Giá trị chứng khoán Việt Nam do các NĐT nước ngoài hiện nắm giữ ước đạt 8 tỷ USD

Giá trị chứng khoán Việt Nam do các NĐT nước ngoài hiện nắm giữ ước đạt 8 tỷ USD

Nỗ lực thu hút dòng vốn FII

(ĐTCK-online) Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đã chảy mạnh vào Việt Nam từ sau khi nước ta gia nhập WTO; đã quay đầu chảy ra không ít trong khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 và lại duy trì dòng chảy vào ròng từ nhiều tháng nay.

Hiện giá trị chứng khoán Việt Nam do các NĐT nước ngoài nắm giữ ước đạt trên 8 tỷ USD. Việc khai thác hiệu quả dòng vốn FII luôn gắn với công tác thu hút vốn vào và kiểm soát rủi ro rút vốn ra. ĐTCK đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về việc nâng cao hiệu quả của công tác trên trong thời gian tới.

 

Thưa ông, chiến lược thu hút dòng vốn FII thời gian tới nên nhấn vào những điểm nào?

Nỗ lực thu hút dòng vốn FII ảnh 1
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh

Những năm gần đây, làn sóng đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh, nhất là vào cuối năm 2006, khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Luồng vốn FII tăng mạnh trong năm 2007, khi chiếm tới hơn 50% tổng vốn nước ngoài vào Việt Nam . Khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến dòng vốn này chảy ra khá mạnh, tác động tiêu cực tới sự ổn định kinh tế vĩ mô. Từ sau đó đến nay, dòng vốn này đã duy trì trạng thái chảy vào ròng nhưng không có sự đột biến. Giá trị chứng khoán Việt Nam do các NĐT nước ngoài hiện nắm giữ ước đạt 8 tỷ USD.

Để thu hút thêm vốn FII thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tập trung cải thiện quy trình, thủ tục đầu tư như: giảm thiểu thời gian, thủ tục đăng ký mã số giao dịch; quy định rõ về thông tin cần công bố, tài liệu phải công chứng...  Ngoài ra, cũng cần tạo nguồn cung chất lượng cao cho TTCK, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho toàn thị trường và đặc biệt là phải ổn định chính sách tiền tệ, nhằm đảm bảo tỷ giá đồng Việt Nam không biến động nhiều trong thời gian tới.

 

Được biết, Bộ Tài chính, UBCK sắp cho phép thành lập quỹ đầu tư mở, việc này tác động ra sao đối với thu hút dòng vốn FII qua TTCK, thưa ông?

Sắp tới, Bộ Tài chính, UBCK sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thành lập quỹ mở tại Việt Nam . Trong thời kỳ hậu khủng hoảng, các NĐT nước ngoài đang tái cấu trúc danh mục đầu tư, bởi vậy, khi cho phép thành lập quỹ mở, dòng vốn FII có cơ hội chảy vào mạnh hơn. Trên thế giới, quỹ mở rất phổ biến, chiếm hơn 90% loại hình kinh doanh quỹ. Việc cho phép thành lập và đưa quỹ mở vào hoạt động sẽ góp phần làm tăng thanh khoản cho TTCK, tăng sức cầu cho thị trường.

 

Vai trò của các tổ chức trung gian trên TTCK đối với thu hút vốn FII như thế nào?

Trong định hướng thu hút vốn FII thời gian tới, chúng ta đặc biệt khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài có uy tín, có năng lực tài chính và chuyên môn cao tham gia đầu tư vào lĩnh vực cùng ngành tại Việt Nam . Theo lộ trình thực hiện cam kết mở cửa TTCK, sẽ tiến tới xoá bỏ hoàn toàn hạn chế sở hữu của NĐT nước ngoài đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề nhất định (trong đó có ngành kinh doanh chứng khoán) mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần để thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Để quản lý vốn FII sao cho hiệu quả và hạn chế rủi ro rút vốn, cần chú trọng những điều gì, thưa ông?

Việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn FII có thể thực hiện thông qua kiểm soát nguồn vốn này từ đầu vào, bên cạnh việc quy định tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐT nước ngoài tại các DN trong nước. Trong tương lai, tỷ lệ này nên mở rộng tối đa 100% đối với các ngành nghề thông thường căn cứ vào Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho NĐT nước ngoài.

Cùng với việc dỡ bỏ các quy định liên quan đến hạn chế sở hữu ở các DN trong nước theo lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm của Trung Quốc trong cấp hạn ngạch đầu tư vào cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên TTCK như là phương tiện thay thế để quản lý nguồn vốn này. Việc rút vốn trên TTCK nhất thiết phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

Việc nâng cao năng lực giám sát TTCK của cơ quan quản lý cũng sẽ được tăng cường, trong đó, tiến tới áp dụng mô hình giám sát đa cấp, để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, cũng như theo dõi được xu hướng vận động của dòng vốn FII.