Nhận định thị trường ngày 24/6: Penny sẽ chịu áp lực giảm nhiều hơn

Nhận định thị trường ngày 24/6: Penny sẽ chịu áp lực giảm nhiều hơn

(ĐTCK) Giai đoạn này, nhóm penny sẽ lại là nhóm chịu áp lực giảm nhiều hơn, trong khi những cổ phiếu cơ bản tiếp tục giao dịch trong biên độ giao động hẹp.

ĐTCK lược trích nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 24/6.

Điều chỉnh và rung lắc nhẹ

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS)

Khối ngoại mặc dù vẫn mua ròng nhưng sức mua không còn mạnh mẽ như tuần trước và không gây ảnh hưởng nhiều đến khớp lệnh trên sàn. Thanh khoản vì thế có sự sụt giảm mạnh và rủi ro thị trường vẫn đang tiềm ẩn từ phía nhà đầu tư nội khi thị trường vừa trải qua tuần giao dịch nhiều biến động và chỉ số vẫn đang tiệm cận gần mức đỉnh ngắn hạn cuối tháng 4/2014.

Ngưỡng kỹ thuật 580 điểm là ngưỡng cản tương đối mạnh, thị trường sẽ cần thêm thời gian và xung lượng tích lũy mới có thể bật qua khỏi vùng này. Kịch bản điều chỉnh và rung lắc nhẹ quanh ngưỡng 560 – 570 khả năng sẽ là xu hướng chính trong phiên tới khi các chỉ báo kỹ thuật đã bắt đầu cho tín hiệu nhiễu động, giằng co mạnh.

Chính vì vậy, giải pháp hợp lý ở thời điểm này là hạ dần tỷ trọng margin ở các mã đầu cơ, chuyển dần cơ cấu sang các mã cơ bản có triển vọng trong quý 2/2014 khi mùa báo cáo đang đến gần. Mức tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục được đề xuất là ở mức 40 – 50%.

Sẽ chỉ rung lắc trong biên độ hẹp

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Dù VN-Index khởi sắc trở lại, dòng tiền suy yếu mạnh mẽ khiến cho sắc đỏ vẫn áp đảo trên cả 2 sàn. Điều này cho thấy tâm lý của nhà đầu tư nội khá thận trọng theo sau các thông tin NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% kể từ ngày 19/06 và Trung Quốc tăng cường các hoạt động bất hợp pháp tại Biển Đông.

Dù vậy, chúng tôi đánh giá các thông tin nói trên đã phần nào phản ánh giá cổ phiếu trong tuần qua nên khả năng điều chỉnh sâu trong những phiên tới là khó xảy ra. Trong ngày 23/4, thị trường đón nhận 2 thông tin vĩ mô quan trọng trái chiều.

Cụ thể, trong khi sản xuất công nghiệp duy trì đà mở rộng thì hoạt động xuất khẩu đang có dấu hiệu suy yếu kéo theo cán cân thương mại đang thâm hụt thêm 200 triệu USD trong tháng 6. Trong bối cảnh thị trường vẫn đang chờ đợi các số liệu tổng thế về bức tranh kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm cùng với KQKD quý II, các chỉ số nhiều khả năng sẽ chỉ rung lắc trong biên độ hẹp. Do đó, các hoạt động mua tích lũy chỉ được cân nhắc thận trọng trở lại trong các nhịp điều chỉnh.

Nhiều khả năng giảm điểm

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Chỉ số VN-Index có phiên hồi phục tốt sau phiên giảm mạnh thứ Sáu tuần trước trong khi chỉ số HNX-index lại tiếp tục giảm nhẹ. Thanh khoản xuống mức thấp trong phiên 23/6 cho thấy tâm lý thận trọng cao của nhà đầu tư khi thị trường không có nhiều thông tin hỗ trợ và tình hình Biển Đông vẫn có ảnh hưởng lớn. Theo nhận định của chúng tôi, thị trường ngày 24/6 nhiều khả năng sẽ giảm điểm.

Chỉ số VN-index có thể tăng đầu phiên tuy nhiên sau đó sẽ quay đầu giảm do áp lực bán tăng lên. Thị trường sẽ cần thêm thời gian tích lũy quanh mốc 565-575 điểm với những phiên tăng giảm đan xen và thanh khoản ở mức trung bình. Những cố phiếu hàng đầu trong ngành, có tiềm năng tăng trưởng lớn với mục tiêu đầu tư trung và dài hạn như PVS, FCN, TCM, PET… sẽ là những lựa chọn phù hợp trong giai đoạn này.

Nhóm penny sẽ chịu áp lực giảm nhiều hơn

CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam  (IVS)

Bệ đỡ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp cho chỉ số VN-Index có một phiên tăng nhẹ. Cho dù khối ngoại vẫn tích cực mua ròng và tạo bệ đỡ cho thị trường nhưng dòng tiền nội ngày 23/6 khá yếu. Có vẻ như sau “game” ETF động lực cho thị trường đang bị chững lại khi thông tin hỗ trợ không có. Mặc dù vậy thì lực cung bán ra cũng không mạnh và có thể thị trường lại quay về trạng thái “ngủ đông” tạm thời. Có lẽ thị trường sẽ lại vận động một cách riêng lẻ, cổ phiếu tăng giảm phụ thuộc vào thông tin của từng cổ phiếu đó.

