Lựa chọn một công cụ đầu tư trung - dài hạn để giao dịch ngắn hạn có thể một sai lầm của các NĐT Việt Nam lâu nay (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Lựa chọn một công cụ đầu tư trung - dài hạn để giao dịch ngắn hạn có thể một sai lầm của các NĐT Việt Nam lâu nay (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Triển vọng lập quỹ mở tại Việt Nam

(ĐTCK-online) Mùa ĐHCĐ năm nay, 3/5 quỹ đại chúng phát đi thông điệp sẵn sàng chuyển đổi mô hình hoạt động từ quỹ đóng sang quỹ mở. Tuy nhiên, trong hội thảo về quỹ mở ngày 1/4 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức, nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng, lộ trình này không dễ dàng và mất khá nhiều thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, đại diện cơ quan quản lý tuyên bố, khung pháp lý quỹ mở đã sẵn sàng nhưng việc triển khai sẽ chờ… thị trường.

 >> Quỹ đầu tư, áp lực từ người góp vốn

Chuyển đổi: hướng đi tất yếu

Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Prudential Việt Nam, ông Henk Ruitenberg đánh giá, so với các nước châu Á, Việt Nam chậm chân hơn rất nhiều trong việc phát triển các công cụ thuộc thị trường vốn, trong đó có quỹ mở - mô hình kỳ vọng giải quyết được nhiều vấn đề nóng của TTCK và cả nền kinh tế hiện nay. Ông Henk lý giải, mô hình quỹ mở giúp người dân có thêm kênh đầu tư hiệu quả, làm thay đổi tập quán cất giữ tài sản dưới dạng vàng hay ngoại tệ. Việc này giúp minh bạch hóa nền kinh tế, khơi thông các kênh dẫn vốn và giảm bớt áp lực về vấn đề ngoại hối. Bên cạnh đó, với TTCK, đương nhiên quỹ mở giải quyết tốt những yếu tố tâm lý của NĐT cũng như nhà quản lý quỹ về chiết khấu và thanh khoản đang tồn tại.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại các thị trường phát triển, ông Alastair E.Murray, Trưởng bộ phận cung cấp dịch vụ chứng khoán Ngân hàng HSBC khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, quỹ mở có thể mở ra một kênh huy động mới cho phép Nhà nước hình thành các quỹ quy mô lớn hơn như quỹ hưu trí, nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Trong khi đó, ông Christophe Becue, chuyên gia quốc tế về quỹ đầu tư nhận xét, quỹ mở có ưu điểm là cho phép NĐT giao dịch chứng chỉ quỹ sát với giá trị tài sản ròng (NAV). Điều này bảo vệ NĐT và tài sản của họ tốt hơn mô hình quỹ đóng. Từ đó có thể giúp các quỹ thu hút nhiều NĐT mới, giúp các định chế tài chính trung gian trong nước lớn mạnh, tạo bệ đỡ cho TTCK Việt Nam.

Ở góc độ các nhà quản lý quỹ nội địa, đại diện Câu lạc bộ Quản lý quỹ cho biết, trừ 2 quỹ VF1 và VFA, 3 quỹ đại chúng còn lại được hình thành vào năm 2006 - 2007, một vài năm tới sẽ đến hạn đóng quỹ. Đồng thời, chưa kể các quỹ nước ngoài, trong 2 năm tới cũng có 6 quỹ thành viên nội địa tới hạn đóng quỹ. Nếu không tìm ra hướng giải quyết thì điều này sẽ gây áp lực khá lớn tới thị trường. Mặt khác, hiệu quả khiêm tốn và thành tích nghèo nàn của các quỹ đại chúng nội địa khiến triển vọng phát triển các định chế tài chính trung gian tại Việt Nam trong tương lai gặp nhiều thách thức.

