Doanh nghiệp bảo hiểm, nắm bắt cơ hội trong khó khăn

Doanh nghiệp bảo hiểm, nắm bắt cơ hội trong khó khăn

(ĐTCK-online) Trước những khó khăn của nền kinh tế, ngành bảo hiểm đã chịu ảnh hưởng không nhỏ. Triển vọng nào cho hoạt động của ngành trong những tháng cuối năm? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Việt Hà, người phát ngôn của Tập đoàn Bảo Việt. Thanh Đoàn thực hiện.

2011 là một năm hết sức khó khăn, nằm ngoài dự báo của nhiều DN. Ông nhận định như thế nào về những tác động từ nền kinh tế đến thị trường bảo hiểm?

Tình hình kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng năm 2011 tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với nguy cơ lạm phát năm 2011 có thể vượt mục tiêu 17%, chính sách tiền tệ chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước sẽ được duy trì và lãi suất được dự báo là khó có khả năng giảm mạnh trong thời gian tới. Lạm phát cao và nền kinh tế phục hồi chậm làm cho chi phí của các DN có xu hướng tăng lên. Tỷ lệ nợ phí bảo hiểm cũng có xu hướng tăng, do các chủ hợp đồng bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính. Đây là những thách thức không nhỏ đối với DN. Tuy nhiên, các nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường của Chính phủ được kỳ vọng sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, mặc dù nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng thị trường bảo hiểm vẫn tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm 2010. Những động lực duy trì sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm đó là tiềm năng của thị trường còn lớn, với tổng doanh thu phí bảo hiểm hiện nay chỉ chiếm dưới 2% GDP và mới chỉ có dưới 5% dân số có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; tốc độ tăng trưởng của các chỉ số kinh tế 6 tháng đầu năm mặc dù có giảm so với thời điểm cuối năm 2010, nhưng vẫn ở mức tương đối cao; nhu cầu và nhận thức về mua bảo hiểm trong các giai đoạn kinh tế khó khăn có xu hướng tăng để đề phòng, hạn chế rủi ro.

 

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của thị trường bảo hiểm trong những tháng cuối năm?

Do lãi suất cho vay quá cao, dao động trong khoảng 18 - 22%/năm, cá biệt lên đến 25 - 27%/năm, nên trong 2 quý đầu năm 2011 có nhiều DN phá sản, giải thể, ngừng sản xuất. Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường tài chính, bảo hiểm, ngân hàng trong nước sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và rủi ro trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm đến cuối năm 2011 vẫn được dự đoán là đạt tốc độ tăng trưởng khá, do tiềm năng phát triển và các động lực cho tăng trưởng được duy trì. Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có thể giữ tốc độ tăng trưởng ổn định 22 - 25%; thị trường bảo hiểm nhân thọ dự báo tăng 15%.

Đối với bảo hiểm hưu trí, tiềm năng của thị trường này là rất lớn, đặc biệt khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 quy định cụ thể về loại hình bảo hiểm hưu trí. Trên thực tế, các DN bảo hiểm đã và đang triển khai sản phẩm niên kim trong bảo hiểm nhân thọ nhằm đón đầu nhu cầu thị trường này.

 

Bảo Việt đạt được 46% kế hoạch lợi nhuận 2011 trong 6 tháng đầu năm. Xin ông cho biết định hướng để đạt được kế hoạch trong 6 tháng cuối năm?

Kết quả đạt được của Bảo Việt không chỉ về doanh thu, lợi nhuận, mà còn nằm ở sự đổi mới trong quản trị DN, sự đồng bộ trong hệ thống công nghệ thông tin, sự thống nhất trong quản lý thương hiệu, trong quản trị nguồn nhân lực…, nhằm tạo bước chuyển mới về mô hình kinh doanh, tạo ra tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai. Điều quan trọng là Bảo Việt đang đổi mới cơ cấu, phương thức kinh doanh. Trong năm 2011, chúng tôi đưa vào ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tăng năng suất lao động, cũng như hướng tới việc chuyên môn hóa hoạt động quản lý kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng dịch vụ khách hàng.

Trong những tháng còn lại của năm, chúng tôi tập trung vào các giải pháp xây dựng "Một Bảo Việt, Một nền tảng mới", nhằm tiếp tục xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai và một thương hiệu Bảo Việt thống nhất như một tổ chức có mạng lưới rộng lớn, cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng, trọn gói cho khách hàng.

Chúng tôi cũng đã xác định và quyết tâm thực hiện các giải pháp trọng tâm cho mỗi lĩnh vực kinh doanh.

Chẳng hạn, tăng cường công tác bán lẻ (bảo hiểm phi nhân thọ), triển khai sản phẩm mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, năng suất của hệ thống phân phối (bảo hiểm nhân thọ), tăng cường quản lý rủi ro và có chính sách đầu tư hợp lý trong điều kiện thị trường có nhiều biến động (chứng khoán, ngân hàng, quản lý quỹ).

Đặc thù của Bảo Việt là 6 tháng cuối năm thường đạt kết quả cao hơn so với 6 tháng đầu năm. Vì vậy, với định hướng và điều hành sát sao của Ban lãnh đạo, Bảo Việt tự tin năm 2011 sẽ đảm bảo thực hiện được kế hoạch kinh doanh và mức cổ tức đã cam kết với cổ đông.