Trần lãi suất ngoại tệ: Sẽ tác động tích cực lên nguồn cung

Trần lãi suất ngoại tệ: Sẽ tác động tích cực lên nguồn cung

(ĐTCK-online) Kể từ ngày 13/4, mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng (tại Thông tư số 09/2011/TT-NHNN) là 3%/năm. NHNN cũng đồng thời tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ thêm 2% kể từ đầu tháng 5 tới. Đây là những động thái được cho là sẽ tác động tích cực lên nguồn cung của thị trường ngoại tệ.

Theo nội dung của Thông tư 09, các ngân hàng sẽ phải ấn định trần lãi suất huy động ngoại tệ đối với cá nhân là 3%/năm và tổ chức là 1%/năm dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu… Đồng thời, mức lãi suất trần 3%/năm là bao gồm cả khoản chi khuyến mãi dưới mọi hình thức và áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ. Còn đối với các phương thức trả lãi khác phải được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ tương ứng với mức trần 3%/năm. Các NHTM phải niêm yết công khai lãi suất huy động USD, đồng thời không được khuyến mại huy động vốn bằng tiền, lãi suất…

Trong loạt hành động nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, ngày 9/4, NHNN cũng đã có công văn yêu cầu NHNN các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát các đại lý thu đổi ngoại tệ. Theo đó, NHNN tỉnh, thành phố phải rà soát và kiểm tra hoạt động của các đại lý đổi ngoại tệ trên địa bàn, đặc biệt các đại lý là tổ chức kinh doanh vàng nếu không có địa điểm đặt bàn đổi ngoại tệ theo đúng quy định tại Điều 3 Quy chế đại lý đổi ngoại tệ ban hành kèm theo Quyết định số 21/2008/QĐ-NHNN ngày 11/7/2008 của Thống đốc NHNN thì NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tiến hành thu hồi ngay giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ đã cấp.

Bên cạnh đó, kể từ đầu tháng 5 tới, các ngân hàng cũng buộc phải gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thêm 2% vào NHNN. Cụ thể, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ áp dụng cho các NHTM nhà nước (không bao gồm Agribank), NHTM cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 6% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Còn tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng ngoại tệ tại các NHTM là 4% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.

Các quyết định vừa đưa ra như trên của NHNN, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính - kinh tế, sẽ tác động tích cực lên thị trường ngoại tệ, làm tăng cung USD và góp phần ổn định tỷ giá hối đoái. Cơ chế tác động là, khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng, các NHTM phải tính tăng lãi suất cho vay để bù đắp chi phí do lượng vốn ngoại tệ khả dụng giảm, qua đó giảm nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp. Mặt khác, khi lãi suất huy động ngoại tệ giảm, nhu cầu gửi ngoại tệ cũng sẽ giảm (so với mức trần 3%/năm, hiện lãi suất huy động ngoại tệ được các NHTM áp dụng cao gần gấp đôi). Tựu chung, dòng vốn bằng ngoại tệ sẽ được chuyển dịch dần dần từ kênh huy động - cho vay ra thị trường mua - bán. Tác động này sẽ được hỗ trợ từ Thông tư 07/2011/TT-NHNN (có hiệu lực từ đầu tháng 5 tới) quy định về đối tượng được tiếp cận vốn vay bằng USD.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho rằng, quy định áp trần lãi suất huy động và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc vừa được NHNN đưa ra là hợp lý trong bối cảnh thị trường hiện nay. Thực tế, trong thời gian qua, do lãi suất vay tiền đồng cao hơn đáng kể so với lãi suất vay ngoại tệ, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang vay ngoại tệ. Điều này đã diễn ra trong suốt năm 2010 và tiếp diễn trong quý I năm nay. Thống kê quý I/2011 cho thấy, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ của toàn hệ thống ngân hàng đạt 12,06% trong khi tăng trưởng dư nợ VND chỉ đạt 1,43%.

"Theo tôi, dưới tác động của các quyết định trên, huy động vốn cũng như dư nợ cho vay bằng ngoại tệ trong thời gian tới sẽ giảm khoảng 30% so với hiện nay, qua đó tác động tích cực lên cung ngoại tệ, góp phần ổn định tỷ giá. Đồng thời, thanh khoản tiền đồng sẽ được cải thiện khi người dân có xu hướng chuyển dần từ gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ sang bằng tiền đồng để hưởng lãi suất cao hơn", ông Minh nhận định.

Theo ĐTCK ghi nhận, các NHTM đang tính đến việc điều chỉnh lãi suất tiết kiệm ngoại tệ về dưới mức quy định. Ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, Ngân hàng sẽ điều chỉnh dần về mức 3%/năm trước ngày 13/4 tới. Một một lãnh đạo của Eximbank cũng cho hay, Ngân hàng đã tính đến việc hạ lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ về mức cho phép và có thể đầu tuần tới sẽ chính thức áp dụng mức trần mới. Vị lãnh đạo này cho rằng, với các quyết định nói trên của NHNN, chắc chắc huy động và dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới.

Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của ACB cũng đưa ra nhận định, với quy định trần lãi suất ngoại tệ giảm gần phân nửa so với mức các ngân hàng áp dụng hiện nay thì khó tránh được tiền gửi bằng ngoại tệ giảm trong thời gian tới. ACB sẽ tính toán để giảm lãi suất huy động tiết kiệm USD về dưới mức 3% trước thời hạn cho phép là ngày 13/4.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Theo tôi, việc áp dụng trần lãi suất ngoại tệ cũng như tăng dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Đây được xem là biện pháp quan trọng để khiến các NHTM giảm lãi suất huy động và tăng lãi suất cho vay ngoại tệ. Từ đó, có thể khiến cho dân chúng thấy nên chuyển từ việc gửi bằng USD sang VND và làm tăng thanh khoản của VND cho các NHTM. Đồng thời, chính điều đó có tác dụng làm lãi suất VND có chiều hướng giảm xuống trong thời gian tới, cũng như gia tăng tính ổn định. Mặt khác, nó có thể làm tăng nguồn cung ngoại tệ trên thị trường hối đoái, góp phần duy trì tính ổn định của tỷ giá hối đoái. Có thể các quy định mới này chỉ là một bước thăm dò, nhưng về lâu dài sẽ có tác động tích cực hơn. Các quyết định này là phù hợp với chính sách chống tình trạng đô la hóa của Chính phủ.

 

TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP. HCM

Trần lãi suất ngoại tệ: Sẽ tác động tích cực lên nguồn cung ảnh 2

Với mức trần áp dụng đối với tiền gửi ngoại tệ 3%/năm, tôi cho rằng rất phù hợp trong điều kiện thị trường hiện nay, đúng với chủ trương và lộ trình của Chính phủ. Khi dựa vào lạm phát của Mỹ, Việt Nam và trong mối tương quan như thế, người ta tính ra mức trần để áp dụng với tiền gửi USD. Có thể các biện pháp về lãi suất mà Việt Nam đang làm còn mang tính hành chính, nhưng là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Chủ trương chuyển dần ngoại tệ từ kênh nhận gửi - cho vay sang kênh mua - bán cũng đồng nghĩa với việc khép đối tượng vay ngoại tệ lại, thống nhất với Thông tư 07/2011/TT-NHNN ban hành ngày 24/3 vừa qua quy định về cho vay ngoại tệ chỉ đối với doanh nghiệp tái tạo được USD. Nếu không đưa ra mức trần, chắc chắc lãi suất tiền gửi ngoại tệ cũng sẽ giảm. Vì thế, việc đưa ra mức trần áp dụng cho lãi suất tiết kiệm ngoại tệ lúc này sẽ mang tính khả thi cao. Việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ theo tôi cũng là hợp lý, vì phải dùng dự trữ bắt buộc để đảm bảo hai tính năng là giảm dư nợ ngoại tệ xuống và thực hiện lộ trình quản lý ngoại tệ và kiểm soát lạm phát. Có thể trước mắt, thanh khoản của NHTM có khó khăn, nhưng sẽ quản lý được ngoại tệ.

 

PSG. TS. Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Trần lãi suất ngoại tệ: Sẽ tác động tích cực lên nguồn cung ảnh 3

Lãi suất tiền đồng hiện còn quá cao, cần phải can thiệp để giảm xuống. Phải thắt chặt chính sách tài khóa để tạo điều kiện giảm nhẹ liều lượng chính sách tiền tệ. Đồng thời, NHNN có thể hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM đang thiếu tạm thời, can thiệp qua nghiệp vụ thị trường mở, nhưng vẫn siết đầu ra, tức đảm bảo kiểm soát không cho dư nợ tăng vượt quá 20%. Song phải đảm bảo cho doanh nghiệp duy trì hiệu suất kinh doanh, duy trì việc làm. Hiện nay, chính sách tài khóa còn thiếu liều lượng, còn tiền tệ thì phải giảm liều lượng. Trong khi đó, theo thống kê, dư nợ trong quý I của ngành ngân hàng phần lớn do ngoại tệ, dư nợ tiền đồng tăng không đáng kể. Điều đó đòi hỏi NHNN phải có trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ và tăng dự trữ bắt buộc với ngoại tệ để từ đó tăng lãi suất cho vay ngoại tệ. Khi đó, dư nợ tín dụng ngoại tệ sẽ giảm và tác động tích cực đến việc giảm lãi suất tiền đồng.