 

Triển khai: chờ… thị trường

Trong mùa ĐHCĐ năm nay, một áp lực rất lớn với nhiều nhà quản lý quỹ nội địa là mức chiết khấu rất cao với các chứng chỉ quỹ. Khung pháp lý cho quỹ mở sớm hình thành để chuyển đổi một phần hay toàn bộ danh mục quỹ đóng thành quỹ mở - được các nhà quản lý kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách chiết khấu, bảo vệ NĐT. Một số công ty quản lý quỹ tuyên bố đã sẵn sàng, chỉ còn chờ hành lang pháp lý về quỹ mở.

Dù nhận được nhiều kỳ vọng, nhưng trong hội thảo cũng xuất hiện một số quan ngại về tính khả thi về mô hình quỹ mở tại thời điểm hiện nay. Đó là sự trồi sụt của TTCK Việt Nam 3 - 4 năm qua chắc chắn có lý do bởi lực lượng NĐT tổ chức nội địa quá mỏng. Hiện tại, xu hướng thị trường vẫn phụ thuộc khá lớn vào tâm lý các NĐT cá nhân - nơi hoạt động lướt sóng vẫn đang chiếm thế thượng phong. Các quỹ đầu tư trong nước chưa gánh vác được vai trò là bệ đỡ cho TTCK tại nhiều thời khắc quan trọng. Với quỹ mở non trẻ, điều gì sẽ xảy ra nếu các NĐT nội địa cùng lướt sóng chứng chỉ quỹ theo từng cung bậc tăng, giảm của thị trường?

Về điều này, ông Nguyễn Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, UBCK, cho biết, trong dự thảo văn bản pháp lý cho hoạt động của quỹ mở đã tính đến yếu tố đặc thù của thị trường nội địa. Chẳng hạn, đã có một số quy định phòng vệ cho quỹ: các loại hình đầu tư của quỹ mở là tài sản có thanh khoản giúp quỹ có thể chuyển hóa nhanh thành tiền mặt; cho phép quỹ mua - bán làm nhiều đợt, mỗi đợt với giới hạn nhất định; cho phép quỹ vay 5% giá trị tài sản để hỗ trợ hoạt động thanh toán… Về câu hỏi thời điểm quỹ mở chính thức có hành lang pháp lý, ông Long khẳng định, hệ thống quy định không thành vấn đề, nhưng việc triển khai phải chờ… thị trường, cụ thể là chờ sự thay đổi về nhận thức của NĐT về sản phẩm chứng chỉ quỹ.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn thành công tại TTCK Ấn Độ, ông Gregory Robibson - Kok, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank cho biết, mô hình quỹ mở thành công dựa trên 3 yếu tố. Với nhà quản lý quỹ là việc đảm bảo sản phẩm được tiếp thị, phân phối đúng cách, kiểm soát được các kênh phân phối để bảo vệ NĐT. Với cơ quan quản lý thị trường, quy định ban hành phải đảm áp dụng được trong thực tế. Với các NĐT cá nhân, cần nhận thức chứng chỉ quỹ mở là công cụ đầu tư chứ không phải đầu cơ. Chỉ khi hội tụ các yếu tố này thì mô hình quỹ mở mới phát huy hiệu quả.

Các chuyên gia quốc tế khẳng định, bản chất chứng chỉ quỹ là một sản phẩm đầu tư. Lựa chọn một công cụ đầu tư trung - dài hạn để giao dịch ngắn hạn có thể một sai lầm của các NĐT Việt Nam lâu nay. Bên cạnh thành tích khiêm tốn của các quỹ đại chúng, sự thất vọng trong giao dịch có thể là một trong các lý do khiến thị trường đang dành cho các chứng chỉ quỹ đóng mức chiết khấu cao như hiện nay. Một số nhà quản lý kỳ vọng quỹ mở là một cứu cánh, nhưng thách thức vẫn còn nguyên ở một thị trường cận biên, nơi tâm lý lướt sóng vẫn đang ngự trị. Có thể nói, đây mới là lý do chính khiến việc triển khai mô hình quỹ mở chưa thể đến sớm như các kỳ vọng.

