VPBank đang tiến sâu vào mảng bảo hiểm với việc mua OPES.

VPBank đang tiến sâu vào mảng bảo hiểm với việc mua OPES.

M&A công ty bảo hiểm lại sôi động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm sắp đón thương vụ M&A mới, với việc VPBank dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu tại Bảo hiểm OPES lên ít nhất 90%.

“Ông lớn” mở rộng hệ sinh thái

Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 29/4 tới, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) sẽ trình cổ đông thông qua phương án gia tăng sở hữu tại Công ty cổ phần Bảo hiểm OPES lên trên 90%. Giá mua cụ thể chưa được chốt nhưng sẽ không quá 1,5 lần giá trị sổ sách.

OPES gia nhập thị trường từ năm 2018, hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng (vốn điều lệ hiện tại là 550 tỷ đồng). VPBank là một trong những cổ đông sáng lập và hiện đang là đối tác của OPES. Ngay từ khi thành lập, OPES đặt mục tiêu phát triển mảng bảo hiểm công nghệ.

Với việc thâu tóm công ty này, VPBank tiếp tục tiến sâu vào phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ bên cạnh mảng bảo hiểm nhân thọ đang hợp tác độc quyền với AIA.

Thực tế cho thấy, doanh thu của OPES lâu nay chủ yếu đến từ hợp tác với VPBank. Báo cáo thường niên cho thấy, năm 2020, OPES thu về 541 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu từ đối tác chiến lược chiếm tới 78%. Kết quả này là do việc nâng cao tỷ lệ thâm nhập của sản phẩm bảo hiểm sức khỏe người vay tín dụng qua đối tác chiến lược trực thuộc hệ sinh thái VPBank.

Trong khi đó, báo cáo thường niên của VPBank cho biết, 2021 là năm thành công của dịch vụ bancassurance. Cho dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 150% so với năm 2020, đạt hơn 800 tỷ đồng.

Cách đây không lâu, Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA đã công bố cổ đông lớn nắm quyền chi phối mới là Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã BCG) thay thế cổ đông lớn Tập đoàn IAG International Pty Limited. Bamboo Capital sau khi mua lại phần vốn góp của tập đoàn này đã nâng tỷ lệ từ 9,64% lên 71%. Tổng số vốn mà BCG nắm tại Bảo hiểm AAA (cùng với BCG Financial- nắm 9,64%) là 80,64%.

Tại đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Nguyễn Đình Ngôn, đại diện Bamboo Capital kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm AAA đã chia sẻ tham vọng của cổ đông lớn với AAA.

Theo đó, phía BCG sẽ bổ sung nhân sự có kinh nghiệm và khả năng trong nhiều lĩnh vực cho AAA để mở rộng mảng kinh doanh sang bảo hiểm tài sản, bảo hiểm công trình xây dựng, dự án của Tập đoàn và đối tác đang triển khai.

“Công ty cũng kết hợp với các ngân hàng thân thiết để mở rộng bancassurance”, ông Ngôn chia sẻ.

Bảo hiểm là lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển và thâu tóm công ty bảo hiểm không chỉ là câu chuyện của hãng bảo hiểm ngoại. Xu hướng mở rộng hệ sinh thái để trở thành các tập đoàn tài chính ngày càng trở nên phổ biến với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, tập đoàn.

Bên cạnh việc phát triển mảng bán bảo hiểm qua ngân hàng, VPBank còn dự kiến đầu tư tối đa 15.000 tỷ đồng vào Chứng khoán VPBank. Hay với BCG, bảo hiểm là miếng ghép mới để tạo thành hệ sinh thái gồm 4 mảng chính là bất động sản, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính, cơ sở hạ tầng.

Nâng đỡ cho các “ông nhỏ”

Tất nhiên, để tiến đến một thương vụ M&A thành công, mong muốn của một phía đi thâu tóm là chưa đủ. Phía doanh nghiệp mục tiêu cũng phải nhìn thấy lợi ích của việc “bán mình”.

Như với trường hợp OPES, việc về một nhà với VPBank được kỳ vọng sẽ giúp công ty bảo hiểm non trẻ này không chỉ thuận lợi hơn trong khai thác hệ sinh thái của tập đoàn mẹ, mà còn cơ hội đầu tư, mở rộng phạm vi hoạt động, mở rộng cơ cấu sản phẩm.

Trong khi đó, với Bảo hiểm AAA, M&A là cơ hội để xóa tình trạng lỗ lũy kế kéo dài và phát huy tiềm năng của doanh nghiệp.

AAA là doanh nghiệp do bà Đỗ Thị Kim Liên (hiện là nhà sáng lập Bảo hiểm Viễn Đông) sáng lập vào năm 2005. Đến năm 2013, bà Liên đã bán toàn bộ 30% cổ phần cho Tập đoàn Insurance

Australian Group (IAG). Với thương vụ này, tỷ lệ sở hữu của IAG tại AAA được nâng lên 60,9%. Sản phẩm chính của Công ty là bảo hiểm xây dựng, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm du lịch… AAA từng có 51 chi nhánh và 100 phòng giao dịch trên phạm vi toàn quốc, nhưng những khó khăn từ đại dịch Covid-19 khiến Công ty phải tạm ngừng hoạt động 13 chi nhánh bảo hiểm trong năm qua.

AAA sẽ phát hành cổ phần mới cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 để tăng vốn, với mức giá tạo đủ thặng dư để xóa khoản lỗ lũy kế 800 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về kế hoạch hoạt động của AAA hậu M&A, đại diện Công ty cho biết, theo kế hoạch, AAA sẽ phát hành cổ phần mới cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 để tăng vốn, với mức giá tạo đủ thặng dư để xóa khoản lỗ lũy kế 800 tỷ đồng. Hiện hồ sơ tăng vốn của AAA đang trình cơ quan chức năng xem xét.

Cũng theo đại diện AAA, trong năm tới, Công ty sẽ tập trung vốn và nguồn lực vào đẩy mạnh số hóa, mở rộng kinh doanh ra tất cả 63 tỉnh, thành phố. Doanh thu dự kiến đạt 500 tỷ đồng vào năm 2022, đạt 1.000 tỷ đồng vào năm 2023 và 2.000 tỷ đồng vào năm 2024. Công ty sẽ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán vào năm 2024.

Theo kế hoạch AAA dự kiến, trong năm 2022, doanh thu đạt 312 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 17 tỷ đồng. Công ty sẽ tạo nền tảng phát triển thêm mảng bảo hiểm nhân thọ, đồng thời mở lại các chi nhánh đã bị tạm ngừng hoạt động trong các năm qua và xây dựng lại hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Tin bài liên quan