HoSE “lột xác”?

HoSE “lột xác”?

(ĐTCK-online)HoSE đang tính đến phương án giao dịch bỏ sàn cũng như nâng cao công nghệ, thông tin cho TTCK nhằm khắc phục các hạn chế lâu nay trong giao dịch chứng khoán, tạo thuận lợi cho các thành phần tham gia thị trường.

Có một thực tế là, sự bùng nổ của TTCK trong thời gian qua nằm ngoài dự đoán của các nhà điều hành nên việc đầu tư và trang bị kỹ thuật, công nghệ thông tin chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của thị trường cũng như nhu cầu của nhà đầu tư. Hiện tượng "tê liệt" giao dịch vì quá tải lệnh đã xảy ra một vài lần trước đây, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Gần đây, một số CTCK, nhất là những đơn vị mới thành lập đã nhanh chóng cải thiện, đầu tư công nghệ, trong đó có hình thức giao dịch trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian cũng như chi phí cho nhà đầu tư. Thế nhưng, chỉ phía CTCK đầu tư công nghệ vẫn chưa đủ để thực hiện được hình thức giao dịch hiện đại này.

Trong khi công nghệ còn yếu kém thì sự phát triển của TTCK đã đem lại nhiều cơ hội kinh doanh về dịch vụ đi kèm nên xu hướng thành lập CTCK đang được nhiều định chế tài chính cũng như các tập đoàn đua nhau vào cuộc. Điều này đặt HoSE vào tình thế khó khi chỗ ngồi dành cho các đại diện của CTCK chỉ còn khoảng 6 bàn. Nếu bình quân một CTCK có 2 đại diện tại sàn thì HoSE chỉ đủ để nhận thêm 10 CTCK.

Theo ông Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc HoSE, trong giai đoạn từ tháng 10/2007 đến hết quý I/2008, HoSE sẽ triển khai hình thức giao dịch không sàn. Ở giai đoạn 1, HoSE sẽ triển khai Remote DCTerm, tức là đưa hình thức nhập lệnh DCTerm về các CTCK. HoSE sẽ đảm bảo tuyệt đối an ninh máy chủ, thiết bị mạng. Do vậy, ngay tại thời điểm này, HoSE đang chuẩn bị ráo riết cho việc nâng cấp hệ thống mạng để từ đó kiểm soát được quy trình nhập lệnh của CTCK tại trụ sở đối với các Remote DCTerm. "Có thể, từ tháng 10 tới, chúng tôi bắt đầu triển khai thí điểm ở 1 hoặc 2 CTCK, sau đó sẽ mở rộng dần", ông Sinh nói.

Ở giai đoạn 2, HoSE sẽ kết hợp phương thức giao dịch trực tuyến với hình thức sàn giao dịch, cho phép hệ thống front - office của CTCK giao tiếp với máy chủ giao dịch thông qua gateways theo giao thức quy định để chuyển lệnh và nhận thông tin giao dịch. Khi hình thức giao dịch trực tuyến được triển khai chính thức, nhà đầu tư không cần phải đến sàn mà vẫn có thể nhập lệnh qua mạng hoặc nhắn tin từ điện thoại di động. HoSE sẽ tiếp tục duy trì sàn giao dịch cho các CTCK chưa có hệ thống front - office cho đến khi trang bị được hệ thống này để kết nối với máy chủ giao dịch của Sở. Có thể nói, đây là một bước đột phá mới về công nghệ của HoSE sau hơn 7 năm hình thành và phát triển. Theo ông Sinh, sau khi hình thức giao dịch bỏ sàn được thí điểm và đưa vào sử dụng, việc giao dịch của nhà đầu tư sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn so với trước đây. Tuy nhiên, để thực hiện được tốt vấn đề này, trước hết HoSE phải phát triển  gateways phục vụ cho việc kết nối với hệ thống front - office của các CTCK, đồng thời ban hành các quy định liên quan đến giao dịch trực tuyến. Đặc biệt, các công cụ phái sinh như: future, option, short sale… dự kiến được triển khai trong năm 2008 hoặc đầu năm 2009. Do đó, trong giai đoạn từ nay đến đầu năm 2008, HoSE sẽ tổ chức các khóa học cho cán bộ, nhân viên và nhà đầu tư về nghiệp vụ để triển khai và tiếp cận các công cụ trên.

Không chỉ đầu tư về công nghệ, HoSE đang trong quá trình chuẩn bị cho công tác đào tạo bộ máy quản trị, quản lý thông qua việc hợp tác với các sở GDCK nước ngoài. Đến nay, HoSE đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác với 5 sở GDCK và 1 trường đại học nước ngoài. Qua đó, các đối tác sẽ hỗ trợ HoSE về mặt đào tạo, quản trị và cải tiến công nghệ, kỹ thuật. Điều này đã được chứng minh qua việc liên kết với Sở GDCK Thái Lan, HoSE nhận được sự hỗ trợ rất nhiều về CNTT. Đồng thời, HoSE sẽ ký hợp tác sâu hơn với Sở GDCK Thượng Hải và Sở GDCK Nhật Bản sau thỏa thuận đã ký  trước đây. Bên cạnh đó, HoSE sẽ tiếp tục ký MOU với các Sở GDCK KRX (Hàn Quốc), Toronto (Canada), Deutche Borse (Đức) và Bovespa (Brazil). Trong giai đoạn 2008 - 2010, HoSE tiếp tục triển khai các nội dung MOU đã ký với các sở GDCK trên, với nội dung chính bao gồm: hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi thông tin, huấn luyện đào tạo... Đáng chú ý, một số vấn đề quan trọng khác sẽ được triển khai như niêm yết chéo, giao dịch qua biên giới.

Ông Sinh cho biết thêm, HoSE đã cử một số cán bộ, viên chức sang học tập và nghiên cứu tại một số TTCK nước ngoài như Hàn Quốc , Singapore , Đức, Ba Lan… Gần đây, HoSE đã mời một số CTCK cùng tham gia đoàn khảo sát, nghiên cứu về các sản phẩm phái sinh tại Úc, đồng thời phối hợp với một số chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để huấn luyện cho cán bộ, nhân viên của mình. Dự kiến, trong thời gian tới, HoSE sẽ phối hợp với các tổ chức khác để đẩy mạnh công tác học tập, nghiên cứu tại TTCK Anh, Mỹ. Nếu các kế hoạch trên được triển khai theo đúng tiến độ đưa ra thì đây chính là sự "lột xác" của HoSE. Tuy nhiên, một số CTCK cho rằng, quá trình cải thiện và đầu tư kỹ thuật, CNTT của HoSE trong thời gian qua vẫn còn quá chậm so với sự phát triển của thị trường.