Mong manh kế hoạch cứu trợ Eurozone

Mong manh kế hoạch cứu trợ Eurozone

Cựu Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Đức Joschka Fischer cho rằng khủng hoảng tài chính kéo dài có thể phá hủy Khu vực đồng euro (Eurozone) và những nền tảng của nó.

Hiệp ước Maastricht đã tạo ra đồng tiền chung euro, nhưng liên minh chính trị - điều kiện tiên quyết đối với sự thành công của đồng tiền chung - vẫn khá xã vời. Châu Âu và các quốc gia cùng thông qua đồng tiền chung đang phải trả giá. Eurozone hiện đang dựa trên những nền móng yếu ớt của liên minh các quốc gia muốn có đồng tiền chung nhưng lại giữ chủ quyền về mặt ngân sách. Tuy nhiên, cơ chế này không thể vận hành trơn tru trong bối cảnh khủng hoảng.

 

Bên cạnh đó, đề án cứu Eurozone khỏi cuộc khủng hoảng nợ công là hết sức mong manh. Eurozone đang phải đối mặt với một tuần quan trọng nhằm trấn an thị trường tài chính khi bắt tay vào soạn thảo chi tiết thỏa thuận sơ bộ về gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp đã đạt được trước kỳ nghỉ Hè. Các Bộ trưởng Tài chính của toàn bộ 27 nước thành viên EU sẽ nhóm họp tại thành phố Wroclaw của Ba Lan trong hai ngày 16-17/9 tới đây với hy vọng sẽ gạt bỏ được các bất đồng về chi tiết thực hiện thỏa thuận sơ bộ về gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp, trị giá 109 tỷ euro được thông qua ngày 21/7.

 

Các nước thành viên Eurozone vẫn chưa thể giải quyết quan điểm gây tranh cãi xuất phát từ yêu cầu của Phần Lan đòi Hy Lạp phải ký thỏa thuận song phương giao cho Phần Lan tài sản thế chấp để đổi lấy phần đóng góp của Phần Lan vào gói cứu trợ. Tuy nhiên, bất cứ thỏa thuận thế chấp tài sản nào cũng sẽ phải được sự phê duyệt của tất cả các nước thành viên Eurozone.

 

Dưới sức ép phải hoàn tất thỏa thuận cứu trợ này, Bộ trưởng Tài chính của Đức, Hà Lan và Phần Lan đã đã nhóm họp ngày 6/9. Tuy nhiên, theo lời của Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jan Kees de Jager, phát biểu sau cuộc họp, vẫn còn có những vấn đề “kỹ thuật” cần phải giải quyết. Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Jyrki Katainen cho biết vấn đề này cần phải được giải quyết “trong vài ngày tới”, và nói thêm nếu không tìm được giải pháp, có thể Phần Lan sẽ không tham gia vào gói cứu trợ cho Hy Lạp.

  

Trong khi đó, phản ứng của thị trường tài chính về nỗ lực trên tiếp tục xấu đi. Lãi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp đã lên đến 20% vào ngày 7/9, mức cao nhất từ trước đến nay kể từ khi lưu hành đồng euro. Lãi suất trái phiếu của Italia cũng đã tăng từ đầu tuần 5/9, tuy nhiên đã hạ nhiệt bớt vài ngày sau đó khi Chính phủ trung tả của Thủ tướng Silvio Berlusconi trình bày đề án thắt chặt tài khóa trước nghị viện của nước này và sẽ được các nghị sĩ xem xét bỏ phiếu trong vài ngày tới. Bản đề án lần này đã được sửa đổi sau khi EC và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có những phản ứng gay gắt đối với bản đề án cũ với mục tiêu cắt giảm bội chi ngân sách thấp hơn mức đã cam kết trước đây. Thủ tướng Berlusconi ngay trong đêm 8/9 đã phải trải qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện Italy . EC đã có phản ứng tích cực với đề án mới này với tuyên bố các bịên pháp đưa ra “đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ Italia đạt được các mục tiêu đã cam kết về giảm nợ và mức thâm hụt ngân sách”.

 

Chi phí vay nợ của Italy cũng giảm đi do phản ứng tích cực của thị trường với phán quyết của Tòa án Hiến pháp Đức về sự tham gia của Đức vào gói cứu trợ Hy Lạp là hợp hiến. Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp Đức cũng tuyên rằng, từ nay trở đi, ủy ban ngân sách của Ngân hàng Trung ương Đức Bundestag sẽ phải phê duyệt trước khi Chính phủ Đức có thể thỏa thuận tham gia bất cứ gói cứu trợ nào trong tương lai. Điều này có nghĩa là quá trình ra quyết định hỗ trợ các nước khó khăn thuộc Eurozone sẽ phải mất nhiều thời gian hơn.

 

Theo phân tích của Sony Kapoor, giám đốc điều hành Re-define, một tổ chức nghiên cứu thị trường tài chính có trụ sở tại Brussels, “phán quyết của Tòa án, mặc dù không phải là một thảm họa, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa sẽ làm chậm lại quy trình quản lý khủng hoảng vốn đã cồng kềnh hiện nay”.

 

Sau khi có những cảnh báo việc giải ngân khoản vay cứu trợ có thể bị hoãn lại do chậm chễ trong việc thực hiện, đêm 6/9, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos đã ra tuyên bố tiếp tục cắt giảm việc làm và đẩy nhanh chương trình tư nhân hóa.

 

EC đã ra thông báo đoàn công tác hỗn hợp của 3 tổ chức tham gia cứu trợ (EC, IMF và ECB) sẽ đến Hy Lạp để kiểm tra việc triển khai các cam kết vào cuối tháng 9 này. Bộ đôi Đức-Pháp cảnh báo Chính phủ Hy Lạp về những tiến bộ chậm chạp và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble, đã tuyên bố thẳng nếu không có sự đồng ý của bộ đôi Đức Pháp, Hy Lạp sẽ không thể được nhận khoản giải ngân kỳ tới của gói cứu trợ.

 

Thị trường tiền tệ cũng là một mặt trận phức tạp mới dồn ép thêm khó khăn hiện tại của Eurozone. Tuần qua, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ đã tuyên bố sẽ có những biện pháp can thiệp để kiềm chế mức lên giá quá mức của đồng franc Thụy Sĩ so với đồng euro. Thị trường nhìn nhận động thái này sẽ tạo ra cuộc chiến tiền tệ mới.

 

Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet thì đang phải đối mặt với việc bị chất vấn về quyết định gây tranh cãi  mua vào trái phiếu của Italy và Tây Ban Nha để bảo vệ 2 nền kinh tế này. Tuy nhiên, trong một động thái tích cực, hội đồng điều hành của ECB ngày 8/9, đã quyết định giữ nguyên tỷ lệ lãi suất ở mức 1,5% nhằm hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế của khu vực đang bị phủ bóng đen bởi cuộc khủng hoảng nợ công và trấn an giới đầu tư. Quyết định này phù hợp với mong đợi của thị trường về việc ECB sẽ chấm dứt xu hướng tăng lãi suất khi đã xuất hiện nhiều lo ngại về sự tăng trưởng yếu ớt của các nền kinh tế Eurozone.