Sửa Luật Đầu tư, nhiều trường hợp vướng mắc như của Mekophar sẽ được tháo gỡ

Sửa Luật Đầu tư, nhiều trường hợp vướng mắc như của Mekophar sẽ được tháo gỡ

Vướng mắc của Mekophar có hy vọng được gỡ

(ĐTCK-online) Bế tắc trong việc đi tìm lời giải cho cách hiểu thế nào là DN có vốn đầu tư nước ngoài khiến CTCP Hoá - dược phẩm Mekophar buộc phải quyết định rời sàn niêm yết. Tuy nhiên, vướng mắc này có hy vọng được tháo gỡ khi các chuyên gia đề xuất, hoặc là phải làm rõ khái niệm thế nào là DN có vốn đầu tư nước ngoài thay vì chung chung như hiện nay, hoặc bãi bỏ Luật Đầu tư.

>> Nghịch lý Mekophar

“Khái niệm NĐT nước ngoài hiện chưa đầy đủ, chính xác và trong vài trường hợp được quy định không thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác, dẫn đến phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư không rõ ràng…", ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Trưởng nhóm rà soát Luật Đầu tư, nhìn nhận như vậy tại Hội thảo hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật Đầu tư, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Bộ phát triển Anh quốc tổ chức ngày 30/8.

Cũng theo ông Hiếu, Điều 3 Luật Đầu tư chỉ quy định: "NĐT nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài bỏ vốn để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam". Như vậy, những DN có vốn đầu tư nước ngoài (được thành lập tại Việt Nam) có vẻ không thỏa mãn định nghĩa này để được coi là NĐT nước ngoài. Thế nhưng, theo Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, khi xác định tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, thì NĐT nước ngoài bao gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam với tỷ lệ vốn của bên nước ngoài cao hơn 49%. Như vậy, định nghĩa về "NĐT nước ngoài" tại Luật Đầu tư và Quyết định 55 không thống nhất. Trong khi đó, định nghĩa tại Quyết định 55 lại không được áp dụng cho mọi hoạt động đầu tư nói chung, mà chỉ cho giao dịch mua bán chứng khoán trên TTCK. Do vậy, khi NĐT nước ngoài sử dụng một công ty con của họ (được thành lập tại Việt Nam) để đi đầu tư tiếp vào một lĩnh vực bị hạn chế đối với NĐT nước ngoài tại Việt Nam, thì sẽ không xác định được là họ hay chính xác là các công ty con được thành lập tại Việt Nam có phải chịu các hạn chế đó không?

Từ những bất cập trên, nhóm rà soát kiến nghị bổ sung khái niệm chủ đầu tư để phân biệt với khái niệm NĐT nói chung. Theo đó, chủ đầu tư là các DN được thành lập ở Việt Nam để thực hiện các hoạt động đầu tư tại Việt Nam và DN nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam thông qua hình thức BCC, BOT, BTO và BT. Không sử dụng khái niệm NĐT chung chung, mà tùy từng trường hợp cụ thể để sử dụng một cách chính xác các khái niệm NĐT trong nước, NĐT nước ngoài và chủ đầu tư. Khái niệm NĐT nước ngoài cần được điều chỉnh theo hướng thống nhất với các quy định liên quan, trong đó NĐT nước ngoài bao gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam với tỷ lệ vốn của bên nước ngoài cao hơn 49%.

Để tránh những trường hợp tương tự Mekophar, cũng như khắc phục nhiều bất hợp lý khác, ông Phạm Chí Công, Luật sư điều hành Công ty luật Khai Phong đề xuất, nên bãi bỏ Luật Đầu tư, do luật này không bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước về đầu tư; đặc biệt là Luật có quá nhiều dẫn chiếu chồng chéo sang các luật chuyên ngành liên quan đến hoạt động đầu tư và kinh doanh. Đơn cử như Điều 26 của Luật dẫn chiếu quy định của Luật Chứng khoán về hoạt động đầu tư gián tiếp thông qua mua, bán cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu…

Đề xuất trên đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, nên xem xét bãi bỏ Luật Đầu tư bằng cách chuyển một số quy định của Luật sang Luật Doanh nghiệp, phần nội dung còn lại chuyển sang các luật chuyên ngành, để tránh chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn cho hoạt động của DN.

Mặc dù vậy, việc bãi bỏ Luật là không đơn giản. Điều quan trọng là bổ sung, sửa đổi cho hoàn thiện và theo kịp thực tiễn. Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, việc rà soát Luật Đầu tư do VCCI phối hợp với Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ thực hiện, với sự tham gia của các chuyên gia của CIEM, Công ty Luật Baker & Mc Kenzie (Mỹ). Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các chuyên gia, cộng đồng DN, VCCI sẽ hoàn chỉnh Báo cáo rà soát Luật Đầu tư để chuyển tới các bộ, Chính phủ, các ủy ban liên quan của Quốc hội để xem xét sửa đổi, nhằm sớm khắc phục những vướng mắc mà Luật Đầu tư đang bộc lộ.