Việt Nam chỉ còn 10 năm nữa để phát triển dòng xe đủ sức cạnh tranh với xe ngoại.

Việt Nam chỉ còn 10 năm nữa để phát triển dòng xe đủ sức cạnh tranh với xe ngoại.

Lại tranh cãi về dòng xe chiến lược

Nếu không có quyết sách về dòng xe chiến lược trong năm nay thì tôi cũng sẽ hạn chế đầu tư sản xuất và chuyển sang buôn bán nhập khẩu cho dễ, ông Trần Bá Dương, chủ của ôtô Trường Hải nói.

>> Công nghiệp ô tô vẫn mù mờ dòng xe chủ lực

Sáng nay, 8/10, Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc hội thảo quốc gia bàn về việc lựa chọn dòng xe chiến lược trong phân khúc xe du lịch Việt Nam .

 

Tất nhiên, câu nói trên chỉ là cách "dỗi" của một doanh nhân sau khi đã bỏ hàng trăm tỷ đồng cho sản xuất ôtô nội, nay chỉ còn  8 năm nữa là sẽ phải đối đầu xe nhập khẩu khi thuế nhập khẩu trong CETP/AFTA trở về 0% theo. Đó sẽ là một cuộc cạnh tranh không cân sức.

 

Chọn dòng xe 5 chỗ hay 7 chỗ?

 

Có khá nhiều ý kiến trái chiều và khác biệt về việc lựa chọn dòng xe chiến lược. Trung thành với quan điểm trước đây, ông Akito Tachibana, Tổng giám đốc Công ty ôtô Toyota Việt Nam nói, dòng xe chiến lược phải là dòng xe có sản lượng lớn, có tỷ lệ nội địa hoá cao hiện nay.

 

Toyota là hãng đã đạt tỷ lệ nội địa hoá cao nhất ở Việt Nam với mẫu xe Innova đạt tới 38% nội địa hoá. Và mẫu này cũng là mẫu đạt doanh số bán hàng lớn nhất trong các mẫu xe ôtô ở Việt Nam . Tuy nhiên, sau khi chính sách thuế thay đổi, dòng xe này đã sụt đi 50% doanh số bán hàng. Đây cũng  là lý do mà hãng này đã từng kiến nghị chọn dòng xe 6-9 chỗ làm trọng tâm.

 

Ông Nguyễn Chí Công, Phó tổng giám đốc Mercedes Benz Việt Nam lại cho rằng, dòng xe chiến lược nên là dòng xe 5 chỗ ngồi trở xuống. Bởi quan sát của ông cho thấy, dòng xe 6-9 chỗ ngồi được người dân sử dụng lại chủ yếu chỉ chở  4-5 người. Nếu tiêu dùng như vậy cũng là không hiệu quả.

 

Còn với ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty ôtô Trường Hải, trước khi chọn một dòng xe chiến lược thì cần biết, các tiêu chí cho một dòng xe ấy như thế nào để phù hợp ở Việt Nam.

 

Theo ông, đó phải là dòng xe có thể sử dụng nhiều mục đích khác nhau, kiểu dáng nhỏ gọn, phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông chật hẹp trong nước, có nhiều chỗ ngỗi.

 

Đặc biệt là xe phải có mức giá phải thấp, tiêu hao ít nhiên liệu, thân thiện với môi trường, sử dụng được nhiên liệu sạch như gas, ethanol, ứng dụng công nghệ cao như điện, hybrid.

 

Bên cạnh đó, dòng xe này có thể sản xuất với sản lượng lớn và xuất khẩu được.

 

Với các yêu cầu này, ông cho rằng, Bộ Công Thương cần chọn dòng xe dung tích phải nhỏ, chỉ từ 1.5 - 2.0. Trong đó, xe 5 chỗ 1.5 sẽ phù hợp di chuyển nội thành, tiêu hao nhiên liệp ít, giá thấp, nhỏ gọn. Còn xe 6-9 chỗ 2.0 thì phù hợp gia đình và công sở, chở được nhiều người, có tính kinh tế cao.

