Ông Phùng Anh Tuấn

Ông Phùng Anh Tuấn

Sẽ giúp NĐT “rộng đường” đến toà

(ĐTCK-online) Báo ĐTCK số 97 ra ngày 13/8 đăng bài "Trắc trở đường tới Toà của các vụ tranh chấp", phản ánh những trở ngại mà NĐT gặp phải trên con đường đến toà án tìm công lý khi cần giải quyết các tranh chấp trên TTCK.

Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Các NĐT tài chính (VAFI) cho biết: VAFI có nhiều ý tưởng nhằm giúp NĐT dễ dàng hơn khi có nhu cầu giải quyết tranh chấp tại toà án, nhưng hiệu quả của các ý tưởng này phụ thuộc nhiều vào cơ quan quản lý.

>> Trắc trở đường tới Toà của các vụ tranh chấp

 

Theo ông, điều gì khiến NĐT ngại đến toà án tìm công lý?

Có nhiều lý do khiến NĐT ngại đến toà án giải quyết tranh chấp. Đầu tiên là thủ tục, trình tự giải quyết tranh chấp tại toà án đối với lĩnh vực chứng khoán vừa chưa cụ thể, vừa thiếu. Việt Nam chưa có cơ chế khởi kiện tập thể cho những thiệt hại ảnh hưởng tới nhiều NĐT.

Trong quá trình đầu tư, NĐT gần như không có ý thức áp dụng các biện pháp phòng vệ, đặc biệt là không tự giác thu thập, lưu trữ các tư liệu (hình ảnh, âm thanh, chứng từ gốc…) để làm bằng chứng bảo vệ mình khi xảy ra tranh chấp. Không ít trường hợp do NĐT tự nghĩ mình là VIP, "khách ruột" của CTCK, nên lạm dụng sự "ưu ái" mà CTCK dành cho mình thông qua nhiều dịch vụ tưởng như có lợi, nhưng thực ra rất có hại khi phát sinh tranh chấp như: đặt lệnh qua điện thoại (không ghi âm); nhờ nhân viên CTCK giao dịch trên tài khoản của mình, ký khống lệnh giao dịch...

Hệ quả là khi quyền lợi bị xâm hại, NĐT rất khó có đủ bằng chứng để bảo vệ mình và càng không tự tin khởi kiện. Thậm chí, khi NĐT bị xâm hại, họ có những thỏa thuận với bên vi phạm, nên khi tranh chấp xảy ra, cả hai bên đều e ngại đưa vụ việc ra tranh tụng. Ngoài ra, nhiều quy định pháp lý thay đổi, các cơ quan không chuyên gặp khó khăn trong việc nắm bắt quy định mới, cũng như am hiểu các chiêu thức vi phạm luật pháp trong kinh doanh chứng khoán. Điều này đang ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

 

Để giúp NĐT vượt qua những trở ngại trên, VAFI từng có ý tưởng thành lập bộ phận pháp chế hoặc liên kết với các văn phòng luật sư nhằm trợ giúp pháp lý cho họ. Ý tưởng này đang triển khai thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đang bước đầu thực hiện ý tưởng trên. Một nhóm ủy viên Ban chấp hành VAFI nhận nhiệm vụ giải thích và trợ giúp NĐT trong các trường hợp tranh chấp.

Cụ thể, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phụ trách giải đáp chung về pháp luật có liên quan; ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phụ trách tư vấn chuyên sâu cho khu vực miền Bắc; tôi phụ trách tư vấn chuyên sâu cho khu vực miền Nam (từ Đà Nẵng trở vào).

Việc giải đáp những thắc mắc chỉ là bước đầu, còn mục tiêu của VAFI là sẽ cử đại diện tham gia giải quyết tranh chấp khi NĐT có yêu cầu. Hiện hội viên VAFI có một số công ty luật làm việc này, sắp tới chúng tôi cân nhắc xúc tiến thành lập một câu lạc bộ công ty và văn phòng luật sư có chuyên môn phù hợp, để tham gia hoạt động tư vấn và giới thiệu cho hội viên liên hệ khi có tranh chấp xảy ra.

Bước kế tiếp căn cơ hơn là kiến nghị thay đổi và nâng cấp hệ thống luật pháp liên quan. Vấn đề này còn rất nhiều việc phải làm và để có thể làm được cần có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý. Cách đây không lâu, khi góp ý cho dự thảo Luật Chứng khoán, VAFI kiến nghị cơ quan quản lý cho phép thành lập mô hình quỹ và công ty bảo vệ NĐT (hoạt động thành công từ hàng chục năm nay tại nhiều TTCK). Cùng với sự ra đời của công ty bảo vệ NĐT là cơ chế bảo vệ họ. Chúng tôi còn đề xuất phương án điều chỉnh pháp luật có liên quan, để xây dựng cơ chế khởi kiện và tranh tụng tập thể. Qua đó, đối với trường hợp tranh chấp tập thể, các tổ chức hội đoàn như VAFI có thể được ủy nhiệm từ trước bởi các thành viên, để chủ động đi kiện và tiến hành các biện pháp tố tụng khi có đủ điều kiện cần thiết.

 

Về phía NĐT, họ cần lưu ý những gì để không gặp quá nhiều trở ngại khi muốn giải quyết tranh chấp tại toà án, thưa ông?

Điều quan trọng nhất là NĐT cần tự giác tuân thủ các quy trình giao dịch, đồng thời chấp nhận thực tế đầu tư chứng khoán là một "cuộc chơi" rắc rối, với nhiều quy định phức tạp, mà muốn tồn tại, NĐT phải học cách tuân thủ pháp luật và sử dụng các công cụ chuyên môn như tư vấn, hợp đồng và các bằng chứng. Nội dung thỏa thuận giữa các bên nên được làm bằng văn bản hay ghi âm rõ ràng để có bằng chứng yêu cầu cơ quan pháp luật bảo vệ mình khi phát sinh tranh chấp. NĐT cần có thói quen tham vấn ý kiến các chuyên gia tư vấn tài chính hay pháp lý trước khi ra quyết định đầu tư. Khi phát sinh tranh chấp, NĐT cần tham khảo ý kiến của luật sư và đừng ngại khởi kiện vụ việc ra toà án. Kinh nghiệm cho thấy, bản thân việc khởi kiện sẽ tạo áp lực cho phía bị kiện, nên đây cũng là một biện pháp giải quyết vấn đề hiệu quả.