Đêm qua, giá vàng giao ngay trên sàn Comex ở New York tăng 2,9% lên 1.839,2 USD/ounce.

Đêm qua, giá vàng giao ngay trên sàn Comex ở New York tăng 2,9% lên 1.839,2 USD/ounce.

Lý do nhà đầu tư vẫn đổ xô mua vàng

Chốt phiên giao dịch đêm qua (30/8), giá vàng giao ngay quốc tế tăng gần 3% lên sát mốc 1.840 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn cũng bật tăng hơn 2% lên mức cao nhất trong vòng 7 ngày qua, bất chấp sự đi lên phiên thứ ba liên tiếp của thị trường chứng khoán.

Cụ thể, giá vàng giao ngay trên sàn Comex ở New York tăng 2,9% lên 1.839,2 USD/ounce. Ngay khi mở phiên, giá vàng loại này đã tăng vọt từ vùng 1.790 USD lên 1.830 USD/ounce. Trên thị trường vàng giao sau, giá vàng giao tháng 12 tăng 38,20 USD, tương ứng 2,1%, lên 1.829,8 USD/ounce.

 

Nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng vọt trở lại là bởi ý kiến của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) ở Chicago , ông Charles Evans. Ông bày tỏ lo ngại về đà phục hồi và cho rằng thị trường lao động đang trong tình trạng tương tự như suy thoái. Evans nói rằng ông ủng hộ việc nới lỏng chính sách mạnh tay hơn nữa tại cuộc họp vào ngày 9/8.

 

Theo quan điểm của ông Evans, FED nên tiếp tục duy trì các chuơng trình nới lỏng định lượng cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp được hạ từ mức trên 9% hiện nay xuống còn 7% hoặc là lạm phát ở mức 3%. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) ở mức khoảng 1,8%.

 

Một tín hiệu khác cũng được coi là trợ lực tốt cho giá vàng hôm qua, là việc tổ chức Conference Board công bố chỉ số niềm tin tiêu dùng của người Mỹ trong tháng 8 giảm mạnh xuống 44,5 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009. Điều này đã ngay lập tức làm lu mờ báo cáo chi tiêu dùng tháng 7 được công bố trong ngày 29/8.

 

Ngoài ra, việc quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust bất ngờ mua vào 1,51 tấn vàng, cũng khiến nhà đầu tư thị trường này phấn khởi. Tuần trước, quỹ này đã bán ra gần 60 tấn vàng, góp phần làm đà bán tháo trên thị trường vàng trở nên mạnh mẽ, đưa giá kim loại quý này giảm 3,5% trong cả tuần giao dịch.

 

Tuy nhiên, nhiều người không cảm thấy ngạc nhiên về sự đi lên lần này của giá vàng. Bất cứ tín hiệu nào về khả năng Mỹ thực hiện gói nới lỏng định lượng mới, đều được xem là nguyên nhân khiến vàng càng trở nên hấp dẫn hơn, với tư cách là vịnh tránh bão an toàn trong bối cảnh kinh tế vẫn còn quá nhiều bấp bênh.

 

Theo kết quả một cuộc khảo sát dư luận ở 24 nền kinh tế thế giới do hãng Ipsos Mori tiến hành trong tháng 7 vừa qua, người dân nhiều nước phát triển tỏ ra rất bi quan về triển vọng kinh tế quốc gia mình trong vòng 6 tháng tới. Chẳng hạn, chỉ có 9% số người Anh được hỏi tin rằng kinh tế của họ sẽ "tốt" trong 6 tháng tới, so với tỷ lệ trung bình 25% của thế giới.

 

Người Nhật Bản, Hungary và Pháp cũng rất bi quan về triển vọng kinh tế trong sáu tháng tới. Trong khi, ở hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, 49% người Trung Quốc tin rằng kinh tế nước họ sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong 6 tháng tới, trong khi con số này ở Mỹ là 27%. Người dân ở Saudi Arabia , Argentina và Ấn Độ là có vẻ lạc quan hơn cả.

 

Theo Ipsos Mori, nhìn chung, người tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu đã trở nên bi quan hơn về kinh tế quốc gia họ cách đây vài năm. Trước năm 2008, hơn một nửa số người được hỏi nói rằng tình hình kinh tế nước họ "tốt" hoặc "rất tốt," đến nay chỉ còn khoảng 40% số người tham dự điều tra có quan điểm như vậy.

 

Hôm qua (30/8), nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chính thức có vị thủ tướng thứ 6 trong vòng 5 năm qua. Bộ trưởng Bộ Tài chính Yoshihiko Noda đã trở thành Thủ tướng Nhật Bản, sau khi giành được chức Chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền trong cuộc bầu cử hôm 29/8. Ông Noda lên nắm cương vị này trong bối cảnh nền kinh tế xứ sở hoa anh đào đang đối mặt với nhiều khó khăn.

