Nhà ĐTNN được giữ nguyên tỷ lệ vượt mức cho phép?

(ĐTCK-online) Một thông tin thú vị cho các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trên thị trường tài chính Việt Nam đó là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nghiêng về quan điểm cho cổ đông nước ngoài hiện hữu trong các ngân hàng TMCP được tiếp tục duy trì tỷ lệ nắm giữ cổ phần ngay cả trong trường hợp đã vượt mức cho phép. Thông tin này được đề cập trong bản dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 69/2007/NĐ-CP, đang được NHNN lấy ý kiến lần cuối trước khi chính thức ban hành.

Theo Nghị định 69/2007/NĐ-CP ban hành hồi cuối tháng 4 vừa qua thì hạn mức nắm cổ phần tại 1 NHTM Việt Nam tối đa của 1 nhà ĐTNN không phải là tổ chức tín dụng nước ngoài là 5%; tổ chức tín dụng nước ngoài được sở hữu đến 10%, còn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được nắm đến 15%, trừ trường hợp đặc biệt và phải được sự chấp thuận của Thủ tướng thì tỷ lệ này mới có thể đạt đến 20%. Cũng cần nói lại rằng, Nghị định 69 chỉ áp dụng cho các ngân hàng TMCP chưa niêm yết, còn nếu nhà ĐTNN giao dịch cổ phiếu niêm yết thì sẽ tuân thủ quy định về chứng khoán và TTCK, nhưng vẫn phải đảm bảo mức sở hữu tối đa như trên.

Điều lo lắng nhất đối với nhà ĐTNN khi tiếp nhận Nghị định 69 đó là quy định thẩm quyền chấp thuận cho nhà ĐTNN mua cổ phần của ngân hàng Việt Nam là phải được Thống đốc NHNN chấp thuận bằng văn bản. Tuy nhiên, nút thắt này sẽ được mở khi dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 69 chỉ yêu cầu các giao dịch chuyển nhượng cổ phần từ 5% vốn điều lệ của ngân hàng trở lên hoặc giao dịch dẫn đến cổ đông đang sở hữu từ 5% vốn trở lên thành không sở hữu mức này,  mới cần phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản. Các trường hợp chuyển nhượng khác, nhà ĐTNN được thực hiện như với cổ đông trong nước.

Trong xu hướng ngân hàng TMCP liên tục tăng vốn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, việc chọn lựa cổ đông nước ngoài là mốt thời thượng mà nhiều ngân hàng thực hiện, vì thế số lượng tổ chức ĐTNN đang nắm cổ phần trong các ngân hàng TMCP Việt Nam là khá lớn (khoảng 30 tổ chức), với lượng nắm giữ hầu hết đều trên 5% vốn. Những quy định trên mới ở dạng dự thảo, nhưng theo ghi nhận của ĐTCK-online, nhiều tổ chức ĐTNN tỏ ra hài lòng về sự cởi mở này của NHNN. Tuy nhiên, điều họ chưa rõ lại là trong trường hợp đã vượt mức nắm giữ cho phép (nhiều quỹ ĐTNN đang nắm đến 10% vốn của một số ngân hàng TMCP) thì họ có được mua thêm cổ phần mới khi ngân hàng phát hành tăng vốn nhằm giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ như trước khi phát hành hay không?

Đây là vấn đề không được đề cập trong dự thảo Thông tư nói trên, nhưng rất cần phải được làm rõ, để có một cách hiểu thống nhất từ cơ quan quản lý đến đối tượng bị quản lý. Nhiều ý kiến từ thị trường nghiêng về quan điểm NHNN nên cho phép các nhà ĐTNN được mua thêm lượng cổ phần mới, để giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại ngân hàng TMCP. Trường hợp không thể cho phép điều này, NHNN nên có quy định cụ thể cho nhà ĐTNN được bán quyền mua lượng cổ phần mới (theo tỷ lệ sở hữu) cho các nhà đầu tư khác, bởi nếu không sẽ dẫn đến một nghịch lý là nhà ĐTNN bị mất đi quyền lợi chính đáng được hưởng, còn Hội đồng quản trị các ngân hàng TMCP lại có thể lạm dụng khoản cổ phần không được mua của nhà ĐTNN để phân phối theo cách riêng của họ.

Một vấn đề khác cũng liên quan đến chuyển nhượng trên 5% cổ phần ngân hàng của nhà ĐTNN, đó là thời hạn NHNN xem xét chấp thuận cho các chuyển nhượng này có hiệu lực. Hiện nay, dự thảo Thông tư không quy định thời hạn NHNN sẽ chấp nhận chuyển nhượng, nhưng lại yêu cầu hồ sơ xin chấp thuận chuyển nhượng gửi NHNN phải có hợp đồng mua - bán giữa người mua và người bán. Như vậy, nếu quy định này được giữ nguyên, sẽ đẩy các ngân hàng TMCP và nhà ĐTNN vào tình thế vô định: không biết chờ đến bao giờ mới có được sự xác nhận chuyển nhượng từ NHNN. Liên quan đến khối ngân hàng TMCP, theo ghi nhận của ĐTCK-online, trong số 35 ngân hàng TMCP đang hoạt động (31 ngân hàng đô thị, 4 ngân hàng nông thôn), đã có 18 ngân hàng đăng ký công ty đại chúng với UBCK (danh sách kèm theo). Ngoại trừ Ngân hàng Á châu (ACB) đã niêm yết, 11 ngân hàng còn lại chưa niêm yết, nên hiện nay, việc giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng này vẫn tự phát, chưa được tổ chức có hệ thống.

Theo bà Phương Hoàng Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán thì Trung tâm Lưu ký và TTGDCK Hà Nội đã trình phương án quản lý chứng khoán của công ty đại chúng đến Bộ Tài chính. Theo đó, công ty đại chúng phải thực hiện lưu ký cổ phiếu và các giao dịch liên quan đến cổ phiếu đại chúng sẽ được thực hiện thông qua công ty chứng khoán trên cơ sở nhà đầu tư có thể tự tìm kiếm đối tác hoặc thông qua môi giới của công ty chứng khoán. Cơ chế giao dịch này sẽ giúp các thành viên thị trường nắm được thông tin cập nhật về giá, về tỷ lệ sở hữu của các đối tượng nhà đầu tư… trong DN chưa niêm yết. Như vậy, sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý giao dịch cổ phiếu nói chung, cổ phiếu ngân hàng (chưa niêm yết) nói riêng cho các cơ quan liên quan, trong đó có NHNN.

 

Danh sách các ngân hàngTMCP đã đăng kýcông ty đại chúng

STT

Tên NHTMCP

Vốn điều lệ (tỷ đồng)

1

VP Bank

750

2

Quốc tế

1.000

3

Kỹ thương Việt Nam

1.500

4

Nam Á

575,9

5

Phát triển nhà TP. HCM

500

6

Nam Việt

500

7

Nông thôn Mỹ Xuyên

500

8

An Bình

1131,9

9

Sài Gòn - Hà Nội

500

10

Sài Gòn

1.200

11

Việt Á

500,3

12

Á Châu

1.100

13

Đại Dương

1.000

14

Nhà Hà Nội

1.260

15

Hàng Hải Việt Nam

700

16

Đông Á

1.400

17

Sài Gòn Công thương

689,255

18

Phương Nam

1.290,789