháng, và việc đăng ký bán này thường được thực hiện trước khi công ty công bố thông tin phát hành thêm cổ phiếu. Như vậy, nếu cho đăng ký thời gian bán CK dài như thế liệu có bị lợi dụng để làm giá không?. UBCKNN qui định như thế nào về thời gian cho vấn đề đăng ký bán CK của các cổ đông này?.

 Ông Lê Nhị Năng : Theo qui định tại Thông tư 38/2007/TT-BTC ngày 18/4/2007, đối với giao dịch của các cổ đông nội bộ là thành viên HĐQT, BGĐ, BKS, kế toán trưởng và người liên quan của những đối tượng này phải được công bố tối thiểu là 1 ngày làm việc trước ngày thực hiện giao dịch và trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất giao dịch người thực hiện giao dịch phải báo cáo kết quả thực hiện giao dịch. Hiện không có qui định về thời gian tối đa cổ đông nội bộ đượcphép đăng ký thực hiện giao dịch

 Ông Trần Văn Dũng: Theo điểm 8.2 a, Quy chế Công bố thông tin trên TTGDCK Hà Nội, các cổ đông nội bộ khi có ý định giao dịch phải báo cáo cho TTGDCK Hà Nội ít nhất 01 ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch và chỉ được phép bắt đầu tiến hành giao dịch sau 24 giờ kể từ khi có công bố thông tin. Thời gian tối đa cho một đợt giao dịch không quá 1 tháng kể từ ngày dự kiến bắt đầu thực hiện giao dịch. Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất giao dịch, người thực hiện giao dịch phải báo cáo cho TTGDCK Hà Nội và tổ chức niêm yết để TTGDCK Hà Nội công bố thông tin.
Nếu bạn phát hiện trường hợp nào như đã nêu ở trên, đề nghị phản ánh cho TTGDCK HN để Trung tâm có biện pháp xử lý.

 

Nguyễn Huy Hà - VIT Corporation - (Email: takemetoyourheart_blue@yahoo.com): - Câu hỏi 1: "Thị trường chứng khoán Việt Nam đã học và rút ra được những kinh nghiệm gì trong quá trình quản lý và tổ chức hoạt động từ thị trường chứng khoán trong khu vực và thế giới ?" - Câu hỏi 2: "Những nhân tố nào ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua? Có phải động thái của Nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường vẫn đang chi phối tâm lý nhà đầu tư trong nước và sự biến động của toàn thị trường hay không?" Xin chân thành cảm ơn!

 Ông Vũ Bằng: Qua 10 năm hoạt động của UBCKNN và hơn 7 năm vận hành thị trường, từ kinh nghiệm thực tiễn cũng như tiếp cận với các TTCK quốc tế, chúng tôi thấy TTCK Việt Nam cần phát triển theo các chuẩn mực quốc tế, có bước đi thận trọng và ổn định để giúp TTCK phát triển lành mạnh và bền vững. Để phát triển thị trường, một mặt, cần phải nâng cấp quy mô, chất lượng cung cầu hàng hoá, tăng cường tính công khai minh bạch, quản trị công ty theo xu thế hội nhập. Bên cạnh đó, phải cải thiện tính chất đa sở hữu trên TTCK, kể cả sở hữu của Sở và TTGDCK. Ngoài ra, việc đào đội ngũ cán bộ luôn là nhiệm vụ cần được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, một yếu tố hết sức quan trọng để TTCK phát triển là điều kiện kinh tế vĩ mô, các chính sách trên thị trường tài chính, ngân hàng… phải gắn bó chặt chẽ với nhau và hỗ trợ cho sự phát triển chung của thị trường này.
Thực tế các cuộc khủng hoảng trên TTCK các nước đều xuất phát từ sự mất cân đối của kinh tế vĩ mô, từ hệ thống tài chính ngân hàng và tính chất nhạy cảm của hệ thống thị trường tài chính. Bởi vậy, trong quá trình phát triển TTCK Việt Nam , chúng ta phải gắn kết các chính sách vĩ mô, nâng cao quản trị công ty và khả năng ứng phó của các cơ quan quản lý.

Về câu hỏi 2, có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của TTCK, trong đó yếu tố nội tố nội tại về kinh tế, tài chính đóng vai trò quyết định. Về phía nhà ĐTNN, họ đang đại diện cho một luồng vốn lớn và quan trọng trên thị trường. Bản thân các nhà đầu tư trong nước cũng có xu hướng tâm lý nhìn theo nhà ĐTNN, nên TTCK có chịu ảnh hưởng nhất định từ nhà ĐTNN. Trong tương lai, khi TTCK Việt Nam phát triển ở mức độ cao hơn, có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư trong nước và kiến thức của nhà đầu tư được nâng lên thì ảnh hưởng về tâm lý của nhà ĐTNN trên TTCK Việt Nam sẽ giảm dần.


 

Thanh - so 6 Ho Xuan Huong - (Email: Thanhtms@yahoo.com): Tôi mua CP của CT thủy điện Thác Mơ cách đây hơn nửa năm thông qua đấu giá. Tiền đã trả rồi mà không thấy ai trả cổ phiếu cho tôi. Vậy tôi xin hỏi có phải tôi đã bị lừa hay không? Ai là người đòi sự công bằng cho tôi? Liệu có nên tiếp tục tin vào các cuộc IPO sắp tới hay không?

Hội ngộ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư  ảnh 15

Ông Trần Văn Dũng

 Ông Trần Văn DũngTrường hợp của bạn giống như một trường hợp nhà đầu tư đã tham gia đấu giá CTCP Nhiệt điện Ninh Bình. Chúng tôi đã trả lời ở trên, bạn vui lòng xem lại để biết chi tiết. Bạn nên liên hệ trực tiếp với CTCP Thủy điện Thác Mơ hoặc Ban chỉ đạo CPH Công ty để được giải đáp.
Trong trường hợp văn bản của bạn không có sự phản hồi xác đáng từ phía Công ty, bạn có thể liên hệ phản ánh với EVN hoặc Bộ Tài chính.

