Nhà đầu tư hiện nay đang lo lắng về vấn đề thuế thu nhập cá nhân từ kinh doanh chứng khoán.

Nhà đầu tư hiện nay đang lo lắng về vấn đề thuế thu nhập cá nhân từ kinh doanh chứng khoán.

Tìm giải pháp cho thuế chứng khoán

(ĐTCK) Chúng ta vẫn áp dụng đánh thuế trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, nhưng có thể áp dụng mức thuế suất 0% trong một thời gian

Nếu không có gì thay đổi, từ ngày 1/1/2009 tới, thuế thu nhập cá nhân trong kinh doanh chứng khoán bắt đầu được triển khai. Mặc dù vậy, cộng đồng NĐT vẫn cho rằng, trong giai đoạn hiện tại, tạm hoãn sắc thuế này là việc nên làm, như là một biện pháp hỗ trợ tốt cho thị trường, đặc biệt về mặt tâm lý. Tuy nhiên, liên quan vấn đề này, cơ quan phụ trách hành thu là Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, trong đó không ủng hộ chủ trương giãn thu thuế chứng khoán…

Về vấn đề thuế đánh vào hoạt động kinh doanh chứng khoán, ông Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh tiến sỹ Đại học Manchester Anh Quốc, người đã có trải nghiệm với TTCK nhiều nước như Úc, Anh, Mỹ, cho biết, kinh doanh thì phải nộp thuế là vấn đề bình thường. Ở nhiều nước, hoạt động kinh doanh chứng khoán thậm chí còn chịu nhiều loại thuế. Tại Việt Nam, vấn đề cơ bản là đánh thuế bao nhiêu cho vừa, hình thức đánh thuế như thế nào cho phù hợp. Xung quanh vấn đề này, ông Tuấn đưa ra một số nhận định đáng chú ý.

Thứ nhất, theo một số nghiên cứu tại khoảng 20 thị trường, trong đó có hơn 10 thị trường mới nổi đăng trên các tạp chí chuyên ngành tài chính lớn của Mỹ thì mức độ thanh khoản của thị trường có ảnh hưởng đến lợi nhuận kỳ vọng của cổ phiếu và như vậy, ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của thị trường. Nếu đánh thuế thêm thì có nghĩa là tăng chi phí tham gia vào thị trường, đồng nghĩa với việc làm giảm tính thanh khoản của thị trường. Các nghiên cứu trên chỉ ra rằng, khi thanh khoản của thị trường giảm thì sẽ lại ảnh hưởng lợi nhuận kỳ vọng của cổ phiếu và tính hấp dẫn của thị trường.

Thứ hai, việc thu thuế nằm ở vấn đề là tâm lý, chứ không phải là 0,1% cho mỗi lần giao dịch (bán) có lớn hay không. Hầu hết NĐT ở lại với  thị trường đến thời điểm này đều đang bị thua lỗ. Nếu phải nộp thêm thuế thì tất nhiên ngày càng nhiều người chán nản vì thấy mình bị đối xử "tệ" quá, lúc khó khăn không ai san sẻ. NĐT không còn hứng thú với thị trường. Thanh khoản của thị trường thấp thì NĐT có tổ chức trong và ngoài nước cũng không thấy hứng thú đầu tư. Vì vậy sàn vắng, thị trường kém thanh khoản, khó thêm hàng hóa cho thị trường do cổ phần hóa chậm, doanh nghiệp lớn ngại lên sàn vì sợ giá cổ phiếu không được như mong muốn. Đó là vòng luẩn quẩn. 

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, từ kinh nghiệm tăng thuế để kìm lại đà tăng nóng của chứng khoán tại Trung Quốc hay giảm thuế đánh vào chứng khoán của vài nước gần đây cho thấy, việc thay đổi thuế suất đánh vào chứng khoán không phải là nhân tố thay đổi xu hướng thị trường. Thị trường đang giảm, giảm thuế, thị trường bật lại một chút rồi vẫn giảm. Thị trường đang tăng, tăng thuế thì thị trường giảm lại một thời gian ngắn rồi vẫn… tăng tiếp. Ông Tuấn cho biết, thường thì các tác động tăng - giảm thuế suất đối với chứng khoán không có tác động lâu dài đối với tỷ suất sinh lợi trên thị trường. Vấn đề chỉ là yếu tố tâm lý nhất thời của NĐT. Cuối cùng thì tỷ suất lợi nhuận cũng đi theo tình hình kinh tế và lợi nhuận công ty, cũng như tính thanh khoản và độ rủi ro của thị trường. Cho nên, theo ông Tuấn, NĐT hiện nay đang lo lắng thái quá về vấn đề thuế, trong khi các nhân tố cơ bản trong nước và diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới quyết định xu hướng thị trường.

Để vừa giữ sự nhất quán trong chính sách, vừa hỗ trợ được thị trường, theo ông Tuấn vẫn có thể tìm một giải pháp trung dung. Chúng ta vẫn áp dụng đánh thuế trong hoạt động kinh doanh chứng khoán nhưng có thể áp dụng mức thuế suất 0% trong một thời gian (như một số nước áp dụng giải pháp tạm miễn thuế). Vậy là thuế chứng khoán vẫn làm đúng lộ trình, nhưng giải pháp thuế tạm thời hỗ trợ thị trường vẫn được thực thi, mọi NĐT hiểu rằng đã kinh doanh chứng khoán là phải nộp thuế. Mặt khác, với cơ quan quản lý, luật thuế cũng đã được thực hiện, chỉ là điều chỉnh thuế suất cho phù hợp, cũng là một cách điều tiết thị trường, một giải pháp hỗ trợ tạm thời cho NĐT.

Giai đoạn 2006 - 2007 tại Trung Quốc, khi thị trường tăng nóng thì Chính phủ nước này tăng thuế, gần đây khi thị trường giảm mạnh thì họ miễn thuế đánh vào chứng khoán. Nhìn rộng hơn, khi cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra làm kinh tế Mỹ đi xuống, thu nhập người dân giảm thì Chính phủ Mỹ đang xem xét giảm thuế thu nhập cho người dân. Nhiều nước khác cũng đang xem xét giảm thuế cho doanh nghiệp làm ăn khó khăn. Điều đó là thể hiện tính điều tiết của thuế, khi cái nào phát triển "nóng" quá, tăng quá mức thì sẽ tăng thuế, cái nào yếu quá thì giảm thuế nhằm kích thích sự phát triển.