Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Nước ngoài "lấn sân" thị trường tài chính bán lẻ

(ĐTCK-online) Làn sóng đổ bộ của các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới khi được NHNN cấp phép thành lập nhà băng 100% vốn ngoại. Nhiều người cho rằng, thị trường tài chính bán lẻ của Việt Nam sẽ sôi động khi có sự góp mặt của nhiều ngân hàng nước ngoài.

Thế nhưng, gần đây các công ty tài chính cũng như ngân hàng nước ngoài có thâm niên hoạt động tại Việt Nam đang ra sức "tấn công" thị trường tài chính bán lẻ trong nước, với những dịch vụ như: cho vay tiêu dùng, mua ôtô, nhà trả góp…, lãi suất cạnh tranh và thời gian giải quyết hồ sơ chỉ hết 10 phút. Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa định hình được chiến lược cũng như phát triển chuỗi sản phẩm tài chính bán lẻ.

Trả lời báo chí trong buổi khai trương Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (PruFC) vào chiều ngày 9/10, ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc PruFC cho biết, với thị trường tài chính và nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng còn lớn như Việt Nam thì hệ thống ngân hàng cùng 2 công ty tài chính nước ngoài đã đi vào hoạt động hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Mặt khác, thu nhập của người dân đang ngày một tăng cao, theo ông Kalidas, đây chính là tiềm năng để các nhà đầu tư nước ngoài khai thác thị trường tài chính bán lẻ của Việt Nam . Từ nay đến cuối năm, PruFC sẽ phát triển thêm 5 chi nhánh bán lẻ để cung cấp các dịch vụ cho vay tiêu dùng, mua nhà, xe ôtô trả góp…, dự kiến tăng lên 30 chi nhánh trong 2 - 3 năm tới và nâng lên 70 chi nhánh trên cả nước vào năm 2012. Bên cạnh đó, Công ty còn phát hành thẻ rút tiền cũng như thanh toán.

Để nhanh chóng thu hút khách hàng và sớm chiếm lĩnh thị phần, khoảng 30 ngày sau khi khai trương, PruFC sẽ thực hiện nghiệp vụ cho vay qua mạng, điện thoại cũng như đến trực tiếp Công ty. Với tổng vốn điều lệ hiện nay là 7,5 triệu USD, PruFC sẽ cung ứng khoản vay tiêu dùng cho người dân Việt Nam, bình quân 200 triệu đồng/hồ sơ. Riêng với vay mua nhà, ôtô trả góp tùy thuộc vào từng khoản vay và nhu cầu của người tiêu dùng. Dự kiến, trong năm 2008 - đầu năm 2009, PruFC sẽ tăng vốn lên 15 - 30 triệu USD để đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng ngày càng tăng của người dân Việt Nam . Nguồn vốn này được PruFC huy động từ các định chế tài chính lớn. Chiến lược phát triển của PruFC trong thời gian tới là mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm cho vay tiêu dùng.

Cũng như Công ty Tài chính Société Générale Viet Finance (SGVF) trực thuộc Tập đoàn Tài chính Société Générale (Pháp) đã ra mắt tại Việt Nam trong tháng 9 vừa qua là chỉ giải quyết hồ sơ vay trong vòng 10 phút, PruFC cũng cho hay, sẽ giảm tối đa thời gian cho khách hàng. Một trong những điểm nổi bật của sản phẩm vay tiêu dùng mà các công ty tài chính triển khai là cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam khoản vay tín chấp, không cần giấy xác nhận của cơ quan - nơi khách hàng đang công tác. Chỉ cần mang theo bản photo chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu, khách hàng sẽ có được vốn vay theo nhu cầu.

Là một trong những nhà băng có thế mạnh về dịch vụ bán lẻ, sau khi ra mắt người tiêu dùng một ngân hàng bán lẻ chuyên biệt, ngày 11/10, Standard Chartered (SC) giới thiệu 2 loại tài khoản vãng lai, với lãi suất hấp dẫn trên thị trường Việt Nam. Theo đó, tài khoản vãng lai Power Saver mang đặc tính chuyên biệt, đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ cá nhân. Riêng tài khoản Business Saver được thiết kế dành riêng cho các DN vừa và nhỏ. SC cho rằng, 2 sản phẩm mới này sẽ giúp đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ của SC tại Việt Nam .

Đối với các tài khoản bằng VNĐ, có số dư trên 150 triệu đồng, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất lên đến 5%/năm; tiền gửi từ 15 triệu đồng đến 149 triệu đồng, lãi suất là 3,5% /năm; số dư từ 5 triệu đồng đến 14 triệu đồng, lãi suất là 2%/năm. Với các tài khoản bằng USD, lãi suất được ấn định ở mức 3%/năm đối với số dư là 10.000 USD trở lên; 2%/năm đối với số dư từ 1.000 USD đến 9.999 USD và 1,5% /năm đối với số dư từ 500 USD đến 999 USD. Trước sự bùng nổ hoạt động kinh doanh ở khu vực tư nhân tại Việt Nam, SC cũng giới thiệu sản phẩm tài khoản vãng lai Business Saver với mức lãi suất lên đến 3,5%/năm. Bà Namita Lal, Giám đốc phụ trách ngân hàng bán lẻ của SC tại Việt Nam cho biết, đây là cơ sở thuận lợi để SC mở rộng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Hà Nội vào đầu năm 2008.

"Với dân số 84 triệu người và số lượng DN vừa và nhỏ chiếm đến 96% tổng số DN đang hoạt động, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các sản phẩm như Power Saver và Business Saver", bà Namita nói. Còn ông Wilson Chia, Giám đốc phụ trách dịch vụ ngân hàng bán lẻ khu vực Đông Nam Á của SC nhận xét, TP.HCM có tiềm năng lớn về các dịch vụ và sản phẩm quản lý tài sản khi đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Chính vì vậy, SC mới triển khai ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam . SC hy vọng sẽ mở thêm 20 - 30 chi nhánh, lắp đặt hơn 250 máy ATM trong tương lai gần.