 

Chí Thành - TP Vinh - Nghệ An - 0913385607 (Email: lvkhoi@nan.gdt.gov.vn): Tôi cũng rất kỳ vọng vào đầu tư chứng khoán, nhưng hiện nay thị trường đang ảm đạm, chưa có lối ra cho các nhà đầu tư, lượng cung thì lớn sức mua lại giảm. Một số CK mới chào sàn buộc quay đầu vào phiên hôm sau, một số mã có tiềm năng như C92 tăng kịch trần 2-3 phiên sau đó cũng quay đầu kịch sàn. Tôi dự định thế chấp tài sản vay ít vốn để đầu tư mong cải thiện cuộc sống, nhưng nhìn vào thị trường thời điểm này theo các ông có nên đầu tư không? Các ông có dự báo như thế nào về TTCK tương lai gần? Mong ông có tư vấn chuẩn tránh, rủi ro cho các nhà đầu tư nhỏ lẽ như chúng tôi. Xin cám ơn!

 Ông Lê Nhị Năng : Về xu thế TTCK trong thời gian tới, theo tôi thị trường vừa qua đã có những phiên phục hồi mạnh mẽ sau thời gian trầm lắng, hiện nay lượng giao dịch rất ổn định và đạt mức cao. Dựa vào các yếu tố như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tình hình hoạt động của các CTNY, lượng vốn đầu tư, số lượng tài khoản tham gia thị trường có thể thấy TT sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên trong giai đoạn ngắn hạn thị trường sẽ có các đợt điều chỉnh do IPO của DN lớn hay các đợt phát hành thêm của các công ty đang niêm yết, chính sách tiền tệ, thuế...

 

Lê Xuân Hùng - Đống Đa, Hà Nội - (Email: lxhung@gmail.com): Kính gửi các vị Việc xử lý sai phạm trên TTCK của các cơ quan quản lý trong thời gian vừa qua liệu đã có gì thuyết phục. Nếu gây ra sai phạm mà chỉ bị yêu cầu giải trình hoặc phạt một số tiền quá khiêm tốn thì liệu đã đủ sức răn đe. Nhà đầu tư chúng tôi cho rằng việc giải trình chỉ là để cho vui, các ông có ý kiến gì không?

 Ông Lê Nhị Năng : TTCK mới đi vào hoạt động, các DN cá nhân còn chưa quen với cơ chế hoạt động của thị trường nên một số sai phạm còn xảy ra và đã được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, mức xử phạt hiện nay còn thấp và chưa mang tính răn đe. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để sửa đổi bổ sung Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK nhằm tăng cường tính minh bạch cho thị trường.

 

lequyminh - 350nguyen trai q 5 - 089237650 (Email: lequyminh350@yahoo.com.vn): Thưa ông Vũ Bằng, là người lãnh đạo cao nhất của UBCKNN, ông có thường xuyên đọc các thông tin liên quan đến TTCK hay không? Ông có nhận xét gì về những bài viết này? Những bài viết, thông tin đó có ảnh hưởng tốt, xấu đến TTCK hay không? Và ông đánh giá thế nào về nhận thức và hiểu biết về TTCK của nhà báo, khi một chuyên gia nước ngoài đọc báo xong đã phải thốt lên rằng, nhà báo cũng cần phải có kiến thức về chứng khoán và cần phải học về TTCK, bởi họ đã viết một bài viết thể hiện rõ sự thiếu hiếu biết của họ. Cụ thể là, cổ phiếu A rơi tự do còn một nửa giá trong khi cổ phiếu A phát hành thêm, chia tách...!!!! Xin cám ơn!

Hội ngộ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư  ảnh 16

Ông Vũ Bằng:  TTCK là thị trường của lòng tin, tính công khai, minh bạch là những chuẩn mực của thị trường này, nên báo chí đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của thị trường. Cá nhân tôi dù bận rộn đến mấy, nhưng vẫn thường xuyên đọc tin trên các báo.

Trong thời gian qua, công tác báo chí đã có sự hoàn thiện và mở rộng, trở thành một yếu tố không thể thiếu được trên thị trường. Chất lượng các bài báo, tính cập nhật về thông tin ngày càng được cải thiện và tăng cường. Tuy nhiên, mức độ đồng đều giữa các bài báo cũng còn có sự khác nhau, còn thiếu những bài phóng sự để hỗ trợ thị trường trong việc phát hiện và xử lý những hiện tượng vi phạm mà pháp luật chưa quy định đến.

Những sai sót như bạn đề cập có thể là có thật, nhưng chỉ là sự cá biệt và không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển của thị trường.

 

Hoàng Mai - TP.HCM - (Email: maihoang72@yahoo.com): Xin hỏi ông Năng, các công ty niêm yết công bố thông tin, gửi văn bản đến HOSE có được đồng thời gửi cho các cơ quan báo chí hay không? Trong trường hợp gửi cho cơ quan báo chí trước, rồi gửi cho HOSE sau có phạm luật không?

 Ông Lê Nhị Năng : Theo Quy chế công bố thông tin của Sở thì các công ty niêm yết được phép công bố thông tin đồng thời cho HOSE và các phương tiện thông tin đại chúng. Trong trường hợp công ty niêm yết gửi cho cơ quan báo chí trước, điều này không phạm luật nhưng nếu có sai sót hoặc nhầm lẫn thì công ty phải chịu trách nhiệm về những thông tin mình công bố. Tuy nhiên, thông tin của HOSE công bố mới là thông tin chính xác cuối cùng.

