Từ 400 đến 430.000 tài khoản

(ĐTCK-onine) 400 là số tài khoản đầu tiên trên TTCK Việt Nam khi thị trường mở cửa hoạt động vào ngày 28/7/2000. Với 2 loại cổ phiếu niêm yết đầu tiên (REE và SAM) và sau đó có thêm 2 loại nữa là HAP và TMS, hàng hoá cho TTCK Việt Nam 8 năm về trước chỉ vẻn vẹn có thế.

8 năm sau đó, đến nay, số cổ phiếu niêm yết trên TTCK đã gấp 100 lần (trên 300 loại cổ phiếu niêm yết), số tài khoản của nhà đầu tư (NĐT) cũng đã gấp trên 1.000 lần (430.000 tài khoản). Trong 4 chủ thể chính tham gia TTCK (cơ quan quản lý, công ty niêm yết, các tổ chức tài chính trung gian và NĐT) thì NĐT luôn  được coi là chủ thể trung tâm, là đối tượng được chăm sóc và bảo vệ. Những thông điệp như: vì lợi ích của NĐT, đồng hành cùng NĐT, sức mạnh của NĐT, bảo vệ NĐT... thường thấy trong tôn chỉ hoạt động của cơ quan quản lý và nhiều tổ chức trên TTCK. Điều này là hợp lý vì xét cho cùng, NĐT là đối tượng trực tiếp dốc tiền cho TTCK hoạt động và NĐT cũng là đối tượng duy nhất hiện diện trong cả 4 chủ thể nói trên.

400 tài khoản và nay là 430.000 tài khoản được mở cho thấy, trải qua nhiều thăng trầm, mất mát cùng thị trường nhưng lượng người gia nhập giới đầu tư chứng khoán vẫn tăng theo cấp số nhân. Người mới càng nhiều, thị trường càng đa dạng thì càng có nhiều ý tưởng thúc đẩy thị trường phát triển. Nhưng ngẫm lại để thấy, những ý tưởng cũ, của lớp NĐT cũ nhất trên TTCK vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.

Hai chức năng quan trọng nhất của TTCK là tạo tính thanh khoản và giúp DN huy động vốn. Trong 2 chức năng này thì thanh khoản chiếm vị trí quan trọng hơn, vì chỉ khi thị trường thanh khoản (chứng khoán có giao dịch, có giá) thì guồng máy thị trường mới chạy và DN mới có thể huy động vốn. Liên quan đến tính thanh khoản, quyền lợi thiết thân của NĐT được nhìn nhận như sau: lúc thị trường lên, đại đa số NĐT muốn mua không mua được (tình trạng dậy sớm xếp hàng, đặt gạch, bốc thăm, thậm chí đút lót nhân viên môi giới để được mua là những minh chứng); còn lúc thị trường xuống, đa số NĐT muốn bán cũng không bán được (cảnh thường thấy là bên bán chất đống lệnh, còn bên mua trống trơn). Chính vì vậy, tăng tính thanh khoản không chỉ là câu chuyện của riêng nhà quản lý, riêng công ty chứng khoán, mà còn là điều trăn trở của rất nhiều NĐT.

Đã không ít lần NĐT lên tiếng hiến kế để thị trường cân bằng hơn, thanh khoản hơn. Những ý tưởng như lập Quỹ bình ổn giá, cho NĐT được cùng mua - bán cổ phiếu trong phiên, giảm thời gian thanh toán T+3, cho phép giao dịch ký quỹ, áp dụng các sản phẩm phái sinh, xây dựng nhà tạo lập thị trường, hay đơn giản là thay đổi cách hiển thị giá trên bảng điện tử... đã được nhiều NĐT gạo cội nêu lên từ nhiều năm nay, nhưng đến giờ, đó vẫn là những vấn đề mà lớp NĐT đến sau tiếp tục phải lên tiếng.

Nói những ý tưởng cũ vẫn còn nguyên giá trị, không chỉ vì giá trị thực sự của ý tưởng, mà còn vì sau nhiều năm, ý tưởng vẫn chỉ là... ý tưởng. Trước khi hướng đến những mục tiêu to lớn hơn, xin một lần lắng nghe NĐT và hãy đặt họ vào vị trí trung tâm để chăm sóc, để bảo vệ, đúng như tôn chỉ hoạt động mà cơ quan quản lý và nhiều tổ chức tham gia thị trường nêu lên.