Càng về cuối năm, động thái đầu tư chỉ số của các quỹ ETF và nâng đỡ danh mục của khối NĐT nước ngoài càng lộ rõ

Càng về cuối năm, động thái đầu tư chỉ số của các quỹ ETF và nâng đỡ danh mục của khối NĐT nước ngoài càng lộ rõ

Vốn ngoại: Chất đổi, lượng đổi

(ĐTCK-online) Cuối cùng, sự kiên nhẫn của các NĐT Hàn Quốc góp vốn vào Quỹ Golden Bridge đã đến giới hạn. Theo biểu quyết của các NĐT, Golden Bridge sẽ bán ra tất cả các cổ phiếu tại thị trường Việt Nam để đóng quỹ trước thời hạn.

 Dù vậy, Tập đoàn Golden Bridge sẽ không rời khỏi TTCK Việt Nam hoàn toàn, Golden Bridge tiếp tục nắm giữ 49% số cổ phần tại một CTCK và duy trì sự hoạt động của quỹ đầu tư còn lại với quy mô khiêm tốn 20 triệu USD… Chuyện ra đi của quỹ này có vẻ ngược chiều với động thái mua ròng của khối ngoại!

 

Thêm một quỹ ra đi

Tại thời điểm khai trương văn phòng đại diện tại TP. HCM và tuyên bố thành lập quỹ đầu tư thứ hai có quy mô vốn 50 triệu USD, Golden Bridge là tổ chức phi ngân hàng Hàn Quốc có quy mô lớn nhất tại Việt Nam.

Phát biểu trong buổi lễ, Chủ tịch Golden Bridge cho biết, tất cả mới là bước khởi đầu trong kế hoạch đầy tham vọng của định chế tài chính này. Golden Bridge tới Việt Nam và muốn tạo dấu ấn trong các lĩnh vực chứng khoán, quản lý tài sản, công ty công nghệ thông tin…

Thực tế sau đó, Golden Bridge  có nhiều bước đi thể hiện tham vọng này. Bên cạnh việc mua 49% cổ phần của một CTCK trong nước, Tập đoàn cũng tập trung đẩy mạnh lĩnh vực nghiên cứu và phân tích thị trường từ mảng trái phiếu DN, bất động sản, khoáng sản… Tuy nhiên, hầu hết khoản đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam của Golden Bridge diễn ra trong nửa cuối năm 2007, khi thị trường trên đỉnh. Sự đi xuống của TTCK sau đó khiến quy mô tài sản của quỹ đầu tư 50 triệu USD này chưa bao giờ trở lại vạch xuất phát ban đầu.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK SSI: "Loại hình quỹ đầu tư chỉ số ETF khá phổ biến ở các thị trường quốc tế, nhưng tại một TTCK mới nổi, loại hình đầu tư này chịu sự quản lý rất chặt, thậm chí bị cấm hoàn toàn. Mặc dù việc đầu tư của các quỹ ETF có thể khiến thị trường thanh khoản, nhưng hoạt động lướt sóng quá mạnh của ETF có thể gây ảnh hưởng tiêu cực dẫn tới méo mó thị trường. Ở Việt Nam, cơ quan quản lý cũng cần quan tâm đến loại vốn này và cần có quan điểm chính thức trong việc khuyến khích hay hạn chế".

Hai năm 2008 - 2009, NĐT kiên nhẫn chờ đợi sự phục hồi của thị trường. Sang năm 2010, TTCK Việt Nam lại một mình lạc dòng với xu hướng khởi sắc của chứng khoán thế giới. Như giọt nước làm tràn ly, sự kiên nhẫn của các NĐT đến giới hạn và điều gì đến, đã đến.

Sự ra đi của Golden Bridge không gây ồn ào như việc Indochina Capital đóng quỹ đầu tư cổ phiếu hay việc Quỹ VEIL do Dragon Capital quản lý suýt bị ép thoái vốn. Quỹ ra đi trong lặng lẽ, một phần do đặc tính kín đáo của người Á Đông, một phần do giá trị thanh lý của quỹ đầu tư cổ phiếu khá nhỏ, chưa tới 40 triệu USD. Theo thông tin của ĐTCK, hiện tại, Quỹ đã bán ra cổ phiếu và quá trình thanh lý danh mục đã gần hoàn tất.