 

Bùi Quang Hoan - R. 306, 16b, Ngô Tất Tố, HN. - (Email: hoan01@fpt.vn): Thưa Ông Chủ tịch UBCK NN. Xin hỏi Ông CT 2 vấn đề: 1. Thuế thu nhập cá nhân đánh vào nhà đầu tư CK do Ban soạn thảo đang trình với Quốc hội. Đây là vấn đề rất bức súc của các NĐT trên TTCK, nó ảnh hưởng trực tiếp đến giao dịch trên thị trường. Xong có lẽ do nhận thức còn hạn chế nên các đại biểu QH đã hiểu không đúng về TTCK, nên hầu như không có góp ý gì và có thể dễ chập nhận dự thảo của Chính phủ. Nhưng những đề xuất ấy tồn tại nhiều điểm không hợp lý, đó là: Thuế đánh vào cổ tức. - Khi chia cổ tức bằng cổ phiếu: đây thực ra là một hình thức tái đầu tư. Nhà đầu tư không được chia bằng tiền mặt mà chỉ được ghi nhận bằng cổ phiếu. Tiền thực sẽ được doanh nghiệp tăng vốn điều lệ và đầu tư vào các dự án đã đượ ĐHCĐ thông qua. Việc tái đầu tư này được luật đầu tư khuyến khích. Nếu đánh thuế thì trái với luật này. Việc quản lý và sử dụng đồng lãi cổ tức này hoàn toàn do doanh nghiệp định đoạt. Tức là tiền chưa thực sự nằm trong túi NĐT, nếu đánh thuế là sai. - Thuế đánh vào cổ tức là song trùng: doanh nghiệp là của các nhà đầu tư. Doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tiền còn lại chia cho các cổ đông của mình mà lại bị đánh thuế nữa - tức là nhà đầu tư chịu 2 lần thuế. Nếu lý giải nguồn thu có khác nhau (của doanh nghiệp là từ kinh doanh, của NĐT là từ ĐT)thì đối với các doanh nghiệp ĐT hay qũi thì sao? ở đây nguồn thu nhập của doanh nghiệp và NĐT không có gì khác nhau. 2. Các vấn đề chống tiêu cực, tham nhũng trên TTCK: Gần đây những giao dịch nội gián có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại cho NĐT chân chính. Nhưng UBCK NN chỉ có phạt những lỗi đơn giản về kỹ thuật của các CTCK, nhưng của chính bản thân cơ quan lưu ký hay sở GDCK mắc nhiều lỗi thì lại không có ý kiến gì. Đối với các vấn đề trên xin hỏi Ông CT : Ông có ý kiến gì về các bức súc của NĐT trước vô lý về Thuế TNCN (vừa được QH thông qua) như nêu ở phần một. UBCK là tổ chức chuyên ngành, NĐT chỉ biết trông chờ vào UB. Nhưng UB vẫn giữ im lặng. Vậy Ông CT cho biết quan điểm của UBCK ra sao? Đồng tình với các NĐT hay với Luật TTNCN và vì sao? Về các tiêu cực trên TTCK như nêu trong điểm 2, quan điểm của UBCK ra sao? Xin cảm ơn! Bùi Quang Hoan , CT HĐQT Cty Vạn An Sinh.

 Ông Vũ Bằng: Luật Thuế TNCN đã được Quốc hội thông qua và đây là văn bản có tính pháp lý cao nhất mà chúng ta cần chấp hành. Trong quá trình triển khai, nhà đầu tư có thể chọn lựa một trong hai phương thức nộp thuế cho phù hợp với mình.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã cố gắng theo dõi và xử lý hành vi vi phạm trên TTCK, đặc biệt là hành vi thao túng thị trường. Đã có một vụ thao túng thị trường bị phát hiện và xử phạt, tuy nhiên do hệ thống CNTT của cơ quan quản lý còn hạn chế cũng như tính chất phức tạp của hành vi thao túng, nên khả năng theo dõi, giám sát để phát hiện và xử lý hết các hành vi này còn hạn chế.

Về những lỗi vi phạm của Sở và TTGDCK, về lâu dài, cần áp dụng chế tài xử phạt như với các tổ chức khác, tuy nhiên, do Sở và TTGDCK hiện nay vẫn là các tổ chức nhà nước mới tách ra, nên việc xây dựng Quỹ bù đắp tổn thất chưa triển khai đuơc, các sai sót chủ yếu mang tính kỹ thuật không thuộc dạng hành vi cố ý trục lợi, nên chúng tôi chủ yếu xử lý thông qua việc yêu cầu kiểm điểm, trừ thưởng, giảm mức xếp hạng viên chức cuối năm… Khi thị trường phát triển đến mức độ cao hơn, chắc chắn sẽ có biện pháp xử lý hợp lý hơn với các hành vi sai phạm.

 

phuclan - HCM - (Email: phuclan@gmail.com): 1. Xin được hỏi Ông Vũ Bằng là thời gian gần đây có quá nhiều công ty đại chúng bị cảnh cáo hoặc phát liên quan đến việc phát hành mà không xin phép UBCK. Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc xừ lý chưa hẳn đã hợp tình hợp lý vì thời gian xin phép phát hành kéo dài đếnm nhiều tháng. Xin hỏi quan điểm của ông về vấn đề này. 2. Xin hỏi ông Năng về số lượng doanh nghiệp đã có hồ sơ xin niêm yết tại Sở giai dịch vào giai đoạn cuối năm 2007? Khả năng sẽ có bao nhiều doanh gnhiệp kịp niêm yết tại HOSE trong năm nay? 3. Xin ông Dũng cho biết quan điểm của ông về khả năng diễn ra tình trạng làm giá thường xuyên đối với các cô phiếu niêm yết tại HASTC, như trường hợp các công ty Sông Đà mà dư luận bàn tán nhiều trong thời gian qua? Xin hỏi ông về lượng hàng hóa sẽ niêm yết tại HASTC vào cuối năm nay?

