Để đối phó với diễn biến khó lường của TTCK, UBCK đã trình Bộ Tài chính đề án xử lý và ngăn ngừa khủng hoảng.

Để đối phó với diễn biến khó lường của TTCK, UBCK đã trình Bộ Tài chính đề án xử lý và ngăn ngừa khủng hoảng.

Nhà đầu tư trước hết phải tự biết bảo vệ mình

(ĐTCK-online) Hàng nghìn câu hỏi đã được gửi đến Báo Đầu tư Chứng khoán điện tử (www.tinnhanhchungkhoan.vn) trong cuộc giao lưu đặc biệt kỷ niệm 10 năm thành lập UBCK với Chủ tịch UBCK, ông Vũ Bằng, Giám đốc TTGDCK Hà Nội và Phó tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM chiều 26/11.

Rất nhiều vấn đề gai góc đã nhận được câu trả lời trực tiếp từ người đứng đầu UBCK. Xuyên suốt phần trả lời của Chủ tịch UBCK là một thông điệp: TTCK Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn rất non trẻ, cần sự hợp sức của các thành viên mới thực sự trở thành kênh dẫn vốn dài hạn trong nền kinh tế. Với nhà đầu tư, việc hiểu thị trường, hiểu và vận dụng quyền lợi của mình trong CTCP là yếu tố đầu tiên để giảm rủi ro khi tham gia thị trường này.

Vấn đề nóng được nhiều nhà đầu tư đề cập là mức độ ảnh hưởng của Chỉ thị 03/2007/NHNN đến TTCK, Chủ tịch UBCK cho rằng, việc kiểm soát luồng vốn của ngân hàng chảy sang TTCK là cần thiết, vì ngay cả một số nước có TTCK phát triển như Mỹ hay Nhật Bản cũng thực hiện việc này. Hơn nữa, không chỉ cần kiểm soát dòng vốn tín dụng chảy sang chứng khoán, mà còn cần kiểm soát cả kênh cho vay bất động sản. Tuy nhiên, mức độ kiểm soát và phương thức triển khai như thế nào cho phù hợp còn tùy thuộc vào diễn biến cụ thể của từng thị trường và cần có thời gian để thẩm định. Tại Việt Nam, theo ông Bằng, rất cần có những thống kê cụ thể để xem xét về mức độ ảnh hưởng của dòng vốn này đến TTCK, từ đó mới đánh giá được tác động của quyết định này đến thị trường.

Tác động của sắc thuế thu nhập đối với nhà đầu tư chứng khoán cá nhân cũng là câu chuyện được nhiều người đề cập. Theo ông Bằng, việc thu thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán về lâu dài là một chủ trương đúng của Nhà nước. Nếu TTCK phát triển, quy định về thuế sẽ không có tác động lớn đến thu nhập ròng của nhà đầu tư. Hiện nay, Quốc hội mới thông qua chủ trương thu thuế thu nhập cá nhân, nên đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, nhưng ông Bằng cho rằng, mức thu 0,1% trên giá trị giao dịch là có thể chấp nhận được. "Về phía UBCK, chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để có kiến nghị giải pháp phù hợp khi triển khai quy định này", ông Bằng nói.

Bao giờ TTCK Việt Nam được áp dụng các công cụ phái sinh (hợp đồng tương lai, option...) là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra. Ông Bằng cho biết, Luật Chứng khoán đã đề cập vấn đề này và UBCK đang nghiên cứu để có hướng dẫn triển khai. Tuy nhiên, khả năng áp dụng thực tế có lẽ phải trong một vài năm tới khi các điều kiện thị trường như quy mô, hệ thống giao dịch, hệ thống tài chính-ngân hàng... tốt hơn.  Trước mắt, trong năm 2008, UBCK sẽ cho phép áp dụng tài khoản ký quỹ trên TTCK.

Về việc liệu UBCK có cho phép bán khống hay không, theo Chủ tịch UBCK, trong điều kiện TTCK chưa phát triển mạnh, kiến thức nhà đầu tư chưa thật tốt, hệ thống công bố thông tin chưa hoàn chỉnh..., nếu cho phép áp dụng bán khống sẽ rất rủi ro. Trung Quốc phát triển TTCK đã 20 năm, nhưng nay mới đang nghiên cứu để triển khai nghiệp vụ bán khống. Tại TTCK Việt Nam , sẽ triển khai tài khoản ký quỹ trước, sau đó mới tính đến triển khai việc bán khống.

Một số ý kiến hỏi, phải chăng nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đang rút vốn khỏi Việt Nam nên TTCK suy giảm, ông Bằng cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, dòng vốn này chảy vào TTCK vẫn tăng lên. Qua thống kê trên TTCK chính thức, dòng vốn ĐTNN tăng gần 3 lần so với cuối 2006; gần gấp 2 lần so với thời điểm tháng 8/2007 (4,7 tỷ USD so với 7,9 tỷ USD). Theo ông Bằng, TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng nhất định từ nhà ĐTNN vì một mặt họ đại diện cho một luồng vốn lớn trên thị trường, mặt khác bản thân các nhà đầu tư trong nước cũng có tâm lý nhìn theo nhà ĐTNN. Trong tương lai, khi TTCK Việt Nam phát triển ở mức độ cao hơn, có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư trong nước và kiến thức của nhà đầu tư được nâng lên thì ảnh hưởng về tâm lý mà nhà ĐTNN tạo nên trên TTCK Việt Nam sẽ giảm dần.