 

Đồng tình với các tiêu chí trên nhưng dòng xe dung tích 1.5 vẫn còn chưa thoả mãn các tiêu chí tiết kiệm và rẻ. Đó phải là dòng xe dung tích nhỏ hơn nữa, từ 1.0 trở xuống, ông Bùi Xuân Huyên, Tổng giám đốc Công ty ôtô Vinaxuki kiến nghị.

Lại tranh cãi về dòng xe chiến lược ảnh 1
Vẫn nhiều tranh cãi nên chọn dòng xe 5 chỗ hay 7 chỗ là chiến lược

 

Với dòng xe này, nhà sản xuất cũng bớt áp lực hơn vì dễ nội địa hoá, công nghệ sản xuất cũng đơn giản hơn, giá thành cũng sẽ hợp với người Việt Nam .

 

Ông khẳng định, nếu sản xuất loại xe này, giá có thể bán ra thị trường chỉ 7.000- 8.000USD/xe, hợp túi tiền của đa số người dân Việt Nam .

 

Phải đầu tư thật và làm thật

 

Lẽ dĩ nhiên, các doanh nghiệp đều muốn Bộ Công Thương sẽ chọn dòng xe chiến lược là dòng xe chủ lực mà mình đang đầu tư. Việc chọn lựa này là rất khó nhưng khi đã có quyết sách về dòng xe chiến lược thì các chính sách hậu thuẫn ra sao, sẽ phải được tính toán kỹ.

   

Đặc biệt, chính sách ấy sẽ phải rút kinh nghiệm từ những sai lầm trước đây trong chính sách phát triển ngành ôtô.

 

Phó giáo sư Nguyễn Đức Phú, một chuyên gia về ôtô cho biết, Ford sau 15 năm mới rót vào Việt Nam 1 dây chuyền 10 triệu USD, trong khi, họ đổ vào Trung Quốc, Ân Độ dây chuyền 2 tỷ USD.

 

Ước tính vào năm 2020, nếu không có công nghiệp ô tô mà chỉ có nhập khẩu hoàn toàn, kim ngạch nhập khẩu của riêng ngành này sẽ khoảng 12 tỷ USD/năm. Còn nếu Việt Nam đạt nội địa hóa 40%, kim ngạch nhập khẩu ôtô còn khoảng 8 tỷ USD/năm.

Toyota chỉ có rót vào Việt Nam 22 triệu USD cho dây chuyền, còn đầu tư cho Thái Lan tới 500 triệu. Các nước khác cũng cả tỷ USD.

 

Điều đó có nghĩa là, chính sách của ta không làm cho chính các nhà sản xuất ôtô trong nước thực sự đầu tư nội địa hoá.

 

Cũng chung nỗi lo lắng này, ông Trần Bá Dương thẳng thẳn, nếu hôm nay, đã đặt vấn đề dòng xe chiến lược thì ngay sau đó, phải quyết tâm làm thực sự. Bộ sẽ phải tính đến ưu đãi cho công nghiệp phụ trợ, cho những dự án sản xuất ôtô có tỷ lệ nội địa hóa cao, tỷ lệ xuất khẩu cao. mà chủ yếu là chính sách thuế. Ví dụ, xe dung tích từ 1.5- 2.0 từ 9 chỗ ngồi trở xuống, chỉ nên áp thuế TTĐB là 35%, tức giảm đi 10% so với hiện hành.

 

Lần này, tất cả các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư thật và phải làm thật, chứ trước đây, dường như họ chưa làm thật, ông Dương bày tỏ.

 

Nhân nói chuyện thuế, ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương thất vọng:  "Tôi đã từng kiến nghị đánh thuế giảm trừ theo mức độ nội địa hóa, nếu doanh nghiệp tăng tỷ lệ nội địa thì sẽ giảm trừ cho doanh nghiệp đó về thuế, nhưng Bộ Tài chính không có hồi âm".

 

Đáng tiếc là, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính chỉ có thể hứa hẹn thuế sẽ đi sau, khi nào có quyết định phê duyệt về dòng xe chiến lược thì chắc chắn, sẽ chính sách thuế phù hợp.

 

Dự kiến ngay trong năm nay, Bộ Công Thương sẽ công bố về việc xác định dòng xe chiến lược.