 Ông Trần Văn Dũng: 3. Tôi nghĩ rằng, mỗi nhà đầu tư tham gia thị trường đều phải tuân thủ luật chơi. Các quy định về giao dịch đã được các cấp có thẩm quyền thông qua và công bố công khai. Tình hình của doanh nghiệp, từ mức vốn điều lệ, tỷ lệ % vốn do Nhà nước nắm giữ, cơ cấu nắm giữ cổ phần của các cổ đông khác, ước tính số cổ phiếu họ có thể tự do chuyển nhượng trên thị trường... là tương đối rõ ràng. Vì vậy, mỗi nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ trước mỗi quyết định mua - bán của mình.
Hiện tượng giá của nhóm cổ phiếu Sông Đà có biến động mạnh, chúng tôi cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có hiện tượng nhà đầu tư kỳ vọng lớn vào khả năng sinh lời của các doanh nghiệp này vì báo cáo tài chính quý III của nhóm này nói chung là khá tốt, lợi nhuận tăng nhiều so với quý I, quý II. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong nhóm này có quy mô vốn nhỏ, lượng cung cổ phiếu ít và đồng loạt xin UBCK Nhà nước tăng vốn điều lệ. Điều này có thể tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.
Hiện nay, TTGDCK HN đang xem xét hồ sơ niêm yết của 34 DN. Chúng tôi hy vọng từ nay đến cuối năm 2007, tổng số doanh nghiệp niêm yết trên sàn HN có khoảng từ 125 đến 130.

Hội ngộ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư  ảnh 17

Ông Lê Nhị Năng

Ông Lê Nhị Năng : Hiện nay tổng cộng có 28 công ty nộp hồ sơ xin niêm yết, chúng tôi đã chấp thuận nguyên tắc cho 9 công ty. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 25-30 công ty lên niêm yết.

 Ông Vũ Bằng: Luật Chứng khoán đã quy định các DN chào bán ra công chúng phải đăng ký với UBCK để bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư. Trong thời gian qua, nhiều DN cố tình hay hữu ý không tuân thủ quy định này buộc chúng tôi phải xem xét xử phạt. Khi thị trường tăng trưởng, DN có thể dễ dàng chào bán và nhà đầu tư cũng không nhận thấy những ảnh hưởng của vịêc chào bán không đăng ký, nhưng khi thị trường sụt giảm, việc chào bán thiếu công khai hoá thông tin, thiếu kiểm toán sẽ tiềm ẩn những rủi ro với nhà đầu tư.

Trong thời gian qua, UBCK đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý các hồ sơ. Tuy nhiên, có một số hồ sơ thời gian thẩm định kéo dài vì những lý do sau:
Thứ nhất, đây là những DN mới, công tác kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, Nghị quyết ĐHCĐ chưa đề cập đầy đủ đến các hoạt động phát hành, kinh nghiệm làm hồ sơ còn hạn chế, nên mất nhiều thời gian để có 1 bộ hồ sơ hợp lệ.

Thứ hai, một số công ty tư vấn cũng chưa làm hết trách nhiệm khi tư vấn cho DN phát hành.

Thứ ba, nhiều DN chào bán trước đó không xin phép, nên UBCK rất khó khăn trong việc cấp phép cho đợt chào mới dựa trên một cơ cấu cổ đông của đợt phát hành không xin phép trước. Nhiều trường hợp vi phạm cả Luật DN và có nhiều kiện tụng từ cổ đông của DN. Chúng tôi phải rà soát lại các đợt phát hành cũ, xử phạt hành vi vi phạm trước khi cấp phép cho đợt phát hành mới.
Ngoài ra, các hiện tượng trên không chỉ liên quan đến việc chào bán chứng khoán ra công chúng mà còn liên quan đến SỞ và Trung tâm khi thẩm định hồ sơ xin niêm yết của DN. Đây là những nguyên nhân chính gây mất thời gian trong quá trình thẩm định hồ sơ.

 

N Trãi - HN - (Email: traibigc@yahoo.com): 1-Các cơ quan quản lý nghĩ gì về các hiện tượng đưa thông tin về TTCK trên phương tiện thông tin đại chúng vừa qua như giật tít bài giật gân,đưa tin thiếu chính xác,thiếu tính định hướng và xây dựng,chạy theo tâm lý bầy đành của TT có lúc đổ dầu vào lửa hay dội nước lanh vào thị trường, 2- Việc Các Phóng viên,nhà báo, chuyên gia ...có tham gia chơi CK với các phát biểu mang động cơ vụ lợi.. 3- Cơ quan quản lý có cách giải quyết hiện tượng này như thế nào trong thời gian tới đây?

 Ông Lê Nhị Năng : Hoạt động của cơ quan thông tin báo chí phải tuân thủ Luật Báo chí, nếu những người làm báo lợi dụng nghề nghiệp của mình để vụ lợi hoặc cung cấp thông tin nội gián, nếu phát hiện thì cũng bị xử lý theo quy định hiện hành.

Hiện nay HOSE cũng có bộ phận thường xuyên kiểm tra các thông tin trên báo chí và có phản hồi kịp thời với các báo hoặc có thông tin đính chính nếu thông tin đã đăng tải không chính xác.

 

Quốc Hùng - TP.HCM - (Email: hunghi@gmail.com): Xin hỏi cả ba ông rằng, các ông có lo ngại trước việc phát hành cổ phiếu quá nhiều mà không làm tăng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng? Theo các ông, UBCK có cần tăng cường các điều kiện xét duyệt phát hành cổ phiếu để đảm bảo chất lượng của phát hành tăng vốn?

