Giao dịch chứng khoán chiều 7/10: Dòng tiền bắt đáy gia tăng, cổ phiếu vẫn la liệt giá sàn

Giao dịch chứng khoán chiều 7/10: Dòng tiền bắt đáy gia tăng, cổ phiếu vẫn la liệt giá sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến hàng trăm mã nằm sàn và chỉ số VN-Index tiếp tục có thêm phiên lao dốc mạnh, thậm chí có lúc giảm tới 50 điểm.

Dường như nhà đầu tư đã mất niềm tin vào thị trường và trạng thái bán bằng mọi giá tiếp tục diễn ra trong phiên cuối tuần. Thị trường mở cửa với sắc đỏ bao trùm bảng điện tử và ngày càng tô đậm nét hơn về cuối phiên khiến chỉ số VN-Index xuyên thủng mốc 1.050 điểm – được cho là đáy ngắn hạn và tạm dừng phiên sáng ở vùng giá thấp nhất.

Bước sang phiên giao dịch chiều, trạng thái thị trường chung vẫn tiêu cực. Mặc dù lực cầu bắt đáy có dấu hiệu nhập cuộc tích cực giúp thanh khoản tiếp tục tăng tốt, nhưng áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến số mã nằm sàn không ngừng gia tăng. Chỉ trong chưa đầy 10 phút mở cửa, chỉ số VN-Index đã bốc hơi khoảng 50 điểm và về sát mốc 1.020 điểm.

Mặc dù sau đó VN-Index đã bật hồi nhưng không thể tránh được phiên lao dốc mạnh và đóng cửa ở mốc 1.035 điểm khi có tới 145 mã nằm sàn, gấp gần 3 lần số mã tăng. Như vậy, chỉ trong 1 tháng, chỉ số này đã bay gần 210 điểm, tương ứng mất 16,67%.

Đáy thị trường ở đâu? Câu hỏi này đã không còn quan trọng đối với nhà đầu tư khi chỉ số VN-Index liên tục xuyên qua các vùng hỗ trợ. Nhưng với diễn biến dòng tiền có dấu hiệu nhập cuộc gia tăng mạnh trong phiên hôm nay, thị trường có thể sớm kỳ vọng thị trường sẽ sớm lấy lại cân bằng, nhất là khi các thông tin có tính đồn đoán rõ ràng hơn.

Đóng cửa, sàn HOSE có 52 mã tăng và 440 mã giảm (145 mã giảm sàn), VN-Index giảm 38,61 điểm (-3,59%), xuống 1.035,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 877,31 triệu đơn vị, giá trị 16,976,7 tỷ đồng, tăng 60,74% về khối lượng và 52,73% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 88,64 triệu đơn vị, giá trị 2.762,51 tỷ đồng.

Mặc dù trong nhóm VN30 có 4 mã đã đi ngược thị trường thành công là VJC, SAB, VHM và VIC với mức tăng trên dưới 0,5%, nhưng chỉ là “muối bỏ bể” trong bối cảnh phần lớn các cổ phiếu khác giảm sâu.

Cụ thể, trong 26 mã giảm điểm của rổ này, có tới 8 mã nằm sàn gồm TCB, VPB, MWG, STB, TPB, CTG, GVR, POW. Ngoài ra, ACB, MBB, MSN có mức giảm hơn 6%...

Trong đó, lực cầu bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp MBB thoát nằm sàn và đóng cửa đứng tại mức giá 16.950 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 41,17 triệu đơn vị.

Đáng chú ý là HPG. Bên cạnh cầu nội gia tăng, khối ngoại cũng đã trở lại trạng thái mua ròng mạnh sau chuỗi ngày xả bán, giúp cổ phiếu HPG thu hẹp đà giảm đáng kể. Chốt phiên, HPG chỉ giảm 2,2%, đứng ở mức 17.600 đồng/CP và khớp lệnh tới gần 36,5 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm ngân hàng và chứng khoán tiếp tục gia tăng sức ép với hàng loạt mã đóng cửa trong sắc xanh mắt mèo. Bên cạnh những mã trong nhóm VN30, nhiều cổ phiếu khác trong ngành này như MSB, LPB; hay VND, HCM, FTS, VIX, VDS, BSI, AGR, CTS… đều đứng tại mức giá sàn.

Tuy nhiên, vẫn có mã đơn lẻ trong nhóm cổ phiếu này ngược dòng thành công. Trong đó, điểm sáng vẫn thuộc về EIB. Nếu trong phiên sáng nay, những tưởng EIB cũng như nhiều mã khác trong ngành đã giảm mạnh, thậm chí về mức giá sàn; thì sang phiên chiều, lực cầu bắt đáy gia tăng đã giúp cổ phiếu này giữ được nhịp tăng nhẹ sau 2 phiên tăng trần hoặc sát trần trước đó.