 

Theo giới phân tích, mặc dù được đánh giá cao về khả năng điều hành kinh tế, song tân Thủ tướng Noda sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức, như việc khôi phục đất nước sau thảm họa kép động đất/sóng thần hồi tháng 3 năm nay, cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, vực dậy nền kinh tế đang ốm yếu và giảm bớt gánh nặng nợ công.

 

Ngoài ra, ông Noda cũng sẽ phải ưu tiên phục hồi hệ thống tài chính của nước này, hạ nhiệt đồng Yên để hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu. Hiện, ông Noda đang tìm kiếm sự đồng thuận chính trị để tăng thuế lấy tiền tái thiết đất nước và giảm gánh nặng nợ quốc gia, Trái phiếu dài hạn do chính phủ trung ương và địa phương phát hành đến cuối tháng 3/2012 sẽ tương đương 185% GDP.

 

Giới chuyên gia nhận định tăng thuế vào thời điểm quan trọng như vậy có thể gia tăng thêm sự lo ngại đối với các doanh nghiệp và sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế của nước này, vì vậy, ông Noda có thể sẽ phải chịu sức ép trong điều hành chính sách kinh tế, đặc biệt liên quan đến thời điểm tăng gánh nặng đối với những người đóng thuế.

 

Một nền kinh tế lớn khác là Nga, theo trang Vietnamplus dẫn nguồn báo Độc lập (Nga), cũng vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2011 từ 4,2% xuống 4,1%, đồng thời điều chỉnh dự báo về tăng trưởng ngành công nghiệp từ 5,4% xuống 4,8%. Theo Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Andrei Klepach, việc hạ dự báo trên là do hiệu quả thấp của hoạt động kinh tế 6 tháng đầu năm, khi tăng trưởng chỉ đạt 3,7%.

 

Tuy nhiên, ông cho biết Nga vẫn có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng trong sáu tháng cuối năm và dự báo luồng vốn chảy ra khỏi nước Nga sẽ vào khoảng 30-40 tỷ USD trong năm 2011. Các chuyên gia nhận định việc điều chỉnh thường xuyên các dự báo đã phủ nhận giá trị của chúng và không còn là những định hướng đáng tin cậy cho nhà nước cũng như các nhà đầu tư cá nhân.

 

Các dự báo về đồng rúp trong tương lai cũng tỏ ra không chắc chắn, khi một số cảnh báo về khả năng đồng rúp có thể giảm xuống 28,6 rúp/USD, trong khi một số khác lại cho rằng chính phủ sẽ không từ bỏ kế hoạch giữ nguyên các cặp tỷ giá rúp/USD và rúp/euro. Tuy nhiên, trong trung hạn, sự sai lệch là hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Trong khi đó, dự báo về giá trung bình đối với dầu mỏ lại khá thuận lợi cho Nga. Chẳng hạn, năm 2011 dự báo giá được nâng từ 105 USD lên 108 USD/thùng, năm 2012 từ 93 lên 100 USD/thùng, năm 2013 từ 95 lên 97 USD/thùng, năm 2014 từ 97 lên 101 USD/thùng. Còn về lạm phát, dự báo cho năm nay được xem xét lại theo hướng điều chỉnh giảm xuống, từ 6,5-7% so với dự báo 6,5-7,5% trước đó.

 

Theo số liệu của Cơ quan thống kê Nga, từ đầu năm tới nay, giá cả đã tăng lên 4,9%. Trong hai năm tới, dự báo lạm phát được giữ ở mức trước đây, là 5%-6% cho năm 2012 và 4,5%-5,5% cho năm 2013. Năm 2014 ít lạc quan hơn, dự kiến ở mức 4,5-5,5% so với dự báo 4%-5% trước đó.

 

Các chuyên gia độc lập rất hoài nghi đối với các dự báo chính thức. Theo Cơ quan thống kê Nga, trong quý 1/2011, nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình ở Nga tăng 5,7%., nhưng việc kiểm tra lại các chỉ số doanh thu hàng hóa (5%) và dịch vụ trong nước (2%) thì độ chính xác của con số này là đáng nghi ngờ.

 

Bên cạnh những mảng màu u ám của kinh tế thế giới, cũng có một vài điểm sáng nhất định, như việc tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) hôm qua cho rằng, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ không rơi vào suy thoái, cho dù dự báo tăng trưởng khu vực này sẽ thấp hơn so với các con số dự tính trước đây.

 

S&P dự báo kinh tế Eurozone tăng trưởng 1,7% trong năm 2011 và 1,5% trong năm 2012, lần lượt thấp hơn so với dự báo trước đó là 1,9% và 1,8%. Tuy nhiên, S&P nhận định, “chúng tôi tiếp tục tin tưởng châu Âu sẽ tránh được suy thoái vì cơ hội tăng trưởng vẫn còn dù phải thừa nhận rằng rủi ro là rất lớn. Đặc biệt, chúng tôi sẽ theo dõi sát xu hướng về nhu cầu tiêu dùng trong các quý tới".