 Ông Lê Nhị Năng : Thực chất của việc này là doanh nghiệp dùng các nguồn lợi nhuận thặng dư hoặc các nguồn tích lũy để phát hành cổ phiếu thưởng và làm tăng vốn điều lệ của DN nhằm tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, luật pháp hiện hành không có chế tài gì đối với hoạt động này.

 Ông Vũ Bằng: Việc phát hành tăng vốn, phát hành trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thưởng bằng cổ phiếu phải tuân thủ các quy định trong Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn trong đó có đề ra những điều kiện về vịêc sử dụng nguồn vốn để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng.
Trong thời gian vừa qua, nhiều DN phát hành và chào bán chứng khoán ra công chúng vào những thời điểm thị trường đi xuống hoặc việc nhiều DN chào bán cũng làm cho giá cổ phiếu bị pha loãng, tác động đến xu thế giá cả của thị trường. UBCKNN không có quyền nghiêm cấm hay hạn chế quyền phát hành của DN vì đây là quyết định đã được Đại hội đồng cổ đông của DN thông qua. Vấn đề quan trọng là, HĐQT cần lựa chọn thời điểm và mức độ phát hành phù hợp, đặc biệt là phương án sử dụng vốn có hiệu quả để đảm bảo sự phát triển trong dài hạn của DN. Nhà đầu tư cũng cần thể hiện quyền của mình đối với vấn đề này tại Đại hội đồng cổ đông. Mặt khác, các tổ chức tư vấn là công ty chứng khoán cũng nên giúp đỡ DN lựa chọn thời điểm và có phương án phát hành phù hợp. UBCK trong quá trình xem xét hồ sơ phát hành chỉ kiểm tra các tiêu chuẩn quy định và sự công bố thông tin đầy đủ của DN liên quan đến đợt phát hành.

 

tran quoc hung - 123 giang vo - 0912585866 (Email: hungvv@yahoo.com): Xin các ông cho biết, TTCK VN hiện nay đang ở giai đoạn nào so với TTCK thế giới? Liệu như hiện nay, TTCK VN đã gọi là bùng nổ chưa, và có bùng nổ mạnh hơn trong tương lai không? Xin chân thành cám ơn!

 Ông Lê Nhị Năng : TTCK VN hiện nay mới chỉ hơn 7 năm đi vào hoạt động, thời gian hoạt động như vậy là quá ngắn đối với lịch sử phát triển hàng trăm năm của TTCK thế giới. Với quy mô vốn hóa của TTCK VN hiện nay khoảng 31 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt mức gấp đôi vào năm tới, vì vậy TTCK VN vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

 Ông Vũ Bằng: Về mặt lịch sử hoạt động thì TTCK Việt Nam còn rất non trẻ, có nhiều yếu tố còn khác biệt xa so với các TTCK phát triển. Tuy nhiên, xét về quy mô trên GDP hoặc một số yếu tố khác thì chúng ta cũng đã đạt được những bước phát triển quan trọng. Trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2006 và đầu năm 2007, TTCK đã có sự tăng mạnh về quy mô và giá trị giao dịch. Xét về tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch, số lượng công ty niêm yết, số lượng nhà đầu tư tham gia thì chúng ta đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Theo tôi, trong tương lai, TTCK Việt Nam sẽ còn tiếp tục phát triển vì thị trường của ta vẫn trong giai đoạn phát triển của một thị trường trẻ, công cuộc cải cách kinh tế và quá trình cổ phần hoá đang bước sang những giai đoạn quan trọng, thu hút được sự quan tâm ngày càng lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà ĐTNN.

 

lequyminh - 350nguyentrai q5 - 089237650 (Email: lequyminh350@yahoo.com.vn): Thưa ông Vũ Bằng, hiện nay các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán ở Việt Nam đã phát triển mạnh. Nhưng tính minh bạch của các công ty chưa cao, nhiều nhà đầu tư muốn tìm hiểu về công ty mà mình quan tâm nhưng không biết tìm ở đâu, mặc dù các công ty đều có ở trên mạng, nhưng nguồn thông tin quá ít ỏi, khiến nhà đầu tư mù tịt thông tin. Và nếu có đầu tư cũng chỉ dựa trên cảm nhận cá nhân. Tôi đề nghị Nhà nước (ở đây là UBCKNN) phải có hình thức chế tài hoặc quy định rõ ràng, bắt buộc các công ty phải tuân thủ nghiêm ngặt. Đó cũng đồng thời là hình thức quảng bá cho công ty. Những thông tin mà nhà đầu tư chúng tôi muốn biết cần chứa những nội dung như: 1/ Phải có đầy đủ hồ sơ về công ty. 2/ Ban lãnh đạo công ty (như lý lịch, trình độ năng lực, bằng cấp). 3/ Tổng số công nhân kỹ sư, lao động lành nghề, công nhân phổ thông... 4/ Ngành nghề kinh doanh - Lợi nhuận hàng tháng, quý.. - Tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư - Tỷ số nợ trên vốn - Lợi nhuận/nợ - Khả năng phát triển của công ty. Việc công bố thông tin đòi hỏi phải minh bạch đúng kỳ hạn. Có như vậy nhà đầu tư mới có tư liệu để tìm hiểu và đầu tư có hiệu quả. Việc tôi đề xuất ý kiến của mình đúng sai như thế nào xin các nhà quản lý trả lời. Xin chân thành cảm ơn các chuyên gia!

