UPCoM chờ sức bật

UPCoM chờ sức bật

(ĐTCK-online) Trong bối cảnh thị trường niêm yết lặng sóng, thị trường đăng ký giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng (UPCoM) bắt đầu được NĐT chú ý, khi sàn này quyết định thay đổi phương thức khớp lệnh.

Vừa qua, CTCK MHBS đã tổ chức hội thảo: "Cơ hội đầu tư tiềm năng trên sàn UPCoM" nhằm đáp ứng sự quan tâm của khách hàng.

   

Cơ hội

Kể từ khi vận hành, sàn UPCoM không được nhiều NĐT quan tâm, bởi hai lý do chính: phương thức khớp lệnh không phù hợp (phải thỏa mãn cả về giá và khối lượng) và sự mù mờ về thông tin của các DN. Sau một năm hoạt động, không ít NĐT và DN coi UPCoM chỉ là "trạm trung chuyển" trước khi lên niêm yết trên HOSE và HNX. Bởi vậy, NĐT tham dự hội thảo khá ngỡ ngàng khi được các chuyên viên của MHBS giới thiệu một loạt cổ phiếu trên UPCoM có các chỉ số "đẹp như mơ" theo tiêu chí của đầu tư giá trị: EPS trên dưới 10.000 đồng, tỷ lệ ROE (lãi trên vốn) trên dưới 50%, P/E dự phóng cho năm 2010 chỉ từ 3 - 4 lần!

Theo thống kê của MHBS, các ngành tại UPCoM khá đa dạng, gần đủ so với hai sàn niêm yết: công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu; y tế, dầu khí… Trong đó, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất, với tỷ lệ 49%, dịch vụ tiện ích 14%, tài chính và nguyên vật liệu cùng chiếm 7%, dịch vụ dầu khí 5%, tiêu dùng 3%.

Trong số 8 nhóm ngành lớn tại UPCoM, công nghệ thông tin là ngành đáng chú ý nhất, với EPS trung bình trên 4.500 đồng, ROE trung bình 30%, P/E trung bình 4,9 lần. Trong khi đó, mức P/E trung bình tại UPCoM khá cao, lên tới 23,3 lần, gần gấp đôi sàn HOSE; chỉ số P/B (giá/giá trị sổ sách) là 1,79 lần; ROE 20,5% và ROA (lợi nhuận ròng/tài sản) 9,8%. Cá biệt, nhóm ngành dịch vụ tiện ích có chỉ số P/E lên tới 45 lần, P/B 3,63 lần, rất cao so với mặt bằng chung của thị trường.

Kể từ đầu năm, các sàn chứng khoán khá lặng sóng, sức hấp dẫn của thị trường chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu nhỏ, mang tính đầu cơ. Thống kê của MHBS cho thấy, sàn UPCoM có nhiều cổ phiếu hội tụ các yếu tố dành cho nhà đầu cơ: biên độ dao động giá lớn (10%); nhiều DN có lượng cổ phiếu đang lưu hành thấp, khoảng 2 - 5 triệu cổ phiếu; phần lớn cổ phiếu có thị giá thấp; một số cổ phiếu có chỉ số phân tích cơ bản hấp dẫn (xem bảng).

UPCoM chờ sức bật ảnh 1
Nguồn: CTCK MHBS

Hai rủi ro tiềm ẩn

Giải quyết những bất cập, sàn UPCoM đã kéo dài thời gian giao dịch (từ 8h30 đến 15h00, nghỉ trưa từ 11h30 đến 13h30) và chuyển sang phương thức khớp lệnh liên tục (tương tự HNX) kể từ ngày 19/7. Trước đó, ngay khi thông tin chuyển sang phương thức khớp lệnh liên tục được công bố, chỉ số UPCoM-Index liên tục tăng điểm, tính thanh khoản được cải thiện.

Với nhiều NĐT, việc bám sàn và theo dõi bảng điện tử tại hai sàn niêm yết đang trở nên nhàm chán, do thị trường dao động trong biên độ hẹp quá lâu, nên một số đã dành sự quan tâm đến sàn UPCoM. Môi giới tại nhiều CTCK cũng bắt đầu tìm kiếm thông tin về các DN tại đây nhằm tư vấn sâu hơn cho khách hàng. Việc UPCoM kéo dài thời gian giao dịch gần như suốt cả ngày hứa hẹn thị trường có nhiều "sóng", diễn biến sẽ theo sát các thông tin kinh tế, tài chính trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, sàn này có rủi ro cao khi thông tin về các DN rất ít. Thậm chí, theo thống kê của MHBS, hiện tại mới chỉ có hơn một nửa trong số 84 DN tại sàn này công bố báo cáo tài chính năm 2009. Sự mù mờ về thông tin này có thể là mảnh đất dung dưỡng các "đội lái" hay NĐT "cá mập" chơi trò tung hứng, nâng lên đặt xuống một vài mã cổ phiếu.

Rủi ro thứ hai là tính thanh khoản không cao. Trong ngày đầu tiên UPCoM chuyển sang phương thức khớp lệnh liên tục, chỉ có 40/81 cổ phiếu có giao dịch. 10 phiên gần đây, dù khối lượng giao dịch được cải thiện, nhưng cũng chỉ đạt trung bình 1,6 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị trên dưới 20 tỷ đồng. Khá nhiều cổ phiếu không có giao dịch trong thời gian dài.

Bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt nhận xét, kết quả hoạt động kinh doanh của nhiều DN tại UPCoM chưa được công bố rộng rãi. Diễn biến tăng nóng của một số cổ phiếu thời gian qua là khá bất ổn và chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro. Chiến lược đầu tư lướt sóng của những NĐT trên UPCoM hiện tại có vẻ tương đồng với chiến lược đầu tư các cổ phiếu nhỏ trên HOSE và HNX trước đây.

Theo bà Hoa, kỳ vọng vào những thông tin chưa xác thực là một yếu tố khó đo lường. Do đó, cần thêm thời gian để chứng minh hiệu quả hoạt động của các DN trên UPCoM.

Thực tế, cơ quan quản lý đã có những thay đổi tích cực nhằm tạo ra diện mạo mới cho UPCoM sau hơn 1 năm hoạt động. Tuy nhiên, thị trường kỳ vọng các thay đổi lớn hơn. Chẳng hạn, nếu việc công bố thông tin hiện nay tại UPCoM được yêu cầu chặt chẽ hơn, rủi ro sẽ được hạn chế. Mặt khác, có thông tin đầy đủ, NĐT quan tâm nhiều hơn, tính thanh khoản cũng được cải thiện.