Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có phiên kỷ lục

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có phiên kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng hơn 30 điểm; M&A công ty bảo hiểm lại sôi động; Thanh lọc thị trường vốn, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư; Lấy lại niềm tin về trái phiếu doanh nghiệp; Đẩy lãi suất vào "vùng đau đớn" để chống lạm phát, liệu Fed có làm vậy?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 26/4 không đổi so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 69,45 – 70,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên ngày hôm qua tại Mỹ giảm 33,9 USD/ounce xuống 1.898,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần và lên gần 1.905 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,91 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.135 đồng/USD, tăng 7 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.840 – 23.120 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 40.400 USD, thì sang phiên hôm nay đã chững lại và xoay nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,35 USD (-0,36%), xuống 98,19 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,18 USD (-0,18%), xuống 102,14 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index hồi phục hơn 30 điểm

Sau phiên sáng nhận lực cầu bắt đáy mạnh, lực mua đã dâng cao ở nửa sau của phiên chiều, giúp VN-Index tăng vọt hơn 30 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Nếu tính từ mức đáy 1.261 điểm thiết lập trong phiên sáng thì hôm nay VN-Index đã lội ngược dòng tới 80 điểm, mức kỷ lục trong một phiên.

Các cổ phiếu lớn đáng kể có VRE đã tăng kịch trần +6,9%, SAB +6,7%, HDB +4%, GAS +4,3%, MBB +4,4%, POW +4,4%, BVH +5,6%, VPB +6,3%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với đa phần là các mã bất động sản, xây dựng, FLC, ROS, ITA, DIG, HQC, BCG, ASM, HBC, NLG, LDG, AMD, DLG, HAI, JVC, PVD, …đều đã tăng kịch trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 36,62 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 1.018,55 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 26/4: VN-Index tăng 30,42 điểm (+2,32%), lên 1.341,34 điểm; HNX-Index tăng 7,66 điểm (+2,27%), lên 345,17 điểm; UpCoM-Index tăng 1,6 điểm (+1,61%), lên 101,15 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Nhóm cổ phiếu công nghệ phục hồi khi lãi suất giảm, qua đó hỗ trợ các chỉ số chính. Trong đó, Microsoft tăng 2,4%, Alphabet tăng 2,9% và Meta tăng 1,6%...

Cổ phiếu Twitter vọt 5,7% sau khi chấp nhận lời đề nghị của Giám đốc điều hành Tesla, ông Elon Musk để mua lại công ty với giá 54,2 USD/cổ phiếu, định giá nền tảng truyền thông xã hội này ở mức 44 tỷ USD.

Phố Wall đang chuẩn bị đón nhận một tuần bận rộn với hàng loạt báo cáo kết quả kinh doanh, đặc biệt là báo cáo từ các công ty công nghệ lớn.

Khoảng 160 công ty thuộc S&P 500 dự kiến sẽ công bố báo cáo trong tuần này, và tất cả sự chú ý đổ dồn vào kết quả từ các công ty công nghệ vốn hóa lớn, bao gồm Amazon, Apple, Alphabet, Meta Platforms và Microsoft.

Ở chiều ngược lại, lo ngại về suy thoái trên toàn cầu đã khiến giá dầu sụt giảm. Dầu WTI đã giảm 3,5% vào ngày thứ Hai, rớt mốc 100 USD/thùng.

Kết thúc phiên 26/4, chỉ số Dow Jones tăng 238,06 điểm (+0,70%), lên 34.049,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 24,34 điểm (+0,57%), lên 4.296,12 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 165,56 điểm (+1,29%), lên 13.004,85 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, nhờ ảnh hưởng tích cực từ phiên đêm qua trên phố Wall, nhưng lo ngại về tác động của việc phong tỏa nhiều nơi tại Trung Quốc đã hạn chế đà tăng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,41% lên 26.700,11 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,11% lên 1.878,51 điểm.

Tomoichiro Kubota, Nhà phân tích thị trường cấp cao của Matsui Securities, cho biết: “Các nhà đầu tư đã thận trọng về tác động của suy giảm kinh tế Trung Quốc có thể xảy ra đối với các công ty Nhật Bản, vì bây giờ có khả năng Bắc Kinh có thể bị phong tỏa. Thị trường hôm nay tăng nhờ sự tăng giá của Phố Wall và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm”.

