Giao dịch chứng khoán chiều 11/7: VIC bất ngờ được kéo trong đợt ATC, thị trường hãm đà rơi

Giao dịch chứng khoán chiều 11/7: VIC bất ngờ được kéo trong đợt ATC, thị trường hãm đà rơi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cặp đôi lớn VIC - VHM bất ngờ được kéo lên trong đợt ATC, trong đó VIC được kéo từ mức thấp gần nhất ngày lên tham chiếu, mức cao nhất ngày, giúp VN-Index hãm bớt đà rơi.

Những tin đồn thất thiệt đã khiến thị trường giao dịch khá ảm đạm trong suốt cả phiên sáng đầu tuần ngày 11/7. Trong đó, bên cạnh áp lực bán trên diện rộng, các cổ phiếu nhà Vingroup là gánh nặng chính khiến VN-Index giảm khá mạnh và dao động quanh vùng giá 1.160 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, áp lực bán tiếp tục gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip và lan rộng hơn trên thị trường khiến VN-Index nới rộng hơn biên độ giảm. Thậm chí, diễn biến có phần tiêu cực hơn khi bộ đôi VHM – VIC giảm mạnh về gần mức giá sàn, đã đẩy VN-Index xuyên thủng vùng đáy của năm 2022 mới được tạo lập ngày 6/7.

Chỉ số VN-Index bốc hơi gần 30 điểm, về sát ngưỡng 1.140 điểm trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC. Tại vùng giá này, lực cầu bắt đáy nhập cuộc sôi động đã giúp thị trường bật ngược đi lên và hồi phục hơn 10 điểm, trở về ngưỡng 1.155 điểm. Trong đó, VIC và VHM là một trong những đóng góp lớn khi cặp đôi đã lấy lại được thăng bằng.

Đóng cửa, sàn HOSE có 131 mã tăng và 319 mã giảm, VN-Index giảm 16,02 điểm (-1,37%) xuống 1.155,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 411,8 triệu đơn vị, giá trị 9.061,6 tỷ đồng, tăng 30,82% về khối lượng và 26,3% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 8/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 50 triệu đơn vị, giá trị 1.296,5 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 2 mã giữ được sắc xanh là SSI và PLX, trong đó SSI tăng 1,2% lên 20.650 đồng/CP, PLX tăng 0,4% lên 39.500 đồng/CP.

Sự bật hồi của thị trường có công khá lớn từ bộ đôi lớn VIC – VHM. Sau khi Bộ Công an lên tiếng bác tin đồn người đứng đầu tập đoàn lớn bị cấm xuất cảnh, lực cầu bất ngờ gia tăng ở 2 mã VIC và VHM trong đợt ATC, kéo VIC từ mức thấp gần nhất ngày lên thẳng tham chiếu, cũng là mức cao nhất ngày, trong khi VHM chỉ còn giảm nhẹ, sau cú giảm sâu về sát sàn trước đó. Qua đó, giúp VN-Index hãm đà rơi, lấy lại được ngưỡng 1.155 điểm, dù có lúc đã về dưới 1.145 điểm.

Tuy nhiên, VN-Index không tránh khỏi phiên giảm điểm khi nhóm sức ép từ nhóm ngân hàng còn rất lớn, phần lớn lùi về vùng giá thấp nhất trong ngày. Cụ thể, TCB giảm 5,2% xuống 35.600 đồng/CP, TPB giảm 4,1% xuống 26.000 đồng/CP, VPB giảm 3,8% xuống 27.500 đồng/CP, HDB giảm 3,4% xuống 22.900 đồng/CP, VCB giảm 2,7% xuống 72.000 đồng/CP…

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn đồng pha với thị trường khi phần lớn đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, thậm chí FTS giảm sàn, HCM giảm sát sàn. Tuy nhiên, SSI là điểm sáng đi ngược xu hướng chung thành công khi kết phiên tăng 1,2% lên 20.650 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 26 triệu đơn vị khớp lệnh; trong khi VND giảm 2,7% xuống 17.850 đồng/CP và khớp 19,43 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép cũng chìm trong sắc đỏ, với HPG giảm 1,8%, HSG giảm 2,2%, NKG giảm 1,1%, TLH giảm 2,1%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG vẫn ấn tượng trong sắc tím với khối lượng khớp lệnh lên tới 25,38 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường, cùng lượng dư mua trần gần 0,72 triệu đơn vị. Ngoài ra, một số mã khác như TNI, TSC, VPH, DBC, JVC, DAT cũng đóng cửa tăng kịch trần…

Trên sàn HNX, thị trường bật mạnh về cuối phiên nhưng cũng không hồi phục thành công.

Chốt phiên, sàn HNX có 68 mã tăng và 116 mã giảm, HNX-Index giảm 0,87 điểm (-0,31%) xuống 276,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 56,37 triệu đơn vị, giá trị 1.092,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 2 triệu đơn vị, giá trị hơn 39 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý là IDC có pha tăng tốc mạnh về cuối phiên sau khi nhích nhẹ ở phiên sáng. Đóng cửa, IDC tăng 5% lên mức 54.500 đồng/CP, chỉ đứng sau BCC với mức tăng 5,2%, trong nhóm HNX30.

Bên cạnh đó, HUT vẫn giữ phong độ khi kết phiên tăng 3,5% lên mức 26.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 3,78 triệu đơn vị.

Trong khi đó, một số mã lớn giảm khá mạnh như TNG giảm 4,5%, VCS giảm 3,6%, LAS giảm 2,4%, THD giảm 2,2%...

Nhóm chứng khoán đồng loạt mất điểm, với BVS giảm 4,6%, SHS giảm 2,8%, MBS giảm 2,7%, ART giảm 6,3%, APS giảm 3,7%...

Về thanh khoản, cổ phiếu SHS vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 8,77 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo đó là CEO khớp 6,48 triệu đơn vị và PVS khớp 5,37 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì trạng thái giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,71 điểm (-0,82%) xuống 86,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 26,3 triệu đơn vị, giá trị 467,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,78 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 17 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục nới rộng biên độ giảm khi đóng cửa mất 4,3% xuống mức 22.500 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu, đạt hơn 9,41 triệu đơn vị. Trong khi đó, OIL đứng giá tham chiếu 12.100 đồng/CP và khớp gần 0,8 triệu đơn vị.

Các mã đáng chú ý khác là SBS, C4G, VHG, ABB, VGI, LMH đều khớp hơn 1 triệu đơn vị. Trong đó, SBS giảm 3,4%, ABB giảm 1%; VHG đứng giá tham chiếu; còn C4G tăng 1%, VGI tăng 1,7% và LMH tăng 3,5%.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, trong đó VN30F2207 đáo hạn gần nhất giảm 24,3 điểm (-2,%) xuống 1.200,7 điểm, khớp lệnh đạt hơn 228.670 đơn vị, khối lượng mở gần 43.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm chủ đạo, trong đó, CSTB2212 dẫn đầu thanh khoản đạt gần 1,87 triệu đơn vị, kết phiên giảm 10,9% xuống 490 đồng/CQ.

Tiếp theo đó là CSTB2210 khớp 1,34 triệu đơn vị và kết phiên giảm 13,3% xuống 520 đồng/CQ.

Tin bài liên quan