Thị trường chờ quỹ đầu tư mới “xung trận”

(ĐTCK-online)UBCK nên có sự giúp sức để sớm có thêm nhiều quỹ đầu tư vào TTCK Việt Nam, góp phần ổn định tinh thần cho nhà đầu tư nội và tăng sức cầu cho thị trường

Trong số 12 công ty quản lý quỹ được thành lập vào cuối năm 2006, ngoài Công ty Quản lý quỹ Hà Nội (HFM) đã trình làng quỹ thành viên đầu tiên - Hanoi Fund - có quy mô vốn 200 tỷ đồng, hầu như chưa có công ty nào công bố việc lập quỹ. Hơn 3 tháng qua, TTCK Việt Nam sụt giảm cả về giá trị và quy mô giao dịch, khiến “đòn cân não” mà nhà đầu tư cá nhân phải gánh chịu, nhất là với những người mới mở tài khoản trong quý I/2007 (gần 60.000 tài khoản), đã trở nên quá tải. Tìm đâu ra một điểm tựa giúp thị trường trở lại trạng thái cân bằng và có thể bứt phá là điều mà giới kinh doanh chứng khoán cũng như các nhà chuyên môn đang “vắt óc” suy tính.

 

Cổ phiếu Việt: chảy từ nhà đầu tư nội sang nhà đầu tư ngoại

Chưa có tia hy vọng nào về việc Chính phủ sẽ mở room; lượng hàng mới có khả năng kích thích nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn được trông chờ từ các đợt IPO của những DN mạnh như Vietcombank, BIDV, Vinaphone… đã không được tung ra đúng hẹn; Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước đang thắt chặt việc cho vay đầu tư chứng khoán… Đó là những diễn biến thực tế mà bất kỳ một nhà đầu tư nào cũng có thể viện dẫn để lý giải cho tâm trạng bi quan của mình, cũng như đưa ra những đánh giá thiếu tích cực về triển vọng TTCK từ nay đến cuối năm. Trong khi đó, giới đầu tư nước ngoài vẫn liên tục tăng mua cổ phiếu. Theo thống kê mới nhất từ sàn TP. HCM, nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm giữ khoảng 30% thị trường và như vậy, đối tượng này đã trở thành loại cổ đông lớn nhất (cổ đông Nhà nước hiện nắm khoảng 26% vốn tại các DN niêm yết). Tại sàn Hà Nội, tỷ lệ đầu tư của nhà ĐTNN cũng đã  tăng từ mức 9% hồi đầu năm 2007 lên gần 15% vào thời điểm hiện nay. Việc tăng lượng sở hữu của nhà ĐTNN trên thị trường niêm yết tại Việt Nam đồng nghĩa với việc một lượng cổ phiếu Việt tương ứng đã “chảy” từ tay nhà đầu tư nội sang nhà đầu tư ngoại. Xu hướng này vẫn đang tiếp tục diễn ra và hình ảnh trong tương lai là khi TTCK khởi sắc trở lại, nhà đầu tư nội sẽ phải tranh mua lại cổ phiếu với giá cao hơn từ các nhà đầu tư ngoại.

Vậy làm thế nào để định vị tâm lý đầu tư cho các nhà đầu tư cá nhân, giúp họ đầu tư cân bằng hơn trên TTCK? Một trong những giải pháp xuyên suốt mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đề ra là tập trung phát triển các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các quỹ đầu tư. Việc lập các quỹ đầu tư cũng sẽ tạo thêm cơ hội lựa chọn cho nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh họ không đủ thời gian và năng lực để tự bươn trải trên thị trường. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, mới chỉ có duy nhất quỹ đầu tư của Manulife được UBCK chấp thuận cho huy động vốn với quy mô 250 tỷ đồng.

 

Bao giờ quỹ đầu tư mới “xung trận”?

Làm một cuộc thăm dò nhỏ với các công ty quản lý quỹ cho thấy, chỉ có vài công ty có triển vọng ra mắt quỹ trong quý III năm nay. Trong đó, HFM đang chuẩn bị cho việc lập 2 quỹ mới, một quỹ trong nước có quy mô dự kiến 500 tỷ đồng, một quỹ huy động vốn từ nước ngoài với quy mô dự kiến 50-100 triệu USD. Cả hai quỹ này đều được xây dựng theo mô hình quỹ tăng trưởng với định hướng đầu tư vào chứng khoán trên cả thị trường niêm yết, chưa niêm yết và đấu giá cổ phần lần đầu. Những bước đi mạnh dạn của HFM dựa trên kết quả bước đầu đáng khích lệ từ Quỹ đầu tư  Hà Nội - quỹ đầu tiên do Công ty này quản lý. Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, Quỹ Hà Nội có mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng lên tới 70% và HFM đã thực hiện khoản chia cổ tức đầu tiên ở mức 12% cho các nhà đầu tư góp vốn vào Quỹ, dự kiến cả năm cổ tức có thể đạt 30%.

