Ảnh minh họa: VNN

Ảnh minh họa: VNN

Tiền gửi của các “ông lớn” lên tới 1,9 tỷ USD

Số dư tiền gửi có kỳ hạn của 7 tập đoàn, tổng công ty lớn tính đến ngày 30/11 là khoảng 1,2 tỷ USD và số dư tiền gửi không kỳ hạn là khoảng 700 triệu USD.

Trả lời báo chí ngày 10/12, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết như vậy. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã thiết kế cơ chế mua bán ngoại tệ với các tập đoàn và tổng công ty theo hướng sử dụng được lượng ngoại tệ tạm thời nhàn rỗi đồng thời vẫn đảm bảo nhu cầu chi ngoại tệ của các doanh nghiệp nằm trong danh sách này.

"Cùng với Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành họp bàn để trao đổi, thống nhất với các tập đoàn, tổng công ty này về phương án mua bán ngoại tệ cụ thể nhằm đảm bảo đơn giản và hiệu quả", ông Huy nói.

 

Cũng theo ông Huy, số liệu tổng hợp từ hệ thống cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại với mức bình quân trong năm. Tuy nhiên, ông Huy cho hay, do hiện nay đang là thời điểm cuối năm nên nhu cầu thanh toán nhập khẩu và trả nợ vay bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp là khá lớn.

 

Vì vậy, từ ngày 30/11, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành bán ngoại tệ can thiệp ra thị trường như đã thông báo, cụ thể bán cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm 5% trở xuống, ưu tiên các mặt hàng phục vụ sản xuất.

 

Liên quan đến việc quản lý hoạt động của các sàn vàng trong thời gian tới, ông Huy cho biết: Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng về hoạt động kinh doanh vàng tài khoản trong nước đang được tiến hành trên các sàn vàng.

 

Cụ thể, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là không khuyến khích hoạt động này. Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ 2 phương án: Chấm dứt hoạt động của các sàn vàng hoặc tiếp tục cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước một cách chặt chẽ trong đó, mức ký quỹ dự kiến có thể lên đến 100%.

 

Ông Huy cho rằng, hiện nay, ngoài các tổ chức tín dụng, còn có các tổ chức khác cũng đang thực hiện cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản của các nhà đầu tư. Do đó, để thống nhất hướng xử lý đối với hoạt động kinh doanh này cần có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

 

"Theo tôi, trong trường hợp cho phép tiếp tục hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước của cá nhân, cần phải quản lý chặt chẽ như tỷ lệ ký quỹ, thuế suất, quy mô giao dịch… Ngoài ra, chỉ có các ngân hàng thương mại mới được phép cung ứng dịch vụ này vì đây mới là các tổ chức có khả năng cung ứng đầy đủ các dịch vụ cho các nhà đầu tư như mở tài khoản, thanh toán và quan trọng hơn là có khả năng quản lý các rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản của nhà đầu tư", ông Huy nhấn mạnh.