 Ông Vũ BằngViệc CBTT của DN niêm yết đã được quy định trong Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn. Trong các bản cáo bạch và báo cáo thường niên, hàng quý, 6 tháng, đều có yêu cầu DN công bố các thông tin như bạn đã đề cập. Nhìn chung, DN niêm yết đều tuân thủ quy định về CBTT, riêng về mặt thời hạn công bố thì còn có một số DN chưa đáp ứng được. Mặt khác, còn nhiều DN chưa có website riêng, trong khi các thông tin qua website của Sở, TTGDCK và UBCK chưa thực sự đáp ứng đuợc đòi hỏi thị trường.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ yêu cầu DN nói riêng, bản thân cơ quan quản lý nói chung sẽ nâng cấp website và xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai việc CBTT qua mạng, qua hệ thống điện tử để nâng cao chất lượng CBTT. Trước mắt, việc nâng cấp sẽ được thực hiện trên nền tảng công nghệ hiện tại, còn nâng cấp đồng bộ, hoàn chỉnh cả hệ thống sẽ gắn với việc nâng cấp và mua sắm CNTT toàn thị trường, dự kiến bắt đầu năm 2009.

 

Tran Van Quang - 122 Hoang Van Thu HCM - 0914275601 (Email: tranvan@yhaoo.com): 2/3 trong số 250.000 tài khoản là nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người đang say sưa, miệt mài lặn lội trong thị trường chứng khoán VN và họ cũng là những người trước hết hứng chịu những sóng gió của thị trường, các nhà quản lý nghĩ gì để giúp đỡ họ trong thời gian sắp tới, nhất là khi thị trường chứng khoán VN hội nhập sâu với toàn thế giới?

 Ông Vũ Bằng: Trong điều kiện TTCK chưa thực sự phát triển, còn đầu tư theo phong trào, thì diễn biến trên TTCK không khỏi tác động đến NĐT nhỏ lẻ. Để góp phần bảo vệ những nhà đầu tư này, UBCK sẽ tăng cường mở rộng nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư đại chúng, tạo kênh cho NĐT nhỏ lẻ tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường CBTT và quản trị công ty minh bạch trong các DN niêm yết và DN đại chúng để tạo kênh thông tin chính thức, công khai và công bằng ra thị trường.

Bản thân nhà đầu tư cần tự nâng cao kiến thức và thực hiện tốt quyền cổ đông trong các kỳ đại hội đồng cổ đông để có thể bảo vệ tốt hơn chính mình.

 

anhminh - TP.HCM - (Email: pig_11049000@yahoo.com): Xin vui lòng cho biết cách tính cụ thể chỉ số VN-Index?

 Ông Lê Nhị Năng : Mời bạn truy cập vào ssc.gov.vn để tham khảo.

 

Trần Long - Vĩnh Phúc - (Email: tranlong143@yahoo.com): Xin được hỏi ông Lê Nhị Năng Hệ thống giao dịch của Sở hiện nay theo ông đánh giá là như thế nào? Tại sao vẫn thường xuyên xảy ra sự cố?

 Ông Lê Nhị Năng Hệ thống giao dịch của Sở hiện nay hoạt động vẫn ổn định, có thể đảm bảo cho 400 công ty chứng khoán hoạt động và xử lý hơn 100.000 lệnh/ngày. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ trang bị một hệ thống giao dịch mới hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Còn các sự cố xảy ra trong thời gian vừa qua, chủ yếu do thao tác của con người và chúng tôi đang dần hoàn thiện.

 

Lê Minh - Úc - (Email: lemtoan@gmail.com): Câu hỏi dành cho lãnh đạo UBCKNN: 1. Một trong các khó khăn của Nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu về TTCK Việt nam chính là hạn chế về ngôn ngữ. Khi tìm hiểu website của UBCK, các văn bản pháp luật cũng chỉ có tiếng Việt, trong khi các văn bản được dịch sang tiếng Anh cập nhật mới nhất không có. Đơn cử, các văn bản từ năm 2004 về trước vẫn còn hiện diện trên trang web này. Điều này gây khó khăn cho họ khi tiếp cận các quy định mới nhất về Luật pháp, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tại Việt nam. Liệu trong thời gian tới, UBCK có khắc phục được tình trạng này, để giúp nhà đầu tư có thể tìm hiểu về khung pháp luật về TTCK Việt nam khi lựa chọn đầu tư vào TT hay không?(Tôi được biết, khi tuyển dụng, UBCK luôn luôn đòi hỏi ngoại ngữ rất cao với người dự tuyển?!) 2. Xu hướng trên thế giới là các Sở GDCK là các tổ chức tự quản-SRO, sẽ được lựa chọn chuyển đổi sang hoạt động như một doanh nghiệp và có thể niêm yết trên chính sở - gọi là "Demutualization". Vậy, Việt Nam đã xây dựng một lộ trình thế nào cho Sở GDCK thành phố HCM? Ủy ban CK sẽ can thiệp ở mức độ nào để Sở có thể tự chủ? các bước đi cụ thể? Xin cảm ơn!

 Ông Vũ Bằng: Đúng là trang web hiện nay của UBCK có nhiều điểm hạn chế, như vấn đề ngôn ngữ, cập nhật thông tin, tính hiện đại trong công nghệ còn thấp. Đầu năm tới, chúng tôi sẽ xây dựng đề án nâng cấp website, trong đó có nâng cấp máy chủ, đường truyền, nội dung, thành lập 1 phòng riêng để tập trung cho vấn đề này, đồng thời chúng tôi đang sửa lại quy chế CBTT trong nội bộ UBCK để nâng cấp chất lượng CBTT trong Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, để có trang web thực sự hữu ích và tiện dụng phải gắn với sự nâng cấp CNTT chung của toàn thị trường vào năm 2009 và hình thành Trung tâm cơ sở dữ liệu chung cho toàn thị trường. UBCK đang liên hệ với UBCK các nước để nhập hệ thống CNTT của những thị trường tiên tiến.

