Việc đưa DN vào diện "bị kiểm soát" chỉ nhằm cảnh báo nhà đầu tư.

Việc đưa DN vào diện "bị kiểm soát" chỉ nhằm cảnh báo nhà đầu tư.

DN niêm yết lỗ có thể sẽ không “bị kiểm soát”

(ĐTCK) 15 loại cổ phiếu niêm yết bị đưa vào diện "bị kiểm soát" tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM tính đến thời điểm này đại diện cho 15 DN niêm yết có kết quả kinh doanh âm trong năm 2008. Trong khi danh sách cổ phiếu bị kiểm soát tại sàn TP. HCM đang ngày một dài thêm thì tại sàn Hà Nội, đến nay vẫn chưa có DN nào bị đưa vào diện kiểm soát, mặc dù trên sàn này có khá nhiều DN có kết quả kinh doanh âm, như Công ty Chứng khoán Bảo Việt, Công ty Chứng khoán Kim Long, CTCP Sữa Hà Nội, CTCP Viễn thông Thăng Long... Phải chăng sàn Hà Nội "nuông chiều" DN và tại sao lại có sự khác biệt trong cách xử lý DN niêm yết lỗ trên 2 sàn này là những vấn đề gây thắc mắc hiện nay.

Đại diện Sở GDCK TP. HCM cho biết, việc đưa cổ phiếu niêm yết vào diện “bị kiểm soát" được thực hiện theo Quyết định 168/QĐ-SGDCK ban hành cuối năm 2007. Theo quyết định này, một trong những điều kiện để chứng khoán bị đưa vào diện "bị kiểm soát" là có kết quả sản xuất kinh doanh phát sinh âm (theo Quyết định 168, DN có nợ quá hạn trên 1 năm hoặc tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn 10% tổng vốn chủ sở hữu cũng bị đưa vào diện bị kiểm soát). Chiểu theo quy định trên, DN niêm yết nào công bố lợi nhuận năm 2008 là số âm sẽ được Sở chuyển vào diện bị kiểm soát.

Tại sàn Hà Nội, giải thích về việc vì sao DN niêm yết tại đây lỗ vẫn không bị đưa vào diện "bị kiểm soát", đại diện cơ quan này cho biết, quan điểm của sàn này là phải chờ DN thực hiện kiểm toán xong, nếu kết quả kinh doanh vẫn là lỗ mới đưa vào diện "bị kiểm soát". Như vậy, cùng xem xét trên đối tượng là DN niêm yết, cùng sử dụng cụm từ "bị kiểm soát", nhưng cách làm của 2 sàn trên lại có sự khác nhau.

Đặt câu hỏi với cơ quan quản lý về việc DN "bị kiểm soát" nghĩa là gì, họ bị kiểm soát cái gì, ai kiểm soát? Câu trả lời nhận được từ UBCK đến Sở và Trung tâm GDCK Hà Nội đều là việc đưa DN vào diện "bị kiểm soát" chỉ nhằm cảnh báo nhà đầu tư, còn thực  tế, không có sự kiểm soát nào về hoạt động kinh doanh tại DN từ cơ quan tổ chức/quản lý TTCK.

Một số ý kiến cho rằng, việc dùng cụm từ "bị kiểm soát" cho DN lỗ là quá nặng và không đúng, bởi việc DN niêm yết lỗ, nhất là lỗ trong bối cảnh khó khăn chung của năm 2008 là bình thường và đặc biệt là cơ quan quản lý TTCK không có chức năng, đồng thời thực tế không có sự kiểm soát gì đến hoạt động kinh doanh của DN. Là người tổ chức  "chợ" chứng khoán, việc kiểm soát các thành viên tham gia của Sở/Trung tâm nếu có, chỉ là ở việc xem xem họ có tuân thủ đúng luật chơi của chợ hay không. Đối với DN niêm yết, việc kiểm soát chỉ hàm nghĩa xem DN có thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ công bố thông tin không, chứ không thể đặt chế độ kiểm soát khi kết quả kinh doanh của DN là lỗ.

Tìm hiểu của ĐTCK được biết, UBCK đã có cuộc làm việc với đại diện Sở GDCK và Trung tâm GDCK Hà Nội nhằm thống nhất cách hiểu và cách làm của 2 cơ quan này khi đối diện với trường hợp DN niêm yết bị lỗ. Dự kiến, UBCK sẽ có văn bản hướng dẫn chung về cách xử lý với DN niêm yết bị lỗ trên cả 2 sàn theo hướng bỏ việc đưa các DN lỗ vào diện "bị kiểm soát" và thay vào đó là chỉ đặt cảnh báo để nhà đầu tư lưu ý hơn khi mua cổ phiếu. Dấu hiệu cảnh báo dự kiến cũng sẽ được gỡ bỏ ngay khi DN báo cáo kết quả quý là số dương, chứ không chờ đến năm tài chính sau là dương mới được gỡ bỏ. Nếu việc sửa đổi trên sớm được thực hiện sẽ không chỉ làm giảm sự căng thẳng cho các DN niêm yết lỗ, mà còn giúp thị trường có cái nhìn bình thường hơn với loại DN này.

Nhiều ý kiến từ thị trường cũng ủng hộ quan điểm rằng, không nên trầm trọng hoá việc DN niêm yết lỗ bằng cụm từ "bị kiểm soát", vì nó không phản ánh đúng bản chất của mối quan hệ giữa đối tượng tổ chức chợ và đối tượng có hàng bán trên chợ, đồng thời lại dễ làm thị trường có cái nhìn sai lệch đối với khối DN lỗ, nhất là trong bối cảnh DN có nhiều lý do dẫn đến kết quả kinh doanh âm, trong đó có những lý do đang gây nhiều tranh cãi, như việc trích lập dự phòng biến động tỷ giá hay trích lập dự phòng đầu tư tài chính…