Thị trường tài chính 24h: Nếu không có biện pháp hỗ trợ, thì áp lực bán giải chấp sẽ còn kéo dài

Thị trường tài chính 24h: Nếu không có biện pháp hỗ trợ, thì áp lực bán giải chấp sẽ còn kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm hơn 13 điểm; Lãi suất tăng, CASA của ngân hàng giảm; Nút thắt thanh khoản; Đợi sẵn để nhảy vào thị trường; Hoang mang bắt đáy; Loạt chính sách mới giúp giải cứu thị trường bất động sản Trung Quốc…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 14/11 giảm 200.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,50 – 67,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần trước tại Mỹ tăng 15,6 USD lên mức 1.771,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về 1.760 USD/ounce và giằng co nhẹ cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,93 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 14/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.678 đồng/USD, giảm 5 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.605 – 24.855 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng giảm về 16.300 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục giảm và khi về gần 15.800 USD, đồng tiền này đã có nhịp tăng mạnh lên trên 16.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,43 USD (-0,48%), xuống 88,53 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,63 USD (-0,66%), xuống 95,36 USD/thùng.

VN-Index giảm về gần 940 điểm

Áp lực bán đã xuất hiện rất mạnh ngay khi mở cửa phiên sáng khiến VN-Index có thời điểm giảm hơn 30 điểm, dù sau đó, sự sắc của một số mã bluechip đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm và về trên 940 điểm khi đóng cửa, nhưng trạng thái thị trường vẫn khá tiêu cực khi áp lực bán tháo khá lớn khiến số mã giảm mạnh trên bảng điện tử, trong đó nằm sàn chiếm tỷ trọng khá lớn với 135 mã tính riêng trên HOSE.

Và với sức ép lớn từ việc nhiều cổ phiếu giảm sàn dẫn đến áp lực giải chấp chéo danh mục sẽ tiếp tục diễn ra và tác động tiêu cực đến thị trường, đẩy nhiều cổ phiếu nằm sàn, theo ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS), nếu không có biện pháp hỗ trợ thị trường, thì áp lực bán giải chấp sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 109,53 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 1.781,51 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 14/11: VN-Index giảm 13,49 điểm (-1,41%), xuống 941,04 điểm; HNX-Index giảm 6,36 điểm (-3,35%), xuống 183,45 điểm; UPCoM-Index giảm 1,82 điểm (-2,65%), xuống 66,81 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục nhích trong phiên thứ Sáu (11/11), nhờ dữ liệu CPI vào phiên trước đó dấy lên hy vọng rằng Fed sẽ sớm giảm tốc chiến dịch thắt chặt tiền tệ.

Giá cổ phiếu tăng mạnh giữa lúc giá tiền ảo giảm trở lại trong phiên ngày thứ Sáu. Thị trường tiền kỹ thuật số đã tụt dốc từ đầu tuần và tiếp tục chịu áp lực trong phiên này, sau khi sàn giao dịch FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản và nhà sáng lập của FTX là Sam Bankman-Fried từ chức CEO.

Trong tuần, Dow Jones tăng 4,1% trong tuần, S&P 500 tăng 5,9% còn Nasdaq Composite tăng 8,1%.

Kết thúc phiên 10/11, chỉ số Dow Jones tăng 32,49 điểm (+0,1%), lên 33.747,86 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 36,56 điểm (+0,92%), lên 3.992,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 209,18 điểm (+1,88%), lên 11.323,33 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư chốt lời và cổ phiếu lớn SoftBank Group sụt giảm sau khi quỹ Vision Fund của họ báo cáo một khoản lỗ lớn trong quý vừa qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,06% xuống 27.963,47 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,05% xuống 1.956,90 điểm.

Cổ phiếu SoftBank Group đã giảm tới 12,73%, mức giảm mạnh nhất trong hơn hai năm rưỡi, sau khi Vision Fund báo lỗ trong quý thứ ba liên tiếp.

“Triển vọng cho các công ty CNTT đang mờ nhạt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại. Sự tăng trưởng của SoftBank Group đã bị thu hẹp do có lo ngại rằng, giá trị của các công ty trong danh mục đầu tư của họ có thể không tăng trưởng trong môi trường này”, Shigetoshi Kamada, tổng giám đốc tại bộ phận nghiên cứu của Tachibana Securities cho biết.