 

Tấn Lộc - Gò Vấp - (Email: locnkt@yahoo.com): Tôi xin hỏi ông Vũ Bằng, ông Lê Nhị Năng, tôi nghe nói đầu năm 2008 sẽ áp dụng 1 lô phải 100cp, như vậy có công bằng với các nhà đầu tư nhỏ khi nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu thì họ phải làm sao đối với số cổ phiếu lẻ. Các ông có thể áp dụng lệnh tối thiểu là 100 CP, nhưng khi nhà dầu tư đặt mua bán là 110 CP hoặc 120 CP vẫn được chẳng hạn. Xin các ông vui lòng trả lời, có thể giải quyết như vậy được không? Xin cảm ơn các ông!

 Ông Lê Nhị Năng Sở dĩ chúng tôi phải chọn thời điểm thích hợp để cổ đông có cổ phiếu lẻ có thời gian xử lý dứt điểm số CP lẻ đó. CP lẻ còn lại có thể bán tại công ty chứng khoán.

 

Nguyễn Thị Thu Nga - Thị xã Hưng Yên - (Email: trangthu129@yahoo.com): Thưa ông Vũ Bằng, Hiện nay, với hơn 80 triệu dân Việt Nam mà chỉ có khoảng 300 nghìn tài khoản chứng khoán, và hầu hết là những người dân thành phố lớn. Ông có nghĩ đó là con số quá ít không? Những dự định và giải pháp nào sẽ được ông đưa ra trong thời gian tới để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam ? Và cơ hội cho những NĐT tỉnh lẻ như tôi được tiếp nhận với chứng khoán một cách thuận lợi là lúc nào?

 Ông Vũ Bằng: Đúng là trên 300.000 tài khoản so với dân số VN là rất khiêm tốn, mặc dù số lượng hiện nay đã gấp 3 lần so với cuối năm 2006. Trong thời gian tới, để thu hút nhiều hơn NĐT, chúng ta phải xử lý tốt quan hệ cung – cầu thị trường thông qua việc đưa ra nhiều sản phẩm của DN lớn, chất lượng cao, hoàn thiện hệ thống CNTT và cơ sở hạ tầng thị trường, tăng cường CBTT.
Khi mà Sở và Trung tâm triển khai hoạt động giao dịch từ xa và tổ chức thị trường cho CK chưa niêm yết. Đồng thời, các công ty chứng khoán nâng cấp hệ thống đặt lệnh, hệ thống mở tài khoản bằng tiền trực tuyến qua mạng với các ngân hàng thì cơ hội tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư ở mọi miền sẽ tăng lên. Trong thời gian qua, UBCK đã cho phép CTCK mở đại lý nhận lệnh tại các địa phương, dựa trên mạng lưới của các ngân hàng, công ty tài chính. Đây là một phương thức vận dụng riêng của VN để thu hút nhà đầu tư ở xa trung tâm đến với thị trường.

 

Diep Phuong - Tp. HCM - 982880017 (Email: Phuongdiepvan@yahoo.com): Thị trường chứng khoán vào thời điểm gần cuối năm, nhiều công ty niêm yết báo cáo kết quả kinh doanh tốt nhưng lại rất ảm đạm. Theo ông, việc niêm yết ồ ạt các cổ phiếu vào cuối năm, đặc biệt mà nhiều cổ phiếu blue chip có ảnh hưởng đến thị trường không? Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều tiết họat động niêm yết? Thời hạn thanh tóan T+3 là quá dài (Thực tế phải chịu T+4), chúng ta có thể rút ngắn được không?

 Ông Lê Nhị Năng : Hiện nay lượng cầu của NĐT trên thị trường còn thấp, số tài khoản mở tại các công ty chứng khoán chiếm chưa đầy 0,3% dân số. Trong khi tỷ lệ này ở các nước là 2-3%. Như vậy có thể thấy, tiềm năng của lượng cầu còn rất lớn, vấn đề là làm sao để thu hút NĐT tham gia thị trường.

Liên quan đến việc cấp phép cho doanh nghiệp niêm yết, nếu hồ sơ của DN nộp lên HOSE đầy đủ, hợp lệ và đáp ứng các điều kiện niêm yết, chúng tôi sẽ cấp phép.

 

Hoàn Dũng - Hải Phòng - (Email: dzunghm@yahoo.com): Câu hỏi dành cho ông Dũng Kế hoạch cụ thể cho việc quản lý giao dịch cổ phiếu OTC của Hastc hiện nay đã tiến hành được những bước nào? Việc quản lý giao dịch OTC thông qua Hastc theo ông có gì phức tạp hay không?

 Ông Trần Văn Dũng: 1. Như đã trả lời ở trên, chúng tôi đang có kế hoạch đưa thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng vào hoạt động trong quý I/2008. Những công việc cần phải chuẩn bị bao gồm:
- Phương án tổ chức: đã được Bộ Tài chính thông qua (theo Quyết định số 3567/QĐ-BTC ngày 08/11/2007).
- Quy chế giao dịch/ đăng ký giao dịch: đã trình UBCK Nhà nước.
- Quy chế về thanh toán: đang phối hợp với TTLK.
- Hệ thống mạng: hiện đã kết nối được trên 40 CTCK.
- Phần cứng: đã nhập và sẵn sàng đi vào hoạt động.
- Phần mềm: đang test nội bộ
- Tập huấn dự kiến trong tháng 12/2007.
Toàn bộ hệ thống phần mềm giao dịch và máy trạm giao dịch chúng tôi sẽ trang bị đến tận các CTCK. Do vậy, về cơ bản ngoài, ngoài việc tổ chức nhân sự, quầy giao dịch, phương tiện công bố thông tin thì CTCK không phải chuẩn bị gì thêm.

