Vị đắng mùa công bố kết quả kinh doanh quý II

Vị đắng mùa công bố kết quả kinh doanh quý II

(ĐTCK-online) Mùa công bố kết quả kinh doanh quý II đang vào quãng thời gian sôi động. Danh sách các công ty niêm yết công bố lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ dần được kéo dài. Độ “đắng” từ chính sách tiền tệ thắt chặt và khó khăn của môi trường kinh doanh đang dần thể hiện rõ nét.

Gánh nặng chi phí vốn

Bất chấp việc giá đường trong nước đứng ở mức cao, trong quý II/2011, CTCP Đường Biên Hòa (BHS) chỉ báo lãi 4,3 tỷ đồng. Đây là mức giảm mạnh so với con số 26,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Lý do là chi phí lãi vay của BHS trong quý II/2011 lên tới 30 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Chung hoàn cảnh với BHS, trong quý II/2011, CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (SVC) vừa báo lãi khiêm tốn 2,22 tỷ đồng, giảm 87,73% so với cùng kỳ năm 2010. “Quả tạ” kéo kết quả kinh doanh của SVC đi xuống cũng chính là chi phí tài chính từ khoản vay nợ ngân hàng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong quý II/2011, SVC có chi phí tài chính là 38,75 tỷ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhiều công ty niêm yết khác cũng công bố kết quả kinh doanh sụt giảm, ngược chiều với các khoản chi phí tài chính tăng vọt.

Chẳng hạn, chi phí tài chính trong quý II/2011 của CTCP Bột giặt LIX (LIX) là 6,54 tỷ đồng, nhảy vọt so với mức 364 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái; CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) có chi phí tài chính tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp xi măng, vận tải, bất động sản… với con số vay nợ lớn được dự báo chi phí tài chính sẽ còn tác động mạnh hơn, kéo kết quả kinh doanh đi lùi. Mức lãi suất cao được áp dụng từ tháng 11/2010 với độ trễ đang ngấm dần, thể hiện ở báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2011 trên diện rộng.

 

Dấu lặng thị trường

Đối với khối CTCK, bên cạnh một số ít công ty lớn có lãi trong quý II/2011 như CTCK SSI, CTCK HSC, CTCK Kim Long…, danh sách các CTCK báo lỗ trong quý II đang kéo dài thêm và chưa có dấu hiệu dừng lại: CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) lỗ 334 tỷ đồng, CTCK Bảo Việt (BVS) lỗ 26,8 tỷ đồng; CTCK APEC lỗ 18,5 tỷ đồng. Cùng chung cảnh thua lỗ là các CTCK Rồng Việt, Âu Việt, Tràng An, Phố Wall, SME, Phương Đông…

Kết quả kinh doanh yếu kém của khối CTCK là “cái chết được báo trước” đến từ hai lý do: kinh doanh không hiệu quả khi thu không đủ bù chi và gánh nặng đến từ các khoản trích lập dự phòng khi thị trường đi xuống. Tất cả các cổ phiếu của khối CTCK đang ở mức giá thấp nhất trong lịch sử, nhưng người mua chưa mấy mặn mà. Với kết quả kinh doanh yếu kém, thì nhìn vào mức giá 4.000 - 5.000 đồng/CP hiện thời của một số mã, vẫn khó nói cổ phiếu chứng khoán đã rẻ hay vẫn đắt.

Không chỉ khối CTCK “gặp hạn”, các DN niêm yết tham gia đầu tư tài chính cũng chịu chung cảnh vạ lây từ giấc ngủ sâu dần của thị trường con gấu (TTCK sụt giảm). Kể từ khi niêm yết vào năm 2006, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) báo lỗ 10,6 tỷ đồng lần đầu tiên trong quý II/2011. CII lý giải, Công ty không muốn thoái vốn để bán rẻ các khoản đầu tư khi thị trường giảm sâu như hiện nay. Tương tự, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) có lợi nhuận quý II/2011 giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do các khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính. Điều tương tự xảy ra với CTCP Đầu tư CMC, CTCP Vận tải xăng dầu đường thủy Petrolimex (PJT)…

Giống như nhóm chứng khoán, khối các công ty vận tải biển tiếp tục thể hiện hiệu quả hoạt động nghèo nàn, trong bối cảnh thị trường vận chuyển hàng không mấy bình yên, khi chỉ số Baltic Dry Index biến động thất thường: CTCP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST) lỗ 41,8 tỷ đồng trong quý II/2011. Chưa có kết quả kinh doanh chính thức, nhưng dự báo kết quả kinh doanh không mấy khả quan với hầu hết cổ phiếu vận tải khác như DDM, MHC, SHC, VSG…, trừ phi các khoản thu nhập một lần như bán tài sản cứu vãn được tình thế.

 

Những câu hỏi ngỏ

Thị trường đang chờ đợi kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu bất động sản, dù hầu hết doanh nghiệp ngành này tập trung hạch toán lợi nhuận vào nửa cuối năm. Cùng với nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng, bất động sản là nhóm chiếm tỷ trọng lớn, đóng vai trò điều tiết thị trường. Nhưng trái với thông lệ những năm trước, sát đến thời điểm công bố báo cáo tài chính quý II/2001, các doanh nghiệp vẫn khá im ắng.

Tương tự với ngành thép, ngoại trừ Hòa Phát có kết quả kinh doanh tốt, CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) vừa công bố con số lợi nhuận 48,8 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm (trong đó quý II đạt 17,8 tỷ đồng) đã xin điều chỉnh giảm 11,1% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2011, xuống còn 80 tỷ đồng. Với các DN thép còn lại, kết quả kinh doanh có vẻ đang được giữ “bí mật” đến sát “giờ G”. Cùng với nhóm xây dựng, ngành thép được đánh giá chịu tác động mạnh từ việc cắt giảm đầu tư công. Khó khăn của hai ngành này đã được phân tích nhiều, nhưng các thành viên thị trường vẫn chờ lượng hóa những khó khăn qua các con số cụ thể.

Mặt bằng lãi suất đã giảm nhẹ, nhưng chưa hạ nhiệt. Sự phục hồi của TTCK và môi trường kinh doanh chưa rõ ràng. Do đó, điều đáng quan tâm hiện tại là “vị đắng” lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ kéo dài trong bao lâu? Thực tế ở một số TTCK Đông Âu, với các khó khăn tương tự, đã xuất hiện làn sóng công ty niêm yết bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ kéo dài. Kết thúc sự sàng lọc nghiệt ngã này, thị trường mới có thể đảo chiều đi lên. Đây cũng kịch bản mà giới phân tích đang lo ngại cho TTCK Việt Nam.