Chốt phiên hôm nay, EIB tăng 0,68% lên 37.200 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, lên tới 7,45 triệu đơn vị, tiếp tục bỏ xa phiên khớp lệnh khủng ngày hôm qua 6/10 (đạt 6,9 triệu đơn vị).

Trong bối cảnh các nhóm ngành lớn bé từ ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đến thủy sản, phân bón, bán lẻ… la liệt cổ phiếu nằm sàn, thì dầu khí là nhóm cổ phiếu ngược dòng thành công. Trong đó, PVD đóng cửa tăng 2% lên mức 20.000 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 15 mã dẫn đầu khi khối lượng khớp lệnh đạt 15,27 triệu đơn vị.

Ngoài ra, PVS tăng 2,7% lên 22.800 đồng/CP với thanh khoản vọt tăng, đạt 10,58 triệu đơn vị, PVC tăng 4,2% lên 17.400 đồng/CP và khớp hơn 3 triệu đơn vị, PVB tăng 6,1% lên mức cao nhất ngày 17.500 đồng/CP và khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Trên HNX, thị trường vẫn trong trạng thái giảm mạnh cùng thanh khoản cải thiện.

Đóng cửa, sàn HNX có 31 mã tăng và 184 mã giảm (46 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 9,04 điểm (-3,84%), xuống 226,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 83,77 triệu đơn vị, giá trị 1.285,63 tỷ đồng, tăng 65% về lượng và 38,33% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,75 triệu đơn vị, giá trị 22,5 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, ngoài bộ đôi nhóm P khởi sắc, có 2 mã là DDG và VC3 đã lấy lại được mốc tham chiếu, còn lại hầu hết đều giảm mạnh.

Cụ thể, TAR giảm sàn, L14 giảm sát sàn khi mất 9,8%, đáng chú ý là CEO giảm 8,3% xuống mức 16.500 đồng/CP, HUT giảm 7% xuống 20.000 đồng/CP, IDC giảm 6,7% xuống 43.200 đồng/CP, NVB thoát nằm sàn nhưng vẫn giảm tới 61% xuống 16.900 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán đà giảm vẫn khá sâu, với MBS giảm 5,6%, TVC giảm 4,7%, BVS giảm 4,4%, SHS giảm 3,4%, APS giảm sàn... Trong đó, SHS tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với 12,65 triệu đơn vị khớp lệnh.

Cũng như sàn HOSE, số mã giảm sàn trên HNX cũng vượt xa số mã tăng, tương ứng 46/31. Trong đó, nhiều mã vừa và nhỏ như KLF, AMV, IDJ, BII, S99, MBG, SRA, VKC…

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm sâu.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 2,43 điểm (-2,95%), xuống 79,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,81 triệu đơn vị, giá trị 514,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,94 triệu đơn vị, giá trị 40,42 tỷ đồng.

Top 5 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường đều trong trạng thái giảm khá mạnh.

Trong đó BSR giảm 4,5% xuống 19.300 đồng/CP và khớp 7,88 triệu đơn vị; PVX giảm sàn xuống mức 3.200 đồng/CP và khớp 3,79 triệu đơn vị, ABB giảm 10,5% xuống mức thấp nhất ngày 8.500 đồng/CP và khớp 2,95 triệu đơn vị; HVG giảm sàn và khớp 1,99 triệu đơn vị, SBS giảm 12,5% xuống sát sàn 6.300 đồng/CP và khớp 1,68 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã đáng chú ý khác cũng trong trạng thái lao dốc như C4G giảm 11,1%, PAS giảm 10,6%, OIL giảm 5,7%, VGT giảm 6,1%, VGI giảm 11,3%...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó, VN30F2210 giảm tới 47,8 điểm, tương đương -4,4% xuống 1.032,2 điểm, khớp lệnh tới gần 445.510 đơn vị, khối lượng mở hơn 51.370 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ phủ gần như kín bảng. Khối lượng giao dịch phiên này CMBB2204 vượt trội với 8,79 triệu đơn vị, nhưng mã này đóng cửa giảm sàn về mức 10 đồng/cq.

Tiếp theo là CMSN2204 khớp gần 4,77 triệu đơn vị và đóng cửa cũng nằm sàn khi giảm 75% xuống mức 10 đồng/CQ.

Tin bài liên quan