Thị trường tài chính 24h: Thị trường chứng khoán dường như đã tích luỹ đủ

Thị trường tài chính 24h: Thị trường chứng khoán dường như đã tích luỹ đủ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tiếp tục đi lên; Hoạt động tín dụng: Bình yên trong "xót xa"; Mở chợ trái phiếu, tìm thêm lối ra; Lướt sóng vẫn cần tầm nhìn dài hạn; IMF: Nhà đầu tư đang quá lạc quan về tốc độ kiểm soát lạm phát…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 27/6 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào và hiện đứng ở mức 66,35 – 66,97 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 2,6 USD lên 1.922,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên gần 1.930 USD, nhưng đã chịu sức ép giảm và lùi về gần 1.920 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,56 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 27/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.755 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.370 – 23.710 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về gần 30.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã hồi phục và lên 30.600 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,90 USD (-1,30%), xuống 68,47 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,91 USD (-1,23%), xuống 73,27 USD/thùng.

VN-Index nhích nhẹ

VN-Index mở cửa tiếp tục đà tăng và có lúc đã vượt qua mốc 1.135 điểm. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì lâu, mà nhanh chóng suy yếu sau đó, thậm chí còn lùi qua tham chiếu.

Chỉ số sau khi hồi nhẹ đã liên tục rung lắc khi áp lực bán gia tăng, nhất là tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, khiến VN-Index phần lớn giao dịch dưới tham chiếu, trước khi bất ngờ bật tăng vào cuối phiên nhờ sự nâng đỡ của một số cổ phiếu bluechips.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 8,05 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 464,95 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 27/6: VN-Index tăng 2,3 điểm (+0,2%), lên 1.134,33 điểm; HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,08%), xuống 230,85 điểm; UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,06%), lên 85,65 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số trên phố Wall giảm điểm trong phiên đầu tuần (26/6), khi các nhà đầu tư thận trọng phân tích tác động của cuộc nổi dậy của lính đánh thuê Wagner đối với Nga vào cuối tuần qua.

Ngoài vấn đề chính trị tại Nga, thì phiên này, đà sụt giảm của cổ phiếu công nghệ đã khiến thị trường chịu áp lực lớn nhất, với Nvidia, Alphabet và Meta Platform đều rớt hơn 3%. Cùng với đó, cổ phiếu Tesla sụt 6%, sau khi Goldman Sachs hạ bậc tín nhiệm đối với hãng sản xuất ô tô điện, với lý do những rào cản về giá cả.

Kết thúc phiên 26/6, chỉ số Dow Jones giảm 12,72 điểm (-0,03%), xuống 33.714,71 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,51 điểm (-0,45%), xuống 4.328,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 283,57 điểm (-0,87%), xuống 13.415,24 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ tư liên tiếp, khi các nhà đầu tư tiếp tục chốt lời sau khi chỉ số Nikkei 225 tăng lên mức cao nhất trong 33 năm vào tuần trước.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,49% xuống 32.538,33 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,28% xuống 2.253,81 điểm.

Mặc dù lực bán vẫn tiếp tục chiếm ưu thế khi các nhà đầu tư chốt lời, nhưng mức giảm trong phiên gần nhất được giới hạn bởi ảnh hưởng tích cực từ chứng khoán Trung Quốc, trong bối cảnh kỳ vọng ngày càng tăng về kích thích sắp xảy ra từ Bắc Kinh.

Phiên này, các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà giảm với CyberAgent dẫn đầu đà giảm trên Nikkei 225 với giảm 4,08%, trong khi nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest giảm 2,49%, SoftBank Group giảm 1,57%.