 

“Trong dự thảo về quỹ mở, UBCK đã tính tới các giải pháp bảo vệ quỹ và thị trường”

Ông Nguyễn Thành Long, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, UBCK

 

Chúng tôi đã dự thảo xong văn bản về hoạt động quỹ mở với sự tham khảo mô hình tại nhiều nước phát triển. Khi xuất hiện quỹ mở, một lo ngại  của NĐT là việc mua - bán liên tục của các quỹ này có thể ảnh hưởng đến xu hướng thị trường. Trong dự thảo, UBCK đã tính tới các giải pháp bảo vệ quỹ và thị trường, như quy định tính thanh khoản của tài sản mà quỹ đầu tư. Bên cạnh đó, quỹ cũng được phân phối cổ phiếu cho các NĐT để phân tán, giảm áp lực bán ra tại một số thời điểm.

 

Dự thảo cho phép quỹ mua - bán nhiều đợt có thời gian ngắt quãng. Điều này là cần thiết nhằm ổn định tâm lý NĐT trong một thị trường phần đông là các NĐT cá nhân.Trong dự thảo, UBCK cũng xây dựng một số điều khoản "phòng hờ" về hoạt động của các quỹ đầu tư chỉ số ETF. Quy định về quỹ ETF sẽ được hoàn thiện và ban hành sau khi quy định về quỹ mở chính thức có hiệu lực.

 

“Việc chuyển đổi quỹ đóng sang quỹ mở khá phức tạp và mất nhiều thời gian”

Ông Henk Ruitenberg, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Prudential Việt Nam

 

Triển vọng lập quỹ mở tại Việt Nam ảnh 1

Ở Việt Nam, GDP đầu người đang tăng lên cùng với sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu khiến gia tăng nhu cầu quản lý tài sản. Đây là một thị trường tiềm năng, dù thị trường quỹ công chúng vẫn còn khá sơ khai và người dân có thói quen cất giữ tài sản như vàng hay ngoại tệ.

 

Kinh nghiệm phát triển thị trường của Prudential cho thấy, yếu tố then chốt khi phát triển quỹ công chúng là hộ gia đình, nhưng để thay đổi tập quán cần 5 - 10 năm. Hiện tại, chúng tôi đang quản lý quỹ đầu tư công chúng dạng đóng Prudential.

 

Dù khung pháp lý cho quỹ mở có thể sớm ban thành, nhưng có thể chúng tôi sẽ không chuyển đổi mô hình, vì kinh nghiệm thực tiễn tại các thị trường khác cho thấy, việc chuyển đổi khá phức tạp và mất nhiều thời gian.

 

Ở Việt Nam, quỹ đóng đại chúng đầu tiên xuất hiện cách đây 7 năm và có giai đoạn phát triển ngắn cách đây 3 - 4 năm. Vài năm là khoảng thời gian quá ngắn để nói về sự ra đi hay thoái trào của một loại hình quỹ đầu tư có lịch sử hàng trăm năm. Đơn giản, thị trường cần có sự đa dạng. Quỹ đại chúng dạng đóng hay mở, cả hai đều cần thiết.

 

“Tại Việt Nam, xu thế hình thành quỹ mở là tất yếu”

Ông Christophe Becue, Chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực quỹ đầu tư

 

So với quỹ đóng, mô hình quỹ mở cho phép bảo vệ NĐT tốt hơn: bên cạnh việc thu hẹp khoảng cách giữa thị giá và giá trị tài sản ròng, các quỹ mở công bố thông tin minh bạch, thường xuyên hơn. Theo quan sát của tôi, các thị trường tài chính mạnh trên thế giới đều phát triển rất nhanh mô hình quỹ mở. Với thị trường tài chính non trẻ của Việt Nam, xu thế hình thành quỹ mở là tất yếu. Điều này giúp thị trường vốn thu hút được nhiều nguồn lực mới để sớm trở nên lớn mạnh.