Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 6/7 của các công ty chứng khoán

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu HDG

CTCK MB (MBS)

Theo cập nhật của chúng tôi, lưu lượng nước đến hồ tại các nhà máy thủy điện của CTCP Tập Đoàn Hà Đô (HDG – sàn HOSE) giảm khoảng 40% so với cùng kỳ trong quý II/2023. Mảng thủy điện dự kiến tiếp tục gặp khó khăn trong nửa cuối năm do lượng mưa thấp dẫn đến sản lượng, doanh thu giảm lần lượt 16% và 18% trong năm 2023.

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt dự án gối đầu khiến doanh thu mảng bất động sản dự báo đi ngang so với cùng kì năm 2022, chủ yếu đến từ dự án Charm Villa khi dự kiến bàn giao 56 sản phẩm còn lại từ đợt mở bán trước và số ít trong đợt mở bán năm nay.

Chúng tôi dự báo sản lượng huy động của các nhà máy điện tái tạo của HDG tăng khoảng 12% năm 2023 khi thiếu hụt sản lượng từ các nhà máy thủy điện trên cả nước. Sản lượng huy động năm 2023 đạt khoảng 35% sản lượng thiết kế của nhà máy điện mặt trời và điện gió (cao hơn mức 31% của năm 2022). Sản lượng cải thiện giúp doanh thu ước tính mảng năng lượng tái tạo tăng trưởng 8,5% trong năm 2023.

Chúng tôi dự báo doanh thu của HDG năm 2023 đạt 3.347 tỷ đồng (giảm 9% so với năm ngoái) do suy giảm từ mảng thủy điện. Biên lợi nhuận gộp chung giảm xuống 60.5%, thấp hơn mức 62% của năm 2022 do biên lợi nhuận gộp mảng bất động sản giảm mạnh (từ 75% xuống còn 40%). Chi phí tài chính giảm nhẹ 7% đạt 475 tỷ đồng nhờ giảm quy mô nợ vay và lãi suất có xu hướng giảm so với năm 2022. Từ đó, lợi nhuận ròng đạt 1.155 tỷ đồng (giảm 13%).

Khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu của HDG là 32.800 đồng/cổ phiếu do: (1) Doanh nghiệp không có nhiều động lực tăng trưởng giai đoạn 2023 – 2024, (2) Cơ cấu tài chính lành mạnh (tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu thấp hơn trung bình ngành) và không có áp lực đáo hạn trái phiếu, (3) Định giá đã ở mức hợp lý, dư địa tăng giá không còn nhiều.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu TCB

CTCK MB (MBS)

Trong quý I/2023, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã TCB – sàn HOSE) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 9.300 tỷ đồng (giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái). Thu nhập lãi thuần giảm 19,5 % chủ yếu do NIM thấp hơn ,giảm 177 điểm cơ bản.

Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh trong quý I/2023 (tăng 46,3%) chủ yếu nhờ khoản thu nhập việc bán bất động sản đầu tư (mang lại 731 tỷ đồng lãi trước thuế). Chi phí trích lập dự phòng đạt 534 tỷ đồng (tăng trưởng 144,8%) do tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 0.85% (so với 0,67% trong quý I/2022), do đó lợi nhuận trước thuế đạt 5.623 tỷ đồng (giảm 17,1%).

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất nội bảng cuối quý I/2023 tăng 13 điểm cơ bản so với đầu năm. Cùng với VCB, TCB là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp thứ 2 toàn ngành (sau BAB) và thấp nhất trong số các NHTM cổ phần có vốn hóa lớn. Tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) của TCB đạt 133,8% cuối quý I/2023, giảm đáng kể so với cuối năm 2022 (đạt 157,3%) và so với cùng kỳ (đạt 160,8%). Tuy rằng LLR vẫn đang đi xuống, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình toàn ngành (90,3%).

NIM của TCB trong quý I/2023 đã giảm xuống mức 4,2% (giảm 177 điểm cơ bản so với cùng kỳ và giảm 60 điểm cơ bản so với quý IV/2022).

Từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã có 3 lần giảm lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất huy động, đưa các mức lãi suất này tiệm cận mức đáy Covid-19 (chỉ cao hơn 0.5%/năm). Điều này sẽ làm giảm chi phí vốn của các NHTM và cải thiện NIM. Chúng tôi dự báo NIM cả năm 2023 của TCB sẽ đạt mức 4,4% và sẽ tăng lên mức 5,0% trong năm 2024. Từ đó, chúng tôi dự báo tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của năm 2024 sẽ tăng trưởng lần lượt 29% và 40,1%.

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với TCB với giá mục tiêu là 36.050 đồng/CP dựa trên (1) tăng trưởng tín dụng trong quý I/2023 rất khả quan; (2) chất lượng tài sản được duy trì tốt so với trung bình ngành và (3) định giá P/B thấp hơn 15% so với trung bình các NHTMCP có cùng quy mô.

Tuy nhiên, triển vọng kém khả quan về NIM của TCB trong nửa cuối năm 2023 cũng như rủi ro phát sinh nợ xấu lớn từ danh mục cho vay bất động sản trong ngắn hạn vẫn sẽ là những thách thức đối với việc khuyến nghị mua trong ngắn hạn.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PLX

CTCK Phú Hưng (PHS)

Năm 2023, theo kế hoạch, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế dự kiến lần lượt là 190 nghìn tỷ đồng và 3,2 nghìn tỷ đồng. Con số này dựa trên giả định rằng sản lượng xuất bán có thể giảm 7% trong năm nay và thấp hơn nhiều so với dự báo của chúng tôi (Doanh thu thuần 255,1 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4,4 nghìn tỷ đồng).

Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi đánh giá kế hoạch này là tương đối thận trọng khi giá dầu thô chỉ biến động trong biên độ hẹp quanh mức 70-80 USD/thùng, từ đó giúp thị trường xăng dầu bình ổn hơn so với năm 2022 và tạo đà cho lợi nhuận của các nhà phân phối xăng dầu như PLX phục hồi mạnh mẽ.

Tháng 4/2023, PLX đã hoàn tất thoái toàn bộ 40% vốn còn lại tại PGBank (PGB), và dự kiến thu về số tiền 2,568 tỷ đồng.

Kế hoạch cổ tức: Trong năm 2023, công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 7% trên vốn điều lệ (700 đồng/cổ phiếu).

Điểm nhấn đầu tư: (1) Sự phục hồi kết quả kinh doanh có thể diễn ra mạnh mẽ trong năm 2023 khi giá các sản phẩm xăng dầu đã bình ổn khi các yếu tố cực đoan ảnh hưởng đến giá dầu thô không còn;

(2) Trong năm 2023, PLX dự kiến có thể ghi nhận khoản doanh thu tài chính lên đến 734 tỷ đồng nhờ hoàn tất thoái vốn 40% cổ phần còn lại ở PGBank;

(3) Trong khi mức tiêu thụ xăng dầu bình quân đầu người của Việt Nam ở mức thấp nhất trong khu vực, thì thị trường ô tô đang phát triển rất nhanh chóng và người dân đã bắt đầu chuyển ra xa các trung tâm đô thị. Xu hướng này được kì vọng sẽ mang đến tiềm năng lớn cho tiêu thụ xăng dầu và thắp sáng triển vọng của PLX trong dài hạn.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 45,100 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức giảm giá tiềm năng là 13%. Định giá này đã bao gồm kế hoạch thoái vốn toàn bộ tại PGBank, dự kiến đem về hơn 700 tỷ đồng doanh thu tài chính cho PLX.

Rủi ro: (1) Sự thay đổi bất lợi trong chính sách điều hành của chính phủ; (2) Rủi ro suy thoái kinh tế tiềm tàng; (3) Giá xăng dầu biến động mạnh do các nhân tố cực đoan tác động đến cung hoặc cầu.

Tin bài liên quan