Giao dịch chứng khoán phiên sáng 26/7: Thị trường tiếp tục phân hóa và giao dịch ảm đạm

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 26/7: Thị trường tiếp tục phân hóa và giao dịch ảm đạm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đang thiếu đi điểm tựa và thực sự "khát" thông tin. Giao dịch chủ yếu dừng lại ở mức cầm chừng và nếu có tín hiệu khởi sắc cũng chỉ xuất hiện riêng lẻ ở một vài cổ phiếu có thông tin riêng.

Trong phiên hôm qua, giao dịch nhìn chung nhàm chán và buồn tẻ với thanh khoản sụt giảm mạnh xuống mức thấp nhất từ ngày 7/7. Chỉ số VN-Index theo đó gần như chỉ loay hoay dưới tham chiếu ngay gần 1.190 điểm cho đến khi đóng cửa.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 26/7, VN-Index bật nhẹ lên trên 1.190 điểm nhờ số mã tăng trong rổ VN30 chiếm ưu thế. Tuy vậy, áp lực phân hóa tiếp diễn nhanh trên bảng điện tử chung và khi một số bluechip yếu đi đã khiến VN-Index quay về quanh tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.

Dòng tiền phân hóa mạnh, và phiên này chạm tới một số cổ phiếu thuộc nhóm xây dựng như HBC, CTD, FCN, HHV, C47, khi có mức tăng từ 2% đến hơn 5%.

Đáng chú ý là cổ phiếu ST8 tiếp tục có thêm một phiên tăng kịch trần từ sớm lên 25.100 đồng, sau thông tin chia cổ tức 85% bằng tiền, thanh khoản tuy chỉ hơn 400.000 đơn vị nhưng cũng đã vượt mức cao nhất trong 6 năm qua, tính từ phiên 24/3/2016.

Trong khi đó, giao dịch tập trung tại một số cổ phiếu như HPG, NKG, VND, HAG, HNG, khi đang có khối lượng giao dịch cao nhất sàn, nhưng cả năm mã này đều giảm từ sớm, dù mức giảm chỉ trên dưới 1%.

Nửa sau của phiên không có thêm điểm mới đáng chú ý nào, giao dịch vẫn khá nhàm chán, bảng điện tử phân hóa với thanh khoản tiếp tục xuống thấp, VN-Index tạm nghỉ trong sắc xanh nhạt.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 169 mã tăng và 243 mã giảm, VN-Index tăng 1,74 điểm (+0,15%), lên 1.190,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 197,3 triệu đơn vị, giá trị 4.329 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,6 triệu đơn vị, giá trị 511,4 tỷ đồng.

Các bluechip gần như biến động không đáng kể về giá, với VCB phiên này là mã tăng tốt nhất cũng chỉ +1,6% lên 74.100 đồng. Duy nhất còn một cổ phiếu khác tăng được hơn 1% là SAB, khi +1,3% lên 167.200 đồng.

Trái lại, các cổ phiếu giảm đều không đến 1% như VHM, MSN, HPG, VJC, PNJ, TPV, VNM, VRE...

Trong đó, HPG phiên này thanh khoản cao nhất sàn, với hơn 12,3 triệu đơn vị. Sáng nay, HPG đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với doanh thu đạt 37.714 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế 4.023 tỷ đồng, giảm 59%, mức lợi nhuận thấp nhất trong 7 quý gần nhất.

Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một bộ phận dòng tiền hướng vào một số cổ phiếu như ST8, TDG, BMC, PTC và VNS, giúp các mã này tăng kịch trần, dù vậy, thanh khoản cao nhất tại ST8 cũng chỉ hơn 0,56 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở những nơi khác, một số cổ phiếu xây dựng, bất động sản có mức tăng khá là C47 +5,7% lên 13.900 đồng, VCG +3,8% lên 21.650 đồng, HTN +3,6% lên 34.600 đồng, HHV +3,1% lên 14.860 đồng, FCN +3% lên 15.600 đồng. Các cổ phiếu SCR, HBC, FIR, CTI, QCG, DXG, VRC tăng từ 2% đến 2,8%.

Cặp đôi ngành phân bón DCM và DPM dắt tay nhau đi lên, cùng tăng 3,2% lên 29.150 đồng và 45.400 đồng.

Ở chiều ngược lại, TGG tiếp tục bị bán mạnh -6% xuống 5.300 đồng, DXS -4,3% xuống 15.700 đồng, CTF -3,1% xuống 22.200 đồng, DBC -3,1% xuống 26.650 đồng, VHC -3,1% xuống 80.500 đồng...

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index bật lên vào đầu phiên, nhưng cũng nhanh chóng yếu đi và về gần tham chiếu sau đó giằng co nhẹ cho đến khi hết giờ giao dịch.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 58 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,1%), lên 285,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,1 triệu đơn vị, giá trị 396 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,46 triệu đơn vị, giá trị 87,4 tỷ đồng.

Phần lớn các cổ phiếu đều biến động nhẹ, với sắc xanh tại tại CEO, PVS, HUT, TNG, IDC, BCG, PVL, trong khi đó, AMV, APS, IDJ, BII, SCG, DVG, TAR, NDN chìm trong sắc đỏ, nhưng mức giảm cũng không sâu.

Trong khi đó, SHS, KLF, ART, PVC, TVC, MBS, MBG đứng giá tham chiếu, với SHS phiên này thanh khoản cao nhất sàn khi khớp 3,91 triệu đơn vị, CEO khớp 1,69 triệu đơn vị, PVS khớp 1,65 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, giao dịch cũng tương đối ảm đạm, UpCoM-Index sau khi chớm đỏ mở cửa đã bật lên, nhưng cũng chỉ với biên độ hẹp và đi ngang cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,14%), lên 88,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,8 triệu đơn vị, giá trị 392,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,5 triệu đơn vị, giá trị 31 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn có giao dịch vượt trội và chiếm gần một nửa thanh khoản toàn UpCoM với hơn 8,74 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu tăng 2,1% lên 24.500 đồng.

Ở các mã khác, ABB, VHG, SBS, TIS, SSH, TVN giảm, trong đó, TIS

-11,8% xuống 7.500 đồng, còn lại chỉ giảm nhẹ.

Các mã C4G, PAS, VTP, VFS, VGI, LMH, G36, AAS nhích nhẹ, trong

khi OIL và BVB đứng tham chiếu.

Tin bài liên quan