Quyền lập quỹ đầu tư tại DN

(ĐTCK-online) Sự việc CTCP Doanh Chủ do ông Phạm Uyên Nguyên làm Chủ tịch HĐQT đứng ra huy động vốn lập quỹ đầu tư đang đặt ra những câu hỏi lớn với người làm luật. Chưa nói đến việc ông Nguyên đã viện dẫn những chức danh cũ (khi còn làm ở VinaCapital) như chức danh hiện có để tăng niềm tin cho những người được mời góp vốn, thì riêng về khía cạnh luật pháp, việc Doanh Chủ hay một DN nói chung có được lập quỹ đầu tư không lại là vấn đề còn chưa thật rõ ràng trong các văn bản pháp lý hiện hành.

Theo đại diện Ban Pháp chế, UBCKNN, việc CTCP có được lập các loại quỹ khác ngoài chứng khoán (như quỹ bất động sản, quỹ vàng, quỹ ngoại tệ…) hay không, không thuộc phạm vi điều tiết của Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, nếu DN chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn thì phải thực hiện theo những quy định của Luật Chứng khoán, mà cụ thể là phải có hồ sơ xin phép chào bán gửi đến UBCK và DN chỉ được thực hiện chào bán khi UBCK cấp phép. Như vậy, có thể hình dung 2 vấn đề. Thứ nhất, Luật Chứng khoán và theo đó là cơ quan quản lý TTCK chỉ quản lý việc DN chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn, còn các hình thức chào bán khác không thuộc phạm vi chào bán ra công chúng thì UBCK không quản lý. Riêng việc chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, Luật Chứng khoán chỉ cho phép duy nhất hình thức công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được thực hiện. Ở đây, khái niệm chào bán chứng khoán ra công chúng phải được hiểu đúng theo tinh thần Luật Chứng khoán gồm: hoặc DN chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng; hoặc DN chào bán cho trên 100 nhà đầu tư; hoặc DN chào bán cho một lượng nhà đầu tư không xác định. Theo đó, việc Doanh Chủ viện  dẫn chỉ gọi vốn với giới hạn tối đa 99 người để lập quỹ cũng chưa chắc đã "lách" được quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng, vì trong trường hợp này, cũng có thể hiểu là Doanh Chủ chào bán (gọi vốn) với số lượng nhà đầu tư không xác định.

Thứ hai, ngoài những việc nêu tại điểm thứ nhất thì các hoạt động liên quan đến huy động vốn và quản lý vốn huy động được không được đề cập trong Luật Chứng khoán, điều này có thể hiểu rằng, DN phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp.

Tại Luật Doanh nghiệp, theo luật sư Nguyễn Ngọc Bích, Công ty Luật DC Lawyers thì DN có quyền huy động vốn để thực hiện các chức năng mà pháp luật cho phép làm. Nếu DN muốn quản lý quỹ thì việc đầu tiên phải làm là đăng ký chức năng quản lý quỹ với cơ quan cấp giấp phép kinh doanh. Tuy nhiên, cũng theo ông Bích, hiện nay, các sở kế hoạch và đầu tư không chấp nhận cho DN được quản lý quỹ, vì quản lý quỹ là quản lý tiền của người khác, nên bắt buộc phải tuân thủ pháp luật chuyên ngành. Cụ thể, ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ là những tổ chức có chức năng quản lý tiền của người khác và ngoài việc phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, các tổ chức này còn bị điều tiết bởi pháp luật chuyên ngành.

Trở lại với trường hợp của Doanh Chủ. Việc Công ty này kêu gọi các hội viên góp vốn để lập quỹ đầu tư có bị coi là vi phạm Luật Doanh nghiệp hay không, lại phụ thuộc vào quan điểm của người thi hành Luật. Có một thực tế là tại Việt Nam hiện nay, vẫn có 2 cách hiểu trái ngược nhau về một điều cơ bản nhất. Cụ thể, một bên thì cho rằng, DN chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, nhưng phía khác thì khẳng định, DN được làm những gì pháp luật không cấm. Trong trường hợp DN huy động vốn để lập quỹ, nếu hiểu theo cách thứ nhất thì rõ ràng là DN đã làm sai Luật. Nhưng nếu hiểu theo cách thứ hai thì DN vẫn có "cửa" để làm. "Cửa" này có thể hiểu là pháp luật không cấm DN lập quỹ và chỉ khi việc lập quỹ lớn đến một tầm nhất định (về quy mô, về đối tượng huy động vốn…) và có tiêu chí đầu tư đến 60% vào chứng khoán thì mới phải thực hiện theo Luật Chứng khoán.

Trên sàn chứng khoán hiện nay, việc một nhóm nhà đầu tư cá nhân góp tiền lập quỹ đầu tư chứng khoán là khá phổ biến. Tất nhiên, đây là một hình thức lập quỹ không chính thức, hay nói cách khác loại quỹ này không được pháp luật thừa nhận và vì thế nếu có tranh chấp xảy ra thì sẽ phải giải quyết theo các quan hệ dân sự. Sự việc của Doanh Chủ, tuy phạm vi ảnh hưởng chưa lớn, nhưng rất cần có ý kiến chính thức của các cơ quan liên quan, để phân định rạch ròi về quyền lập quỹ tại DN, giúp cho hàng nghìn DN khác hiểu và có cách hành xử đúng luật.