Vượt qua nỗi sợ, giới đầu tư trở lại gom hàng

Vượt qua nỗi sợ, giới đầu tư trở lại gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các thị trường tài chính lớn có thêm một phiên chịu tác động từ triển vọng tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương.

Sau phiên đầu tuần suy giảm, phố Wall đã hồi phục trong phiên ngày thứ Ba (22/3), khi nhóm cổ phiếu phiếu tài chính, công nghệ và các tên tuổi tăng trưởng lớn khác phục hồi sau những đợt giảm mạnh gần đây.

Thị trường vẫn chịu tác động từ phát biểu của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell vào ngày hôm qua, với ám chỉ về việc Fed cần "khẩn trương" tăng lãi suất và có thể tăng cao hơn để kiềm chế lạm phát.

Ngân hàng Goldman Sachs ngay lập tức dự báo khả năng Fed nâng lãi suất thêm 0,5% trong các cuộc họp tháng 5 và 6.

Cổ phiếu tài chính theo đó nằm trong số những nhóm hoạt động tốt nhất khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng lên 2,368%, với chỉ số ngân hàng S&P 500 tăng 2,5%, trong đó, cổ phiếu JPMorgan tăng 2,1% và Bank of America tăng 3,1%.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu công nghệ có ngày khởi sắc với các ông lớn như Apple Microsoft, Amazon, Alphabet và Tesla đều tăng trên dưới 2% đã đóng góp lớn nhất cho cho S&P 500 và Nasdaq.

Đáng chú ý là mức tăng vượt trội của Tesla, vọt 7,9% khi nhà sản xuất ô tô điện giao những chiếc ô tô sản xuất đầu tiên tại Đức cho khách hàng tại nhà máy Gruenheide.

Trong khi đó, dầu khí là nhóm cổ phiếu duy nhất trong các phân ngành của S&P 500 mất điểm, với Chevron giảm 0,33%, Occidental Petroleum mất 2,2%, Marathon Oil sụt 1,6%.

Các nhà đầu tư vẫn theo dõi sát sao cuộc xung đột Ukraine-Nga, với các quan chức Ukraine cho biết thành phố cảng chiến lược phía đông là Mariupol đang bị Nga không kích dữ dội.

Kết thúc phiên 22/3, chỉ số Dow Jones tăng 254,47 điểm (+0,74%), lên 34.807,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 50,43 điểm (+1,13%), lên 4.511,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 270,36 điểm (+1,95%), lên 14.108,82 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, được thúc đẩy bởi đà tăng cổ phiếu các ngân hàng trước triển vọng tăng lãi suất tích cực từ phía ECB, sau những bình luận diều hâu của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn Châu Âu tăng 0,73% lên 458,11 điểm, nhờ đà tăng 2,5% của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Các lĩnh vực có tính chu kỳ khác như bảo hiểm và ô tô cũng nhích lên, lần lượt tăng 2% và 1,6%.

Ông Jerome Powell cho biết hôm thứ Hai rằng, Fed phải "khẩn trương" để tăng lãi suất và có thể "mạnh mẽ hơn" để chống lại lạm phát đang gia tăng.

Danni Hewson, nhà phân tích tài chính tại AJ Bell cho biết: “Cho đến nay, Fed đã tỏ ra khá ôn hòa. Thị trường tiền tệ hiện đang nghiêng về khả năng tăng 50 điểm cơ bản trong đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vào cuối năm nay.

Hồi đầu tháng, ECB cho biết họ sẽ không vội vàng tăng lãi suất, nhưng nhiều nhà hoạch định chính sách bảo thủ đã lập luận rằng việc tăng lãi suất, động thái đầu tiên như vậy trong hơn một thập kỷ, nên vẫn ở trên bàn thảo luận, vì lạm phát không phải là tạm thời như ECB mong đợi.

Kết thúc phiên 22/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 34,33 điểm (+0,46%), lên 7.476,72 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 146,23 điểm (+1,02%), lên 14.473,20 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 77,08 điểm (+1,17%), lên 6.659,41 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng phiên thứ sáu liên tiếp, chuỗi tăng điểm tốt nhất kể từ tháng 9 năm ngoái, khi giá dầu tăng trở lại đã nâng đỡ nhóm cổ phiếu năng lượng, trong khi nhóm tài chính cũng khởi sắc nhờ lợi suất trái phiếu toàn cầu đi lên.

Chứng khoán Trung Quốc giằng co nhẹ quanh tham chiếu, khi các nhà đầu tư thận trọng trước bình luận diều hâu từ Chủ tịch Fed Jerome Powell, trong khi tâm lý thị trường chờ các nhà hoạch định chính sách trong nước thực hiện các biện pháp nới lỏng.

Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt, nhờ hiệu ứng của Alibaba, khi gã khổng lồ thương mại điện tử này lên kế hoạch mua cổ phiếu quỹ.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi các nhà đầu tư bỏ qua những nhận xét diều hâu của Chủ tịch Fed Jerome Powell về điều hành lãi suất.

Kết thúc phiên 22/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 396,68 điểm (+1,48%), lên 27.224,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,81 điểm (+0,19%), lên 3.259,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 667,94 điểm (+3,15%), lên 21.889,28 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 23,95 điểm (+0,89%), lên 2.710,00 điểm.

Giá vàng thế giới ngày thứ Ba giảm khá mạnh và trả lại gần hết mức tăng của phiên đầu tuần.

Thị trường chịu áp lực từ việc Chủ tịch Fed rằng lạm phát của Mỹ đang ở mức quá cao và việc tăng lãi suất cần nhanh hơn để kiểm soát. Điều này khiến lợi suất trái phiếu 10 năm lên gần 2,4%, mức cao nhất trong gần 3 năm qua, gây áp lực lớn cho kim loại quý.

Kết thúc phiên 22/3, giá vàng giao ngay giảm 14,3 USD xuống 1.921,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 5 giảm hơn 1 USD xuống 1.922,9 USD/ounce.

Giá dầu thô cho tín hiệu giảm, sau khi một số thành viên của liên minh châu Âu (EU) dường như có thể không đồng ý tham gia trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Nga.

Kết thúc phiên 22/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,36 USD (-0,32%), xuống 111,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,14 USD (-0,12%), xuống 115,48 USD/thùng.

Tin bài liên quan