Ở Malaysia (ảnh phải), người dân mua xăng rẻ hơn VN gần 4.000 đồng/lít. Nguồn: TT, Reuters

Ở Malaysia (ảnh phải), người dân mua xăng rẻ hơn VN gần 4.000 đồng/lít. Nguồn: TT, Reuters

Nên giảm giá xăng dầu để kích cầu

Giá dầu thô thế giới đã tăng trở lại, tuy nhiên giá xăng nhập khẩu có lúc xuống đến 34 USD/thùng và hiện mức bình quân khoảng 40 USD/thùng. Kịch bản giảm giá hoặc tăng thuế nhập khẩu đang được tính toán. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong tình hình hiện nay rất cần thiết phải giảm mạnh giá xăng dầu để kích cầu.

Nếu tính bình quân các đầu mối nhập được xăng với giá 40 USD/thùng (đã cộng premium), cộng với các khoản thuế, phí khác thì giá một lít xăng A92 hiện nay khoảng 9.500 đồng! Giá này được tính trên cơ sở mức chiết khấu tối đa cho các nhà phân phối, đại lý là 1.200 đồng, hiện có nhà phân phối cho biết chỉ được hưởng mức chiết khấu 700 đồng.

 

Ông Vương Thế Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) cho biết, vẫn chưa thể tính đến việc giảm giá bán lẻ xăng dầu vì kể từ lúc giảm giá bán lẻ trong nước đến nay mới một tuần lễ. Ông Dũng phủ nhận việc các đầu mối kinh doanh xăng dầu lãi lớn, bởi theo ông, hiện nay trong cơ cấu giá một lít xăng, phần phải đóng cho Nhà nước chiếm đến 70% (thuế nhập khẩu 35%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10%, phí xăng dầu 500 đồng, trích nộp ngân sách để bù lỗ 1.000 đồng). “Cũng không thể so sánh giá của nước ta với giá của nước khác vì cơ cấu giá, cách điều hành và quan điểm hỗ trợ người tiêu dùng mỗi nơi mỗi khác. Chẳng hạn ở Mỹ thuế chỉ có 12% nên không thể so sánh được” - ông Dũng nói.

 

Xài 12 triệu lít xăng mỗi ngày

 

Ông Dũng cho biết, sản lượng bán ra của Petrolimex trong tháng mười một đã giảm khoảng 20% so với tháng mười, trong đó dầu diesel giảm nhiều nhất. “Vì sản lượng giảm nên khả năng số tiền trích để trả nợ ngân sách cho khoản bù lỗ trước đây không kịp tiến độ” - ông Dũng nói. Trong khi đó, một doanh nghiệp khác cũng xác nhận thông tin bị lỗ vài trăm tỷ đồng do tốc độ giảm giá của thế giới đi nhanh hơn tốc độ bán hàng dẫn đến tồn kho chồng tồn kho.

 

Các doanh nghiệp đầu mối cho rằng “độ trễ” của giá bán lẻ trong nước phải sau giá thế giới từ 20 ngày đến một tháng. Nhưng một chuyên viên trong lĩnh vực này của Bộ Công thương cho rằng nửa tháng là đã đủ vòng quay. Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan TP.HCM từ tháng tám đến tháng mười - những tháng nóng bỏng về giá, số lượng xăng và dầu DO nhập khẩu không hề giảm. Chẳng hạn, 8 tháng đầu năm nhập trên 1 triệu tấn xăng, 1,5 triệu tấn dầu DO, 9 tháng con số tương ứng là 1,1 triệu tấn và 1,6 triệu tấn, 10 tháng là 1,2 triệu tấn và 1,7 triệu tấn. Thống kê đến 10 ngày đầu tháng 11 cho thấy, số lượng nhập khẩu hai mặt hàng này vẫn tăng. Số liệu của Cục Hải quan cũng cho thấy, số lượng xăng dầu nhập khẩu tăng nhưng trị giá không tăng. Nghĩa là giá nhập khẩu giảm tương ứng theo các tháng.

