Giao dịch chứng khoán sáng 11/7: Nhóm Vingroup “ép” thị trường

Giao dịch chứng khoán sáng 11/7: Nhóm Vingroup “ép” thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán trên diện rộng, đặc biệt là sức ép lớn đến từ nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường phiên đầu tuần chìm trong sắc đỏ, đặc biệt là gánh nặng từ họ Vingroup.

Mặc dù thị trường đã “vá đáy” và tìm lại sắc xanh trong những phiên cuối tuần qua, nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn còn yếu khiến thanh khoản tiếp tục suy giảm, điều này phản ánh thị trường thiếu sự ổn định cho một đợt hồi phục dài hơi.

Với xu hướng vận động tiếp tục phân hóa, VDSC dự báo thị trường có khả năng sẽ tiếp tục trạng thái thăm dò cung cầu trong những phiên tiếp theo đó. Vùng cản gần nhất là 1.175 – 1.180 điểm và xa hơn là 1.200 điểm của VN-Index.

Tuy nhiên, những tin đồn thất thiệt trong ngày nghỉ cuối tuần đã phần nào khiến giới đầu tư dự đoán thị trường sẽ có phiên giao dịch đầu tuần không mấy thuận lợi.

Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 11/7, áp lực bán gia tăng mạnh xuất hiện ngay từ đầu phiên khiến VN-Index trả lại gần 1/2 số điểm vừa có được trong 2 phiên cuối tuần trước (ngày 7-8/7) khi để mất hơn 10 điểm và lui về dưới ngưỡng 1.160 điểm.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, lực cầu gia tăng đã giúp VN-Index bật ngược đi lên. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn chỉ nhúc nhắc khiến chỉ số này khó tiến xa, trước khi quay đầu nới rộng biên độ giảm do gánh nặng gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip.

Sau khoảng 80 phút giao dịch, chỉ số VN-Index trở lại giao dịch dưới ngưỡng 1.160 điểm khi sắc đỏ đang chiếm áp đảo, gấp hơn 2 lần số mã giảm. Trong đó, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm VN30 cũng không thoát khỏi xu hướng chung của thị trường.

Đáng chú ý, cặp đôi lớn nhà Vingroup là VIC và VHM đang có mức giảm mạnh nhất trong rổ VN30 và có tác động lớn nhất tới thị trường khi cùng giảm hơn 3,1%.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tạo sức ép lớn khi không có nổi mã nào giao dịch trên mốc tham chiếu. Sắc đỏ đang lan rộng toàn ngành với các mã lớn như VCB, BID, TCB, CTG giảm trên dưới 2%.

Trái với diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu bluechip, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã nóng vẫn giữ lửa như TSC, VPH, JVC, DAT, HAG, DBC vẫn tăng trần; các mã khác TGG, PTC, PTL, VNS… tăng trên dưới 5%... Trong đó, HAG giao dịch sôi động nhất với khối lượng khớp lệnh gần 15,3 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2,1 triệu đơn vị.

Trong bối cảnh dòng tiền tham gia khá yếu, lực bán trên diện rộng vẫn khiến thị trường duy trì đà giảm khá mạnh trong suốt cả phiên sáng, chỉ số VN-Index biến động quanh vùng giá 1.160 điểm.

Chốt phiên, VN-Index giảm 9,04 điểm (-0,77%) xuống 1.162,27 điểm với 163 mã tăng, trong đó có 9 mã trần, trong khi chỉ có 265 mã giảm, trong đó chỉ có 5 mã sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 269,37 triệu đơn vị, giá trị 5.587 tỷ đồng, giảm 6,73% về khối lượng và 11,64% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần ngày 8/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,78 triệu đơn vị, giá trị gần 565 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn giao dịch chủ yếu trong sắc đỏ với mã giảm và chỉ có mã tăng. Chỉ số VN30-Index giảm điểm xuống mức điểm.

Trong đó, VHM tiếp tục tác động mạnh tới thị trường khi nới rộng hơn biên độ giảm. Chốt phiên, VHM giảm 3,3% xuống 59.000 đồng/CP. “Người anh em” cùng họ - VIC và VRE cũng giảm trên dưới 3%.

Ở chiều ngược lại, các mã như GAS, PLX, BVH, VNM đang đi ngược xu hướng chung thành công, nhưng với mức tăng còn khá hạn chế chỉ trên dưới 1%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG dù có thời điểm mất sắc tím nhưng lực cầu mạnh đã giúp cổ phiếu này tìm lại mức giá trần. Chốt phiên sáng, HAG tăng trần lên mức 10.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 20,38 triệu đơn vị khớp lệnh.

Xét về nhóm ngành, với đà giảm khá mạnh của những tên tuổi lớn đầu ngành, nhóm cổ phiếu bất động sản đang thuộc top 3 nhóm ngành giảm mạnh trên thị trường. Ngoài VHM và VIC, các mã khác trong nhóm như NVL, PDR, NLG, KDH, HDG, DXS… cũng giao dịch trong sắc đỏ.

Bên cạnh đó, dòng bank cũng cùng pha thị trường. Ngoại trừ duy nhất OCB giữ được sắc xanh với mức tăng hơn 2%, còn lại đều mất điểm. Cụ thể như TCB giảm 3,1%, STB giảm 2%, MBB và VIB cùng giảm 1,8%, MSB và VCB cùng giảm 1,5%...

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán giao dịch phân hóa. Bên cạnh SSI, TVB, AGR, CTS, APG tăng giá, các mã khác như HCM, BSI, APS, VCI, VIG… giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Trên sàn HNX, sau nhịp hồi nhẹ đầu phiên, thị trường đã rung lắc và đảo chiều giảm.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,06 điểm (-0,38%) xuống 276,74 điểm với 62 mã tăng và 97 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,85 triệu đơn vị, giá trị 569,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 7,56 tỷ đồng.

Các mã lớn mất điểm như NVB giảm 2,9%, BVS giảm 2,6%, TNG giảm 1,9%, THD giảm 1,1%...

Trong khi đó, HUT tiếp tục ấn tượng dù mở cửa rung lắc nhẹ. Chốt phiên sáng, HUT tăng 3,5% lên 26.700 đồng/CP cùng thanh khoản vẫn khá sôi động khi có gần 2,14 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã bất động sản như CEO và IDC chỉ còn tăng nhẹ trên dưới 0,5%, trong đó CEO khớp hơn 4 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau SSH khớp gần 4,3 triệu đơn vị.

Bên cạnh cặp đôi lớn dầu khí là GAS và PLX có được sắc xanh nhạt, trên sàn HNX, cặp PVS và PVC cũng chốt phiên khởi sắc. Trong đó, PVS tăng 1,8% lên 23.100 đồng/CP và khớp hơn 3 triệu đơn vị, còn PVC tăng 0,6% lên 15.700 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm điểm và nới rộng hơn biên độ về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,81 điểm (-0,93%) xuống 86,15 điểm với 97 mã tăng (11 mã trần) và 115 mã giảm (10 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,78 triệu đơn vị, giá trị 272,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,56 triệu đơn vị, giá trị 12,78 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có thanh khoản vượt trội và cũng là cổ phiếu duy nhất có khối lượng giao dịch hàng triệu đơn vị. Chốt phiên, BSR giảm 3% xuống 22.800 đồng/CP và khớp hơn 5,85 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo, C4G và VGI khớp trên dưới 0,9 triệu đơn vị. Chốt phiên, C4G tăng 2% lên 10.200 đồng/CP, trong khi VGI tăng 2,4% lên 29.800 đồng/CP.

Tin bài liên quan