Ngược lại, cổ phiếu vận tải biển lại một lần nữa tăng mạnh, với Kawasaki Kisen Kaisha dẫn đầu với mức tăng 11,49%, cổ phiếu Nippon Yusen và Mitsui OSK Lines tăng lần lượt 3,7% và 3,08%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, dẫn đầu bởi cổ phiếu bất động sản khi tâm lý giới đầu tư được nâng đỡ bởi kỳ vọng mới về các gói kích thích.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,23% lên 3.189,44 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,94% lên 3.845,43 điểm.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý II sẽ cao hơn quý đầu tiên và dự kiến sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5%, Thủ tướng Trung Quốc Li Qiang nói với các đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thiên Tân hôm thứ Ba.

Ông Lý cũng cho biết: "Chúng tôi sẽ đưa ra các biện pháp thiết thực và hiệu quả hơn trong việc mở rộng tiềm năng của nhu cầu trong nước, kích hoạt sức sống thị trường, thúc đẩy phát triển đồng bộ..."

Sự gia tăng của chứng khoán Trung Quốc hôm thứ Ba có thể một phần là do một bài báo nói rằng cựu phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đang được tham vấn thường xuyên về các vấn đề tài chính và kinh tế quan trọng, các nhà phân tích của UBS viết trong một lưu ý.

Chứng khoán Hồng Kông phục hồi nhờ cổ phiếu bất động sản và xây dựng cũng như kỳ vọng quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,88% lên 19.148,13 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,08% lên 6.504,62 điểm.

Cổ phiếu bất động sản đại lục niêm yết tại Hồng Kông tăng hơn 6%, trong khi cổ phiếu bất động sản và xây dựng tăng 3,4%.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen có kế hoạch thăm Trung Quốc vào đầu tháng Bảy để tham dự các cuộc đàm phán kinh tế cấp cao đầu tiên với người đồng cấp mới của Trung Quốc, một phóng viên Bloomberg cho biết trong một tweet hôm thứ Hai.

Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa gần như không đổi, khi đà tăng của cổ phiếu vận tải đã bù đắp cho sự suy yếu trong lĩnh vực công nghệ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm nhẹ 0,81 điểm, tương đương 0,03% xuống 2.581,39 điểm.

Cổ phiếu vận tải bao gồm các nhà sản xuất ô tô và đóng tàu tăng điểm khi các cổ phiếu chu kỳ nói chung hoạt động tốt, Lee Kyoung-min, một nhà phân tích tại Daishin Securities cho biết.

Các cổ phiếu lớn như nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 0,28% và SK Hynix mất 0,44%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 0,53%.

Trong số các cổ phiếu lớn khác, Hyundai Motor tăng 2,74% và nhà sản xuất ô tô anh em Kia Corp cao hơn 0,82%. Naver giảm 1,59%, trong khi tin nhắn Kakao giảm 1,3%.

Kết thúc phiên 27/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 160,48 điểm (-0,49%), xuống 32.538,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 38,82 điểm (+1,23%), lên 3.189,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 354,00 điểm (+1,88%), lên 19.148,13 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 0,81 điểm (-0,03%), xuống 2.581,39 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Hoạt động tín dụng: Bình yên trong "xót xa"

Hoạt động tín dụng tưởng chừng bình yên, nhưng chia sẻ từ cả phía ngân hàng và doanh nghiệp cho thấy, có những nỗi xót xa…>> Chi tiết

- Mở chợ trái phiếu, tìm thêm lối ra

Quý II và quý III/2023 được coi là giai đoạn thách thức với nhiều nhà phát hành trái phiếu khi giá trị đáo hạn lần lượt khoảng 76.500 tỷ đồng, tăng 120% và 83.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái..>> Chi tiết

- Lướt sóng vẫn cần tầm nhìn dài hạn

Thị trường chứng khoán dường như đã tích luỹ đủ sau những nhịp điều chỉnh dài và sâu trước đó. Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest dự báo, thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến khả quan trong thời gian tới..>> Chi tiết

- IMF: Nhà đầu tư đang quá lạc quan về tốc độ kiểm soát lạm phát

Các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới có thể cần nhiều thời gian hơn để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu và một đợt hỗn loạn tài chính mới có thể khiến quá trình này trở nên kéo dài hơn..>> Chi tiết

Tin bài liên quan