Cổ phiếu lớn SoftBank Group đã tạo ra động lực lớn nhất cho chỉ số Nikkei 225, tăng 4,13%, theo sau là nền tảng dịch vụ y tế M3, tăng 5,04%. Hãng sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest tăng 2,28%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm, kéo dài đà đi xuống sau khi chạm mức thấp nhất hai năm trong phiên trước đó, khi các trường hợp nhiễm Covid-19 gia tăng ở Bắc Kinh tiếp tục làm mờ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 1,44% xuống 2.886,43 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,81% xuống 3.784,12 điểm

Ba phần tư trong số 22 triệu người ở Bắc Kinh đã xếp hàng để test Covid-19 vào hôm nay, khi các nhà chức trách ở thủ đô Trung Quốc chạy đua để dập đợt dịch mới bùng phát và hy vọng có thể ngăn chặn tình trạng phong tỏa toàn thành phố.

“Tuần này, sự chú ý của thị trường có thể sẽ chuyển từ Thượng Hải sang Bắc Kinh, vì tình hình Covid-19 ngày càng tồi tệ ở thủ đô của Trung Quốc có thể có ảnh hưởng sâu sắc hơn đến con đường tương lai của chiến lược zero-COVID,” Nomura SE cho biết.

Theo Nomura, có 46 thành phố hiện đang thực hiện phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, chiếm 24,3% dân số và 35,1% GDP của Trung Quốc.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ hồi phục mạnh nâng đỡ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,3% lên 19.934,71 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,94% lên 6.747,42 điểm.

Các gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông tăng 2,9%, trong đó cổ phiếu lớn Alibaba Group và Meituan lần lượt tăng 3,7% và 4,8%.

Ở chiều ngược lại, HSBC Holdings giảm 4,2%, sau khi công bố lợi nhuận quý vừa qua giảm 27%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng trở lại từ mức thấp nhất trong sáu tuần, sau khi Phố Wall tăng điểm qua đêm và dữ liệu GDP trong nước tốt hơn mong đợi.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 11,18 điểm, tương đương 0,42% lên 2.668,31 điểm, sau khi chạm mức thấp nhất trong sáu tuần trong phiên trước đó.

Trong số các cổ phiếu lớn, Samsung Electronics giảm 0,30% và SK Hynix tăng 2,78%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution mất 2,19%.

Các nhà sản xuất ô tô Hyundai Motor và Kia Corp lần lượt tăng 2,75% và 4,9%, nhờ kết quả kinh doanh quý đầu tiên tốt hơn mong đợi.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 26/4 cho biết GDP thực tế của Hàn Quốc quý I năm nay đạt 0,7%. Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã tăng từ 0,3% của quý III lên 1,2% trong quý IV.

Tỷ lệ tăng trưởng GDP quý I năm nay đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu nhập quốc nội (GDI) thực tế tăng 0,6% so với quý trước, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP thực tế do điều kiện thương mại xấu đi.

Kết thúc phiên 26/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 109,33 điểm (+0,41%), lên 26.700,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 42,09 điểm (-1,44%), xuống 2.886,43 điểm. Chỉ số Hang Seng-Index tại Hồng Kông tăng 65,37 điểm (+0,33%), lên 19.934,71 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 11,18 điểm (+0,42%), lên 2.668,31 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- M&A công ty bảo hiểm lại sôi động

Thị trường bảo hiểm sắp đón thương vụ M&A mới, với việc VPBank dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu tại Bảo hiểm OPES lên ít nhất 90%..>> Chi tiết

- Thanh lọc thị trường vốn, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư

Việc mạnh tay xử lý một số sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán thời gian qua nhằm mục đích thanh lọc thị trường vốn, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư và tạo động lực phát triển thị trường chuyên nghiệp, bền vững hơn..>> Chi tiết

- Lấy lại niềm tin về trái phiếu doanh nghiệp

Tán thành việc xử lý sai phạm trên thị trường, song doanh nghiệp mong cần có giải pháp để có thể yên tâm huy động vốn, bởi thị trường vốn là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp..>> Chi tiết

- Đẩy lãi suất vào "vùng đau đớn" để chống lạm phát, liệu Fed có làm vậy?

Ứng phó lạm phát tăng cao liên tục đòi hỏi phải đẩy lãi suất vào "vùng đau đớn", nhưng không phải ngân hàng trung ương nào cũng có đủ can đảm làm vậy, theo đại diện Tập đoàn Man Group..>>Chi tiết

Tin bài liên quan