VN-Index khó xuống dưới 960 điểm

(ĐTCK-online) Một cuộc khảo sát của ĐTCK về quan điểm đầu tư của nhiều nhà đầu tư lớn mới đây cho thấy, trong ngắn hạn, nhiều người thể hiện tâm lý thiếu lạc quan vào khả năng tăng trưởng của giá cổ phiếu, nhưng về dài hạn vẫn có những cơ hội tốt để đầu tư, nhất là khi TTCK Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài.

VN-Index giảm, vì sao?

983,5 điểm là số điểm của VN-Index sau phiên giao dịch 20.11.2007. Nhiều ý kiến cho rằng, mốc 1.000 điểm là mốc VN-Index khó có thể giữ được cả trước và sau cuộc đấu giá cổ phiếu Vietcombank. Tạm chưa nói đến tác động về giá, chỉ nói về việc Vietcombank đem bán gần 1.000 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu để hút từ thị trường hàng chục nghìn tỷ đồng về cho Nhà nước (và DN) và dòng tiền này chỉ đi có 1 chiều sẽ thấy, khả năng TTCK giảm nhiều hơn tăng. Bên cạnh đó, Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước ngày càng khép chặt cánh cửa tín dụng của các ngân hàng chảy vào chứng khoán, làm hạn chế năng lực tài chính của nhà đầu tư. Việc TTCK ấm trở lại trong một số phiên hồi đầu tháng 11 là do TTCK được tiếp nhận dòng tín dụng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rót cho các tổ chức tài chính để rót lại cho thị trường, nhưng hiện nay, dòng tín dụng này đã đến ngưỡng giới hạn (3% tổng dư nợ). Hiện còn một số ngân hàng quốc doanh chưa mở rộng hầu bao cho vay cầm cố chứng khoán như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam nên động thái thị trường cũng sẽ phụ thuộc vào thái độ của các ngân hàng này đối với việc cho vay đầu tư chứng khoán.

Chỉ thị 03 đang tiếp tục tạo sức ép bán cổ phiếu cho nhà đầu tư và các tổ chức nhận cầm cố cổ phiếu, khiến VN-Index rất khó tăng điểm. Nhiều nhà phân tích cho rằng, VN-Index chỉ cần có biểu hiện tăng nhẹ là nhà đầu tư sẽ tận dụng cơ hội để giải chấp các khoản cầm cố, lấy tiền trả nợ ngân hàng. Cũng vì tâm lý này mà phía người có tiền (một số quỹ đầu tư) nhìn nhận, họ có lý do để tiếp tục chờ đợi cơ hội mua cổ phiếu với  giá rẻ hơn, do bối cảnh thị trường đang ở thế bất lợi cho người nắm cổ phiếu.

Ngoài nguồn hàng từ DN niêm yết mới, một lý do khiến TTCK đang phải đối diện với nguồn cung lớn là việc nhiều DN niêm yết đang “mở chiến dịch” huy động vốn, kể cả những DN đứng trên bờ vực thua lỗ. Động thái này ở nhiều DN được nhìn nhận như một sự lạm dụng thị trường để tạo nguồn tiền cho DN phục vụ những dự án liên quan đến những lĩnh vực nóng như bất động sản, tài chính… Trong khi đó, năng lực kiểm soát tính minh bạch của DN, của thị trường mà nhà quản lý đang thực hiện vẫn còn hạn chế, khi mà nghĩa vụ tối thiểu của một DN niêm yết là công bố thông tin đúng kỳ hạn vẫn không được tuân thủ (ngày 25/10 là hạn chót công bố BCTC quý III, nhưng đến nay vẫn còn một số DN chưa thực hiện nghĩa vụ này).

Nhà đầu tư ngoại cũng có chung tâm lý chờ đợi và nghe ngóng. Giám đốc nghiệp vụ một công ty quản lý quỹ nước ngoài cho biết, họ tạm ngừng đầu tư vào thời điểm này vì 3 lý do. Thứ nhất, việc chuyển ngoại tệ sang tiền Việt (một quy định bắt buộc để được đầu tư tại Việt Nam) hiện khá khó khăn và không có lợi cho nhà ĐTNN khi mà tỷ giá USD/VNĐ đang ở mức thấp, còn lạm phát của đồng Việt Nam đang tăng cao. Thứ hai, thị trường hiện thiếu các cơ hội đầu tư hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh xu hướng giảm có thể sẽ kéo dài đến sát thời điểm cuối năm. Thứ ba, những ngành được gọi là hấp dẫn như bất động sản, tài chính, ngân hàng, dược phẩm… đã được các tổ chức đầu tư tài chính khai thác quá mức. Giá nhiều cổ phiếu trong các ngành này (ngoài sàn) cũng gấp đến 20 lần mệnh giá, trong khi một quy luật bất biến của thị trường là hết nóng sẽ đến lạnh.

 

VN-Index khó xuống dưới 960 điểm

Chỉ có 0,1% khả năng VN-Index sẽ xuống dưới mức 960 điểm; 98,2% khả năng VN-Index sẽ không đạt trên 1.080 điểm là dự báo của TS. Quách Mạnh Hào, Giám đốc khối Phân tích và đầu tư Công ty Chứng khoán Thăng Long khi thực hiện dự báo thị trường theo một hàm số với 5 biến số là GDP, lãi suất, lạm phát, tỷ giá và độ tin cậy của thị trường. Cũng theo nghiên cứu của ông Hào, trong tháng 11 này, VN-Index có thể xuống tối thiểu 951 điểm, nhưng có tới 85% khả năng cao hơn 1.000 điểm. Một bài viết chi tiết giải thích cho các dự báo này sẽ được ông Hào đề cập trong các số báo sau.

Trở lại với câu chuyện thị trường. Với nhà đầu tư, những đốm sáng lạc quan cũng được ghi nhận ở một số khía cạnh. Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ cao (trên 7,5%) với kỳ vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng này trong 5 năm tới là yếu tố nền tảng hỗ trợ tích cực cho TTCK. Dòng vốn đầu tư trực tiếp đang chảy mạnh vào Việt Nam với dự báo năm nay có thể thu hút được 15 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã và đang chuẩn bị hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm triệu USD để đầu tư chứng khoán. Lãnh đạo nhiều công ty quản lý quỹ nhìn nhận VN-Index dưới 1.000 điểm là cơ hội tốt để giải ngân. Đầu tuần này, hàng trăm nhà đầu tư Nga đã tìm đến TTCK Việt Nam và mục đích của những cuộc viếng thăm như thế này không có gì khác ngoài tìm cơ hội đầu tư tài chính.

“Thị trường có thể giảm một vài phiên nữa, nhưng sẽ không giảm quá dài”, là nhận định của ông Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư lâu năm tại sàn Hà Nội. Theo ông Dũng, cuối năm là mùa kinh doanh của nhiều DN ngành dịch vụ, nên những thông tin khả quan về kết quả kinh doanh 11 tháng sẽ tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. Hơn nữa, tháng 12/2007 là thời điểm các công ty tài chính, công ty quản lý quỹ phải lập báo cáo kết quả kinh doanh sau 1 năm hoạt động, nên nếu để giá cổ phiếu giảm mạnh sẽ là điểm bất lợi cho uy tín của các tổ chức này. Trong quá khứ, chỉ số chứng khoán đã có sự tăng trưởng ấn tượng vào cuối năm 2005 và năm 2006.