Một quỹ khác cũng có triển vọng ra đời sớm là quỹ đầu tư thuộc Công ty Quản lý quỹ Việt Long. Theo nguồn tin của ĐTCK, quỹ mà Việt Long đang xây dựng dự kiến có quy mô khoảng 300 tỷ đồng, với định hướng đầu tư chính là vào TTCK. Ông Nguyễn Thúc Vinh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Việt Long cho biết, trong bối cảnh thị trường giá xuống như hiện nay, nhiều người dè dặt với việc đầu tư vào chứng khoán, nhưng với quỹ đầu tư, do có định hướng đầu tư dài hạn, nên nếu được thành lập thì lúc này là cơ hội tốt để giải ngân. “Cuối năm nay, TTCK Việt Nam có thể ở tình trạng đi ngang, nhưng 5 năm nữa, tôi tin thị trường sẽ phát triển mạnh”, ông Long nói.

Một công ty quản lý quỹ tuy mới được thành lập - Công ty Quản lý quỹ SSI nhưng đã chuẩn bị cho kế hoạch lập quỹ từ lâu, dự kiến sẽ lập quỹ trong năm 2007 nhưng quy mô và thời điểm ra mắt quỹ chưa được tiết lộ. Nguồn tin chưa chính thức cho biết, Công ty Quản lý quỹ Bản Việt cũng sắp cho ra mắt quỹ đầu tiên với quy mô khoảng 150 triệu USD. Công ty Quản lý Quỹ Việt Nam cũng đang huy động vốn lập quỹ đầu tư VF2 với quy mô vốn dự kiến 300 tỷ đồng.

Tại một số công ty quản lý quỹ khác, một phần do điều kiện thị trường vừa qua không thuận lợi, phần khác do quy định về việc lập quỹ kể từ khi có Luật Chứng khoán khắt khe hơn nhiều, nên động thái lập quỹ ngay trong năm nay là chưa rõ ràng. Những công ty này hiện tập trung vào việc tự doanh và nhận uỷ thác đầu tư, đồng thời đang chờ thời để lập quỹ. Theo quy định hiện hành, trong 2 năm đầu hoạt động, công ty quản lý quỹ chỉ được lập quỹ thành viên (vốn góp tối thiểu 50 tỷ đồng, lượng thành viên tối đa 50 người), nhưng các thành viên góp vốn bắt buộc phải là pháp nhân và các doanh nghiệp nhà nước không được dùng vốn của Nhà nước góp vốn vào quỹ. Trước đây, Nghị định 144/2003 không có quy định này, nên một số quỹ thành viên được thành lập theo Nghị định 144 đã có sự tham gia góp vốn của nhiều nhà đầu tư cá nhân, nên mô hình hợp lý (điều chỉnh theo Luật Chứng khoán) cho loại quỹ này là sẽ chuyển đổi hình thức từ quỹ sang công ty đầu tư chứng khoán.

Mặc dù những khó khăn từ thực tế hoạt động của một số công ty như Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (giá VF1 hiện thấp hơn 20% so với NAV), Công ty Quản lý quỹ Prudential (giá chứng chỉ quỹ chỉ xoay quanh mệnh giá), Công ty Quản lý quỹ Manulife (đang phải đôn đáo huy động vốn lập quỹ)… đã được thị trường nhận diện, nhưng việc các công ty quản lý quỹ mới đang nỗ lực tập hợp những nguồn vốn nhỏ thành nguồn vốn lớn cho quỹ để đầu tư vào chứng khoán là một hoạt động rất đáng khích lệ. Trong nỗ lực này, ngoài sự cố gắng của chính các chủ thể (công ty quản lý quỹ), UBCK nên có sự giúp sức để sớm có thêm nhiều quỹ đầu tư vào TTCK Việt Nam , góp phần ổn định tinh thần cho nhà đầu tư nội và tăng sức cầu cho thị trường.