 

Trong trường hợp Nhà nước tăng thêm 5% thuế nhập khẩu xăng dầu thì riêng đối với xăng A92, mỗi lít sẽ thêm vào ngân sách được 210 đồng. Mỗi ngày cả nước tiêu thụ hết khoảng 12 triệu lít xăng, ngân sách nhà nước sẽ thêm chừng 2,5 tỷ đồng.

 

Không dồn gánh nặng

 

Theo ông Ngô Trí Long - nguyên Viện phó Viện Khoa học thị trường giá cả, trong lúc kinh tế có biểu hiện suy giảm, Nhà nước đang kích cầu, thì biện pháp kích cầu hiệu quả là giảm giá xăng dầu. “Ai cũng biết xăng dầu là nguyên nhiên liệu đầu vào của rất nhiều mặt hàng. Trong khi nhiều doanh nghiệp giảm giá không được, đang đứng trên bờ vực thẳm, giá xăng dầu giảm có thể giúp họ giảm giá, tăng sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc và hàng ngoại nhập sẽ tràn vào năm 2009” - ông Long khẳng định.

 

Cũng theo ông Long, lãi suất VN vẫn cao, các nước châu Âu bây giờ lãi suất chỉ 5-6%. Nghĩa là chi phí của doanh nghiệp VN phải trả rất cao. Các nước có cả gói kích cầu, vì vậy VN cũng không nên chỉ nghĩ kích cầu là bỏ tiền vào đầu tư xây dựng cầu đường mà nên coi giảm giá xăng dầu là một trong những giải pháp kích cầu. Ông Long cho rằng, người tiêu dùng đã phải chịu đựng quá mức do lạm phát. Do đó, nên nghĩ đến cho giảm giá mạnh thay vì “nấn ná” chuyện thuế. Chi phí của người dân giảm, đời sống được cải thiện, họ có tiền để mua sắm là giải pháp kích cầu tốt nhất.

 

Trong khi đó, PGS Đỗ Đức Định - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế xã hội VN - cho rằng, mức thuế nhập khẩu 35% hiện nay là quá cao, tổng mức thuế, phí huy động từ xăng dầu cũng quá cao. Nếu tính hài hòa lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng, bây giờ cần tính đến lợi ích người tiêu dùng, bởi Nhà nước đã có tới 35% thuế - mức cao nhất từ trước đến nay. “Dù Nhà nước có khó khăn về ngân sách năm 2009 nhưng cũng giống chuyện giá gạo, không nên dồn hết gánh nặng về phía người dân. Nên kích cầu, giảm đầu vào cho nền kinh tế” - ông Định nhấn mạnh. Theo ông Định, không nên đẩy thuế xăng dầu lên mức tối đa 40%. Trong khi đó, tại một số nước thuế xăng dầu chỉ khoảng 25%, như Mỹ chỉ 12%.

 

Ông Định cho rằng, thuế với hàng hóa, hàng xa xỉ thì nên tăng, còn đối với hàng đầu vào sản xuất khi có điều kiện cần giảm ngay để kích cầu cũng như kích cung.

 

Giá xăng các nước

 

* Mỹ: giá xăng trung bình vừa giảm đến 11% so với tuần trước còn 1,7 USD/gallon, tương đương 7.638 đồng/lít tính theo tỷ giá chuyển khoản của Vietcombank 1 USD = 16.985 đồng. Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 2/2004. Nhiều nơi ở miền Trung nước Mỹ giá chỉ 1,6 USD/gallon, riêng ở TP Houston chỉ có 1,57 USD/gallon, tương đương 7.054 đồng/lít.

 

* Indonesia : chính quyền mới giảm thêm 500 rupiah xuống còn 5.500 rupiah/lít, tương đương 8.124 đồng/lít.

 

* Thái Lan: mức giá xăng RON 95 hiện tại khoảng 23,39 baht/lít, tương đương 10.886 đồng/lít tính theo tỷ giá 1 baht = 465,43 đồng.

 

* Malaysia: đầu tháng 12, chính quyền giảm giá xăng RON 97 5% xuống còn 1,9 ringgit, tương đương 8.839 đồng/lít theo tỷ giá 1 ringgit = 4.652,18 đồng, còn xăng RON 92 là 1,8 ringgit, tương đương 8.374 đồng/lít.

 

Theo Bloomberg, Reuters, Straitstimes