SoftBank Group là tác nhân gây ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số Nikkei 225, theo sau là Olympus, giảm 10,81% sau khi nhà sản xuất thiết bị y tế cắt giảm dự báo lợi nhuận trong năm nay.

Đi ngược xu hướng, Toto tăng 6,03% để trở thành công ty tăng giá hàng đầu trên Nikkei 225, trong khi nhà sản xuất mỹ phẩm Shiseido tăng 5,23%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi số lượng các ca nhiễm Covid-19 gia tăng đã lấn át tâm lý tích cực, khi nước này công bố loạt biện pháp vực dậy ngành bất động sản.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,13% xuống 3.083,40 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,2% lên 3.794,02 điểm.

Hai nguồn tin nói với Reuters rằng một thông báo gửi tới các tổ chức tài chính từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) đã nêu ra 16 bước để hỗ trợ ngành, bao gồm cả việc gia hạn các khoản vay.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhờ đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu bất động sản Đại lục.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,7% lên 17.169,71 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterpises tăng 1,92% lên 5.979,80 điểm.

Cổ phiếu bất động sản đại lục niêm yết tại Hồng Kông là ngôi sao với mức tăng 14%. Trong đó, các nhà phát triển bất động sản hàng đầu Country Garden và Longfor Group đã tăng lần lượt là 46% và 16%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do đồng USD ổn định và các nhà đầu tư chốt lời sau khi chỉ số này chạm mức cao nhất gần ba tháng trong phiên trước đó.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 8,51 điểm, tương đương 0,34% xuống 2.474,65 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, công ty công nghệ khổng lồ Samsung Electronics giảm 1,59%, SK Hynix mất 2,78% và nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 3,21%.

Các nhà sản xuất ô tô nhích lên và chặn đà giảm sâu hơn của thị trường, với Hyundai Motor và Kia Corp lần lượt tăng 2,33% và 2,79%.

Kết thúc phiên 14/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 300,10 điểm (-1,06%), xuống 27.963,47 điểm, Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,89 điểm (-0,13%), xuống 3.083,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 294,05 điểm (+1,70%), lên 17.619,71 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 8,51 điểm (-0,34%), xuống 2.474,65 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lãi suất tăng, CASA của ngân hàng giảm

Trong bối cảnh các kênh đầu tư gặp khó khăn, người dân có xu hướng chuyển sang gửi tiết kiệm có kỳ hạn trung và dài hạn để hưởng lãi suất tốt. Cuộc đua thu hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng vì thế càng thêm nóng..>> Chi tiết

- Nút thắt thanh khoản

Cuối tuần qua, nhiều nhà đầu tư gửi nhau bản tin về Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 với kỳ vọng vào những diễn biến mới cho các nút thắt thị trường hiện nay..>> Chi tiết

- Đợi sẵn để nhảy vào thị trường

Khối ngoại có một phiên giải ngân gây sốc, với tổng giá trị 3.277 tỷ đồng riêng ở HoSE ngày 11/11. Giá trị mua ròng lên tới 2.479 tỷ đồng, trong đó riêng cổ phiếu VN30 được mua ròng gần 1.654 tỷ đồng... Tỷ trọng mua chiếm 30% thanh khoản ở sàn HoSE là chưa từng có với khối này..>> Chi tiết

- Hoang mang bắt đáy

Giữa tháng 10, VN-Index tưởng chừng sẽ ổn định khi lùi về gần 1.000 điểm, nhưng rồi đến nay có thêm 2 đáy mới đã trở thành ngưỡng kháng cự. Thị trường tiếp tục lao dốc, không ít mã cổ phiếu giảm giá rất sâu, khiến nhiều nhà đầu tư bắt đáy hoặc mua bình quân giá hoang mang..>> Chi tiết

- Loạt chính sách mới giúp giải cứu thị trường bất động sản Trung Quốc

Mới đây, Trung Quốc đã ban hành các chính sách nhằm giải cứu thị trường bất động sản, đồng thời điều chỉnh các chính sách chống dịch Covid 19. Đây là những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang hướng trọng tâm sang việc thúc đẩy phát triển kinh tế..>> Chi tiết

Tin bài liên quan