Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư đang ngóng cổ phiếu có “câu chuyện riêng”

Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư đang ngóng cổ phiếu có “câu chuyện riêng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Mạnh tay chấn chỉnh bán chéo bảo hiểm; Hóng tin mùa đại hội; 2024 là năm thuận lợi với ngành chứng khoán; IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/3 giảm 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã đảo chiều tăng 400.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 79,70 – 81,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 12,3 USD xuống 2.162,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều và lên trên 2.170 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,35 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.979 đồng/USD, tăng 12 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.550 – 24.890 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm mạnh xuống 71.300 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục lao dốc và có lúc đã đã rớt về 66.000 USD, trước khi bật hồi lên 67.800 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,59 USD (-0,73%), xuống 80,67 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,50 USD (-0,59%), xuống 84,92 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Thị trường gặp khó từ sớm khi áp lực bán gia tăng ở nhóm bluechip khiến VN-Index thủng mốc 1.260 điểm.

Sau giờ nghỉ trưa, tâm lý thị trường tiếp tục tiêu cực hơn khi lực bán lan rộng, đẩy VN-Index về gần ngưỡng kháng cự mạnh 1.250 điểm và giằng co nhẹ và bất ngờ có nhịp tăng mạnh lên 1.270 điểm trước khi hạ độ cao, đóng cửa giảm không đáng kể.

Điểm tích cực vẫn là thanh khoản sôi động, thị trường tiếp tục đón nhận thêm phiên giao dịch đạt giá trị lên tới hơn 27.500 tỷ đồng tính riêng trên sàn HOSE.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 45,02 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 1.347,36 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/3: VN-Index giảm 0,48 điểm (-0,04%), xuống 1.263,78 điểm; HNX-Index giảm 0,14 điểm (-0,06%), xuống 239,54 điểm; UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,29%), xuống 91,35 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Năm (14/3), sau khi chỉ số giá sản xuất PPI tháng Hai được công bố.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 2 tăng 0,6% trong tháng 2 chỉ số lõi tăng 0,3%. Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự báo PPI tăng 0,3% và PPI lõi tăng 0,2%.

Số liệu khác được công bố cùng ngày cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ đã phục hồi trong tháng 2 với mức tăng 0,6%, thấp hơn mức tăng 0,8% được dự đoán trước đó.

Kết thúc phiên 14/3: Chỉ số Dow Jones giảm 137,66 điểm (-0,35%), xuống 38.905,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,83 điểm (-0,29%), xuống 5.150,48 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 49,24 điểm (-0,30%), xuống 16.128,53 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các cổ phiếu công nghệ lớn theo chân các công ty cùng ngành trên Phố Wall đêm qua suy yếu, trong khi các nhà giao dịch vẫn thận trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào tuần tới.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,26% xuống 38.707,64 và mất 2,5% trong tuần này. Chỉ số Topix tăng 0,35% lên 2670,80 điểm.

Sự sụt giảm diễn ra khi các cổ phiếu liên quan đến công nghệ giảm, với Advantest giảm 1,4%, trong khi gã khổng lồ thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron giảm 4,9%, kéo chỉ số chung đi xuống.

Nếu cổ phiếu công nghệ tiếp tục gặp khó khăn thì có thể mất một thời gian trước khi Nikkei 225 đạt mức 40.000 điểm một lần nữa", chiến lược gia trưởng Hiroshi Namioka của T&D Asset Management cho biết.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều đồn đoán rằng ngân hàng trung ương Nhật Bản có thể chấm dứt chính sách lãi suất âm tại cuộc họp vào ngày 18-19/3.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc giữ nguyên lãi suất chính sách.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,54% lên 3.054,64 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,22% lên 3.566,99 điểm và tăng 0,7% trong tuần.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn (MLF) một năm ở mức 2,5%, khi các cơ quan chức năng tiếp tục ưu tiên ổn định tiền tệ, trong bối cảnh không chắc chắn về thời điểm Fed cắt giảm lãi suất.

"Chúng tôi dự đoán dư địa cho PBOC nới lỏng chính sách sẽ hạn chế, trước khi các ngân hàng trung ương toàn cầu bắt đầu cắt giảm lãi suất", Lynn Song, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Đại lục tại ING cho biết.

Dữ liệu đáng chú ý khác cho thấy, giá nhà mới của Trung Quốc giảm 0,3% so với tháng 2 và là tháng giảm thứ tám liên tiếp, cho thấy sự mong manh của thị trường bất động sản.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc giữ nguyên lãi suất chính sách chủ chốt, bất chấp sự suy giảm sâu sắc trên thị trường nhà ở.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,42% xuống 16.720,89 điểm, nhưng vẫn tăng 2,2% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,46% xuống 5.820,50 điểm.

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc dẫn đầu đà giảm, sau khi một báo cáo chính thức cho thấy giá nhà tiếp tục giảm trong tháng Hai, với Longfor Group giảm 3,5% và China Resources Land mất 0,8%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm gần 2%, khi các nhà đầu tư chốt lời sau ba phiên liên tiếp tăng trước đó.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 51,92 điểm, tương đương 1,91%, xuống 2.666,84 điểm.

Đà sụt giảm của thị trường diễn ra sau chuỗi ba phiên tăng liên tiếp, khi chỉ số KOSPI đạt mức cao nhất gần 2 năm.

Các bluechip giảm trên diện rộng, với Samsung Electronics giảm 2,69%, SK hynix giảm 0,43%.

Kết thúc phiên 15/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 99,74 điểm (-0,26%), xuống 38.707,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,40 điểm (+0,54%), lên 3.054,64 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 240,77 điểm (-1,42%), xuống 16.720,89 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 51,92 điểm (-1,91%), xuống 2.666,84 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Mạnh tay chấn chỉnh bán chéo bảo hiểm

Theo “lời hứa” của người đứng đầu Bộ Tài chính, có hàng loạt giải pháp được đưa ra nhằm chấn chỉnh bán bảo hiểm qua ngân hàng, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm..>> Chi tiết

- Hóng tin mùa đại hội

Sau nhịp tăng khá dài của thị trường chứng khoán, nhà đầu tư đang ngóng thông tin sẽ được các doanh nghiệp chia sẻ trong mùa đại hội cổ đông 2024 nhằm đưa ra quyết định mua - bán cổ phiếu, nhất là các doanh nghiệp có “câu chuyện riêng”..>> Chi tiết

- "2024 là năm thuận lợi với ngành chứng khoán"

Thị trường chứng khoán trong nước dù đứng trước nhiều khó khăn nhưng 2024 là năm hội tụ nhiều yếu tố để khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường..>> Chi tiết

- IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2024 thêm 110.000 thùng mỗi ngày so với dự báo của tháng trước khi căng thẳng ở Biển Đỏ làm gián đoạn hoạt động vận chuyển, nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với dự báo của OPEC..>> Chi tiết

Tin bài liên quan