Giai đoạn này, nhóm penny sẽ lại là nhóm chịu áp lực giảm nhiều hơn, trong khi những cổ phiếu cơ bản tiếp tục giao dịch trong biên độ giao động hẹp. Trong phiên 24/6, thị trường tăng hay giảm sẽ lại phục thuộc vào cổ phiếu lớn, nhưng nếu nhìn về chỉ số, chỉ số HNX-Index, nơi phản ánh chính xác hơn về thị trường chúng tôi nghiêng về khả năng có một phiên giảm nhẹ tiếp theo.

Xu hướng chưa thể chuyển biến

CTCP Chứng Khoán Bảo Việt (BVSC)

Sau phiên 24/6, thị trường vẫn chưa có các tín hiệu xác nhận sự chuyển biến về mặt xu hướng. Nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục được khuyến nghị tạm thời đứng ngoài thị trường và chờ đợi các điểm mua vào khi cả hai chỉ số sụt giảm xuống các mức điểm thấp hơn.

Nhiều khả năng dao động đi ngang trong biên độ hẹp

CTCP Chứng khoán MB (MBS)

Áp lực bán tăng lên tại nhóm các cổ phiếu đầu cơ và midcap trong khi lực mua của nhóm bluechips đẩy giá cổ phiếu tăng nhẹ. Xu hướng dịch chuyển khá rõ ràng khi chỉ số VN30 tăng nhẹ trong khi HN-Index giảm điểm. Tuy nhiên, cả lực mua và bán đều khá thận trọng và không sẵn sàng mua đuổi tại vùng giá cao hoặc bán xuống vùng giá thấp, khiến cho thanh khoản sụt giảm xuống mức thấp và thị trường chung chỉ dao động với biên độ hẹp.

Sau phiên giao dịch khá sôi động cuối tuần trước khi các quỹ ETF kết thúc kì xem xét danh mục, tâm lý thị trường chung quay trở lại thận trọng và chờ đợi thêm thông tin khi kinh tế vĩ mô tiếp tục không có thay đổi đáng kể còn thời gian công bố kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp đang đến gần. Chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm thị trường nhiều khả năng dao động đi ngang trong biên độ hẹp giới hạn bởi các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự nhưng cổ phiếu sẽ phân hóa mạnh mẽ.

Nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có cơ bản tốt và có thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý II. Với diễn biến thị trường dao động ngang như hiện tại, nhà đầu tư có thể áp dụng chiến thuật giao dịch ngắn hạn mua thấp bán cao, đặc biệt tại các vùng hỗ trợ và kháng cự mạnh.

Sẽ tiếp tục có sự phân hóa

CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)

Hoạt động đầu cơ sẽ kém hấp dẫn không chỉ trong phiên 23/6 mà sẽ kéo dài trong cả tuần khi thanh khoản đang có xu hướng giảm dần và dự kiến sẽ không có nhiều chuyển biến. Trong tuần này sẽ xuất hiện nhiều tin vĩ mô khá quan trọng như GDP quý II, chỉ số sản xuất công nghiệp PMI, chỉ số bán lẻ..Những thông tin vĩ mô này sẽ cung cấp cái nhìn toàn diện về tình hình kinh tế hiện tại của Việt Nam 6 tháng đầu năm và những tác động tới hoạt động đầu tư trong thời gian sắp tới.

Thị trường trong các phiên tới dự kiến sẽ tiếp tục có sự phân hóa. Dòng tiền sẽ tiếp tục  duy trì ổn định tại các cổ phiếu có (hoặc có tin đồn) về kết quả kinh doanh tốt trong quý 2. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư giảm hoạt động  mua bán ngắn hạn, tuy nhiên có thể tiến hành giải ngân dần các cổ phiếu dự kiến có KQKD tốt trong quý 2 tại các phiên giảm điểm.

Dòng tiền chưa thật sự mở rộng

CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)

Dưới góc nhìn kỹ thuật, chúng tôi cho rằng xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn là xu hướng tăng. Dù vậy điểm trừ lớn nhất hiện nay của thị trường là yếu tố thanh khoản, với mức thanh khoản yếu ớt như hiện nay khó kỳ vọng sự gia tăng của VN-Index nói riêng và thị trường nói chung sẽ mạnh mẽ như giai đoạn đầu năm 2014.

Với các nhìn nhận như trên, nhà đầu tư duy trì mức tỷ trọng cân bằng trong danh mục (50% cổ phiếu) do xu hướng vẫn nghiêng về tăng nhưng động lực tăng hiện chưa mạnh.

Tin bài liên quan