Giá trị mua bán của NĐT nước ngoài từ ngày 1/1/2005 đến tháng 12/2010

(Nguồn: Thống kê của CTCK Âu Việt, đơn vị: tỷ đồng)

Năm

Mua

Bán

Mua ròng

2005

635

202

432

2006

10.505

3.079

7.426

2007

56.412

32.196

24.216

2008

28.681

22.632

6.050

2009

36.386

32.978

3.407

2010

37.396

25.061

12.334

 

Thận trọng với các quỹ ETF

Báo cáo đầu tháng 12/2010 của Tổ chức LCF Rothschild về hoạt động các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho thấy, các quỹ đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam đang có mức chiết khấu giữa thị giá và giá trị tài sản ròng trung bình -15,1%, thấp hơn 11% so với cách đây 6 tháng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều chứng chỉ đang có chênh lệch khá lớn như DWS Vietnam Fund (-47,2%); Vietnam Infrastructure Ltd (-33,7%); Vietnam Holding (-28,2%); Vietnam Equity Holding (-25,4%)... So với một số nước châu Á khác, các quỹ nước ngoài tại Việt Nam vẫn có mức chiết khấu khá cao khi tại TTCK Indonesia con số tương ứng chỉ là -9%; Ấn Độ: -6,6%; Đài Loan: - 5,1% …

Sự suy giảm của TTCK Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn tới khoảng cách chiết khấu trên. Để thu hẹp, gần đây, một số quỹ đã mua lại một số chứng chỉ quỹ coi như một biện pháp hỗ trợ NĐT. Tuy nhiên, NĐT góp tiền với mong muốn chứng khiến sự tăng trưởng trong danh mục hơn là sự suy giảm NAV và các biện pháp chống đỡ mang tính tình thế. Bởi lý do này, năm 2010, thị trường không chứng kiến dòng vốn mới chảy vào các quỹ đầu tư, ngoại trừ một số quỹ thành viên: kế hoạch huy động thêm vốn của VinaCapital, Saigon Asset Management (SAM) và nhiều quỹ khác đều không thành hiện thực.

Gần đây, quá nhiều quỹ đầu tư gạo cội đẩy mạnh việc "lướt sóng": Templeton Frontier Markets Fund đăng ký "lướt sóng" số lượng lớn cổ phiếu DHG, VFG, PAC, LIX; Red River Holding đăng ký lướt sóng cổ phiếu VHC, VNS, MPC, DBC; Dragon Capital đăng ký "lướt sóng" cổ phiếu IJC… Điều này cho thấy, các quỹ đầu tư có thâm niên hoạt động vài năm tại TTCK Việt Nam không còn nhiều tiền để giải ngân. Họ chủ yếu thực hiện quá trình tái cơ cấu.

Tuy nhiên, theo thống kê của CTCK Âu Việt, năm 2010 là năm khối NĐT nước ngoài mua ròng mạnh mẽ,  chỉ sau năm 2007 với giá trị mua ròng tính đến đầu tháng 12 là 12.334 tỷ đồng (xem bảng). Vốn mới ở đâu ra khi các quỹ vẫn xoay xở chật vật?

Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI), ông Nguyễn Duy Hưng đánh giá, điểm nổi bật trong dòng chảy vốn ngoại năm 2010 là sự xuất hiện khá rõ nét của loại hình quỹ đầu tư chỉ số (ETF). Theo ông Hưng, sản phẩm này thường được huy động vốn từ những NĐT muốn kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận ở TTCK Việt Nam, nhưng họ không muốn mất công tìm hiểu hay hiện diện ở TTCK Việt Nam.

Đồng quan điểm này, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK HSC nhận xét, trước năm 2008, vốn ngoại chảy vào TTCK Việt Nam chủ yếu thông qua các mô hình quỹ đóng như đầu tư mang tính dài hạn truyền thống. Tuy nhiên, theo quan sát của ông Giang, sau giai đoạn khủng hoảng, dòng vốn mới chảy vào thị trường mang tính giao dịch ("trading"), tìm kiếm cơ hội ngắn hạn nhiều hơn.

Khi mô hình quỹ đóng đang bộc lộ các hạn chế dẫn đến sự bế tắc, thậm chí ra đi của một số quỹ đóng như Golden Bridge thì càng về cuối năm, động thái đầu tư chỉ số của các quỹ ETF và nâng đỡ danh mục của khối NĐT nước ngoài càng lộ rõ. Chẳng hạn, hai phiên giao dịch đầu tuần này, lực mua vào bất ngờ của khối ngoại khiến VN-Index xoay 180 độ. Bên cạnh sự tăng lên về lượng, vốn ngoại vào TTCK Việt Nam đã có sự thay đổi nhất định về chất. Sự hiện diện của các ETF sẽ liên quan nhiều vấn đề xáo trộn trên thị trường tài chính, tỷ giá, cán cân thanh toán… khi bất ngờ rút đi. Đây là những vấn đề cơ quan quản lý cần lưu tâm hơn trong thời gian tới.