Giao dịch chứng khoán chiều 30/9: Lực cầu bắt đáy mạnh dạn nhập cuộc, VN-Index có pha "quay xe" ngoạn mục

Giao dịch chứng khoán chiều 30/9: Lực cầu bắt đáy mạnh dạn nhập cuộc, VN-Index có pha "quay xe" ngoạn mục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi VN-Index bị đẩy xuống dưới mốc 1.100 điểm, lực cầu bắt đáy đã mạnh nhạn nhập cuộc, kéo chỉ số bật tăng 32 điểm, đóng cửa với sắc xanh và thanh khoản tăng vọt.

Cùng với áp lực bán tháo diễn ra trên thị trường thế giới, chứng khoán Việt Nam cũng có phiên giao dịch sáng ngày cuối tuần 30/9 đầy u ám. Bên cạnh tâm lý nhà đầu tư vẫn trong trạng thái thận trọng và giao dịch nhỏ giọt, áp lực bán trên diện rộng đã xuất hiện ngay từ khi mở cửa và gia tăng về cuối phiên khiến các các chỉ số đồng loạt giảm sâu.

Bước vào phiên giao dịch chiều, diễn biến thị trường càng trở nên tiêu cực hơn khi các lệnh bán tháo ồ ạt tung ra khiến hàng loạt mã đua nhau nằm sàn. Chỉ trong hơn 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đã bị đẩy xuống dưới mốc 1.100 điểm, được đánh giá là vùng hỗ trợ mạnh của thị trường tại thời điểm hiện tại.

Đúng như đánh giá đây là vùng hỗ trợ mạnh, khi về VN-Index về vùng giá này, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc mạnh mẽ, giúp thị trường có pha quay xe ngoạn mục. Chỉ số VN-Index đã bật hồi khoảng 35 điểm từ vùng đáy trong phiên trước khi thu hẹp đà tăng chút ít trong đợt khớp lệnh ATC và đóng cửa trên mốc 1.130 điểm.

Vượt qua mong đợi của giới đầu tư, thị trường đã có phiên hồi phục cả về điểm số và thanh khoản trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 9, tạm dừng chuỗi giảm điểm mạnh sau 5 phiên liên tiếp trượt dốc.

Không chỉ chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp, lực cầu bắt đáy mạnh dạn cũng giúp thanh khoản thị trường tăng mạnh, vượt ngưỡng 17.000 tỷ đồng, là một trong 3 phiên có mức thanh khoản cao nhất trong tháng 9.

Đóng cửa, sàn HOSE có 192 mã tăng và 264 mã giảm, VN-Index tăng 6,04 điểm (+0,54%) lên 1.132,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 729,67 triệu đơn vị, giá trị 17.135,77 tỷ đồng, tăng mạnh 48,47% về khối lượng và 52,55% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 75,4 triệu đơn vị, giá trị 2.072,8 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip có đóng góp khá lớn cho pha hồi phục của thị trường với hàng loạt mã lớn tăng tốc mạnh trong nửa cuối phiên chiều. Trong đó, dù không giữ được mức giá cao nhất ngày khi tiệm cận giá trần nhưng cổ phiếu GAS vẫn là mã tăng tốt nhất trong nhóm VN30, đạt 4,8% và đóng cửa tại mức 110.000 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác tăng tốt và đóng cửa ở vùng giá cao nhất ngày như FPT tăng 4,5% lên 80.500 đồng/CP, CTG tăng 2,7% lên 28.000 đồng/CP, SSI tăng 2,6% lên 19.800 đồng/CP, VRE tăng 2,9% lên 28.000 đồng/CP, BID và SAB đều tăng 1,2%.

Cổ phiếu lớn VHM dù không tìm được sắc xanh nhưng cũng đã bật mạnh lên sát mốc tham chiếu, đã phần nào giảm gánh nặng cho thị trường. Kết phiên, VHM chỉ giảm 0,2% xuống 50.700 đồng/CP.