2. Việc quản lý giao dịch thị trường OTC theo chúng tôi là không hề đơn giản vì một số lý do sau đây:
- Tiêu chuẩn công bố thông tin của công ty đại chúng thấp hơn công ty niêm yết nên chưa thể đáp ứng ngay được đòi hỏi của công chúng đầu tư.
- Phương thức giao dịch mới theo mô hình OTC chưa được kiểm nghiệm trong thực tế. Do vậy, thời gian đầu, nhiều nhà đầu tư chưa quen với phương thức giao dịch mới sẽ có thể gặp nhiều lúng túng. Trung tâm cũng sẽ phải đánh giá hiệu quả của phương thức giao dịch mới so với các phương thức giao dịch hiện tại để có sự điều chỉnh kịp thời, hợp lý theo yêu cầu của thị trường.
- Hiện nay, nhân sự của TTGDCK HN có hạn, cùng một lúc vừa vận hành một hệ thống giao dịch mới vừa bảo đảm cung cấp thông tin cần thiết cho nhà đầu tư và thực hiện giám sát để giảm thiểu các giao dịch bất bình thường là một bài toán không dễ dàng.
Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ phải hoàn thành vì mục tiêu phát triển thị trường nên sẽ quyết tâm làm hết sức mình để việc giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng sớm được thực hiện một cách trôi chảy.

 

Nguyễn Xuân Thuỷ - Số 401, K12, Bách Khoa, Hà Nội - (Email: Thuynguyen9@yahoo.com): Xin chào ông Vũ Bằng, Theo tôi được biết ở nhiều nước, cơ quan quản lý lập ra những quỹ bình ổn thị trường để điều tiết thị trường, tránh trường hợp thị trường tăng nóng quá hoặc giảm quá. Vậy xin ông cho biết, ở Việt Nam đã có quỹ này chưa? Nếu chưa có, thì cơ quan quản lý có ý định thành lập không và xin cho biết, thời gian thành lập. Cảm ơn ông!

 Ông Vũ Bằng: Theo khảo sát của UBCK thì chưa có nước nào tự lập Quỹ bình ổn giá cổ phiếu trên TTCK, vì khó có một lực lượng nào đủ mạnh để giải quyết vấn đề này. Hơn nữa, trong cơ chế thị trường cũng không nên làm như vậy. Vấn đề là cơ quan quản lý và các thành viên thị trường cần có sự phối hợp trong việc đề ra các giải pháp có thể tác động gián tiếp đến quan hệ cung - cầu, từ đó giúp cho TTCK phát triển ổn định. Trong trường hợp TTCK sụt giảm mạnh, có dấu hiệu của khủng hoảng thì cần có sự phối hợp giữa các cơ quan tài chính, ngân hàng, chứng khoán để đề ra những giải pháp xử lý thích hợp.

 

Phuong Vy - TP.HCM - (Email: phuongvynguyen@yahoo.com): Xin hỏi công ty niêm yết muốn bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ, đứng ra mua hết cổ phiếu lô lẻ của công ty mình theo giá thị trường có được không, hay bắt buộc chỉ có công ty chứng khoán mới được mua lại cổ phiếu lô lẻ?

 Ông Lê Nhị Năng : Theo quy định chỉ có CTCK mới được mua lại cổ phiếu lô lẻ với những trường hợp CP đang giao dịch trên sàn. Trường hợp công ty niêm yết phát hành thêm, thì có thể mua lại CP lẻ để làm cổ phiếu quỹ.

 

Mai Mai - Ha Noi - (Email: maihoangfr@yahoo.com): Xin chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe Ông Vũ Bằng và các đại diện từ Sở và Trung tâm đã quan tâm đến câu hỏi của tôi. Tuy nhiên, vì chưa có sự trao đổi trong việc hỏi và trả lời, nên chưa đáp ứng được mong muốn của tôi. Tôi hy vọng, Báo Đầu tư chứng khoán và UBCKNN sẽ liên tục duy trì kênh trao đổi RẤT QUÝ VÀ TÍCH CỰC này. Tôi rất mong muốn được tiếp tục gặp các Quý đại diện của UBCKNN, SỞ/TRUNG TÂM để tiếp tục trao đổi để thị trường chứng khoán ngày càng phát triển.

 Ông Vũ Bằng:  Cảm ơn bạn đã có lời động viên với chúng tôi. Trong khoảng thời gian rất ngắn chiều nay, chúng tôi không có điều kiện trả lời hết và trả lời cặn kẽ tất cả các câu hỏi được gửi đến. Chúng tôi cũng hy vọng Báo ĐTCK sẽ tổ chức nhiều cuộc giao lưu như hôm nay để tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư.
Những câu hỏi mà chúng tôi nhận đuợc ngày hôm nay cũng đã giúp chúng tôi hiểu hơn về những suy nghĩ và mong muốn của các thành viên thị trường. Đây là những thông tin cần thiết trong công tác xây dựng chính sách phát triển thị trường của cơ quan quản lý. 

Sau hơn hai giờ đồng hồ, đại diện cơ quan quản lý đã chia sẻ quan điểm về diễn biến tình hình TTCK hiện nay và giải đáp những thắc mắc của độc giả, nhà đầu tư trên nhiều góc độ khác nhau. Chúng tôi hy vọng quý vị độc giả, cũng là các nhà đầu tư, đã có thêm được nhiều thông tin bổ ích về quá trình phát triển của TTCK Việt Nam, những điều đã làm được và những vấn đề cần phải tiếp tục xử lý để thị trường ngày càng phát triển hơn.

Đầu tư Chứng khoán điện tử xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của quý vị độc giả, xin chân thành cảm ơn sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan quản lý! Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để có thể tổ chức nhiều hơn nữa những cuộc giao lưu trực tuyến thiết thực, xứng đáng là một kênh thông tin quan trọng, là bạn đồng hành của nhà đầu tư trong từng diễn biến của thị trường.