“Thời gian khó” của các quỹ nội địa

“Thời gian khó” của các quỹ nội địa

(ĐTCK-online) Hiện nay, động thái giao dịch hàng ngày của các quỹ đầu tư nội địa chỉ lác đác xuất hiện khi có khi không trong bản tin của một vài CTCK hàng đầu. Trái lại, với khối ngoại, động thái mua bán luôn được sớm cập nhật sau mỗi phiên giao dịch. Sự lép vế của quỹ nội xuất phát từ thực tế họ chỉ tạo được ảnh hưởng mờ nhạt tại "sân nhà".

>> Triển vọng lập quỹ mở tại Việt Nam

 

5 nhóm công ty quản lý quỹ

Phần lớn công ty quản lý quỹ (QLQ) nội địa ra đời vào quãng năm 2006 - 2008, thời gian TTCK Việt Nam bùng nổ. Khá nhiều công ty QLQ chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu về vốn điều lệ, chỉ có 5 công ty vốn điều lệ đạt tới quy mô 3 con số (đơn vị tỷ đồng). Xét về cơ cấu cổ đông, có thể phân các công ty QLQ ra thành 5 nhóm, với các đặc trưng và hoạt động khá riêng.

Thứ nhất là công ty QLQ trực thuộc các định chế tài chính lớn như ngân hàng, tổ chức bảo hiểm. Chẳng hạn, Ngân hàng Á Châu có Công ty TNHH một thành viên QLQ ACB, Ngân hàng Đông Á có Công ty TNHH Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán Đông Á. Tượng tự, các ngân hàng Teckcombank, Maritime Bank, Sài Gòn - Hà Nội đều có công ty QLQ riêng. Hai đại gia trong lĩnh vực bảo hiểm là Manulife và Prudential cũng có công ty QLQ với hai chứng chỉ quỹ đại chúng đang được niêm yết trên HOSE. Các công ty QLQ nhóm 1 chiếm tỷ trọng đông đảo trong số 48 công ty QLQ đã được cấp giấy phép và mang đặc điểm khá chung là: "mẹ" hỗ trợ khá lớn cho "con" về tài chính và kinh nghiệm quản lý.

Nhóm thứ hai là các liên doanh quản lý quỹ. Trong số này có thể kể đến Công ty QLQ Việt Nam (VFM) - liên doanh giữa Tập đoàn Dragon Capital với Ngân hàng Sacombank; Công ty Liên doanh QLQ Đầu tư chứng khoán Vietcombank - liên doanh giữa Ngân hàng Vietcombank và Franklin Templeton Ltd; Công ty Liên doanh QLQ Đầu tư BIDV - Vietnam Partner, liên doanh giữa Ngân hàng BIDV với với đối tác Hoa Kỳ. Kinh nghiệm quản lý toàn cầu kết hợp với sự am hiểu thị trường địa phương giúp nhóm này hoạt động khá chắc chắn với chiến lược theo đuổi các khoản đầu tư giá trị. Các công ty QLQ thuộc nhóm 2 đều gây được quỹ, quản lý tài sản quy mô ở mức khá.

Thứ ba là đông đảo công ty QLQ thuộc các CTCP phi tài chính hay các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong số này có thể kể đến CTCP Quản lý quỹ RNG của CTCP Cơ điện lạnh, CTCP Quản lý quỹ đầu tư FPT thuộc Tập đoàn FPT, CTCP Quản lý quỹ Sabeco trực thuộc Tổng công ty Bia Sài Gòn, CTCP Quản lý quỹ đầu tư tài chính dầu khí (cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí), CTCP Quản lý quỹ SME (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam)... Nhóm này xuất hiện trong giai đoạn TTCK Việt Nam thăng hoa, cổ đông lớn mở rộng phát triển sang chứng khoán theo hướng đa ngành. Các công ty QLQ nhóm này có thể đã gây được quỹ hoặc không, nhưng sự ảnh hưởng khá thấp, một số chỉ hoạt động cầm chừng. Cổ đông sáng lập của CTCP QLQ Sabeco thậm chí còn tính tới việc chuyển nhượng công ty con. Năm 2009, CTCP QLQ Công nghiệp và năng lượng Việt Nam còn tuyên bố tự giải thể.

Thứ tư là nhóm công ty QLQ năng động, trực thuộc CTCK hay có các cổ đông lớn sở hữu chéo cổ phần chi phối ở cả công ty QLQ và CTCK. Chẳng hạn như Công ty TNHH Một thành viên QLQ Đầu tư chứng khoán I.P.A, Công ty TNHH QLQ SSI (có Quỹ Tầm nhìn SSI) thuộc CTCK SSI.