Trái lại, MSN lại đảo chiều giảm sau phiên sáng tăng khá tốt. Đóng cửa, MSN giảm 1% xuống mức 99.000 đồng/CP. Tuy nhiên, cổ phiếu PLX là mã giảm sâu nhất trong rổ VN30 khi để mất 4,2% và đóng cửa tại mức 32.900 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu HAG là tâm điểm đáng chú ý của thị trường. Sau phiên sáng lội ngược dòng thành công với sắc xanh nhạt, cổ phiếu HAG đã tăng tốc mạnh ngay khi lực cầu được kích hoạt trên thị trường. Đóng cửa, HAG tăng 6.9% lên mức giá trần 13.250 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 31,42 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã đã có pha quay xe khá ấn tượng khi từ mức giá đỏ với biên độ giảm lớn, thậm chí sát sàn đã được kéo tăng kịch trần trong phiên chiều như BCM, HDC, TEG, JVC, VHC…

Xét về nhóm ngành, cùng diễn biến chung của thị trường, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán cũng đảo chiều ấn tượng, trong đó FTS tăng 6,7% lên sát mức giá trần, CTS và VIX cùng tăng 5,4%, SSI tăng 2,6%, VCI tăng 2,1%, VND hồi nhẹ 0,6%...

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ EIB giảm mạnh về nằm sàn, còn lại đều có diễn biến tích cực hơn. Trong đó, cổ phiếu STB đảo chiều tăng 4,6% lên mức 20.600 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5, đạt 16,47 triệu đơn vị; CTG tăng 2,65%, BID, TPB, MBB tăng hơn 1%...

Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu thủy sản và hóa chất hồi phục mạnh. Trong nhóm thủy sản, cổ phiếu VHC có thời điểm chạm trần và đóng cửa tăng 6,1%, ASM tăng 3,5%, ANV tăng 2,2%...; hay ở nhóm hóa chất, bên cạnh DGC tăng kịch trần, cổ phiếu DCM tăng 4,5%, DPM tăng 4%...

Trên sàn HNX, thị trường cũng hồi phục sắc xanh và đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có 78 mã tăng và 123 mã giảm, HNX-Index tăng 0,84 điểm (+0,34%) lên 250,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 74 triệu đơn vị, giá trị 1.324,13 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 24,74 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, nhiều mã trên sàn HNX cũng tìm về vùng giá đỉnh của ngày. Trong đó, cổ phiếu chứng khoán SHS đảo chiều tăng 1,9% lên mức 10.500 đồng/CP và vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất, đạt 11,49 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã chứng khoán khác cũng khởi sắc như MBS tăng 4,2% lên mức 17.500 đồng/CP, TVC tăng 1,4% lên 7.300 đồng/CP, APS tăng 0,7% lên 13.500 đồng/CP, BVS tăng 1,1% lên 18.900 đồng/CP…

Một số mã đáng chú ý cũng đảo chiều hồi phục tích cực như PVS tăng 3,1% lên 23.200 đồng/CP và khớp 7,19 triệu đơn vị, IDC có được sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,4% và khớp 5,53 triệu đơn vị, HUT tăng 2,3% lên mức 22.000 đồng/CP và khớp 3,43 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu CEO vẫn chưa thoát khỏi đà giảm sâu khi để mất 5,2%, đóng cửa tại mức giá 21.700 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF đảo chiều hồi phục khi từ mức giá sàn được kéo lên mức giá trần 1.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 2,3 triệu đơn vị, thuộc top 10 mã thanh khoản tốt nhất thị trường.

Trên UPCoM, dù không có được sắc xanh nhưng UPCoM cũng thu hẹp đà giảm đáng kể và đóng cửa cao nhất phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,3%), xuống 84,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52 triệu đơn vị, giá trị 549,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,6 triệu đơn vị, giá trị 215,38 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn chưa thể hồi phục do áp lực bán vẫn khá lớn. Đóng cửa, BSR giảm 2,9% xuống 20.100 đồng/CP và khớp hơn 7,4 triệu đơn vị.

Các mã đáng chú ý khác như C4G giảm 4% xuống 12.100 đồng/CP, PAS giảm 3,9% xuống 7.300 đồng/CP, OIL giảm 2,7% xuống 11.000 đồng/CP…

Trái lại, cùng trong xu hướng tăng mạnh của ngành với sự dẫn dắt của mã lớn FPT, cổ phiếu nhóm viễn thông – VGI đã nới rộng đà tăng mạnh trong phiên chiều và đóng cửa tăng 5,2% lên mức 30.500 đồng/CP, khớp lệnh hơn 1,4 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều hồi phục, với VN30F2210 tăng 2 điểm, tương ứng tăng 0,2% lên 1.150 điểm, khớp lệnh hơn 339.530 đơn vị, khối lượng mở hơn 51.940 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này hai mã CKDH2212 và CSTB2211 khớp lệnh cao nhất với 1,91 triệu và 1,38 triệu đơn vị.

Trong đó, CKDH2212 giảm 13% xuống 200 đồng/cq thì CSTB2211 tăng 8,7% lên 250 đồng/cq.

Tin bài liên quan