Một vấn đề khá gai góc mà độc giả đề cập là gần đây có quá nhiều công ty đại chúng bị cảnh cáo hoặc phạt liên quan đến việc phát hành mà không xin phép UBCK, nhưng việc xử lý chưa hợp tình hợp lý vì thời gian xin phép phát hành kéo dài nhiều tháng. Theo ông Bằng, Luật Chứng khoán đã quy định các DN chào bán ra công chúng phải đăng ký với UBCK để bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư. Trong thời gian qua, nhiều DN không tuân thủ quy định này, buộc UBCK phải xem xét xử phạt. Một số hồ sơ thời gian thẩm định kéo dài là do công tác kiểm toán chưa đầy đủ, Nghị quyết ĐHCĐ chưa đề cập đến phát hành, kinh nghiệm làm hồ sơ còn hạn chế, nên mất nhiều thời gian để có 1 bộ hồ sơ hợp lệ. Bên cạnh đó, nhiều DN chào bán trước đó không xin phép, nên UBCK rất khó khăn trong việc cấp phép cho đợt chào mới dựa trên một cơ cấu cổ đông của đợt phát hành không xin phép trước. Nhiều trường hợp vi phạm cả Luật Doanh nghiệp và có nhiều kiện tụng từ cổ đông, nên UBCK phải rà soát lại các đợt phát hành cũ, xử phạt hành vi vi phạm trước khi cấp phép cho đợt phát hành mới.

Trước câu hỏi của độc giả về quan điểm của UBCK khi DN phát hành cổ phiếu quá nhiều mà không làm tăng vốn chủ sở hữu, người đứng đầu UBCK cho rằng, UBCK không có quyền cấm hay hạn chế quyền phát hành của DN, vì đây là quyết định đã được ĐHCĐ của DN thông qua. Vấn đề là HĐQT cần lựa chọn thời điểm và mức độ phát hành phù hợp, phương án sử dụng vốn có hiệu quả để đảm bảo sự phát triển trong dài hạn của DN. Nhà đầu tư cũng cần thể hiện quyền của mình đối với vấn đề này tại ĐHCĐ.

Vì sao UBCK lại dự định quy định thêm mức phí sàn đối với các CTCK mà không để cho các công ty này tự điều tiết là bức xúc của một số nhà đầu tư tại Hà Nội? Ông Bằng cho biết, xu hướng của các TTCK quốc tế là thường quy định phí sàn để tránh sự cạnh tranh không cần thiết giữa các CTCK. Tại các nước có TTCK phát triển, nguồn thu phí môi giới chiếm 1/2 đến 2/3 doanh thu phí của DN và vì vậy, họ mới có điều kiện tái đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tại VN, UBCK sẽ quy định về phí sàn để buộc các CTCK phải cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, chứ không phải phí.

Vấn đề vì sao trước những sai phạm trên TTCK, UBCK chỉ xử lý các thành viên mà không áp dụng chế tài xử phạt với các đơn vị trực thuộc? Ông Bằng cho biết, Sở, TTGDCK, Trung tâm Lưu ký là các tổ chức nhà nước mới tách ra, nên việc xây dựng Quỹ bù đắp tổn thất chưa triển khai được. Hơn nữa, các sai sót chủ yếu mang tính kỹ thuật, không thuộc dạng hành vi cố ý trục lợi, nên UBCK chủ yếu xử lý thông qua việc yêu cầu kiểm điểm, trừ thưởng … Khi thị trường phát triển hơn, chắc chắn sẽ có biện pháp xử lý hợp lý hơn với các hành vi sai phạm.

Cơ hội nào cho những nhà đầu tư tỉnh lẻ tham gia TTCK là câu hỏi được một bạn đọc ở Hưng Yên đề cập. Ông Bằng cho biết, khi mà Sở và Trung tâm triển khai giao dịch từ xa đồng thời các CTCK nâng cấp hệ thống đặt lệnh, hệ thống mở tài khoản qua mạng thì cơ hội tiếp cận TTCK cho nhà đầu tư ở mọi miền sẽ tăng lên. Về phần mình, UBCK đã cho phép CTCK mở đại lý nhận lệnh tại các địa phương, đây là một phương thức vận dụng riêng của Việt Nam để thu hút nhà đầu tư ở xa trung tâm đến với thị trường.

Ý tưởng về việc lập một quỹ bình ổn để điều tiết thị trường, tránh tình trạng giá cả tăng nóng quá hoặc giảm quá mạnh cũng được một số người đề cập, nhưng theo UBCK, đến nay, chưa có nước nào tự lập quỹ bình ổn, vì khó có một lực lượng nào đủ mạnh để giải quyết vấn đề này. Hơn nữa, trong cơ chế thị trường cũng không nên làm như vậy. Để đối phó với diễn biến khó lường của TTCK, UBCK đã trình Bộ Tài chính đề án xử lý và ngăn ngừa khủng hoảng, trong đó có đề xuất các giải pháp xử lý theo từng cấp độ khác nhau. Do đó, nếu thị trường diễn biến theo chiều hướng bất lợi, UBCK sẽ có những biện pháp cần thiết.