Cuối cùng nhóm công ty QLQ không thể xếp vào một trong 4 nhóm trên. Đây là các công ty QLQ có cơ cấu cổ đông pha tạp, mang nét đặc trưng của mỗi nhóm một chút, nhưng không đủ mạnh để trở thành "gen trội". Phần lớn nhóm này không gây được quỹ, hoạt động khá im ắng.

Tất nhiên, cách phân loại trên chỉ mang tính chất tương đối. Chẳng hạn, các công ty liên doanh QLQ (nhóm 2) đều có một bên góp vốn là các ngân hàng (nhóm 1). Nhiều CTCK, DN phi sản xuất, tập đoàn, tổng công ty nhà nước (thuộc nhóm 3 và 4) cũng góp vốn vào các công ty QLQ ở nhóm 5.

 

Công ty quản lý quỹ đang làm gì?

Ngoại trừ 3 công ty QLQ có quỹ đại chúng đã niêm yết chứng chỉ quỹ trên TTCK, thì hầu hết số còn lại có hành tung khá bí mật. Điều này xuất phát từ hai lý do. Thứ nhất, phần lớn các quỹ thành viên dạng đóng không có nghĩa vụ công bố thông tin rộng rãi ra bên ngoài, trừ báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý thị trường. Thứ hai, hiện tại, nhiều quỹ chỉ hoạt động cầm chừng, khả năng huy động vốn vượt quá tầm tay nên cũng không có nhu cầu đánh bóng thương hiệu. Tuy nhiên, các công ty QLQ đã gọi được vốn hiện nay khá giống nhau với hai phác họa chính yếu: giá trị tài sản ròng (NAV) đang thấp hơn mức góp vốn của các NĐT và đã hết tiền hoặc số tiền còn lại không đáng kể để tiếp tục đầu tư. Bức tranh không mấy tươi sáng.

Trong cuộc hội thảo mới đây về quỹ mở, ông Nguyễn Thành Long, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, UBCK tiết lộ một số thông tin làm sáng tỏ thêm hoạt động của khối này. Trong số 48 công ty QLQ đã được cấp giấy phép chỉ có 13 công ty gọi được vốn, thành lập quỹ. Ông Long giải thích, các công ty QLQ chưa lập được quỹ không có nghĩa là tê liệt. Bởi lẽ, họ vẫn triển khai nghiệp vụ tư vấn, ủy thác, quản lý danh mục đầu tư. Nếu so sánh với "người anh em" là CTCK thì khối các công ty QLQ rõ ràng ở quy mô nhỏ hơn, do hoạt động nghiệp vụ chỉ đòi hỏi khiêm tốn. UBCK đánh giá hoạt động của các công ty QLQ dù chưa khởi sắc nhưng không quá khó khăn, bế tắc như khối chứng khoán. Quan điểm của cơ quan quản lý là sẽ để thị trường tự điều tiết và tái cấu trúc.

Tuy nhiên, dòng chảy hoạt động ngầm của các công ty QLQ đang khá đa dạng, không bó hẹp trong các nghiệp vụ mặc định. Các công ty QLQ thuộc ngân hàng với thế mạnh riêng đang "sống khỏe" với hoạt động thu xếp vốn. Khi chứng khoán trong nước lâm vào cảnh đìu hiu chợ chiều, nhiều công ty QLQ đã nỗ lực thực hiện các hợp đồng ủy thác, quản lý danh mục đầu tư, nhưng điểm đến là các sân chơi quốc tế: sàn vàng, hợp đồng giao dịch hàng hóa kỳ hạn, ngoại tệ… Thậm chí, S.Holding ở TP. HCM còn được các môi giới chứng khoán kháo nhau về việc triển khai một số hoạt động chưa được cho phép như vay mượn chứng khoán.

Các công ty QLQ nội địa sẽ đi về đâu? Có thể sẽ khá giống với các CTCK, trào lưu thành lập công ty QLQ cách đây vài năm bước sang giai đoạn thanh lọc. Ngoại trừ các công ty QLQ có thế mạnh riêng, phần lớn đang "bóc ngắn cắn dài" đợi chờ: sự bửng tỉnh của thị trường "con bò tót" và các quy định mới như quỹ mở được ban hành.

Số lượng công ty QLQ và quỹ đầu tư tại TTCK Việt Nam

Loại hình quỹ đầu tư

Công ty QLQ

Số lượng quỹ

Tổng tài sản

(tỷ USD)

Quỹ đại chúng nội địa

3

5

0,213

Quỹ thành viên và quản lý danh mục đầu tư

13

N/a

3,4

Quỹ đầu tư nước ngoài

40

70

9,0

Nguồn: Prudential. Số liệu cập nhật đến 31/12/2010.